Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

ĐỒNG CHÍ LÊ QUANG ĐẠO VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
09:27 | 06/08/2021

Đồng chí Lê Quang Đạo - tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 08/8/1921 tại xã Đình Bảng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) trong một gia đình có truyền thống yêu nước, một vùng quê văn hiến, giàu truyền thống cách mạng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã đóng góp quan trọng trong việc chuẩn bị lực lượng và tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945.

Đồng chí Lê Quang Đạo (ngoài cùng, bên phải) và gia đình chụp ảnh cùng anh hùng La Văn Cầu (đứng giữa), năm 1953

Tiếp thu truyền thống của quê hương, gia đình, Đồng chí Lê Quang Đạo tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới 17 tuổi (năm 1938). Năm 1940, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, Bác Hồ về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh. Ở tuổi 20, đồng chí Lê Quang Đạo được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách lãnh đạo ở những địa bàn quan trọng, trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn. 

Tháng 9 năm 1940, tại nhà Văn chỉ, Đền Đô, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đình Bảng được thành lập, gồm ba đảng viên: Nguyễn Duy Thân, Nguyễn Đức Nguyện và Nguyễn Trọng Tỉnh (Nguyễn Tiến Cúc), do Nguyễn Đức Nguyện làm Bí thư và là Ủy viên Ban Cán sự Đảng phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Với vai trò là Bí thư đầu tiên của Chi bộ Đình Bảng, đồng chí Lê Quang Đạo đã tích cực vận động, gây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng trong huyện Từ Sơn; chỉ đạo Chi bộ đảm bảo an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và các hội nghị Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 11 năm 1940, Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị lần thứ bảy tại nhà cụ Nguyễn Tiến Tuận (Đám Thi). Tham dự hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Trần Đăng Ninh, Hạ Bá Cang... Hội nghị khẳng định chủ trương chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc... Đồng chí Nguyễn Đức Nguyện cùng Chi bộ Đình Bảng đã tổ chức đưa, đón, bảo vệ các đồng chí của Trung ương Đảng về địa điểm để tham gia Hội nghị.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của an toàn khu, Chi bộ Đình Bảng đã chú trọng bồi dưỡng thế hệ trẻ tham gia hoạt động. Đồng chí Nguyễn Đức Nguyện rất chú ý tổ chức giáo dục thanh, thiếu nhi. Khoảng cuối năm 1941, tại nhà ông Hương Canh, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc Đình Bảng, do Ngô Quang Phẩm làm tổ trưởng. Sau đó đồng chí Nguyễn Đức Nguyện đã phát triển thành Đội Nhi đồng cứu quốc. Các đội viên được Chi bộ Đảng và các đồng chí lãnh đạo trực tiếp huấn luyện, giáo dục.

Đầu năm 1941, tại lăng Lý Thái Tổ trong Thọ Lăng Thiên Đức, đồng chí Nguyễn Đức Nguyện, Bí thư Chi bộ Đình Bảng tổ chức tuyên truyền về nhiệm vụ phản đế, giải phóng dân tộc cho quần chúng cách mạng. Tháng 4 năm 1941, đồng chí Nguyễn Đức Nguyện thành lập Chi bộ xã Phù Chẩn - Dương Húc gồm 3 đảng viên: Toản (Thành Vân) ở Dương Húc, Ngà và Nham (Hải) ở Phù Chẩn, do Nguyễn Đức Nguyện trực tiếp làm Bí thư Chi bộ.

Từ những năm 1941-1942, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đứng chân trên địa bàn Hà Nội và Bắc Kỳ, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chủ trương xây dựng vùng An toàn quanh Hà Nội. Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã chú trọng xây dựng An toàn khu (ATK). An toàn khu chính thức của Trung ương (An toàn khu I) gồm các xã thuộc huyện Hoài Đức, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông và một số xã phía nam Yên Lãng (Phúc Yên), Tiên Du (Bắc Ninh). An toàn khu II (dự bị) được thành lập đầu năm 1944 gồm các huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên), Đa Phúc, Kim Anh (Phúc Yên). Cả hai An toàn khu đã nối liền Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc - đồng chí Lê Quang Đạo là người lãnh đạo trực tiếp các địa bàn Bắc Ninh, Phúc Yên và sau đó là Hà Nội đã tích cực tham gia xây dựng các An toàn khu là căn cứ của Trung ương Đảng và xứ ủy Bắc Kỳ. Cũng từ năm 1941, để bảo đảm bí mật và an toàn cho An toàn khu quanh Hà Nội, Trung ương Đảng đã tổ chức Đội công tác gồm những đồng chí thật sự tin cậy và do Trung ương trực tiếp chỉ đạo. Nhiệm vụ của Đội công tác là bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ tổ chức Đảng và cán bộ của Đảng. Đội hoạt động tuyệt đối bí mật và đơn tuyến. Đồng chí Lê Quang Đạo đã góp phần giúp cho hoạt động của Đội công tác, củng cố An toàn khu I và II.

Trên cương vị là Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Lê Quang Đạo đã cùng Ban cán sự đẩy mạnh các phong trào cách mạng, phát triển đảng viên mới, mở rộng cơ sở cách mạng, tổ chức các cuộc mít tinh để tuyên truyền đường lối của Mặt trận Việt Minh trong quần chúng Nhân dân, thành lập các tổ chức Cứu quốc, lập Mặt trận Việt Minh, tổ chức bảo vệ chu đáo nhiều cuộc họp của Trung ương và Xứ ủy, xây dựng các cơ sở Đảng, tuyên truyền phát triển các tổ chức quần chúng ở vùng căn cứ địa Bắc Ninh - Vĩnh Phúc - Hà Nội giúp Trung ương đào tạo cán bộ cho phong trào quần chúng đấu tranh ngày một sâu rộng và mạnh mẽ, tạo những tiền đề và điều kiện thuận lợi cho khởi nghĩa thắng lợi ở vùng này.

Từ tháng 5 đến tháng 8/1945, đồng chí Lê Quang Đạo phụ trách Báo Quyết thắng và mở các lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh ở chiến khu Hoàng Hoa Thám (Bắc Giang). Giữa tháng 8/1945, đồng chí Lê Quang Đạo làm chính trị viên Chi đội Giải phóng quân Bắc Giang. Tham gia lãnh đạo tổng khởi nghĩa ở Bắc Giang. Với vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lê Quang Đạo đã về Bắc Giang hoạt động trong bối cảnh cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc ở Bắc Giang đang diễn ra sôi động. Đồng chí đã tổ chức và trực tiếp diễn thuyết tuyên truyền xung phong, về đường lối giải phóng dân tộc cho hàng vạn quần chúng, giác ngộ cách mạng cho nhiều cơ sở cách mạng trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng thổi bùng phong trào cách mạng phát triển nhanh chóng, sâu rộng và Bắc Giang là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921 - 8/8/2021) Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh luôn tự hào và biết ơn sâu sắc những đóng góp to lớn của đồng chí với quê hương, đất nước. Học tập và noi theo tấm gương của đồng chí và bao người con ưu tú khác của quê hương Bắc Ninh đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, mang lại diện mạo, thế và lực mới cho quê hương trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Với những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo hoàn toàn xứng đáng với sự đánh giá cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: “Đồng chí Lê Quang Đạo là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí đã đi trọn cuộc đời một cách vẻ vang và để lại cho chúng ta tấm gương về cuộc đời cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đầy lòng vị tha, ham học hỏi, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị, trong sáng và chu đáo, chân thành và thủy chung, gần gũi và đoàn kết với mọi người”./.

                                                                                                                                                                                                                                       VIỆT NGA