Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

BẮC NINH TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ NHỮNG NĂM ĐẦU ĐẤT NƯỚC ĐỘC LẬP
15:13 | 18/08/2020

Thực hiện Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, cao trào kháng Nhật cứu nước và khởi nghĩa giành chính quyền đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp.

Ngày 11/3/1945, Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh, tổ chức cuộc tuần hành có hàng trăm quần chúng thuộc các làng Trung Mầu, Sộp, Ve, Húc, Văn Trinh, Long khám, Chè, Bựu… tiến về đình làng Dương Húc. Tại đây, đồng chí Trần Đức Thịnh, Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh đã kêu gọi toàn dân chuẩn bị đội ngũ, vũ khí sẵn sàng, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 15/3/1945, tự vệ và quần chúng làng Liễu Khê (Thuận Thành) tiến hành phá kho thóc của Nhật tại chùa Dâu, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay tạo nên khí thế cách mạng sôi sục trong tỉnh và các tỉnh xung quanh. Đầu tháng 6/1945, Tri huyện Tiên Du là Nguyễn Hữu Tuý bị nhân dân Duệ Đông chất vấn khi y đi đốc thuế vụ chiêm xuân. Ngày 29/6/1945, nhân dân thôn Trần Xá (huyện Yên Phong) nổi trống, chiêng, tù và, dùng dao, kiếm, gậy gộc đánh đuổi bọn lính bảo an khi chúng về làng thu thuế. Ngày 30/7/1945 tự vệ và mấy nghìn quần chúng các làng Đình Bảng, Phù Lưu, Dương Lôi, Yên Lã, Phù Chẩn, Dương Húc, Đại vi, Đại Thượng... kéo về thôn Phù Ninh ngăn cản bọn lính Nhật và lính bảo an áp tải thóc ra Yên Viên. Đây là cuộc đấu tranh có số người tham gia đông nhất trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa.

Ngày 14/8/1945, Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Tin Nhật đầu hàng lan truyền nhanh chóng trong tỉnh, thổi bùng ngọn lửa nổi dậy khởi nghĩa ở tất cả các địa phương. Hai giờ chiều ngày 17/8/1945 lực lượng tự vệ cùng với quần chúng làng Bựu Trung, Bựu Thượng tiến vào huyện đường Tiên Du, tri huyện, nha lại, lính tráng xin hàng và giao nộp vũ khí, ấn tín, sổ sách cho quân khởi nghĩa. Ngày 5/8/1945, tự vệ Tam Á, Mão Điền (Thuận Thành) đột nhập huyện lỵ Gia Bình, thu toàn bộ vũ khí của binh lính, sau đó tri huyện Nguyễn Quý Đễ bị cách chức. Ngày 20/8/1945 gần 3 nghìn quần chúng và tự vệ tiến về huyện lỵ Gia Bình dự mít tinh. Đại diện Việt Minh huyện tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai của phát xít Nhật. Sáng 18/8/1945, lực lượng tự vệ và quần chúng các làng Phù Lưu, Cẩm Giàng, Tam Lư… tiến vào phủ lỵ Từ Sơn tước vũ khí của bọn lính bảo an. Ngày 18/8/1945 lệnh khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh được ban hành. Tự vệ và lực lượng quần chúng đã nổi dậy giành chính quyền tại các huyện Yên Phong, Lang Tài (19/8/1945), Thuận Thành, Văn Giang (21/8/1945), Quế Dương (22/8/1945).

Ngày 19/8/1945, trong khi cuộc khởi nghĩa diễn ra ở Hà Nội, bọn Đại Việt quốc gia liên minh cùng bọn phản động ở tỉnh lỵ Bắc Ninh định tổ chức mít tinh tại sân vận động Suối Hoa, tung hô Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, đồng thời tranh chấp quần chúng với Việt Minh. Nắm được mưu đồ của bọn phản động, ta huy động hàng nghìn quần chúng tiến về sân vận động Suối Hoa, hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, kéo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đại do bọn Đại Việt dựng lên, đại diện Việt Minh kêu gọi quần chúng tham gia quân khởi nghĩa. Sáng ngày 20/8/1945 từ đình Long Khám, 400 tự vệ tiến về tỉnh lỵ Bắc Ninh, từ Đáp Cầu, Thị Cầu và các làng xã xung quanh tỉnh lỵ, tự vệ cùng quần chúng xuống đường hoà vào dòng người từ đường 16 (cũ), 18, 38 và quốc lộ 1A, tiến vào huyện lỵ Võ Giàng, trại bảo an binh, thành Bắc Ninh. Chiều 20/8/1945, đại diện quân Nhật đóng trong thành Bắc Ninh xin gặp quân khởi nghĩa để giao thành cho ta. Đêm 20/8/1945, Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời được thành lập, bằng bạo lực quần chúng, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Bắc Ninh đã thắng lợi rực rỡ.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng công bố bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà. Chính quyền cách mạng mới ra đời đã phải đối phó với những khó khăn thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Thù trong, giặc ngoài lăm le, đe doạ vận mệnh dân tộc. Kinh tế, tài chính nghèo nàn, văn hoá lạc hậu, đời sống nhân dân đói kém…

