Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

BẮC NINH THÀNH PHỐ CỦA TƯƠNG LAI
09:23 | 07/01/2022

Bắc Ninh nằm trong vùng đất Vũ Ninh - Kinh Bắc xưa, là một trong những vùng đất cổ của Việt Nam, chiếc nôi của nền văn minh lúa nước Đại Việt. 

Ngay sau khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập (01/01/1997), thị xã Bắc Ninh trở lại là thị xã tỉnh lỵ, nhưng vẫn còn là : 

… “Thị xã đèn dầu

Phố lép kẹp bám dài theo quốc lộ

Những phố Vệ, phố Tiền, làng Niềm, làng Đọ…

Chỉ ngọn muống vươn dài phủ kín những ao sâu”.

                      (Thành phố trẻ - HP)

Những ngày đầu tái lập, trước thực trạng còn nhiều khó khăn, Bắc Ninh đã ưu tiên công tác quy hoạch đi trước một bước. Bộ khung về quy hoạch toàn tỉnh được hình thành, làm cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.  Thành phố Bắc Ninh từng bước được quy hoạch phát triển xứng đáng là trung tâm chính trị-kinh tế, văn hoa ́- xã hội, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ của tỉnh Bắc Ninh. Sau khi được nâng cấp lên đô thị loại III và trở thành Thành phố vào tháng 01/200, thành phố Bắc Ninh đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn. 

Ngày 25 tháng 6 năm 2014 Thành phố Bắc Ninh đã được công nhận là đô thị loại II. Chỉ sau 3 năm rưỡi, đến tháng 12/2017, Thành phố Bắc Ninh được công nhận đô thị loại I, trực thuộc tỉnh. Thành phố Bắc Ninh đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Thời gian không dài, nhưng đô thị Bắc Ninh dẫu còn non trẻ cũng hiện dần lên bộ mặt của nó, với hầu hết các công sở được xây dựng mới, khang trang và bề thế hơn. Nhìn chung khai thác những nét tinh hoa của kiến trúc truyền thống kết hợp trong kiến trúc hiện đại, ở đó biết khai thác yếu tố mái ngói một cách sáng tạo, giản dị, mực thước mà cũng rất tinh tế, sắc sảo trong cốt cách của ngôi nhà Việt. 

     Tỉnh Bắc Ninh đã lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững, phát triển “theo chiều sâu” với mục tiêu đưa tỉnh trở thành một trung tâm công nghệ và dịch vụ chất lượng cao, tạo nên tính cạnh tranh trong hội nhập quốc tế, nhằm xây dựng hệ thống đô thị Bắc Ninh, trong đó có thành phố Bắc Ninh trở thành đô thị lớn, đặc sắc trong Vùng Thủ đô và là một đô thị có tầm cỡ phát triển trung bình trong khu vực Asean. 

Năm 2013, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và đến tháng 9/2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Rõ ràng là từ trước tới nay chưa có một quy hoạch toàn tỉnh, một quy hoạch tổng quan dài hạn với tầm nhìn xa hơn (đến năm 2050) và có xét đến các yếu tố phụ cận, yếu tố Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng. Bước những bước đĩnh đạc nhất trong thiên niên kỷ mới, xứng đáng với những gì mà các thế hệ cha ông ta hằng mong ước. 

Nhiệm vụ của quy hoạch vùng tỉnh đảm bảo gắn kết chặt chẽ với quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Về không gian được chia thành các vùng chính như: Vùng Bắc sông Đuống là vùng nội thị với đô thị lõi là đô thị loại I; Vùng Nam sông Đuống là vùng ngoại thị, lấy đô thị Hồ làm trung tâm, phát triển huyện Thuận Thành trở thành thị xã; Kết nối hai không gian trên bởi “đô thị xanh” sông Đuống, vừa là dải sinh thái, vừa là một trọng điểm du lịch với thế mạnh về các di sản văn hóa đặc sắc... 

Lần đầu tiên những vấn đề tổng quan, chiến lược, dài hạn được đặt ra, được nghiên cứu, cân nhắc... nhằm mục đích cuối cùng là biến một Bắc Ninh đất không rộng mà người đông, phát triển tối đa nguồn lực của mình thành một tỉnh giàu có, bền vững và lung linh bản sắc.

Đến nay, 100% diện tích đất tự nhiên của tỉnh được phủ kín xây dựng. Tỉnh đã tập trung cao triển khai Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, các quy hoạch phân khu, quy hoạch các đô thị công nghiệp, quy hoạch xã nông thôn mới ; triển khai chương trình, kế hoạch phát triển và nâng cấp các đô thị, quản lý xây dựng, không gian kiến trúc cảnh quan và đẩy mạnh từng bước tiến tới xây dựng thành phố thông minh, kiến trúc chính quyền điện tử. 

