Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HÓA TRONG KIẾN TRÚC HIỆN ĐẠI Ở BẮC NINH
10:51 | 25/07/2023

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là giữ gìn những giá trị vật chất và tinh thần tinh túy nhất, bền vững nhất, mang sắc thái cội nguồn riêng của mỗi địa phương, là điểm khác biệt giữa cộng đồng người này và cộng đồng người khác, địa phương này với địa phương khác. 

Bởi vậy, những công trình kiến trúc không chỉ làm nên nét đặc trưng của địa phương mà cũng là biểu tượng với ý nghĩa hết sức quý giá. Bởi kiến trúc là một ngành nghệ thuật về tổ chức sắp xếp không gian. Bên cạnh đó, kiến trúc cũng chứa đựng những yếu tố về tôn giáo, tâm linh, văn hóa và đời sống xã hội. Trong kiến trúc, bản sắc văn hóa dân tộc bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng của địa phương, được thể hiện trong công trình kiến trúc, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc vùng miền, nơi chốn. 

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, đội ngũ Kiến trúc sư cả tỉnh đã lên tới gần 150 người. Sáng tạo của giới kiến trúc sư và đóng góp to lớn của ngành Xây dựng Bắc Ninh đã góp phần làm thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị - nông thôn trong tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và có bản sắc. Hàng chục công trình kiến trúc mới hiện đại, với nhiều loại hình khác nhau như nhà ở, chung cư cao tầng, khu đô thị mới, trung tâm thương mại, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa, thể thao, nhà hát, công viên… được xây dựng trên khắp đô thị và nông thôn trong tỉnh Bắc Ninh.

Tuy nhiên, do phát triển nhanh về số lượng và trên diện rộng nhằm đáp ứng yêu cầu đô thị hóa và tăng trưởng nền kinh tế, kiến trúc Bắc Ninh đã bộc lộ nhiều điểm yếu trong thiết kế và quản lý xây dựng (đó đây vẫn còn sự lộn xộn và bất cập của quy hoạch kiến trúc đô thị, về các công trình có hình thức kiến trúc kệch cỡm, phô trương, lãng phí, phi bản sắc, ngoại lai, nhại cổ... Và làng quê Bắc Ninh cũng đang bị đô thị hóa cưỡng bức, làm mất dần đi bản sắc văn hóa làng, kiến trúc làng truyền thống)…

Điều đó không ít trăn trở cho bộ mặt kiến trúc Bắc Ninh, nhất là ở các đô thị, thiếu vắng những công trình mà nhìn vào đó, nhận ra Bắc Ninh. Một sự hiểu biết quá đơn giản và dễ dãi cho rằng kiến trúc Bắc Ninh cứ phải có hình nón lá, vành khăn hoặc mái đao đình làng… mới là kiến trúc của vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc (Sự mô phỏng phải hướng đến sự chắt lọc và tinh tế. Nếu dễ dãi, công trình sẽ là một sự mô phỏng khiên cưỡng, không những không tạo ra ấn tượng, tính biểu tượng mà nó còn tác động ngược đến thẩm mỹ kiến trúc của công chúng). 

Thực ra từ xưa, ông cha ta đã rất khôn khéo khi xử lý về nghệ thuật kiến trúc. Ví như hoa sen trở thành biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo của Phương Đông, hình tượng hoa sen được lồng vào cấu trúc nhà (thế kỷ thứ XI với Chùa Một Cột - Hà Nội; thế kỷ thứ XVII với tháp Cửu phẩm liên hoa, Chùa Bút Tháp…). Như vậy, nét đẹp giá trị nghệ thuật của kiến trúc Phật giáo nói chung, và kiến trúc hình tượng hoa sen nói riêng là ở kết cấu kiến trúc thực được tạo ra để thể hiện những ý niệm triết học trừu tượng của Phật giáo, chỉ bằng một hình tượng đơn giản, giản dị, đó là bông sen. Sen kiến trúc lại hoà với sen thật, cái hư cái thực cứ quyện vào nhau để cùng nói lên một tư duy về sự hòa hợp âm dương tạo sự phát triển và bền vững.

Kiến trúc không phải là chép nguyên si những di sản cũ rồi bảo nó là bản sắc, là dân tộc. Một sự hiểu nhầm tai hại mà đó đây các nhà quản lý, các kiến trúc sư còn ngộ nhận! Kenzo Tange (1913 - 2005), một kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới, cho rằng “tính dân tộc như một vòng đá cổ, muốn đem giá trị của nó vào kiến trúc nếu không phải là trưng nó như một vật bảo tàng thì chỉ có cách đập vỡ nó ra và khéo léo cho những mảnh vỡ của nó phảng phất trong kiến trúc”. Nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo Gustav Mahler (1860 - 1911) cũng đã từng nói: “Truyền thống không phải tôn vinh đống tro tàn, mà là duy trì ngọn lửa”. 

