Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

MỘT NHÂN CÁCH - MỘT TẤM LÒNG
09:52 | 07/01/2022

 Thấm thoát đã 25 năm trôi qua kể từ ngày tôi bước chân vào “ngôi làng” Văn nghệ… Đó là một ngày đầu xuân ấm áp, bố đưa tôi đến gặp nhà văn Phan Thư, khi đó là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Bác Thư cũng chính là thầy giáo chủ nhiệm của bố tôi, khi bác còn công tác tại Phú Thọ. Những năm tháng sau này, tôi không chỉ cảm nhận rất rõ ở bác toát lên nhân cách của một người lãnh đạo giản dị, liêm khiết, mà còn học được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống và công tác.

Nhà văn Phan Thư

Trong ký ức của tôi, hình ảnh người thủ trưởng đầu tiên là một người đàn ông trung niên với khuôn mặt và nụ nười hiền hậu, giọng nói trầm ấm, dễ mến. Tôi - một cô bé vừa tròn 19 tuổi, chân ướt, chân ráo ra trường, về nhận công tác tại một cơ quan nhà nước quả là điều vô cùng mới mẻ, lạ lẫm. Cảm nhận của tôi hồi đó khi được làm việc cùng với các nhà văn thật vinh dự nhưng cũng nhiều điều lo lắng. Tôi còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm công tác, chưa định hình được công việc mình sẽ phải làm như thế nào, mà các nhà văn luôn kỹ tính và cẩn thận, tôi lo lắng mình sẽ không đảm trách được nhiệm vụ cao cả để phục vụ các nhà văn. Thời gian đầu còn bỡ ngỡ với công việc nhưng tôi luôn được bác Phan Thư quan tâm, chỉ bảo tận tình. Tôi dần quen với công việc và không còn cảm giác lo lắng, rụt rè khi làm việc trong môi trường công sở.

Còn nhớ những ngày tháng khó khăn khi tỉnh Bắc Ninh vừa tái lập, cơ quan Văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh biên chế chỉ có 4 cán bộ. Mặc dù cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí hạn hẹp nhưng bác Phan Thư, Chủ tịch Hội và bác Trần Anh Trang, Phó Chủ tịch Hội cùng đội ngũ Văn nghệ sỹ đã đồng lòng, quyết tâm xây dựng đề án, kế hoạch và dồn tâm huyết, công sức để Tạp chí Người Kinh Bắc số đầu tiên kịp phát hành ra mắt bạn đọc. Những ngày đầu Hội mới thành lập, Văn phòng Hội được tỉnh bố trí khiêm tốn 2 phòng, ở nhờ tại trụ sở UBND phường Đại Phúc và một không gian nho nhỏ tại thư viện thị xã Bắc Ninh nằm trên đường Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá. Một phòng nhỏ trên tầng 2 tại UBND phường Đại Phúc được bố trí cho 2 đồng chí lãnh đạo Hội, phòng còn lại ở tầng 1 bố trí cho đồng chí Phồn lái xe vừa làm việc vừa nghỉ ngơi. Còn tôi được bác Phan Thư phân công phụ trách không gian nhỏ bé xinh xắn tại thư viện thị xã với một bàn làm việc nho nhỏ và một chiếc tủ sách. Hàng ngày tôi được làm việc trong môi trường yên tĩnh, rất yên bình với một không gian tri thức vây quanh… Một tuần tôi đạp xe xuống cơ quan Văn phòng Hội tại UBND xã Đại Phúc 3 lần để báo cáo bác về công việc, đồng thời nhận nhiệm vụ mới bác giao. Khi có công việc đột xuất, bác sẽ gọi điện thoại (máy bàn) chỉ đạo trực tiếp. Thi thoảng, hai bác lại ghé thăm không gian bé xinh nơi tôi làm việc tại thư viện thị xã. Bác cười vui nói: “Hôm nay 2 nhà văn lên tỉnh thăm cán bộ…”. Bác luôn mang dáng vẻ ung dung, với nụ cười hiền từ và phúc hậu. Ở bác, tôi luôn cảm nhận được sự ân cần, sự quan tâm động viên chân thành như những bậc cha chú trong nhà.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội,  công tác trong ngành giáo dục một thời gian dài, bác từng dạy học ở Phú Thọ, Long An, Hà Bắc. Năm 1988, bác được điều chuyển sang công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Bắc. Tháng 01/1997, khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập, tổ chức phân công bác giữ chức vụ Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Bác luôn sống với một phong thái điềm đạm và tinh tế. 

