Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

BẮC NINH - TỪ TRUYỀN THỐNG TỚI HIỆN TẠI
15:35 | 02/11/2020

Đến bất cứ đâu trên mảnh đất Bắc Ninh,  miền quê “địa linh nhân kiệt”, nơi từ nghìn xưa cho đến hôm nay luôn là phên dậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, luôn đầy ắp những dấu ấn lịch sử được kết tinh trong những di sản văn hoá tiêu biểu ở khắp các làng quê của vùng đất văn hiến; nơi đang đổi thay từng ngày, từng giờ trong công cuộc đổi mới.

 

NHỮNG DI SẢN VĂN HÓA TIÊU BIỂU

Xuất phát từ bên kia sông Đuống, trên đất Thuận Thành uy nghiêm lăng mộ Kinh Dương Vương, đền thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ tại làng Á Lữ, di tích thờ “Nam bang thuỷ tổ” (ông tổ nước Nam). Thành cổ Luy Lâu ở xã Thanh Khương (Dâu) với các di tích dinh thự, phố chợ, đền đài, chùa tháp nguy nga còn lại của trung tâm chính trị, kinh tế thương mại, trung tâm Phật giáo và Nho giáo của nước ta trong thiên niên kỷ đầu công nguyên với Lăng Sỹ Nhiếp (Nam giao học tổ), chùa Dâu (trung tâm phật giáo Việt Nam), chùa Bút Tháp với tượng phật “nghìn mắt, nghìn tay” di sản văn hóa đặc biệt cấp quốc gia.

Thuận Thành còn là miền quê của nghệ thuật dân gian với làng tranh Đông Hồ, làng ca trù Thanh Tương, múa rối nước Đồng Ngư; kiến trúc Phật giáo nổi tiếng cổ kính và mỹ lệ như Chùa Dâu, chùa Bút Tháp. Đây còn là quê hương của nhiều thi nhân nổi tiếng như Nguyễn Gia Thiều, Sái Thuận.

Qua Thuận Thành, tới Gia Bình, nơi có ngọn núi Thiên Thai thơ mộng, quê hương của Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh là một địa thắng nổi tiếng nên các Vua, Chúa đời trước đã dựng chùa Đông Lâm, chùa Tĩnh Lự trên đỉnh núi, cung Long Phúc ở sườn non để thường xuyên về đây du ngoạn. Nơi đây không chỉ là một danh lam sơn thủy hữu tình với một tiểu vùng khí hậu trong lành mà còn là nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị của Bắc Ninh như Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh và có tới 11 ngôi đình, chùa, đền khác, ở trong giữa những xóm làng; nơi sản sinh ra 5 vị Trạng nguyên và đại khoa nổi tiếng của Việt Nam: Lê Văn Thịnh ở xã Đông Cứu, Lý Đạo Tái ở xã Thái Bảo, Vũ Văn Khuê ở xã Quỳnh Phú, Nguyễn Văn Thực ở xã Đại Bái và Phạm Khiêm Ích ở xã Đại Lai. 

Từ Thiên Thai về tới Lệ Chi Viên còn ghi dấu tích hành cung Đại Lai nơi xảy ra vụ án oan với Nguyễn Trãi - người anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới. Từ Đại Lai sang chùa Đại Bi, quê hương của nhà sư - thi sỹ nổi tiếng Huyền Quang, một trong ba vị tổ của thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Xuống cửa Lục Đầu, Bình Than vũ công lẫy lừng, với bãi Nguyệt Bàn, nơi diễn ra hội nghị Bình Than lịch sử thời Trần; vào thăm đền thờ và lăng mộ Cao Lỗ Vương ở làng Đại Than và Tiểu Than quê hương của nhà quân sự tài ba đã sáng chế ra lẫy nỏ và kiến trúc kinh Thành Cổ Loa, giúp vua An Dương Vương bảo vệ Nhà nước Âu Lạc; xuống Lai Hạ (Lương Tài) quê hương của Hàn Thuyên; về Lâm Thao ghé thăm đền thờ thượng thư Vũ Miên, làng tiến sỹ Lạng Dương với 13 tiến sỹ.

