Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

GÌN GIỮ KHÔNG GIAN LÀNG TRUYỀN THỐNG CẦN CÓ GIẢI PHÁP NGAY TỪ KHI LẬP QUY HOẠCH ĐÔ THỊ
07:56 | 03/03/2023

Tạo nên vẻ đẹp cho đô thị Bắc Ninh không chỉ có cảnh quan phố phường, mà còn là không gian làng mạc truyền thống, mang nét đặc trưng tiêu biểu của thành phố Bắc Ninh tương lai…

Vùng quy hoạch đô thị Bắc Ninh có nhiều làng với địa hình tự nhiên đa dạng, tạo cảnh quan hấp dẫn, mang nhiều đặc trưng của làng quê Bắc bộ. Phần lớn các làng đều có lịch sử, văn hóa lâu đời với nhiều công trình cổ, những di sản vật thể và phi vật thể quý giá. Bắc Ninh đang phát triển mạnh về công nghiệp, đô thị và đang nỗ lực phấn đấu với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Quá trình đô thị hóa đặt ra vấn đề bảo tồn không gian làng - những vùng đất cổ, giàu bản sắc văn hóa là yêu cầu tất yếu. Với tư tưởng lấy trục văn hóa xuyên suốt quá trình phát triển đô thị, Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh cần lấy định hướng bảo tồn không gian làng như một giải pháp quan trọng tạo nét khác biệt cho thành phố tương lai.

Bắc Ninh hiện nay có tốc độ phát triển đô thị nhanh, nên mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển càng trở nên gay gắt hơn. Vẫn còn đó bài học ở một số thành phố lớn, đô thị hóa theo mô hình hiện đại - theo đánh giá của các nhà văn hoá - con người đã và đang ứng xử với làng xóm theo hai hướng trái ngược: Hoặc "can thiệp sâu và quyết liệt làm thay đổi cấu trúc làng xóm" hoặc "để làng xóm phát triển tự phát phá vỡ cấu trúc truyền thống". Vậy làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị các làng truyền thống ở đô thị Bắc Ninh trong sự phát triển kinh tế xã hội đương đại một cách cân bằng và hiệu quả là vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách và rất cần có những định hướng, giải pháp phù hợp. Việc đặt vấn đề bảo tồn không gian làng lúc này cho các đô thị Bắc Ninh là thiết thực nhất để đô thị Bắc Ninh phát triển bền vững. Những vấn đề mà làng cổ nơi đây cần lưu giữ chính là:

- Cảnh quan sinh thái nhân văn của làng cổ; 

- Cấu trúc không gian của làng cổ; 

- Các di tích tiêu biểu; 

- Nếp sống, lối sống của người dân địa phương ở đây trở thành đối tượng hấp dẫn cho du lịch trong tương lai.

Đây cũng là cơ hội, bởi Bắc Ninh thì quá trình đô thị hóa mới bắt đầu chưa lâu nên thành phố và nông thôn vẫn chưa bị va đập trực tiếp, sức ép từ đô thị chưa đến mức căng thẳng, nhiều làng vẫn giữ được những nét đặc trưng truyền thống của vùng văn hóa Kinh Bắc - đó là lợi điểm về thời gian và cơ hội cho các nhà chuyên môn nghiên cứu nhằm tìm ra những phương thức ứng xử phù hợp và hiệu quả để giải quyết vấn đề xung đột giữa làng và đô thị mà các thành phố lớn đã đang gặp phải. Việc sớm quan tâm đến vấn đề này cũng sẽ giúp cho các cấp chính quyền chủ động hơn trong công tác quản lý, tránh bị động trước sự phát triển của thực tiễn và không bị thúc ép bởi thời cuộc. Việc duy trì tính cộng đồng là điều kiện đảm bảo để không gian làng không bị hỗn loạn bởi sự phát triển tự phát và tránh được tình trạng phi nhân tính của xã hội công nghiệp.