Trên cơ sở quy hoạch xây dựng, các đô thị phát triển mạnh cả về quy mô lẫn tốc độ. Hệ thống đô thị được mở rộng hơn 200km2, tăng gần 10 lần so với năm 1997, với gần 64 khu đô thị và hơn 200 khu nhà ở, tổng diện tích khoảng 6.700ha. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị được đầu tư, bắt kịp tốc độ đô thị hóa. Hệ thống công trình văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao cũng được đặc biệt quan tâm. Hiện tất cả các huyện, thị xã, thành phố được nâng cấp bệnh viện theo hướng hiện đại; 80% các trường học từ mầm non đến THPT được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc gia.

Ngày 21/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trong Quyết định số 670/QĐ-TTg nhằm phù hợp với các nội dung định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, phù hợp với luật Quy hoạch 2017, với mục tiêu: Xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Xây dựng và phát triển tỉnh Bắc Ninh trở thành đô thị loại I vào những năm 20 của thế kỷ XXI, làm tiền đề để xây dựng tỉnh cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 (Nghị quyết ĐH tỉnh Đảng bộ lần thứ XX).

Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2020 đạt khoảng 38%, phấn đấu đến 2025 đạt 55%. Để đạt con số trên, Sở Xây dựng đã chủ động hướng dẫn các địa phương lập đề án đề nghị Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại IV đối với Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành. Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Từ Sơn chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Ninh từ ngày 1/11/2021. Bắc Ninh đang thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.

Bằng những cơ sở khoa học và phương pháp luận dự báo đầy tính sáng tạo, đồ án Quy hoạch Bắc Ninh mang hơi thở và tầm nhìn thời đại! Hơi thở và tầm nhìn mới được kết tinh bởi cội nguồn văn hóa, lịch sử, bởi tâm hồn và cốt cách của con người Bắc Ninh, thế và lực mới của tỉnh.

 

Thời gian 24 năm, Bắc Ninh đạt được sự mở mang đủ tầm và đủ sức đón tương lai, mặc dù việc tạo dựng bản sắc cho một thành phố không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Đặt trọng tâm vào phát triển theo chiều sâu, cải thiện vun đắp hình ảnh chung đô thị. Thành phố đó đây vẫn còn thiếu những khung cảnh thành thị phồn hoa, thiếu những điểm nhấn đô thị, thiếu một vài công trình mang dấu ấn bản sắc - nhìn vào, nhận ra Bắc Ninh… 

Bắc Ninh là đô thị liền kề Hà Nội, có cả nền văn hóa rực rỡ, do đó cũng cần phải có một không gian đô thị xứng tầm. Bắc Ninh đã phát triển nhanh và thành công, nhưng Bắc Ninh vẫn phải tìm hướng mới để vươn cao, vươn xa. Phải thật sự nhìn nhận tiếp cận để đánh giá những thành quả tạo dựng hôm qua, nhằm nhận biết đô thị Bắc Ninh trong vai trò lịch sử của nó, xem xét nó từ các phương diện: tính chất đô thị, hình thái đô thị, diện mạo đô thị, văn hóa đô thị làm nên “hồn vía” đô thị, để làm cơ sở thực hiện những lộ trình trong tương lai. 

Thành công của một đô thị dựa trên sự hài lòng của người dân. Lại rất cần những tầm nhìn chiến lược, tâm huyết của các nhà lãnh đạo, quản lý. 

Là một trong những mũi nhọn của “vùng tam giác” kinh tế trọng điểm gồm Thủ đô Hà Nội - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc, “mảnh đất Quan họ” đang vươn mình mạnh mẽ với một diện mạo mới. Nhìn lại chặng đường đầy gian nan thử thách từ khi tái lập tỉnh đến nay, mỗi người dân Bắc Ninh rất tự hào và tràn đầy niềm vui vì diện mạo quê hương đã và đang thay đổi. Với tầm nhìn xa trông rộng của đồ án quy hoạch mới, bức tranh tương lai sẽ ngày một hiện dần lên, rồi đây một tương lai không xa, cả tỉnh sẽ thành một thành phố, một đô thị “Văn hóa - sinh thái - tri thức”, từng bước tiến tới đô thị thông minh, để nơi ta sống sẽ thành nơi đáng sống: 

“Thành phố mở cả hai miền sông Đuống 

Núi Thiên Thai loan phượng lại têm trầu 

Cả thành phố là một vườn hoa lớn 

Ngả nón ra ngồi, 

                     ta lại hát: “- Yêu nhau…”  

(Thành phố của nơi đáng sống - HP)

                                                                                                                                                                                                          HUY PHÁCH