Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

ĐỌC LẠI NHỮNG VẦN THƠ TỐ HỮU VIẾT VỀ ĐẢNG
10:02 | 25/01/2021

Khi nhận xét về những bài thơ viết về Đảng của Tố Hữu, nhà phê bình Hoài Thanh đã khẳng định: “Trong các tác giả thơ hiện đại, Tố Hữu là nhà thơ viết về Đảng sớm nhất, nhiều nhất và để lại nhiều ấn tượng nhất”. Nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng, xin được nói một vài cảm nhận về những bài thơ viết về Đảng của Tố Hữu.

Đúng như vậy, trong thơ ca Việt Nam hiện đại, Tố Hữu là nhà thơ viết về Đảng sớm nhất. Nhớ lại những năm ba mươi của thế kỷ trước, cả dân tộc sống trong vòng nô lệ. Văn học lãng mạn lấy đề tài chủ yếu trong thiên nhiên, trong tình và mộng... nhưng rồi rốt cuộc sa vào chán nản, không tìm được lối ra. Văn học hiện thực hướng về đề tài nông dân, trí thức tiểu tư sản nghèo, nhưng kết thúc các tác phẩm thường là cái nhìn bi quan. Giữa lúc ấy thì thơ Tố Hữu ra đời, đem đến cho thơ ca nước nhà luồng sinh khí mới. Và bài thơ đầu tiên viết về Đảng, trong cuộc đời Tố Hữu là bài “Từ ấy” được sáng tác ở Huế năm thi sĩ 18 tuổi (7/1938). Đây là bài thơ có ý nghĩa đặc biệt trong đời thơ của ông. Nó ra đời vào thời điểm người thanh niên trẻ tuổi Tố Hữu được kết nạp vào Đảng, đánh dấu cuộc hội ngộ đầy ấn tượng giữa lý tưởng cộng sản, tuổi trẻ và thơ, cuộc hội ngộ ấy đã tạo nên chất men say của tình yêu đằm thắm giữa nhà thơ trẻ với lý tưởng cách mạng, trước hết là niềm vui trong trẻo, tin yêu, nhân hậu, niềm vui của người sống trong đêm dài nô lệ được bắt gặp ánh sáng huy hoàng, rực rỡ của chủ nghĩa Mác Lênin: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

Khi được giác ngộ lý tưởng, nhà thơ đã khẳng định một quan niệm mới về lẽ sống. Đó là sự gắn bó mật thiết, hài hòa giữa cái tôi và cái ta chung của mọi người, của quần chúng cách mạng. Khi cá nhân hòa vào tập thể rộng lớn thì sức mạnh sẽ nhân lên gấp bội:“Tôi buộc lòng tôi với mọi người/ Để tình trang trải với muôn nơi/ Để hồn tôi với bao hồn khổ/ Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”. 

Có thể xem bài thơ “Từ ấy” là kỷ niệm “mối tình đầu” của Tố Hữu đối với Đảng, mối duyên đầu của tuổi trẻ đối với lý tưởng, trong mối tình đầu ấy, có niềm vui sướng, say mê, hạnh phúc ngập tràn, có tình cảm chân thành, trong sáng và hết sức nồng nhiệt khi bắt gặp lý tưởng. 

Hai mươi hai năm sau, trong không khí sôi nổi cả dân tộc hướng tới ngày kỷ niệm ba mươi năm thành lập Đảng, Tố Hữu sáng tác trường ca “Ba mươi năm đời ta có Đảng” (1960). Bài thơ được viết trên nền của lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc từ ngày có Đảng, bởi vậy, giọng điệu trang trọng, hào hùng, thiên về ngợi ca, ngưỡng mộ, bài thơ mang đậm âm hưởng sử thi, hùng tráng. Lúc này Tố Hữu đã bốn mươi tuổi đời, hai mươi hai tuổi Đảng, đã dạn dày trong đấu tranh, những câu thơ về Đảng mang đậm chất suy tưởng. Hình tượng Đảng đầy hoành tráng, Đảng đã cho chúng ta tất cả: “Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt da đồng/ Đảng ta, muôn vạn công nông/ Đảng ta, muôn vạn tấm lòng, niềm tin/ Đảng ta, Mác Lênin vĩ đại/ Lại hồi sinh, trả lại cho ta/ Trời cao, đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người”. Bài thơ này lấy cảm hứng từ sự kiện chính trị (Đảng 30 tuổi) nhưng không hề tồn tại dưới dạng lý trí khô khan mà bừng lên khí sắc, gây được cảm hứng và niềm tin. Tình cảm đối với Đảng thật là thiêng liêng, sâu nặng, son sắt, thủy chung: “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng/ Tấm lòng son chói sáng nghìn thu.../ Chết nằm xuống còn hôn cờ Đảng/ Chết còn trao súng đạn quên đau”. Những câu thơ giàu hình tượng và đầy dũng khí: “Dù khi tắt lửa tối trời/ Vững lòng quyết sống không rời Đảng ta/ Dù khi giặc khảo, giặc tra/ Cắn răng thà chết không xa Đảng mình”. Và điều đặc biệt là lần đầu tiên trong thơ ca cách mạng Việt Nam, hình tượng Đảng đã quyện hòa với hình tượng Bác: “Người đi trước nghìn sương muôn tuyết/ Dắt dìu dân nước Việt Nam ta/ Bạc phơ mái tóc người Cha/ Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người”. 