Kinh Bắc - Bắc Ninh, vùng đất địa linh nhân kiệt, có nền văn hiến hội tụ và kết tinh nhiều giá trị của nền văn minh Đại Việt với những bản sắc riêng độc đáo. Nền văn hiến ấy thể hiện ở nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc mà ngày nay (cả văn hóa vật thể và phi vật thể) được kết tinh chủ yếu ở kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, vừa tiêu biểu cho di sản văn hóa dân tộc, vừa mang bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc… 

Cốt cách, phẩm hạnh của người Quan họ là một phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc… Liệu kiến trúc Bắc Ninh có được cái sang trọng lịch lãm của lối chơi quan họ xưa? Liệu kiến trúc Bắc Ninh có được cái mềm mại, uyển chuyển trong nét giao duyên liền anh - liền chị, giữa các làng kết chạ? “Cái hồn” của nếp sống Quan họ là gì và được cảm nhận và đưa vào hình tượng nghệ thuật kiến trúc ra sao? Chúng ta tự hào và kiêu hãnh với quê hương Bắc Ninh của mình, càng trăn trở với bản sắc dân tộc trong kiến trúc Bắc Ninh đương đại! 

Chính vì vậy, kế thừa các kinh nghiệm của cha ông trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên, phát huy các giá trị bản sắc của kiến trúc truyền thống trong quá trình sáng tạo kiến trúc là yếu tố quan trọng và xuyên suốt trong quá trình tạo nên các giá trị bản sắc văn hóa cho các công trình kiến trúc ở quê hương mình. Điểm qua một số công trình ở Bắc Ninh mà các kiến trúc sư đã có những tìm tòi sáng tạo và hy vọng cho tương lai một nền kiến trúc Bắc Ninh giàu bản sắc!

Đấy là khu trụ sở của các cơ quan đầu não của tỉnh đã biết khai thác những nét tinh hoa của kiến trúc truyền thống; đấy là Công trình Đài tưởng niệm Bắc Ninh với hình tượng Bút - Nghiên, là bông sen đang hé nở, một hình ảnh đẹp của tín ngưỡng phương đông, truyền thống văn hoá khoa bảng, truyền thống văn hoá quan họ, cái nôi của tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam. Đấy là Cung Kiến trúc - Quy hoạch Bắc Ninh với những nét cong mềm mại của mối giao duyên Quan họ. Công trình thể hiện tư duy đổi mới, hiện đại của ngành Xây dựng nhưng vẫn gìn giữ được những nét văn hoá truyền thống, tinh hoa văn hoá Bắc Ninh - Kinh Bắc. 

Từ Nhà hát Quan họ có quy mô không lớn đã gợi lên ý tưởng thiết kế sáng tạo, ấn tượng, sức biểu cảm sâu sắc, tạo hình lấy cảm hứng từ mái đình truyền thống, với lớp vỏ bao che hai lớp của tấm dại quanh nhà, màu sắc đơn giản nhưng tinh tế, tìm tòi từ các hoa văn truyền thống Việt Nam.

Đến công trình đang hoàn thiện là cây cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành “Lưỡng long triều nhật” (hai con rồng chầu mặt trời) - biểu tượng của văn hóa Việt (người Việt coi mình là con rồng cháu tiên với truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân). Cây cầu thiết kế đậm chất văn hóa vùng Kinh Bắc,  nối giữa hai miền đất Phật, đất Tiên… soi gương xuống dòng sông thành năm vành nón quai thao của người Quan họ giao duyên…

Kiến trúc hôm nay đang đứng trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tạo lập bản sắc văn hóa cho kiến trúc Bắc Ninh đã và đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra theo hướng bền vững là một giải pháp cơ bản và hiệu quả. Chính vì thế, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa trong kiến trúc được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta cũng đang lúng túng trước sự phát triển đến chóng mặt của các khu đô thị mới, nhưng thiếu nhiều thành tố của đô thị, như không gian công cộng, không gian xanh, trường học, cơ sở y tế… Chúng ta thiếu kịch bản phát triển kiến trúc bền vững để thích ứng kịp thời và lâu dài với biến đổi khí hậu và đại dịch. Một bộ phận kiến trúc sư đã và đang có hiện tượng xa rời nguyên tắc “nghệ thuật vị nhân sinh”, chạy theo thị trường...

Cùng với việc ra đời Luật Kiến trúc (2019), vai trò của kiến trúc và vị thế của kiến trúc sư càng được khẳng định trong sự nghiệp xây dựng đất nước ở thời kỳ phát triển mới. Như vậy, kiến trúc bền vững đã thực sự trở thành một xu thế phát triển của kiến trúc ở Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy mâu thuẫn, giữa văn hóa truyền thống và sự tiến bộ không ngừng của khoa học, công nghệ. Cái mới tiến bộ và hiện đại dường như muốn xóa nhòa ranh giới, muốn nuốt chửng văn hóa truyền thống của các địa phương, khu vực hay cái bản sắc vốn có của từng nơi chốn. 

Để có được tư duy mang tầm chiến lược, kiến trúc sư không chỉ có năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng, mà cần phải có tầm nhìn và sự nhạy cảm; biết kết nối mọi lĩnh vực liên quan từ xã hội - con người đến kiến trúc; có nhiệt huyết và bản lĩnh vực với nghề thì mới hy vọng; có đột phá làm cho kiến trúc Bắc Ninh tiệm cận tầm khu vực và thế giới. 

Bản sắc trong kiến trúc chỉ có thể tạo lập, khi chúng ta làm chủ được những tinh hoa của văn hóa đích thực dân tộc, khi chúng ta nắm vững và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của xã hội và con người Bắc Ninh đương đại ./.

                                                                                                                                                                                                         HUY PHÁCH