Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

LẤP LÁNH DÒNG SÔNG NGHIÊNG
09:04 | 17/01/2022

Dòng sông nghiêng lấp lánh chắc chắn là dòng sông Đuống. Thi sĩ Hoàng Cầm đã viết:

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ…

Quả là khó tin. Dòng sông trôi đi lấp lánh thì có thể, chứ dòng sông mà nghiêng nghiêng thì nước chảy tràn bờ? Thế nhưng thi sĩ tài hoa quê sát bờ sông Đuống đã viết thế thì hẳn là có lý. Chả thế mà cuối năm 1954 Giáo sư Phan Ngọc đã phải bỏ ra cả một ngày, đạp xe dọc bờ đê hữu ngạn và ông không những thừa nhận mà còn khẳng định “Sông Đuống nằm nghiêng nghiêng thật”. Những người Việt xa xứ trở về, khi máy bay chưa hạ cánh xuống Nội Bài, nhìn qua ô cửa tròn, thấy một dòng sông mảnh như sợi chỉ, loằn ngoằn giữa xanh biếc bạt ngàn, lập tức nhận ra ngay đó là sông Đuống bởi họ nhìn từ góc độ nào cũng thấy dòng sông ấy nghiêng nghiêng…

Có người bảo đấy là cái nhìn của những người có nhiều xáo trộn trong tâm tưởng.

Có đúng thế không? Xin được điểm lại từ xuất xứ bài thơ:

Tháng 4 năm 1948, chiến khu Việt Bắc đang chìm vào đợt rét nàng Bân cuối vụ. Văn nghệ sỹ trong Tòa soạn báo Quân Việt Bắc (do nhà văn Nguyên Hồng chủ biên) đang ôm nhau ngủ thì thi sĩ Hoàng Cầm được ông Lê Quảng Ba - Chỉ huy trưởng chiến khu 12 mời về Sở chỉ huy nghe ông Vương Văn Trà - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Thiên Đức, người cùng làng với thi sĩ, báo cáo tình hình chiến sự vùng Kinh Bắc. Khi biết bên kia sông Đuống đã bị quân Pháp chiếm đóng, đã phải hứng chịu bao tội ác trời không dung, đất không tha thì thi sĩ đớn đau không kể xiết. Hình ảnh bố mẹ già, người vợ trẻ với hai đứa con thơ; hình ảnh làng quê cháy rụi, những giá trị văn hóa ngàn đời bị hủy hoại, những sinh linh chết tức tưởi, từng đoàn người đói rách, mất cửa, mất nhà không biết đi đâu, về đâu... cứ như một cuốn phim câm lặng hiện ra. Và dòng sông Đuống đỏ nặng phù sa cứ cuồn cuộn, ngả nghiêng trôi. Cuốn phim ấy theo thi sĩ về tận Tòa soạn báo Quân Việt Bắc. Và trong nỗi đau xé ruột, nhà thơ nghe ai đó - một giọng nữ trong trẻo, như than thở, như hát ru từ thuở thi sĩ còn thơ dại:

Em ơi! Buồn làm chi

Anh đưa em về sông Đuống

Ngày xưa… cát trắng phẳng lì.

Nhà thơ vớ bút ghi lia lịa. Cho đến khi giọng nữ kia đã đi xa, thì mạch thơ từ ngọn nguồn vô tận cứ tràn về. Nhà thơ viết tiếp:

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng 

Trong kháng chiến trường kỳ…

Cứ thế, 134 câu thơ như từ vô thức, từ cõi lòng ngổn ngang, bộn rộn, xót xa, thổn thức… cứ lần lượt hiện về. Cho đến khổ cuối cùng:

Bao giờ về bên kia sông Đuống

Anh lại tìm em

Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

Cả cõi lòng, cả không gian như vơi đi, không còn những âm vang. Nhà thơ rùng mình vì lạnh hay vì đã nhẹ tênh khi đã bộc bạch hết những u tình, những hồn quê linh ứng? Và bài thơ từ đó ra đời... Bài thơ bắt đầu từ vô thức, kế tiếp là sự dồn nén nỗi đau, dồn nén tình yêu thương, dồn nén nỗi căm hờn... Bảo sao nhà thơ chả thấy dòng sông nghiêng ngả?

