Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN - BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ VỀ THỂ CHẾ DÂN CHỦ
07:59 | 25/03/2021

         Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Ðình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh “đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”.

           Những ngày đầu tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra các sắc lệnh số 14-SL, số 51-SL, số 71-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Các sắc lệnh ghi rõ: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân đại biểu Đại hội họp ngày 16, 17/8/1945, tại Khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hoà, và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân Đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”; “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”; “cuộc Tổng tuyển cử phải được tiến hành theo lối phổ thông đầu phiếu bầu cử trực tiếp và bí mật...”,“Vì hoàn cảnh giao thông khó khăn, người ứng cử có thể gửi ngay đơn cho Ủy ban nhân dân nơi mình cư trú và yêu cầu Ủy ban ấy điện cho Ủy ban nhân dân nơi mình xin ứng cử, đơn và giấy chứng thực đủ điều kiện sẽ do Ủy ban nhân dân nơi mình cư trú chuyển sau cho Ủy ban nhân dân nơi mình ứng cử”...
 
 
         Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong hoàn cảnh giặc ngoài thù trong, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn; vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hằng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, lại đồng thời phải đấu tranh chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của các đảng phái phản động. Trong hoàn cảnh ấy, Tổng tuyển cử thực chất là cuộc đấu tranh cách mạng gay go, quyết liệt.
Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Hành động này chứng tỏ Chính phủ và Việt Minh luôn luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người tài năng, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc.
         Trong không khí phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Nhân dân cả nước đã chuẩn bị và tham gia Tổng tuyển cử thực sự như ngày hội lớn. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách các cử tri và ứng cử viên được niêm yết công khai. Các ứng cử viên đều tiếp xúc cử tri, báo cáo chương trình hành động với cử tri nơi mình ứng cử. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất vào Quốc hội. Trung ương Đảng chủ trương: Đưa những người đã ở trong Ủy ban nhân dân có năng lực hành chính ra ứng cử và giới thiệu những thân hào có tài, có đức ra ứng cử cùng đứng chung với những ứng cử viên của Việt Minh.
          Các cơ quan thông tin đại chúng của cách mạng, nhất là các báo Cứu quốc của Việt Minh, Cờ giải phóng của Đảng Cộng sản Đông Dương (từ tháng 12/1945 gọi là Sự thật của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương) đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc đấu tranh công khai đập tan sự xuyên tạc của kẻ thù, hướng dẫn dư luận, cổ vũ quần chúng và thông tin kịp thời về Tổng tuyển cử trong cả nước. Đặc biệt là tờ nhật báo Quốc hội chỉ phát hành trong kỳ Tổng tuyển cử đăng danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa I của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, số lượng đại biểu được bầu, số đại biểu là người dân tộc thiểu số, sơ lược lý lịch và trả lời phỏng vấn về chương trình hành động của một số ứng cử viên, những việc phải làm trong ngày Tổng tuyển cử... Ngày 5/01/1946, báo Quốc hội ra số đặc biệt, trên trang nhất, trang trọng đăng ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Người viết: “Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”... “Mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập tự do.”
          Đáp lại lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, với ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, với khí thế sục sôi cách mạng, nhân dân ta từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn cho ngày lịch sử vĩ đại: ngày 6/01/1946 toàn dân đi bỏ phiếu! Tại 71 tỉnh, thành trong cả nước, 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó, 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử tại Hà Nội, là người đạt số phiếu cao nhất 98,4%.
 
 
 
          Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã thành công dân của một nước độc lập, tự do. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/01/1946 là bước ngoặt lịch sử đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Quốc hội vừa là thành quả, vừa là yêu cầu đặt ra bức thiết của cách mạng. Đó là Quốc hội lập quốc, Quốc hội của khối đại đoàn kết toàn dân, hội tụ các đại biểu của cả ba miền Trung Nam Bắc, có đại diện của tất cả thế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời, từ những nhà cách mạng lão thành đã từng bôn ba nơi hải ngoại, thử thách trong gian khổ, hiểm nguy như Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng... cho đến những đại biểu trẻ tuổi đang tràn đầy lòng yêu nước (người trẻ tuổi nhất là nhà văn Nguyễn Đình Thi 22 tuổi). Quốc hội đã hội tụ đại biểu của các ngành, các giới, các giai tầng xã hội từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới, của tất cả các thành phần dân tộc, từ đa số đến thiểu số, cho đến những nhà tư sản, công thương gia như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô... những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hoá nổi tiếng như Nguyên Văn Tố, Hoàng Đạo Thuý, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát, Đặng Thai Mai... Quốc hội cũng hội tụ đại biểu của các tôn giáo như Linh mục Phạm Bá Trực (Thiên Chúa giáo), Thượng toạ Thích Mật Thể (Phật giáo), Chưởng quản Cao Triều Phát (Cao Đài)... và những người có tư tưởng tiến bộ như Bồ Xuân Luật, Trương Trung Phụng...
           Tổng tuyển cử đã bầu Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam mới. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội ngày 2/3/1946 đã bầu ra Ban Thường trực Quốc hội do học giả Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban, thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên. 
Tại Bắc Ninh, trước ngày bầu cử, quân Tưởng Giới Thạch và bọn phản động đã phản ứng, chống phá quyết liệt. Cán bộ Ty Liêm phóng (nay là Công an tỉnh) đã bắt quả tang một số người của Quốc dân đảng rải truyền đơn, tuyên truyền nói xấu đại biểu Việt Minh; vạch trần âm mưu phá hoại cuộc bầu cử trước quần chúng... Với  nhiệt tình cách mạng và lòng thiết tha yêu nước của Nhân dân trong tỉnh, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên đã thu được kết quả tốt đẹp. Trên 90% cử tri trong tỉnh, không phân biệt nam, nữ, đảng phái, tôn giáo đều nô nức đi bỏ phiếu, lần dầu tiên thực hiện quyền và làm nghĩa vụ công dân bầu ra người đại diện của mình tại cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Tám đại biểu được cử tri tỉnh Bắc Ninh bầu trúng cử đại biểu Quốc hội, khóa I là: Dương Đức Hiền (một nhà hoạt động chính trị Việt Nam - ông là người sáng lập và là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng dân chủ Việt Nam); Bạch Di (tức Vi Dân, sau cuộc bầu cử Quốc hội được Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh); Ngô Thế Phúc; Nguyễn Duy Thân (người Đình Bảng, là nhà hoạt động cách mạng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội năm 1945, sau đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến khu một); Vũ Thị Khôi, tức Phan Thị Thục (đảng viên, vợ ông Nguyễn Duy Thân); Nguyễn Huy Tưởng (quê làng Dục Tú, huyện Từ Sơn, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội), là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với thủ đô); Đỗ Trọng Thìn (*); Nguyễn Văn Chung (*).
            Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện cách mạng đứng trước thử thách ngàn cân treo sợi tóc, khó khăn chồng chất khó khăn; lại diễn ra trong điều kiện nhân dân ta vừa thoát khỏi cuộc đời nô lệ của hàng nghìn năm phong kiến và gần trăm năm thuộc địa. Trong điều kiện như thế, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định Tổng tuyển cử. Đó là một quyết định sáng suốt, kịp thời và dũng cảm. Trên thế giới, hiếm có một cuộc cách mạng nào vừa mới thành công đã bắt tay ngay vào việc tiến hành Tổng tuyển cử trong một điều kiện khó khăn bề bộn, nguy hiểm và éo le như vậy. Quyết định đó xuất phát từ bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân và bằng hành động thực tế, Nhân dân đã tỏ rõ niềm tin tưởng sắt son với Đảng và Hồ Chủ tịch.
            Bảy mươi lăm năm qua, Nhân dân ta đã 14 lần thực hiện quyền và làm nghĩa vụ thiêng liêng, cầm lá phiếu lựa chọn người xứng đáng bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, nhưng cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên ngày 6/01/1946 vẫn có tính thời sự nóng hổi và là những bài học cụ thể, thiết thực trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân./.
 
                                                                                                                                                                                                                                                                HỒNG MINH
 
Nguồn tư liệu:
- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, 2002.
- Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8.
- Tư liệu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
(*): Hai đại biểu này sau đó bị Quốc hội truất quyền Đại biểu Quốc hội.