Vượt cầu Hồ hay từ Hà Nội ngược quốc lộ 1A qua sông Hồng, sông Đuống tới đất Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ. Hơn bất cứ đâu nơi đây đậm đặc di tích lịch sử và sống động truyền thống văn hoá Việt Nam. Làng Đình Bảng, lăng Lý Bát Đế, đền Cổ Pháp, nơi yên nghỉ và tôn thờ các vua Lý những bậc minh quân đã khai mở một triều đại vàng son, xây dựng và phát triển nền văn minh Đại Việt. Vùng đất này là địa bàn chủ yếu để thi triển các chính sách bảo vệ và xây dựng đất nước, phát triển văn hoá Việt Nam của các triều đại với nhiều thành tựu rực rỡ. Chiến tuyến Như Nguyệt, đền Xà, đền Yên Phụ (Yên Phong) còn âm vang lời tuyên ngôn trên dòng sông Cầu lịch sử “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (sông núi nước Nam vua Nam ở). Các chùa: Phật Tích, Tiêu Sơn, Bách Môn, Cổ Pháp, Lãm Sơn (Dạm), Hàm Long, các đình: Đình Bảng, đình Diềm, đền Bà Chúa Kho, đình Hồi Quan, Cổ Mễ, Thành cổ Bắc Ninh... là những danh lam cổ tự và những công trình kiến trúc nghệ thuật vào bậc nhất của nước ta thời Lý - Trần - Lê. Tiêu biểu là Văn Miếu Bắc Ninh, nơi tôn thờ trên 600 tiến sỹ quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh, chiếm 1/3 các vị đại khoa Hán học cả nước, cho thấy Bắc Ninh là vùng đất tiêu biểu của nền văn hiến Việt Nam.

Nền văn hiến ấy nảy nở, bảo tồn và phát triển trước hết ở các làng xã Bắc Ninh. Đa số làng quê ở đất này được tôn vinh là “Mỹ tục khả phong”, “Địa linh nhân kiệt” bởi có lịch sử lâu đời và trù phú với các hoạt động kinh tế, văn hoá vừa đa dạng vừa sôi động. Nơi đây có các làng Tiến sỹ như Kim Đôi, Tam Sơn, Vĩnh Kiều, Lạng Dương... các làng buôn nổi tiếng như Phù Lưu, Mai Động, Đình Bảng, Lũng Giang... và đông đảo các làng thợ: làm giấy dó Đống Cao, chạm khắc gỗ Phù Khê, Kim Thiều, Đồng Kỵ; rèn sắt Đa Hội, sơn mài Đình Bảng, đúc đồng Đại Bái, Quảng Bố; làm gốm Phù Lãng, dệt lụa Cẩm Giang, Tam Sơn, Nội Duệ...

Bắc Ninh là vương quốc của lễ hội (hơn 500 lễ hội), quê hương của sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc và phát triển tới đỉnh cao. Hầu như làng nào cũng có lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội tiêu biểu cả vùng, cả nước như hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích, hội Lim, hội rước pháo Đồng Kỵ, hội đền Đô, đền Bà Chúa Kho, hội chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Hàm Long, hội đền Phả Lại, hội giổ tổ Huyền Quang... Nổi tiếng và thu hút là hội hát giao duyên của các làng Quan họ.

Những giá trị văn hóa đó đã tạo nên cốt cách của người Bắc Ninh: Thông minh, cần cù, tài năng, khéo léo, năng động và tinh xảo trong hoạt động kinh tế; sáng tạo trong hoạt động văn hoá nghệ thuật và bao trùm là đạo lý sống “uống nước nhớ nguồn”, quý trọng cái tình, cái nghĩa, sự chung thuỷ trong quan hệ ứng xử giữa người với người “bốn biển một nhà”, “tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm”.

TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG

Bắc Ninh có địa bàn và vị thế chiến lược quan trọng, là tỉnh sớm có cơ sở cách mạng, phong trào cách mạng và tổ chức Đảng Cộng sản. Năm 1927 Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của Bắc Ninh được thành lập tại nhà riêng của đồng chí Ngô Gia Tự ở xóm Xanh (Tam Sơn). Ngày 4/8/1929 tại núi Hồng Vân (đồi Lim, huyện Tiên Du) Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh - Bắc Giang được thành lập, đến tháng 2/1930 chuyển thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Bắc Ninh - Bắc Giang. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhân dân trong tỉnh đã đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, xây dựng căn cứ địa, lực lượng vũ trang cách mạng và làm tròn nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Trung ương Đảng, Xứ uỷ Bắc Kỳ, ATK1, góp phần làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành chính quyền thắng lợi. 

Đội Thiếu niên Du kích Đình Bảng

Trên địa bàn Bắc Ninh nhiều địa danh cách mạng nổi tiếng đã đi vào lịch sử, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc như: Tại Từ Sơn, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 3 năm 1945 do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư chủ trì đã ra Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong cao trào kháng Nhật cứu nước và tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, ngày 11/3/1945, Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức mít tinh tuần hành tại đình làng Dương Húc (Đại Đồng - Tiên Du) sẵn sàng cho khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay sau đó, ngày 15/3/1945, tự vệ và quần chúng Nhân dân Liễu Khê (Thuận Thành) tiến hành phá kho thóc của Nhật ở chùa Dâu cấp cho dân nghèo.

