Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

ĐẤT THIÊNG ĐÌNH BẢNG
10:07 | 06/08/2021

Tôi được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh giới thiệu thăm Đình Bảng. Lòng bồi hồi, náo nức trước một vùng đất thiêng. Một vùng đất đầy ắp những sự kiện lạ lùng. Những cơn gió dịu dàng với hàng cây vùng vẫy lao xao, những dải mây trắng muốt, tơi xốp căng trên bầu trời xanh thẳm, và cánh đồng ngút tầm mắt vồng lên thảm lúa trĩu hương. Trời đất đã ban tặng cho làng Báng một thanh niên tuấn tú, tài ba kiệt xuất - Lý Công Uẩn, vị Hoàng đế sáng lập vương triều Lý trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ông đã lập nên triều Lý Bát đế, đánh bại xâm lược phương Bắc, đem lại vinh quang và vị thế oai hùng cho Đại Việt. Chín trăm năm sau, làng Báng cổ kính và huyền thoại xuất hiện một người con ưu tú, đó là Lê Quang Đạo. Tháng 8 năm 1940, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 8/1940, chi bộ Cộng sản Đình Bảng được thành lập tại Đền Đô nơi thờ Lý Bát Đế, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ Cộng sản đầu tiên của quê hương Đình Bảng, khi đó ông vừa tròn 19 tuổi. Giữa năm 1941, ông thoát ly công tác cách mạng, là Bí thư Ban cán sự Đảng của huyện Từ Sơn. Trong khoảng thời gian từ năm 1941 - 1942, ông là Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Đầu năm 1942, xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên do ông làm Bí thư. Giữa muôn trùng khó khăn, mạng lưới mật thám, chỉ điểm dày đặc, chúng trao thưởng rất cao cho những ai bắt được Lê Quang Đạo. Bằng sự mưu lược, nhanh nhẹn, thông minh, tài giỏi của mình, Lê Quang Đạo đã khéo léo thoát khỏi mạng lưới mật thám dày đặc và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ quan trọng. Trong thời kì này, Đảng bộ Hà Nội căng như dây đàn trước hệ thống mật thám, chỉ điểm dày đặc luôn mở các cuộc truy quét, vây bủa. Bởi Hà Nội là trụ sở đầu não của Pháp. Chúng muốn làm “trắng” Hà Nội. Đã 8 lần, cơ quan lãnh đạo Đảng bộ bị triệt phá. Xứ ủy Bắc Kỳ quyết tâm giành lại Hà Nội, duy trì bằng được cơ quan lãnh đạo Đảng bộ. Tháng 4/1943 Lê Quang Đạo, giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Hà Nội, được Xứ ủy tung vào chảo lửa sôi sục, những mật thám, chỉ điểm - tên công sứ Pháp Gờ-răng-giăng đã gọi ông là “đốc lý đỏ”, nghĩa là người cầm đầu cộng sản trên đất Hà thành, và treo thưởng rất cao cho cánh mật thám và chỉ điểm.

Tiếp quản và xây dựng lại phong trào cách mạng ở Thủ đô, Lê Quang Đạo cùng một số đồng chí khác đã chấm dứt chuỗi thắng lợi của bọn mật thám Pháp, Nhật. Phong trào bước những bước chắc chắn, vững vàng với những nguyên tắc bí mật chặt chẽ, với những chuỗi hầm bí mật, những đội tự vệ và du kích ra đời, những vùng an toàn ngoại thành được thành lập. Phong trào như ngôi nhà lợp ngói dày dặn, có thất phát, ví như vỡ một viên ngói, gây một lỗ dột nho nhỏ, toàn bộ mái nhà vẫn yên ổn. Các tổ, các nhóm, các cá nhân, nhóm nào biết nhóm ấy; người nào biết người ấy, tổ nào biết tổ ấy nên khi xảy ra sự cố thì chỉ ảnh hưởng trong phạm vi rất nhỏ. Phong trào cứ thế đi lên. Mặt trận Việt Minh lan rộng khắp các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức… Ông có công lớn đem lại hơi thở mới cho cách mạng Thủ đô những năm 1943 - 1944. Từ chỗ tưởng như mất trắng, phong trào được khôi phục, phát triển một cách chắc chắn, tạo tiền đề cho Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công tốt đẹp.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, Lê Quang Đạo được giao những chức vụ quan trọng: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Bí thư liên tỉnh Hà Nội - Hà Đông, Xứ ủy viên Bắc Kỳ. Dù rằng cách mạng tiến những bước dài ở thế giằng co với Pháp, ông vẫn nêu cao ý chí chiến đấu vượt qua mọi hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau 1950 ông được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ - Một chiến dịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kết thúc ách đô hộ của quân xâm lược Pháp gần một thế kỷ, đem lại niềm tự hào cho người dân Đình Bảng nói riêng và mảnh đất Kinh Bắc nói chung.

Khi đất nước vẫn còn chia làm hai miền Nam - Bắc, Việt Nam tiếp tục bước vào cuộc chiến tranh mới. Giặc Mỹ điên cuồng đưa công nghệ cao vào chiến đấu nhằm thôn tính miền Nam Việt Nam: nào hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra ngăn chặn quân phía Bắc tràn vào, tàu sân bay sừng sững từ biển Đông chõ sang; máy bay cánh cụp cánh xòe, con ma, thần sấm, F105, B52 rải thảm hủy diệt các vùng, miền.

Sau 1960, Lê Quang Đạo được Trung ương cử vào mặt trận phía Nam, trực tiếp góp mặt trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trên cương vị là Chính ủy mặt trận, ông trực tiếp chỉ huy chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, góp phần tạo điều kiện cho cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 giành thắng lợi.

Năm 1971 ông là Chính ủy mặt trận Đường 9 Nam Lào, đánh tan cuộc tiến công của ngụy quân Sài Gòn trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Năm 1972 ông là Chính ủy mặt trận Quảng Trị, giải phóng Quảng Trị, đánh lùi ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, hỗ trợ mặt trận Ngoại giao tại Pari, buộc Mỹ liều lĩnh ném bom chiến lược Hà Nội, Hải Phòng với thất bại ê chề.

Trong 4 kỳ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam, ông đều có mặt trong Ban Chấp hành Trung ương và giữ trọng trách lớn trong Đảng. Năm 1987 ông giữ chức Chủ tịch Quốc hội, tháng 8/1994 ông là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Dù ở đâu, với bất kỳ cương vị nào ông cũng cống hiến hết mình.

Cả cuộc đời như một dòng sông không ngừng trôi. Dù cho thác lũ, cuộn xoáy, gập ghềnh, xối xả, mặt sông lúc nào cũng ngầu bọt, trắng xóa, sôi réo thì con người ấy, dũng khí ấy, tinh thần ấy vẫn luôn tỏa sáng bất diệt. Bảy mươi tám năm, chưa một ngày nghỉ ngơi... Bao trùm lên tất cả đức độ, tài năng và trách nhiệm là sợi chỉ hồng tô thắm đời ông.

Ngồi nơi đây, nhớ và viết về ông mà lòng tôi cứ trăn trở mãi câu hỏi: Tại sao con người bình dị ấy có thể một mình thoát khỏi cuộc vây bắt của hàng trăm tên mật thám, chỉ điểm? Câu trả lời vẹn toàn thật là khó, nhưng có lẽ có một điều không thể phủ nhận đó là trong ông hội tụ đầy đủ bản lĩnh, khí phách của một người Việt Nam yêu nước chân chính với một tầm vóc vượt thời gian./.

                                                                                                                                                                                                                                         VĂN AN