Trang chủ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

BÁC HỒ, NGÔI NHÀ NHỎ VÀ MỘT NHÂN CÁCH LỚN
11:09 | 10/01/2020

Không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường của Bác mà không trào dâng niềm xúc cảm trước sự vĩ đại của một nhân cách văn hoá lớn đã trở thành huyền thoại ngay trong cuộc sống đời thường của mình. Với nếp sống thanh cao, giản dị trong một tầm suy nghĩ sâu sắc mãi mãi là bài học lớn cho mỗi người chúng ta.

Quan niệm của Bác Hồ về nhà ở

Nhà ở của nhân dân là một vấn đề được Bác Hồ đặc biệt quan tâm, ngay từ khi đất nước mới giành được độc lập Bác đã nhắc nhở giới kiến trúc sư cả nước: “… Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc… đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền” (Trích thư Bác Hồ gửi Hội nghị Kiến trúc sư tháng 4 năm 1948).

Ta hãy nghe mơ ước của Bác - một nguyên thủ quốc gia về  nơi ở của mình: “… Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em bé chăn trâu, không dính líu gì đến vòng danh lợi” (Bác Hồ trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài tháng 1/1946).

Năm 1954 từ Việt Bắc trở về Hà Nội, từ chối không ở ngôi nhà của toàn quyền Đông Dương để dành làm nhà tiếp khách cho Đảng và Nhà nước, Bác Hồ chọn cho mình gian nhà cấp bốn của người thợ điện. Ngôi nhà 1 tầng khoảng 50m2, ẩm thấp, ở bên góc bờ ao trong Phủ Chủ tịch (cách ngôi nhà sàn hiện nay khoảng 100m). Nhà đổ mái bằng nên mùa hè rất nóng, còn mùa đông thì lạnh. Khoảng hơn 3 giờ chiều đã phải thắp đèn vì tối. Bác nói ở đây vừa thích hợp với hoàn cảnh đất nước và tiện khi có khách đến làm việc. Bác chỉ cần đi bộ không cần xe cộ, vừa tiết kiệm, vừa không lãng phí. Bác thường nói với các đồng chí phục vụ: “Hãy nhìn nhân dân sống như thế nào để mà sống cho phù hợp. Sống phù hợp với nhân dân mới hiểu được nhân dân”. Người ở đây gần 4 năm trời (từ 1954 đến 1958).

Thỉnh thoảng Bác có đến thăm vài gia đình cán bộ ở những khu biệt thự to trên dưới mười phòng, trang hoàng lộng lẫy, bóng điện từ ngoài cổng vào đến trong nhà có đến vài chục ngọn. Đến lúc ra về Bác tự nói với mình và cũng muốn cho các đồng chí phục vụ ngồi bên nghe thấy: “Trong lúc nhân dân, cán bộ còn rất nghèo khổ, khó khăn, có gia đình hàng chục nhân khẩu chen chúc trong một căn hộ hơn chục mét vuông mà họ sống trong những biệt thự như vậy mà vẫn phởn phơ, vô cảm. Thật không chịu nổi”. Có lần khi ra cửa Bác hỏi chủ nhà: “Nhà nhiều bóng đèn như thế này có hôm nào quên tắt không?”

Trong những ngày ở tạm nhà thương Đồn Thuỷ (nay là Bệnh viện Trung ương 108) nghe báo cáo về một số dư luận không hay về việc nhà cửa có liên quan đến một vài cán bộ cấp cao, Bác tâm sự: “Người ta ai cũng muốn có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, ăn sung mặc sướng nhưng những cái đó dù sao cũng chỉ là nhất thời, còn tiếng xấu thì còn lại muôn đời, lưu truyền mãi mãi…”.

Nhà văn Sơn Tùng - Anh hùng Lao động - người có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất (14 tác phẩm) đã nhận xét cô đọng: “Sự vĩ đại của Bác nằm ở nền móng đạo đức”.

 Sự vĩ đại của Bác là hiện thân của sự hoà mình vào nhân dân, là hiện thực hoá lời dạy của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với các con: 

- “Vật dĩ quan gia vi ngô phong dạng” 

(đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình). 