Ngày 16/3/1945 tại Trung Mầu (Tiên Du) nay là Gia Lâm (Hà Nội), chi bộ Đảng đã lãnh đạo Nhân dân đứng lên giành chính quyền. Đây là địa phương đầu tiên ở Bắc Ninh khi đó khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Thắng lợi này được lan chuyền nhanh chóng, rộng khắp Bắc Ninh và các tỉnh lân cận. Cũng từ đây phong trào Việt Minh được phát triển mạnh mẽ ở các làng Bựu Trung, Long Khám (Tiên Du), Liễu Khê, Tam Á, Mão Điền (Thuận Thành), một số xã ở Gia Bình, Từ Sơn, Yên Phong, thị xã Bắc Ninh, Quế Dương, Lang Tài, Võ Giàng…

Ngày 18/8/1945, Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh đã ra lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Chỉ 2 ngày sau đó, ngày 20/8/1945 khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong toàn tỉnh Bắc Ninh. 

Phát huy thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực trong cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, huy động sức người, sức của tiếp sức cho đồng bào, đồng chí ở tiền tuyến lớn; đồng thời, kề vai, sát cánh, chung sức, chung lòng cùng với đồng bào cả nước, phát huy cao độ truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh anh dũng tiến hành các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn. 

ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN SAU NGÀY TÁI LẬP TỈNH

Ngày 01/01/1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập, trải qua chặng đường hơn 20 năm xây dựng, kiên trì thực hiện mục tiêu các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đưa ra là: Đẩy mạnh CNH - HĐH, phấn đấu đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015 và là thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ XXI, Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện và vững chắc, kinh nghiệm lãnh đạo, tổ chức quản lý và điều hành hoạt động kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN từng bước được tích lũy; các đơn vị kinh tế cơ sở đã và đang phát huy vai trò của mình trong cơ chế quản lý mới... Vì thế, Bắc Ninh đã vươn lên mạnh mẽ, đến thời điểm này đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, là cực tăng trưởng của Thủ đô Hà Nội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước với những kết quả tiêu biểu trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 như sau:

1. Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp, tận dụng ưu thế của thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao, hướng tới phát triển bền vững. Trong 5 năm qua, Bắc Ninh đã tập trung cao triển khai nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện lãnh đạo, chỉ đạo điều hành kinh tế cấp tỉnh. Xây dựng các đề án, chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 8,5%/năm, cao hơn mức bình quân chung cả nước; Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, duy trì tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ ở mức trên 97%. Hoạt động xuất khẩu có bước “đột phá”, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 36 tỷ USD, gấp 1,7 lần năm 2015 và đứng thứ 2 cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 6.410 USD, gấp 1,3 lần với năm 2015 và gấp 2,24 lần bình quân cả nước; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2020 ước đạt 29,3 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần năm 2015.

Năm 2019 chỉ số PCI Bắc Ninh xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, thu hút đầu tư có chọn lọc, đầu tư chất lượng cao vào các ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đầu tư nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Đến hết 7 tháng năm 2020, thu hút đầu tư nước ngoài xếp thứ 6 toàn quốc, có 1.542 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 19,1 tỷ USD; đầu tư trong nước có 1.324 dự án, tổng vốn đăng ký 159 nghìn tỷ đồng; khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, với 16.686 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 244 nghìn tỷ đồng.

2. Đẩy mạnh đầu tư phát triển ngày càng đồng bộ và hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng theo hướng tổ chức không gian kinh tế và đô thị trên phạm vi toàn tỉnh, Bắc Ninh đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông, gắn phát triển các khu cụm công nghiệp với khu đô thị hiện đại, đảm bảo đồng bộ giữa hạ tầng giao thông, viễn thông,  điện lực; hình thành các trục giao thông  xuyên tâm kết nối giữa các vùng như tỉnh lộ 295B, QL17, QL38, cầu Bình Than, cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, nút giao Tây Nam thành phố Bắc Ninh… kiên cố hóa hệ thống đê điều kết hợp với giao thông đường bộ; phát triển du lịch với việc quy hoạch và phát triển các khu du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái như Khu đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, Chùa Dạm...