Trong những nghiên cứu quy họach đô thị gần đây, vấn đề bảo tồn không gian làng đang bị xem nhẹ. Đã đến lúc vấn đề bảo tồn không gian làng phải được lồng ghép vào các hoạt động bảo tồn và quy hoạch của đô thị trung tâm Bắc Ninh trong quá trình xây dựng và phát triển. Bởi có làm tốt việc bảo tồn không gian làng mới góp phần quan trọng tạo lập được bản sắc riêng cho đô thị Bắc Ninh tương lai. 

Đô thị không tránh khỏi sự ồn ã, nhưng nếu như trong lòng thành phố có những nơi thanh bình và êm ả như một làng quê, cách xa sự xô bồ của phố xá sẽ là niềm mơ ước của bao người. Biết rằng là việc rất khó, nhưng đã đến lúc cần đầu tư nhiều hơn cả về trí và lực cho bảo tồn, cải tạo và phát triển bản sắc của đô thị Bắc Ninh trong thời đại mới. Để nét văn hóa độc đáo có từ hàng ngàn năm không bị phai nhạt và lãng quên, chúng ta hãy dành cho làng trong phố sự quan tâm thích đáng, bởi đó chính là những tế bào, nơi lưu giữ cội rễ, hồn người, hồn dân tộc.

Nên chăng các cơ quan chức năng nên xây dựng bản đồ không gian làng truyền thống trên toàn thành phố, làm căn cứ xếp hạng, tiến tới xác định các cấp độ bảo tồn khác nhau cho làng cổ (ví như với làng Thanh Sơn thuộc phường Vũ Ninh, nên tập trung bảo tồn công trình kiến trúc đình, chùa, đền, nhà thờ công giáo, cảnh quan núi Điều, di sản văn hóa Quan họ. Còn ở làng Sẻ, tức khu Khả Lễ, phường Võ Cường thì tập trung bảo tồn không gian làng ven đồi Sẻ, các di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa Quan họ, đề xuất quy hoạch không gian xanh bao quanh làng…) Về mặt chính sách, nên linh hoạt, mềm dẻo, coi việc giữ được không gian, cảnh quan và các giá trị văn hóa, lịch sử của làng là mục tiêu cao nhất, đồng thời không thể coi nhẹ lợi ích của cộng đồng.

Khi đặt một vật thể mới bên cạnh vật thể đã tồn tại, thì phải có sự kết nối, bởi rất có thể nó không được chấp nhận bên cạnh công trình đã tích tụ văn hóa dày đặc, thể hiện ở việc công trình trở nên xa lạ với đời sống con người xung quanh. Việc cấy ghép phải được thực hiện một cách hợp lý, để thực thể sống ấy chấp nhận mới có thể tồn tại. Điều đó cho thấy, với hoạt động trùng tu, sự tiếp nối, phát triển nhuần nhuyễn rất quan trọng, để không phá vỡ không gian vốn có. Và nhận diện được không gian văn hóa - kiến trúc một cách đầy đủ sẽ góp phần giúp di sản được bảo tồn tốt nhất.

Để chặn đứng cơn lốc “bê tông hóa” làng cổ, cần có nghiên cứu sâu sắc trên nhiều góc độ, trong đó không thể thiếu những chính sách thiết thực đối với những người dân trong các khu làng cổ được bảo tồn. Bằng cách để người dân hưởng lợi ích từ nguồn thu phí khách tham quan các di tích mà mình đang bảo tồn. Chính quyền địa phương phải lập được quy hoạch tổng thể xây dựng làng cổ, bố trí đất giãn dân để cấp cho những gia đình trong diện phải bảo tồn. Cách bảo tồn làng cổ hay nhất là vẫn để cho làng cổ sống. Tức là biến làng cổ thành một bảo tàng sống, mọi sinh hoạt kinh tế, tín ngưỡng, lễ hội của người dân vẫn diễn ra bình thường. Như thế, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng được làng cổ một cách toàn vẹn hơn thay vì biến nó thành những công trình bảo tàng khô cứng.