Có người nói rằng đem tích hợp tất cả những cái bình dị đời thường ấy ở Bác, là ta đã nhìn đã cảm được phong cách đạo đức Hồ Chí Minh. 

Bác Hồ với ngôi nhà sàn

Nhà sàn ở Việt Bắc  

Trong kháng chiến chống Pháp, sống cùng với đồng bào dân tộc Việt Bắc, Bác rất tâm đắc với ngôi nhà sàn, nó giản dị, phù hợp với điều kiện địa hình và khí hậu, lại bằng những vật liệu đơn giản sẵn có ở rừng, xây dựng nhanh. Bác Hồ chọn sống ở nhà sàn là mong muốn được hòa mình với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, sống giản dị, tiết kiệm, gần gũi với mọi người. Theo lời Bác dặn, những cái lán Bác ở phải đạt mấy tiêu chí sau :

“Trên có núi,

Dưới có sông,

Có đất ta trồng,

Có bãi ta vui.

Tiện đường sang Bộ Tổng,

Thuận lối đến Trung ương.

Nhà thoáng, ráo, kín mái,

Gần dân, không gần đường”.

Vị trí như vậy thuận tiện cho công việc mà cũng rất đẹp, xét từ góc nhìn “phong thủy” cổ xưa hay sinh thái học hiện đại.

Nhà có tầng trên để Bác ngủ và làm việc ban đêm, tầng dưới làm việc ban ngày, như vậy tránh được thú dữ và không khí núi rừng ẩm thấp. Gọi là nhà nhưng thật ra nó bé lắm. Bác giao hẹn: “Chiều cao có thể giơ tay với được, còn chiều ngang thì đưa tay sang phải, sang trái đều chạm đến, để tiện lấy các vật dùng treo trên vách. Bác bảo làm như vậy đỡ tốn công sức, dễ giữ bí mật. Trên sàn chỉ cần một chiếc bàn con để Bác ngồi làm việc, xem sách báo là đủ”. (Với nhà sàn ở Định Hóa) và “Quanh nhà rải sỏi để đêm hôm người lạ có thâm nhập thì nghe tiếng sỏi lạo xạo và anh em tập thể dục chân trần để bàn chân được mát-xa” (với nhà sàn Đá Chông sau này).      

Từ ngày 2/4/1947 đến hết tháng 9/1954, có tới gần 40 lần Bác di chuyển nơi ở. Nhà sàn đầu tiên tổ mộc dựng bên sườn dốc xuống sông Phó Đáy. Bãi bóng chuyền đầu tiên và duy nhất của CQ41 (mật danh nơi Bác ở) ở ngay bên bờ sông, nhìn ảnh Bác chơi bóng có thể thấy thấp thoáng ngôi nhà. Dưới sông nhô lên những mỏm đá. Bác vẫn ra đây câu cá, ngâm thơ, nghe báo cáo, đặc biệt đã tiếp Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, cố vấn La Quý Ba, Le-ô Phê-ge đại diện Đảng Cộng sản Pháp…

Về thủ đô Người vẫn ở nhà sàn 

Sau chuyến thăm hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, trên đường về, Bác trầm ngâm suy nghĩ rồi nói với các đồng chí phục vụ: Bác muốn làm một căn nhà sàn ở bên kia bờ ao để ở và làm việc cho thoáng.

Theo ý Bác, mùa hè năm 1958, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, Cục trưởng Cục thiết kế Dân dụng, Bộ Kiến trúc (nay là Công ty tư vấn xây dựng, Bộ xây dựng) được giao thiết kế ngôi nhà ở cho Bác. Ông Ninh là một trong tám người Việt Nam học kiến trúc khóa đầu tiên ở trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Chính ông là người thiết kế lễ đài Ba Đình đón Bác và Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô, ngày 1/1/1955.