Bên cạnh đó tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn, có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và đầu tư nông thôn đầy đủ, rõ ràng, có tính khuyến khích và động lực xã hội hóa cao. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp theo phương châm xã hội hóa. Dự kiến đến hết năm 2020, 100% số xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh sớm hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Chú trọng đầu tư hạ tầng xã hội, nhất là trường học (tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt trên 100%; xây dựng hệ thống trường chuyên và trường trọng điểm chất lượng cao); Bệnh viện đa khoa 1.000 giường, Bệnh viện tuyến huyện, Trung tâm ung bướu, Bệnh viện sản nhi... Đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại với hệ thống hình thành mạng lưới các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, tuyến phố chuyên doanh gắn với phát triển kinh tế đô thị; thu hút đầu tư hạ tầng tài chính, ngân hàng, đô thị thông minh…

3. Tạo bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được nâng lên, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ kiên cố hóa phòng học trường công lập và tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 100%; năm 2020 tỷ lệ học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cao nhất từ trước đến nay, đứng trong tốp 3 cả nước; hàng năm học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng luôn đứng trong top 10 tỉnh dẫn đầu cả nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 60% năm 2015 lên 75% năm 2020.

Triển khai quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, chú trọng tạo chuyển biến về chất trong kiến thức, kỹ năng, thái độ người lao động, chú trọng quyền lợi của người lao động…Thu hút và tiếp nhận các trường Đại học có uy tín như: Đại học Luật, Đại học Dược, Đại học Tài nguyên Môi trường, Đại học Ngoại Thương, Đại học Kinh doanh và công nghệ mở cơ sở đào tạo tại Bắc Ninh, tạo tiền đề cơ bản đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh, trọng tâm là hình thành đội ngũ các nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, có cơ chế chính sách bồi dưỡng, thu hút, sử dụng nhân tài.

4. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến mạnh mẽ. Sự nghiệp giáo dục đào tạo phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Các cơ sở y tế được quan tâm đầu tư, nâng cấp; đội ngũ cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, y đức; hiện đại hóa trang thiết bị đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. 

Công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa được chú trọng, công tác trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử được quan tâm. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Dân ca Quan họ Bắc Ninh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tiếp tục trường tồn và lan tỏa; ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia là những sự kiện có ý nghĩa to lớn góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Ninh với cả nước và quốc tế. 

5. Thực hiện đồng bộ, toàn diện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo đạt nhiều kết quả, đời sống Nhân dân được nâng lên. Chương trình giảm nghèo được quan tâm toàn diện với sự vào cuộc của toàn xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh còn 1,2%; có nhiều cơ chế đi trước và ở mức cao hơn quy định của Trung ương (hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, người có công với cách mạng; hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi từ đủ 65 tuổi đến 80 tuổi chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế; trợ cấp người cao tuổi không có lương hưu; trợ cấp người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa và thuộc diện hộ nghèo; nâng mức chuẩn trợ cấp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội…). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 80 triệu đồng/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015.

6. Đảm bảo tốt quốc phòng quân sự địa phương, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị và hoạt động văn hoá lớn, tập trung giải quyết các điểm phức tạp về an ninh nông thôn, đô thị. Tiềm lực quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

7. Đảng bộ luôn phát huy và gìn giữ khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, coi việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đặc biệt đề cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu, gần dân, trọng dân, sát dân và hiểu dân; các chủ trương luôn hướng về cơ sở đã ban hành và chỉ đạo thực hiện tốt quy định về việc các đồng chí cấp ủy đi công tác cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ, quy định lãnh đạo các cấp đối thoại với dân và coi đây là chế độ sinh hoạt đối với cấp ủy viên các cấp.

Năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước có chuyển biến tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tiếp tục được đổi mới theo tinh thần sâu sát, cụ thể, bám việc và chỉ đạo quyết liệt có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tiếp tục củng cố bộ máy chính quyền các cấp và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tính chuyên nghiệp, kỹ năng hành chính cao, kỷ cương, kỷ luật cải cách hành chính được thực hiện nghiêm túc.

Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể Nhân dân hướng mạnh về cơ sở, xác định nhiệm vụ trọng tâm từng thời gian, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và coi trọng hiệu quả, khắc phục tính hình thức trong hoạt động.

Nhiệm kỳ 2015 -  2020 đã khép lại với những thành quả đáng tự hào, chúng ta đang vững bước trên hành trình đổi mới và phát triển, với những niềm tin mới vào tương lai xán lạn. Phát huy tinh thần cách mạng trong thời kỳ mới, truyền thống đoàn kết, văn hiến, khoa bảng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục nêu cao lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, trách nhiệm công dân, trở thành một khối thống nhất, đồng tâm hợp lực, chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại vào những năm 20 của thế kỷ XXI./.

                                                                                                                                                                                                                             HỒNG GIANG