Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

Ký ức Tết xưa
10:07 | 07/01/2022

Xóm nhà tôi xưa toàn dân tứ xứ quê Hà Nam, Thái Bình... rời quê đến vùng đất mới lập nghiệp rồi neo lại nơi đây. Chon von trên một dốc đồi chỉ bảy, tám hộ, ở đó có cái bến xe đưa đón công nhân vào nhà máy cơ khí gọi là xóm Lán Ga. Toàn những người xa quê vài trăm cây số, xe cộ thời ấy lại hiếm hoi nên Tết chả mấy người về quê dù nhớ rưng rức những luống cày đất ải chờ đến ngày gieo mạ, nhớ da diết mùi khói rơm cuồn cuộn cay chảy cả nước mắt. Từ ngày gia đình tôi xa quê, năm nào cả nhà cũng ăn Tết xứ người giữa ngậm ngùi nỗi nhớ, cả mấy nhà còn lại kia cũng thế.

Trong kí ức của một đứa trẻ như tôi, Tết thật rộn ràng, mùi khói hương trầm thơm ấm cả tiết trời hanh heo xứ Bắc. Cây đào trước sân lấm tấm lộc non được chị em tôi treo lên đó những quả bóng bay Thanh Dung đủ sắc màu. Nhà tôi đông con, không thuộc diện khá giả, nhưng Tết đến bao giờ cũng có bánh pháo tép nổ đèn đẹt lúc Giao thừa, tranh ngũ quả treo phía trên bàn thờ cho rực rỡ và nồi bánh chưng xanh. Bố tôi hay đùa:“Tranh pháo không tiền con cấu bố/Bánh chưng không gạo vợ lườm chồng” nên chuyện gói bánh chưng nhà tôi bao giờ cũng được bố mẹ quan tâm hàng đầu.

Nhà tôi thường gói bánh chưng vào sáng hai mươi chín, không quá xa Tết để bánh khỏi lại gạo, cũng không cận Giao thừa. Năm nào bố tôi cũng tự tay chọn lá, tôi và chị gái rửa lá, rọc lá. Mẹ tôi ngâm gạo đãi đỗ ướp thịt sẵn sàng cho những cặp bánh chưng vuông vức cúng tổ tiên.

Bố tôi tay gói bánh thoăn thoắt, miệng nói chuyện rôm rả với chú Hạng. Chú Hạng là hàng xóm, hai nhà chung nhau một cái bờ rào. Chú là người làng với bố mẹ tôi, cùng đi thoát ly một năm. Vợ chú chân ướt chân ráo quê người ngã bệnh rồi liệt, chạy chữa tập tành mãi mới nhúc nhắc trên chiếc xe lăn, tiền của trong nhà cũng dồn để chữa bệnh cho cô nên Tết nhà cô chú chỉ qua loa dối dá. Sáng hai chín, chú thường sang nhà tôi ngồi kể chuyện làng và xem bố tôi gói bánh. Bố tôi gói vo, không dùng khuôn mà đều tăm tắp. Bố tôi và chú Hạng kể toàn những chuyện cũ kỹ, chuyện cày bừa, chuyện giáp hạt chạy ăn từng bữa... Bao giờ kết lại cũng là khoảng lặng im vì năm nay anh em mình lại ăn Tết xa quê...

Tôi còn nhớ năm nào gói bánh xong bố tôi cũng đi làm ca hai. Ca hai bắt đầu từ quãng hai giờ chiều cho đến nửa đêm. Mẹ tôi bắc nồi bánh để luộc chờ đến lúc bố tôi về thì vớt rồi ép cho rền bánh. Ngày hai chín mấy năm ấy cứ đến mười giờ đêm là mẹ bắt chúng tôi phải lên giường đi ngủ. Mặc kệ mấy anh chị em tôi năn nỉ thế nào, mẹ tôi cũng không cho trông nồi bánh. Mẹ tôi kiên quyết bắt bằng được chúng tôi lên giường. Rồi mẹ tôi cũng rút bớt lửa nồi bánh lên giường nằm cạnh lũ chúng tôi. Có lần không ngủ tôi nghe tiếng mẹ thở dài. Mẹ nằm một lúc lâu, lát sau lại trở dậy chờ bố tôi về vớt bánh. Tôi lẻn dậy theo nấp sau cái cột nhà, thấy bố mẹ nói chuyện thì thầm, bố đếm bánh rồi bảo mẹ: 

“Khổ cô chú ấy, thôi cũng gọi là có cặp bánh chưng mà ăn Tết”. Bố tôi mang cặp bánh chưng mới vớt, đi tắt qua cái ngõ tuềnh toàng không cánh cổng để cặp bánh chưng lên thềm nhà chú Hạng. Tết ấy tôi đã mười lăm tuổi, trong trái tim non nớt của tôi đầy ắp những cảm xúc lẫn lộn. Thì ra mấy năm nay, bố mẹ tôi đều âm thầm chia bánh chưng cho người hàng xóm nghèo ngày áp Tết, sợ ban ngày chú ngại với xóm làng, với cả các con, bố mẹ tôi đợi đêm mới mang bánh cho nhà chú. Mười lăm tuổi tôi lờ mờ hiểu - cái quan trọng nhất trong cuộc sống này không phải là mâm cao cỗ đầy mà là tình làng nghĩa xóm. 

Từ Tết năm tôi mười sáu tuổi trở đi, anh chị em chúng tôi lại được mẹ cho trông nồi bánh chưng - Mẹ tôi cũng không còn bắt chúng tôi lên giường đi ngủ trước khi vớt bánh. Mấy anh em chúng tôi ngồi quanh bếp củi hồng rực đố nhau đủ thứ chuyện trên đời chờ những chiếc bánh con con tự tay mình gói được vớt lên. Mùng một Tết năm nào chú Hạng cùng anh con cả cũng mang theo cặp bánh chưng sang chúc Tết bố mẹ tôi. Chú trao tận tay bố tôi cặp bánh mắt ngân ngấn nước. Hai anh con trai chú đã đi làm trong nhà máy, nhà chú đã khấm khá hơn, hai chín Tết mấy bố con chú cũng tưng bừng gói bánh... Duy có cánh cổng là vẫn để tuềnh toàng để hàng xóm ra vào cho tiện...

Bao nhiêu cái Tết xóm tôi đã đi qua, nhưng mỗi lần đến Tết, nghĩ đến nồi bánh chưng ngày hai chín của bố mẹ tôi lại thấy ấm lòng. Giờ đây, Tết đủ đầy hơn, nhưng dẫu có nếm bánh chưng cả triệu đồng một chiếc, tôi vẫn không thấy đậm đà bằng chiếc bánh bố mẹ tôi gói bằng tình bằng nghĩa, hình ảnh cặp bánh vuông nghĩa tròn tình ấy có lẽ sẽ theo tôi đi đến hết cuộc đời...

                                                                                                                                                                                                                      ĐÔNG BẮC