Từ sau bản trường ca ấy cho đến cuối đời, Tố Hữu có mười ba bài thơ viết về Đảng, trong số đó có hai bài chỉ viết về Đảng (Với Đảng mùa xuân, Một nhành xuân) và mười một bài có một số câu thơ viết về Đảng (Bài ca mùa xuân 1961, Chào xuân 67, Bài ca xuân 68, Chuyện thơ, Theo chân Bác, Bài ca xuân 71...). Đọc kỹ mười ba bài, ta thấy so với những bài thơ làm thời tuổi trẻ, giờ đây, thơ Tố Hữu viết về Đảng có nhiều phát hiện mới và mang tầm khái quát cao hơn. Đảng là sự kết tinh truyền thống nhân nghĩa bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc: “Cám ơn Đảng đã cho ta dòng sữa/ Bốn nghìn năm chan chứa ân tình/ Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, bạo chúa/ Kiếp tì nô vùng dậy chém nghê kình” (Chào xuân 67). Nhà thơ đã khẳng định chủ nghĩa nhân văn cao cả trong phẩm chất cách mạng của Đảng: “Có gì đẹp trên đời hơn thế?/ Người yêu người, sống để yêu nhau/ Đảng cho ta trái tim giàu/ Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay” (Bài ca mùa xuân 1961). Đảng đã cho ta một vị trí mới, một chỗ đứng mới, một tư thế mới - tư thế của người làm chủ đất nước, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân: “Ta đã đứng nên người độc lập/ Cao bằng người, nào thấp thua ai?/ Tay ta, tay búa, tay cày/ Tay gươm, tay bút dựng xây nước mình/Những người lao động quang vinh/ Chúng ta là chủ của mình từ đây”. Sự gắn bó ruột thịt giữa dân với Đảng thể hiện trong những câu thơ lục bát đầy hình tượng: “Ơn người như mẹ, như cha/ Lòng dân yêu Đảng như là yêu con”. Đảng là nhà chiến lược vĩ đại có tầm nhìn xa, trông rộng, thấu suốt quá khứ, hiện tại, thấy trước tương lai: “Cuộc sống lớn có đôi mắt Đảng/ Mỗi bước đi gần, nâng ước mơ xa” (Bài ca xuân 71). Đảng là mùa xuân, là niềm tin, là ánh sáng, Đảng dạy cho ta biết làm người: “Cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng làm ra ánh sáng/ Người chưa đưa ta lên được sao Kim/ Nhưng đã cho ta linh hồn và một trái tim/ Biết lẽ phải, yêu thương, căm giận/ Biết tiến tới và làm nên thắng trận” (Bài ca xuân 68). Có thể nói, những bài thơ Tố Hữu viết về Đảng có sức chiếm lĩnh trái tim người đọc rất nhanh chóng, mạnh mẽ, không chỉ ở sự lôi cuốn của dòng cảm xúc, ở màu sắc phong phú, đa dạng của hình tượng Đảng mà còn ở sự sắc sảo, tinh tế trong cảm nhận và suy tưởng. Đằng sau mỗi dòng thơ là tiếng đập của trái tim dạt dào của người thi sĩ: “Chào xuân đẹp! Có gì vui đấy?/ Hỡi em yêu! Mà má em đỏ dậy?/ Như buổi đầu hò hẹn say mê/ Anh nắm tay em sôi nổi, vụng về. Mà nói vậy: “Trái tim anh đó!/ Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu” (Bài ca mùa xuân 1961).

Mười tám năm đã trôi qua kể từ ngày Tố Hữu đi xa nhưng những bài thơ của ông vẫn còn sống mãi với thời gian./. 

                                                                                                                                                                                                                                                   ĐOÀN MẠNH TIẾN