Thực tế cuộc sống luôn là mảnh đất màu mỡ, phì nhiêu giúp cho người nghệ sỹ phát hiện ra những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người và đưa nhân vật vào các tác phẩm để ngợi ca. Thật vậy, các tác phẩm của nhà văn Phan Thư trong tập truyện ngắn Ánh trăng kỳ diệu tập trung vào hai đề tài chính là cuộc sống, con người thời hậu chiến và nhà trường với sự nghiệp giáo dục. Nội dung các tác phẩm toát lên vẻ đẹp của tâm hồn, tính cách con người và những suy ngẫm về cuộc sống, nổi bật là tính giáo dục. Đó là trách nhiệm của người thầy trong việc truyền thụ kiến thức cơ bản cho học sinh; nhà trường và xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho học trò để trở thành người công dân tốt, nhà giáo ưu tú cống hiến cho sự nghiệp trồng người, người chiến sỹ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như các truyện ngắn: Chuyện từ một câu tục ngữ, Thầy chủ nhiệm, Người chơi đàn vĩ cầm…

Văn chương của nhà văn Phan Thư chứa đựng cốt cách văn hóa và tình yêu con người. Những truyện ngắn Tha lỗi cho em, Tiếng gọi kỷ niệm, Khoảng cách thời gian, Người lính và đứa con trai… người đọc nhận thấy cảm hứng nghệ thuật đều xuất phát từ hiện thực cuộc sống, gắn liền với cuộc sống. Các nhân vật trong từng tác phẩm đã tái hiện cuộc đời, số phận của từng con người ở những vùng đất nhà văn đã sống, đã gặp qua góc nhìn chọn lọc và tích lũy kiến thức về cuộc sống. Ánh trăng kỳ diệu lung linh nhân cách của nhà văn Phan Thư - vị lãnh đạo đầu tiên của tôi trong quá trình công tác.

Nhà văn Phan Thư (đứng ngoài cùng bên trái) cùng Văn nghệ sỹ Bắc Ninh

tại Đại hội Hội VHNT tỉnh lần thứ I,nhiệm kỳ 1999 - 2004. Ảnh: Kim Phúc

Là một vị Chủ tịch Hội luôn quan tâm đến cuộc sống của cán bộ, nhân viên và hội viên, là người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Văn học Nghệ thuật của tỉnh Bắc Ninh, nhà văn Phan Thư để lại nhiều tình cảm cho mỗi cán bộ và hội viên. Trong công tác quản lý, bác là người rất nghiêm khắc nhưng không cứng nhắc, giáo điều. Thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất tế nhị khi góp ý, phê bình. Vì vậy bác luôn được cán bộ, hội viên rất yêu mến, tin tưởng và nể trọng. Những ngày đầu sơ khai, lực lượng Văn nghệ sỹ mới được tách từ tỉnh Hà Bắc chuyển về sinh hoạt tại Bắc Ninh không nhiều nên bác rất quan tâm tới công tác đào tạo bồi dưỡng, và tìm kiếm nguồn phát triển hội viên mới. Bác rất tích cực, chủ động đi tìm, phát hiện, có ai giới thiệu nguồn hội viên tiềm năng là bác không quản ngại đường xa, xuống từng địa phương trực tiếp gặp gỡ, trao đổi động viên Văn nghệ sỹ nhiệt tình tham gia sinh hoạt Hội. Đó chính là tình yêu và trách nhiệm của bác đối với nền Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh, là động lực để Văn nghệ sỹ say mê sáng tác và thêm yêu mến Hội VHNT tỉnh - ngôi nhà chung của anh chị em Văn nghệ sỹ. Lớp hội viên từ thời đó vẫn nhắc đến nhà văn Phan Thư với thái độ trìu mến và kính trọng. Bác xứng đáng được khẳng định công lao, được Văn nghệ sỹ Bắc Ninh ghi nhớ và biết ơn.

