Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

CON ĐI TÌM MẸ
15:44 | 02/11/2020

Có bao giờ chúng ta nhận ra quá trình thấu hiểu một người lại chính là hành trình ta dần trưởng thành hơn trong nhận thức và trong tâm hồn?

Tôi đã thấy mình lớn lên trên con đường đi tìm mẹ - người phụ nữ tôi vẫn có thể gặp mỗi khi trở về nhà.

Tôi không biết phải dùng từ ngữ nào để nói về mẹ tôi. Mẹ là một người phụ nữ nông thôn đã sinh ra và nuôi dưỡng ba đứa con gái trong sự gièm pha của xóm giềng và chính những người họ hàng. Không sinh được con trai đã trở thành lỗi của người phụ nữ, trong đó có mẹ tôi. Cuộc sống vốn không chật chội bởi những ngôi nhà nhỏ, con đường nhỏ mà bởi những định kiến. Tôi chưa từng hỏi: Cuộc sống của mẹ có dễ chịu không?

Tôi không nhớ ngày sinh của mẹ, tôi không nhớ những món mẹ thích ăn, tôi càng không hiểu nỗi âu lo thường trực sâu trong đáy mắt mẹ… đơn giản là vì mẹ chưa bao giờ nói và tôi cũng chưa bao giờ tìm hiểu. Tôi đã từng là một đứa con như thế - bình thản đến vô tâm trong vòng tay mẹ, trong sự bao dung của người đã sinh dưỡng mình.

Tôi đã từng tỏ ra tức giận và xấu hổ khi đầu năm học lớp 2, ngày tôi chuẩn bị vào năm học mới, mẹ viết nhãn vở cho tôi và tất cả chữ “Ngô” thành “Ông”. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng mẹ viết nhãn vở cho tôi. Tôi đã vui hay buồn, đã thấy may mắn hay tủi thân khi bạn bè tôi luôn được mẹ chuẩn bị sách vở cho đi học. Tôi không biết mẹ rất hay viết sai chính tả.

Có thể ai đó sẽ cười nhạo người phụ nữ viết sai tên con mình. Có thể ai đó sẽ cười nhạo mẹ tôi.

Lớn lên tôi mới biết rằng mẹ chưa từng học hết lớp 3. Từ khi lên 8, lên 10, mẹ phải nghỉ học để phụ ông bà ngoại làm đồng, có lẽ vì thế mà về sau các dì của tôi có điều kiện học đến nơi đến chốn. Ở tuổi của tôi bây giờ, 18 tuổi, mẹ về nhà chồng làm vợ và rồi làm mẹ. Ở tuổi của mẹ, khi ấy bây giờ tôi đang được mẹ tạo mọi điều kiện để vươn xa. mẹ không phải sinh ra đã là mẹ, mẹ cũng đã từng là trẻ thơ, cũng từng qua một thời son trẻ… và mẹ không phải là người biết tất cả. Có thể mẹ tôi cũng từng muốn được đi học, cũng ước mơ làm cô giáo, làm bác sĩ, làm luật sư, chỉ là mẹ đã chọn (hoặc buộc phải chọn) con đường khác, trước đây là vì bố mẹ, vì các em, sau này là vì các con. Tôi vẫn luôn muốn hỏi: “Mẹ có thấy tiếc nuối không?” Nhiều người như mẹ tôi, dành tuổi trẻ của mình để nâng giấc tương lai cho những người thân yêu.

Tôi thường lúng túng khi ai đó hỏi về nghề nghiệp của mẹ. Mẹ làm ruộng, mẹ đi làm phu hồ, mẹ đi nấu cơm thợ, mẹ làm tạp vụ cho xí nghiệp... Mẹ làm bất cứ công việc gì để có thu nhập và để chị em tôi được đến trường, được ăn no, mặc ấm, được bằng bạn bằng bè, không thiếu thốn thứ gì. Có ai như mẹ tôi, sáng ở nhà truyền nước, chiều vẫn đi phụ vữa vì tiếc nửa ngày công? Mẹ chưa bao giờ than vãn nhà thiếu thứ này, không có thứ kia, chỉ vì muốn các con yên tâm học hành. Nhưng tôi đủ lớn để nhận ra những điều ấy. Thì ra con cái là cái cây, uống giọt mồ hôi và nước mắt của cha mẹ mà vươn lên. Dù là một thần đồng, một tỷ phú, một người nổi tiếng hay một người bình thường thì tất cả đều là con của một bà mẹ.