Đám sinh viên chúng tôi được nghe trực tiếp KTS Nguyễn Văn Ninh kể lại (Ông tham gia hướng dẫn đồ án cho sinh viên kiến trúc những khoá đầu): lúc đó được giao thiết kế nhà ở cho Bác là điều mơ ước của một kiến trúc sư đã từng thiết kế nhiều biệt thự sang trọng (trong đó có cả biệt điện cho vua Bảo Đại ở Đà Lạt). Ông nghĩ Bác đã chịu nhiều gian khổ, nay hoà bình rồi, Bác cần phải sống trong một biệt thự sang trọng là điều đương nhiên, và ông dồn hết tâm huyết vào bản vẽ sơ phác ngôi nhà của Bác. Khi thông qua phác thảo, hình như Bác có biết ông đã thiết kế nhà cho Bảo Đại, nên Người nói: “Bác không phải vua quan nên không thể ở trong những ngôi nhà sang trọng như chú vẽ đây. Chú thiết kế cho Bác ngôi nhà ở phía bên kia bờ ao, giống như nhà sàn Việt Bắc trước kia Bác đã ở. Chú xem nên làm thế nào thật đơn giản, chỉ cần một phòng ngủ và một phòng làm việc nhỏ thôi, không cao lắm, không cầu kỳ”.  

Bác căn dặn kiến trúc sư rất cụ thể: Cần làm hành lang xung quanh để khi có các đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác có lối đi và khi Bác làm việc, các đồng chí phục vụ đi lại không ảnh hưởng đến Người. Bác nói: Lợi dụng vách ngăn hai phòng làm một giá sách cho gọn, tiết kiệm và tiện sử dụng. Người nhắc nhở: Nhà làm bằng gỗ bình thường, gỗ loại một để dành làm tà vẹt đường sắt và trường học. Dưới tầng trệt, Bác bảo làm bệ xi măng thấp ở chung quanh, trên có lát ván tạo thành hàng ghế băng dài cho các cháu thiếu niên vào chơi có đủ chỗ ngồi. 

Khi đó, Bác đã gần 70 tuổi, KTS Nguyễn Văn Ninh đề nghị đặt thêm khu vệ sinh trong nhà để sử dụng thuận tiện, nhưng Bác không đồng ý. Bác bảo: “Khu vệ sinh ở nhà cũ còn tốt, cứ để Bác dùng cho đỡ lãng phí, và tạo điều kiện để bác đi lại cho khoẻ mạnh”. Cả đời làm nghề, chưa bao giờ KTS Nguyễn Văn Ninh được giao một đề bài thiết kế quá đơn giản mà nhiều day dứt trăn trở đến thế!

Sau khi được Bác góp ý, bản vẽ thiết kế đã nhanh chóng hoàn thành và đi vào thi công. Trong thời gian Bác đi công tác, đội thi công 30 người lính công binh đã khẩn trương xây dựng và hoàn thành ngôi nhà vào ngày 1/5/l958, sau khoảng một tháng. Khi công trình cơ bản đã xong, KTS Nguyễn Văn Ninh mời Bác đi thăm nhà, một lúc sau dừng lại Bác cười nói: “Chú Kiến (Bác vẫn gọi thân mật Kiến trúc sư là chú Kiến: kiến trúc, kiến thiết) làm nhà cho Bác sang quá, còn hơn cả nhà quan tể tướng ngày xưa”. Vào dịp sinh nhật năm 1958, Bác Hồ đã chuyển sang ở ngôi nhà này cho tới ngày 17/8/1969.

 Buổi khánh thành ngôi nhà sàn, Bác Hồ mặc bộ quần áo nâu, đi đôi guốc mộc. Bác chiêu đãi kiến trúc sư và thợ thi công bằng bữa “tiệc ngọt” tân gia, Bác nói vui: “Kẹo thuốc hôm nay là tiền nhuận bút của Bác bỏ ra mua, không phải của công đâu, Bác khao đấy, các chú cứ thoải mái, không hết thì mang về.” Trước khi về, Bác chờ bằng được “chú Kiến” ra ngồi ở giữa rồi mới chụp ảnh chung kỷ niệm.