Một kỷ niệm riêng đáng nhớ là ngày 1/3/1999, tôi bị mất chiếc xe Honda Dream mà bố mới mua cho tôi được 2 tháng, ngay tại trụ sở UBND xã Đại Phúc. Cuối giờ làm buổi trưa, khi xuống sân để ra về, chiếc xe của tôi đã không cánh mà bay. Tôi hốt hoảng chạy lên phòng bác để báo cáo và khóc nức nở. Bác đã khuyên tôi bình tĩnh và đừng lo lắng quá. Sau đó bác báo ngay cho công an phường Đại Phúc đồng thời gọi điện thoại báo tin về cho gia đình tôi. Những ngày sau đó bác luôn trò chuyện động viên tôi an tâm chờ phía công an điều tra... Thời gian đó bác thường xuyên gọi điện thoại cho gia đình tôi và khuyên bố mẹ tôi đừng trách mắng, gây áp lực tâm lý vì sợ tôi nghĩ quẩn. Chiếc xe đó mãi mãi không tìm thấy nhưng mỗi khi nhớ lại sự việc, tôi luôn thầm cảm ơn bác, cảm ơn người thủ trưởng đức độ đã giúp tôi vượt qua sự khủng hoảng tinh thần, vượt qua những ngày tháng khó khăn để tiếp tục hành trình tiến về phía trước…

Nhà văn Phan Thư (đứng ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Chi hội Nhiếp ảnh

tại UBND phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Kim Phúc

Đầu năm 2003 bác được nghỉ chế độ trước 10 tháng do điều kiện sức khỏe không được tốt, bác theo gia đình về sinh sống tại Hà Nội để vợ con có điều kiện chăm sóc. Cơ quan Văn phòng Hội và hội viên cũng vì thế mà không được gặp bác thường xuyên, nhưng bác vẫn luôn điện thoại thăm hỏi, động viên mọi người tích cực làm việc và cống hiến cho văn nghệ Bắc Ninh. Mỗi lần cơ quan sang Hà Nội thăm bác và gia đình, được gặp lại cán bộ, nhân viên của mình bác rất xúc động, nghẹn ngào. Bác hỏi thăm từng người về công việc, về gia đình và chia sẻ những khó khăn chung của Hội cũng như nỗi vất vả của từng cán bộ trong cơ quan. Trước khi tạm biệt bác luôn dặn dò tôi: “Huyền hãy cố gắng nhé cháu! Về cho bác gửi lời hỏi thăm sức khỏe bố mẹ và em Tuấn”. Lòng tôi trào lên cảm xúc rưng rưng khó tả vì tấm lòng của một vị thủ trưởng mẫu mực, một vị Chủ tịch Hội ân cần, một nhà văn giàu lòng nhân ái.

Đối với tôi, trên bước đường phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành trong “làng” Văn nghệ, tôi thực sự cảm thấy thật may mắn vì đã có những tháng ngày được phục vụ một vị thủ trưởng có phong cách gần gũi và luôn có tấm lòng nhân hậu như nhà văn Phan Thư. Năm 2022, tròn 10 năm bác đã đi xa… nhưng những ký ức về bác sẽ luôn khích lệ và tạo động lực cho tôi có thêm năng lượng tích cực để làm việc và sáng tạo, không ngừng học tập, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, xây dựng Tạp chí Người Kinh Bắc ngày càng phát triển. Những người đã gắn bó với Văn học Nghệ thuật từ những buổi đầu sơ khai sẽ luôn nhớ đến nhà văn Phan Thư - người đã khơi nguồn nước trong vắt, đã vun trồng nên cây sum suê trái ngọt, người đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây nền móng vững chắc cho ngôi nhà Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh luôn rực rỡ ánh đèn, lung linh bản sắc./.

                                                                                                                                                                                                                        THANH HUYỀN