Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

BẢN LĨNH VƯỢT THỜI GIAN
16:59 | 25/05/2022

 Lịch sử mỗi dân tộc đều chỉ ra rằng vào từng thời điểm cụ thể đất nước đó, dân tộc đó sẽ sản sinh ra những cá nhân xuất chúng để gánh vác việc nước việc dân. Trong đêm dài thuộc địa phong kiến, đất nước ta cũng đã sản sinh ra anh hùng Nguyễn Văn Cừ, vị Tổng Bí thư của Đảng, giai đoạn 1938 - 1940 khi nhận chức mới vừa 26 tuổi.

Tại hội nghị Trung ương tháng 3/1938 họp tại Hóc Môn, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ ra bên cạnh nguy cơ chủ nghĩa phát xít thì ở Đông Dương còn có nguy cơ chủ nghĩa thực dân phản động do đó Mặt trận dân chủ còn có nhiệm vụ phản đế nữa. Bản lĩnh chính trị của đồng chí Nguyễn Văn Cừ còn được thể hiện rõ hơn, tập trung hơn trong việc lãnh đạo phong trào phát triển đúng hướng và đấu tranh với các tư tưởng chưa đúng trong nội bộ Đảng. Những điều này còn lưu lại cho đến ngày nay là tác phẩm Tự chỉ trích và bài học Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Sở dĩ đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết cuốn Tự chỉ trích là vì bộ phận hoạt động công khai của đảng có hai luồng tư tưởng sai trái được truyền bá công khai trên báo. Mở đầu tác phẩm đồng chí Nguyễn Văn Cừ nêu rõ: “Tự chỉ trích Bôn sơ vich không phải là công kích Đảng, mạt sát Đảng, đặt danh dự cá nhân lên trên tất cả quyền lợi của Đảng, của cách mệnh. Tự chỉ trích Bôn - sơ - vich là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để cho phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi, chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”, về tập hợp lực lượng đồng chí chỉ ra: “Cần phân biệt bọn phản động với bọn cô độc hèn nhát để kéo kẻ có thể đồng minh” nhưng chỉ là vấn đề sách lược. “Nhưng cũng cần phân biệt rõ thái độ bọn cải lương lừng khừng hèn nhát với chủ trương thống nhất hành động để kéo quần chúng tranh đấu”. Về kẻ thù thì “phân biệt kẻ nguy hiểm nhiều với kẻ nguy hiểm ít” để tập trung nhiệm vụ tranh đấu và tập hợp lực lượng ủng hộ từng thời kì. “Muốn thực hiện Mặt trận dân chủ phải khuếch trương cuộc vận động của dân chúng” và từ đó rèn luyện các lực lượng cách mạng. Cuối cùng đồng chí chỉ ra: “Chúng ta đã phải chiến thắng xu hướng sai lầm trong hàng ngũ, xu hướng “tả khuynh ”, cô độc nó muốn làm cho đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng và xu hướng thoả hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng, nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh.

Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, nhiều cán bộ ưu tú bị địch bắt và sát hại tại Hóc Môn ngày 29/8/1941 có các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu...

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ lại sớm có bản lĩnh chính trị vượt thời đại như vậy là do truyền thống gia đình luôn sản sinh nhân tài cho đất nước. Theo gia phả thì họ Nguyễn ở Phù Khê là một nhánh của dòng Nguyễn Trãi. Chí hướng cứu dân cứu nước luôn cháy bỏng trong dòng máu người cháu hậu duệ này. Từ khi còn là học sinh nên hăng hái tham gia các hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và sớm ý thức cần thiết có Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng và gia nhập Đông Dương cộng sản Đảng. Sau đó đi vô sản hoá ở vùng mỏ Quảng Ninh và là Bí thư đặc khu Hồng Quảng. Tháng 2/1931 đồng chí bị bắt và đày đi Côn Đảo. Trong thời gian này đồng chí đã thực hiện “Biến nhà tù đế quốc thành trường học lớn cách mạng”, tranh thủ học thêm lí luận và phương pháp tổ chức đấu tranh cách mạng như một khoá học đại học sau này. Sau khi được trả tự do, đồng chí Nguyền Văn Cừ đã bắt kịp ngay với phong trào cách mạng và bằng mẫn cảm chính trị sắc bén đồng chí đã giúp tổ chức Đảng luôn đi đúng đường lối và có sách lược đấu tranh đúng đắn. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng bài học về xây dựng Đảng, về phương pháp đấu tranh cách mạng trong tác phẩm Tự chỉ trích vẫn còn nóng hổi về tính đúng đắn cho ngày nay thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là điển hình của lớp tuổi trẻ tài cao, chí lớn do quê hương đất nước sinh ra đáp ứng nhu cầu lịch sử dân tộc đòi hỏi. Dù sự nghiệp cách mạng của đồng chí chỉ ngắn ngủi trong tuổi thanh niên nhưng tinh thần Nguyễn Văn Cừ còn cháy mãi, sáng mãi trong lịch sử dân tộc./.

 

                                                                                                                                                                                                              PHẠM THUẬN THÀNH