Kết quả tác động của đô thị phát triển dẫn đến sự va chạm giữa yêu cầu hiện đại, văn minh của cuộc sống đô thị và tính truyền thống, văn hoá của không gian làng xã. Bấy lâu nay, ở ta thường hành chính hóa trong việc phát triển đô thị. Nếu cứ theo cách “phong” cho xã thành phường, huyện thành quận, thì có nghĩa là kéo làng ra phố, khoác áo thị dân cho nông dân; như thế cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi giá trị đích thực của quá trình đô thị hóa. 

Bên cạnh những yếu kém về hạ tầng kỹ thuật của hệ thống giao thông thì tác nhân chủ yếu lại là tâm lý và tập quán sống của cư dân vốn gắn với không gian và nếp sống nông thôn. Để làng trở thành làng thực sự đúng nghĩa của nó phải mất hàng ngàn năm mới thành một cơ thể sống, một quần cư mẫu mực. Còn đô thị chúng ta hình thành nhanh, bây giờ chuyển hoá sang thành người đô thị, chưa thể có ngay nếp nghĩ đô thị, nếp sống đô thị để tạo nên bản sắc văn hoá đô thị. Đó là một thực tế không được phép sao nhãng trong quá trình đô thị hoá và việc bảo tồn không gian làng ở Bắc Ninh hiện nay.

Trong cơ cấu của đô thị Bắc Ninh hiện đại, bảo tồn không gian làng nội đô chỉ nên tập trung ở những làng nào còn giữ được nhiều gía trị, có vị trí phù hợp trong tổng thể đô thị, mới nên phục hồi, tôn tạo và phục hồi không gian làng trên tinh thần văn hoá truyền thống bằng nguyên vật liệu kỹ thuật tiên tiến để có thể bảo lưu lâu dài, đề cao những nét đẹp truyền thống còn phù hợp với xã hội phát triển. Vị trí phù hợp để bảo tồn không gian làng trong tổng thể đô thị ở đây là:

- Được bao bọc bởi những công viên cây xanh của đô thị.

- Gần những mặt nước, ao hồ, gần sông, trên bến dưới thuyền.

- Có sự giãn cách thích hợp tới các khu cao tầng của đô thị.

- Không nằm trong những khu trung tâm tài chính, thương mại, giao dịch, công nghiệp của đô thị.

Về vai trò quản lý nhà nước cũng cần được quan tâm thích đáng. Khi một di tích đan xen với cuộc sống của người dân, thì những điều khoản về bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Bắc Ninh chẳng khác gì với việc bảo tồn một ngôi đình, ngôi chùa. Trong thời gian qua, nhiều hộ dân tự ý cải tạo, xây dựng nhà ở không xin phép, gây mất cảnh quan, không được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian của di tích. Đây được coi là bằng chứng về sự “đứt gãy” trong quy hoạch Bắc Ninh nói riêng, sự sai chênh giữa bảo tồn với phát triển nói chung.

Đô thị hóa là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị của không gian văn hoá làng ở thời điểm này là một khó khăn lớn. Vấn đề bảo tồn không gian làng phải được nghiên cứu và được lồng ghép vào các hoạt động bảo tồn và quy hoạch của đô thị Bắc Ninh, nhằm tạo ra những giá trị, sắc thái mới cho không gian truyền thống, hỗ trợ và thích ứng với sự phát triển của đô thị theo hướng năng động, bền vững, giàu bản sắc. Bài học này từ cuối thế kỷ XX đã được thế giới tổng kết và khẳng định rằng “chỉ có bảo tồn, phát huy các giá trị di sản truyền thống” mới tạo lập được cấu trúc đô thị hiện đại để phát triển bền vững./.                                                                                                                              

                                                                                                                                                                          NGUYỄN HUY PHÁCH