Tháng 11/1945, Hội nghị đại biểu các chi bộ Đảng toàn tỉnh (được coi như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất) họp tại làng Đạo Tú (Thuận Thành) đã đề ra nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ là: Tăng cường đoàn kết toàn dân, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng, phát động phong trào toàn dân thi đua tăng gia, sản xuất, tiết kiệm. Động viên nhân dân tham gia phong trào bình dân học vụ, xây dựng lực lượng vũ trang, tiếp tục đấu tranh với quân Tưởng và bọn phản động, ủng hộ Nam Bộ kháng chiến.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, chỉ trong mấy tháng cuối năm 1945, từ tỉnh đến cơ sở đã thiết lập được hệ thống chính quyền cách mạng lâm thời, có đại diện các ngành, giới, một số thân hào, nhân sỹ yêu nước tham gia. Đồng thời xây dựng, củng cố tổ chức Mặt trận Việt Minh, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân cứu quốc… Ngày 6/1/1946 trên 90% cử tri trong tỉnh, không phân biệt nam nữ, đảng phái, tôn giáo… lần đầu tiên được tự tay bỏ lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội. Ngày 26/4/1946, cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã đã thành công tốt đẹp. HĐND các cấp đã bầu ra Uỷ ban Hành chính cấp mình. Đến cuối năm 1946, ở mỗi xã đều hình thành Uỷ ban Hành chính và Uỷ ban Kháng chiến. Vừa khẩn trương xây dựng chính quyền cách mạng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vừa phải đấu tranh chống lại âm mưu và hành động phá hoại, khiêu khích của quân Tưởng, bọn Việt quốc, Việt cách và các phần tử phản động. Bằng phương pháp khôn khéo, linh hoạt và kiên quyết, chính quyền cách mạng đã giải quyết ổn thoả một số vụ rắc rối, khiêu khích do quân Tưởng gây ra tại khu vực thị xã. Lực lượng vệ quốc đoàn phối hợp với công an và tự vệ địa phương, bao vây, đột nhập sào huyệt của bọn Quốc dân Đảng tại chùa Hàm Long, bóp chết âm mưu phá hoại của bọn chúng, tiêu dịêt bọn đầu sỏ Việt quốc ở ga Thị Cầu, rạp chiếu bóng Alămbơra…

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã động viên nhân dân tích cực hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, phong trào “Ngày đồng tâm nhịn ăn”, “lập hũ gạo cứu đói”. Nhiều làng xã đã khơi dậy được tình làng nghĩa xóm, nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ đồng bào vượt qua đói kém. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tạm cấp ruộng, cấp giống, vốn cho nông dân nghèo, động viên nhân dân tích cực vỡ hoang, khai khẩn bờ bãi, khôi phục đất bỏ hoá, trồng nhiều cây lương thực và rau, màu ngắn ngày. Tiến hành tịch thu ruộng đất của một số điền chủ người Pháp và người Việt đã bỏ chạy, thu một phần công điền, công thổ cấp cho nông dân nghèo, thi hành việc giảm tô 25% cho tá điền, bãi bỏ các thứ thuế vô lý, vận động giảm lãi suất cho vay, hoãn nợ, xoá nợ cho nông dân nghèo.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “Mọi người dân phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”, phong trào bình dân học vụ với khẩu hiệu “Diệt giặc dốt” được tuyên truyền rộng khắp các làng xã, chỉ trong thời gian ngắn, toàn tỉnh đã có trên 55.000 người thoát nạn mù chữ. Hệ thống trường giáo dục phổ thông, trường tiểu học, trung học được mở mang. Số hương sư dạy ở các trường làng có 360 người. Trường trung học Hàn Thuyên, năm học 1946 - 1947 có 150 học sinh. Cuộc vận động xây dựng đời sống mới được quan tâm, các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu dần dần được xoá bỏ. Các hoạt động văn hoá, thể thao diễn ra trong lễ hội truyền thống, góp phần làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú, lành mạnh. Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh hăng hái, tích cực bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Những bài học thành công trong Cách mạng tháng Tám và những năm đầu đất nước độc lập ở tỉnh ta, trong đó bài học nắm vững thời cơ, năng động, sáng tạo, quần chúng là sức mạnh vô địch, gần dân, sát dân, bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân… vẫn là những bài học nóng hổi tính thời sự trong thời kỳ mới: Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./. 

                                                                                                                                                                                                                                                      TÂN HUYỀN

         (*) Nguồn tư liệu: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, tập I.

                                      BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, xuất bản năm 1998.