Người đầu tiên được Hoàng Cầm đọc cho nghe bài thơ ấy là nhà văn Nguyên Hồng. Chỉ mới nghe được sáu câu, nhà văn đã ôm mặt nức nở khóc, khóc cho đến hết bài, khóc như một đứa trẻ, như tất cả nỗi đau là của chính mình… Nghe kể: Giáo sư Phan Ngọc quê ở Nghệ An, cảm xúc chẳng khác gì nhà văn Nguyên Hồng nên nhìn sông Đuống nghiêng thì có gì đâu mà lạ?

Những người Việt Nam xa xứ, tình cảm bị dồn nén bao năm, khi trở lại quê nhà thì bầu trời, dòng sông, ngọn cỏ quê hương… đều khiến họ bồi hồi, xúc động, huống hồ một bài thơ trong vô thức của một thi sĩ tài hoa thì câu thơ nào cũng trở thành mặc định...

Còn tôi... Tôi sinh ra bên bờ Nam sông Đuống, cả tuổi thơ dìm mình trong dòng chảy khi thì xanh biếc hiền hòa, khi thì đỏng đảnh làm duyên, những khi nổi đóa giận hờn thì đục ngầu sa đỏ, ạt ào quăng quật đôi bờ, quăng quật những đứa trẻ thơ ngây, nghịch ngợm... Tôi thấy sông Đuống chẳng khi nào bằng phẳng, chẳng lúc nào để cho đôi bờ yên phận làm bờ... Lớn lên đi học, tôi thấy sông Đuống vừa đáng yêu, vừa đáng ghét, vừa thân thương, vừa bạo nghịch. Học lên chút nữa, tôi phát hiện sông Đuống có phần thiên vị. Này nhé: Bên bờ Bắc thì lưu lại biết bao những chuyện hay, chuyện đẹp: Nào là tiên xuống rong chơi, nào là tiên đến đánh cờ, tiên xuống xem hoa, mắc nợ tình duyên với người phàm tục... Bên bờ Nam lại chất chứa những oan khiên, đong đầy nước mắt. Một tướng quân Cao Lỗ hết lòng phò Vua, sáng chế nỏ thần giữ nước, an dân lại bị dèm pha, hàm oan, thất sủng. Một Trạng nguyên khai khoa, chỉ ba tấc lưỡi đòi lại cả một vùng giang sơn hùng vĩ, bị vu hóa hổ thoán ngôi, lưu đày mãi tận Thao giang cho đến hết đời. Ngay cả vị Trúc lâm Tam tổ, đức cao vọng trọng, danh thơm chất ngất cũng bị ả Điểm Bích điêu toa vu khống, suýt nữa thì tiêu tan công quả. Đau đớn nhất là vụ án Lệ Chi Viên, một đại công thần bị chu di tam tộc, mấy trăm năm chưa khô vết máu loang... Bảo sao sông Đuống chẳng nghiêng, chẳng như mỹ nhân đỏng đảnh?

Năm 2004, viết xong truyện ngắn Hoa Thủy tiên dựa theo bài thơ Lá Diêu bông, tôi cùng ông Thùy (em bên ngoại thi sĩ Hoàng Cầm), lần đầu ra 43 Lý Quốc Sư thăm thi sĩ lúc đó đã 83 tuổi, đã là cụ lâu rồi. Cụ hơn tôi hai mươi tuổi nên tôi gọi cụ bằng bác, xưng cháu. Cụ bảo:

- Văn nghệ sỹ thì không nên xưng cháu. Vả lại mình còn là đồng hương, lại cùng họ nữa chứ…

Tôi ngạc nhiên lắm. Văn nghệ sỹ không nên xưng cháu. Tôi đã một lần bị cụ Huy Cận phê bình thế. Thôi thì cũng được, chỉ là hơi ngường ngượng. Là đồng hương thì đúng rồi. Tôi ở Bút Tháp, cách Lạc Thổ làng cụ khoảng 7km xuôi theo triền đê hữu ngạn. Nhưng mà cùng họ thì lạ quá. Tôi quá rõ nhà thơ họ Bùi, Hoàng Cầm chỉ là bút danh giống như Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi... mà cụ vẫn ký. Chả nhẽ việc mình ra để xin ý kiến cụ về truyện ngắn có liên quan đến thơ của cụ, lại bị cho là “thấy người sang bắt quàng làm họ”? Hình như mặt tôi hơi đỏ lên. Biết tôi băn khoăn, thắc mắc, cụ cười, dịu dàng bảo:

- Đúng là mình họ Bùi. Mình đã lấy rất nhiều bút danh, nhưng chả cái nào được lâu. Chỉ có Hoàng Cầm là không bỏ được.