Được một thời gian, nghe anh em cảnh vệ kể lại, những đêm làm việc khuya nghe tiếng phất muỗi của Bác, trong lòng thương Bác vô cùng, bởi đèn sáng giữa một khu vực nhiều cây cối và gần hồ nước nên nhiều muỗi. Đây cũng là điều mà KTS Nguyễn Văn Ninh chưa thể lường hết được, ông vô cùng xúc động và ân hận. Sau nhiều lần bàn tính cuối cùng ông đã đưa ra phương án tối ưu là dùng lưới đồng nhỏ căng lên các ô cửa sổ, vừa ngăn muỗi mà vẫn có gió mát. Công việc trên làm khi Bác vắng nhà, vẫn sợ khi Bác về lại phê bình là tốn kém.

Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc với kích thước đã ở mức tối thiểu: dài 10,15m, rộng 6,82m, có hai tầng, tầng trên cao 2.62m có hai phòng: mỗi phòng rộng 13.50m2 dùng làm phòng ngủ và phòng làm việc về mùa đông. Tầng dưới cao thông thuỷ 2.20m là nơi Bác Hồ thường làm việc về mùa hè, nơi họp Bộ Chính trị quyết định nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam, nơi tiếp khách thân mật. Cầu thang một nhịp 14 bậc (ở cung “lão” trong “sinh - lão  - bệnh - tử”) đặt ở hướng Tây Nam, che được ánh nắng ban chiều dọi vào phòng ngủ.

Một lần có vị nguyên thủ nước bạn sang thăm, Bác tiếp ở tầng dưới. Xong, vị khách tỏ ý muốn được xem tư thất trên sàn. Bác cười: “Chỉ 6 người một lên cầu thang thôi nhé, kẻo sập nhà tôi!”. Lên nhà, vị khách không thể tưởng tượng được sự giản dị, thanh bạch, cao quý của con người Hồ Chí Minh. Ông thật sự xúc động, suy tư nhiều và khi xuống dưới nhà, vẻ đắn đo, đã đề nghị Bác được xem khu hầm ngầm bí mật để khi cần được bảo vệ có thể “bấm nút” hạ xuống dưới nền nhà. Bác thoáng chút ngạc nhiên, nhưng hiểu ra ngay: “Không có đâu, thưa đồng chí Nguyên soái Chủ tịch, hầm ngầm bảo vệ của chúng tôi là… Nhân dân!”. 

Ngôi nhà sàn này Bác đã sống và làm việc trong 11 năm cuối đời, chỉ có những vật dụng rất đơn sơ: một chiếc bàn, giá sách, tủ quần áo, giường gỗ cá nhân, tấm chăn đơn, chiếc chiếu cói, cây quạt cọ, chai nước lọc. Điều này đã được nhà thơ Tố Hữu khắc hoạ trong trường ca “Theo chân Bác”: 

Nhà gác đơn sơ một góc vườn

Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn

Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối

Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn...

Ngôi nhà sàn này có giải pháp kiến trúc và quy hoạch hợp lý hoà quyện với thiên nhiên xung quanh, chi tiết kiến trúc đơn giản mà truyền cảm, mang đậm sắc thái dân tộc: Độc đáo mà không cô đơn, nhỏ mà không bị lấn át, hình khối đủ lớn để làm chủ thể, thành một điểm nhấn của không gian thiên nhiên rộng mở.

Ngôi nhà sàn Bác Hồ không những có ý nghĩa về lịch sử mà còn là một công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”. Ngày 15/5/1975, ngôi nhà sàn Bác Hồ được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá đặc biệt của Quốc gia. Năm 2001, KTS. Nguyễn Văn Ninh (1908 - 1975) đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đợt 1 về cụm công trình kiến trúc: Lễ đài Ba Đình (1955), nhà sàn Bác Hồ (1958), Lễ đài Ba Đình (1960).

Nhiều năm đã trôi qua, những ngôi nhà ở của Bác Hồ mãi trở thành biểu tượng cho lối sống giản dị, trong sáng của đạo đức một con người Việt Nam chân chính - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại!  

-----------------------------

Trong bài viết có tham khảo một số tư liệu của đồng nghiệp.

                                                                                                                                                                                                                                                     HUY PHÁCH