Tôi vẫn thường ngưỡng mộ và có phần ghen tỵ với bạn bè khi họ có một người mẹ tâm lý, luôn chia sẻ với họ nhiều vấn đề trong cuộc sống. Lần đầu tiên có dấu hiệu của “bệnh con gái”, lần đầu tiên được bạn nam tỏ tình, lần đầu tiên biết thích một người, lần đầu tiên bị tổn thương tình cảm hay những lần bế tắc trước quyết định quan trọng nào đó, tôi cũng muốn có mẹ ở bên để tâm sự, để được mẹ chia sẻ tư vấn và động viên. Tôi cũng muốn mỗi lần về nhà được mẹ hỏi: “Ở lớp con có thấy vui không?”, tôi cũng muốn được mẹ ôm vào lòng và bảo: “Nếu thấy buồn thì con cứ khóc, vẫn có mẹ ở đây”, tôi cũng muốn mẹ nói với tôi rằng: “Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ”. Nhưng tôi biết và luôn hiểu rằng, cuộc sống mưu sinh với nỗi lo cơm áo gạo tiền đã khiến mẹ quay cuồng, mẹ chẳng còn thời gian làm việc đó với tôi. Mẹ cũng không đủ thì giờ để chăm sóc bản thân mình. Khi tôi bước vào tuổi nhạy cảm nhất lại là lúc các em nhỏ của tôi cần có mẹ ở bên hơn. Hiểu điều đó, tôi không muốn mẹ vì tôi mà bận lòng thêm nữa. Thuở nhỏ ta hay đòi hỏi những điều tốt nhất cho bản thân mình. Lớn dần, ta bắt đầu biết nhường nhịn và cảm thông. Tôi tự mình tìm cách giải quyết mọi vấn đề, có lẽ vì vậy mà tôi cứng cỏi, bản lĩnh và già dặn hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Con chim non sẽ chẳng bao giờ cứng cáp nếu nó không tập bay, không va vấp mà chỉ nằm im trong tổ chờ mẹ mớm cho ăn và ngày ngày bảo vệ. Cảm ơn mẹ vì đã cho con cơ hội để sớm tự lập và vững vàng khi bước ra ngoài cuộc sống đầy bon chen, sóng gió và cạm bẫy.

Tôi biết, mẹ rất tự hào mỗi khi ai đó nhắc tới tôi. Có thể mẹ không biết gì về các vấn đề chính trị, nhưng mẹ lại hiểu rất rõ sở thích của các con. Có thể mẹ không phải là một đầu bếp giỏi nhưng mỗi món mà Mẹ nấu đều có tình yêu thương trong đó. Có thể mẹ không phải là một vĩ nhân nhưng chỉ làm mẹ của các con cũng là công việc của một người vĩ đại.

Có lẽ nhiều người phụ nữ như mẹ tôi cứ âm thầm mà vun vén hạnh phúc cho gia đình còn bản thân lại chẳng bao giờ đòi hỏi, thậm chí luôn một mình chịu đựng những đắng cay. Hạnh phúc của mẹ là thấy các con hạnh phúc.

Mỗi chúng ta, trong cuộc sống đều cần có một cuộc hành trình đi tìm “mẹ”, có thể mẹ vẫn luôn ở cạnh ta, gặp gỡ ta mỗi ngày nhưng biết đâu ta đã lạc mất mẹ trong tâm trí lúc nào không hay. Chúng ta ở gần mà chẳng hiểu mẹ, hoặc ta vẫn mặc nhiên nghĩ mình hiểu mẹ nhưng thực chất lại xa lạ với mẹ của mình. Từ khi biết chậm rãi quan sát và lắng sâu suy nghĩ, tôi nhận ra trước khi muốn thấu hiểu và bước vào trái tim một người dưng nào đó, tôi phải đi tìm “mẹ” - người phụ nữ dành cả đời yêu thương tôi mà bấy lâu tôi vẫn coi đó là điều hiển nhiên và không mảy may suy nghĩ - tôi đã không hiểu lòng mẹ.

Càng va chạm với cuộc đời, tôi càng nhận ra mình luôn muốn được trở về nhà, về với mẹ, về bên mẹ, để thấy lòng được an yên mỗi khi chùn chân mỏi gối. Bởi trên tất cả, tôi tin rằng vẫn luôn có một sợi dây linh diệu vô hình gắn chặt tâm hồn con vào trái tim người mẹ - mà sóng gió cuộc đời hay nghiệt ngã không thể nào cắt đứt được.

Dẫu chưa bao giờ nói thành lời, nhưng mẹ ơi, con thương mẹ, thương cuộc đời vất vả đắng cay. Nếu có kiếp sau, xin cho con được làm mẹ của người, vì chỉ có như thế con mới đền đáp lại những gì mẹ đã hy sinh mà kiếp này con chưa trả nổi.

Chúng ta có rất nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một nơi để về, ấy là nhà. Nếu một lúc nào đó, ta cảm thấy mọi thứ sụp đổ, hãy nhớ rằng phía sau vẫn luôn là gia đình, vẫn luôn là vòng tay của mẹ sẵn sàng chở che.

Trưởng thành là khi ta biết thấu hiểu, lắng nghe, cảm thông và yêu thương những người tưởng chừng đã quá quen - như là mẹ.

Tôi không muốn gọi mẹ là “người phụ nữ tôi yêu” bởi mẹ là người phụ nữ tôi thương nhất, trong tất cả những người phụ nữ tôi gặp trong đời./.

                                                                                                                                                                                                                                                NGÔ THỊ HOA LÊ