Cụ thở dài, nói với tôi mà như nói với chính mình:

- Thế mà đã sáu mươi nhăm năm, gần hết một đời người. Khi sinh mình các cụ đặt là Bùi Tằng Việt để ghi ân đức một vùng quê đã nâng đỡ cả gia đình. Còn Hoàng Cầm là do mình ngẫu hứng. Mình thích cây đàn Hoàng tử và đặc biệt thích chữ Cầm, nên lấy là Hoàng Cầm. Nhưng số phận đã gắn mình với cái vị thuốc màu vàng cay đắng ấy…

Rồi cụ kể về cuộc đời, nhất là quãng thời gian ba mươi năm từ 1958 đến 1988. Cụ kể về tết Ất Sửu năm 1985, kể về phút giây dứt cõi tạm ra đi năm ấy của bà Lê Hoàng Yến - người vợ tảo tần “nuôi đủ mười con với một chồng”... Cụ bảo:

- Đã lâu lắm rồi, bạn bè người thân không ai còn gọi mình là Bùi Tằng Việt. Người ta gọi mình là Hoàng Cầm, là Cầm, quen đến nỗi ngay cả mình cũng chỉ nhớ mình là Hoàng Cầm. Vì thế mình coi họ Hoàng như họ của mình…

Nghe cụ nói vậy tôi cảm động lắm. Tôi chợt nghĩ một lần nữa sông Đuống lại gieo bên hữu ngạn thêm một nỗi oan khiên khiến một con người đa tài, đa tình, đa cảm như thi sĩ “Bên kia sông Đuống” phải chịu bao khổ đau, mất mát. Rất may, nỗi đau ấy không thể làm thui chột một tài năng. Bao bài thơ, bao hồi ký, bao chuyện để đời… được con người tài hoa ấy viết ra trong thời gian ấy. 

Sau lần ra thăm cụ, được cụ coi như bạn vong niên, tặng cho ba quyển sách có thể coi là ba tuyển tập, một về thơ, một về truyện thơ - Kịch và một về văn xuôi, tôi còn được gặp thi sĩ vài ba lần nữa. Nhớ nhất là lần cụ về thăm quê. Họ hàng sửa soạn đón cụ chu đáo lắm, văn nghệ sỹ Thuận Thành cũng tề tựu đông đủ. Cụ ngồi ngay dưới bàn thờ, thấy tôi tới liền vẫy lại gần, thân mật bảo “Hoàng Giá lại đây gần Hoàng Cầm”. Cụ hỏi tôi đủ chuyện, nhất là chuyện văn chương, viết lách.

Tôi nhớ hôm đó có chương trình mời cụ nói chuyện. Sắp đến giờ khai mạc, cụ đột ngột hỏi:

- Này. Bến Tầm Phu là cái bến nào mà mình không biết nhỉ? Hoàng Giá viết truyện ấy có dựa vào nguyên mẫu nào không?

- Dạ. Bến Tầm Phu thực ra là bến đò Rền, từ Bút Tháp sang Cảnh Hưng bên Tiên Du. Trong truyện có hai người là chú thím nhân vật xưng tôi, chính là chú thím của em. Cô Mơ trong truyện là vợ chưa cưới của chú em.

Cụ à lên một tiếng, rồi bảo sông Đuống quê mình đẹp và thân thương quá đỗi, chứa đựng bao chuyện vui buồn. Mình mang nặng nỗi niềm Kinh Bắc, biết ơn quê hương, nhưng chẳng có gì đóng góp cho quê hương giàu mạnh. Rất may, ngay từ đầu cuộc kháng chiến mình đã sinh hạ được bài thơ Bên kia sông Đuống, phần nào báo đáp cái tình, cái nghĩa của quê hương, của dòng sông nghiêng nghiêng lấp lánh. Có lẽ hôm nay mình sẽ nói về dòng sông ấy...

Bao nhiêu năm rồi, những lúc nhớ lại, tưởng như chuyện mới hôm qua. Thế mà đã qua một giáp, thi sĩ Bên kia sông Đuống đã về cõi hư vô để lại cho gia đình, cho bạn bè, cho độc giả, cho quê hương, đất nước, cho nền thi ca…bao nỗi niềm, bao điều ân hận, bao nhớ thương, luyến tiếc…

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày thi sĩ chào đời tôi viết đôi dòng tưởng niệm, nhớ về một người bạn, một người anh, một người cha, một thi sĩ tài hoa, thi sĩ của những lời hát ru, của lòng người, của vô thức... trước sau trọn vẹn nghĩa tình./.

                                                                                                                                                                                                                 HOÀNG GIÁ