Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

BÀ MẸ CỦA 5 VỊ TIẾN SỸ
16:17 | 15/03/2022

 Tỉnh Bắc Ninh chúng ta có một làng quê nổi tiếng về hiếu học và khoa bảng, đó là làng Kim Đôi, huyện Quế Võ, nay là khu Kim Đôi, phường Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, nằm ngay cạnh con sông Cầu thơ mộng. Cả làng Kim Đôi có tới 25 vị Tiến sỹ nho học, đứng thứ nhì toàn quốc sau làng Mộ Trạch của tỉnh Hải Dương. Riêng dòng họ Nguyễn Kim Đôi đã có 18 vị Tiến sỹ với 13 đời nối tiếp nhau. Đặc biệt có một gia đình 5 người con trai đều là Tiến sỹ, cùng làm quan đại thần trong triều. Ba người trong số họ đều là Thượng thư, đứng đầu 3 bộ quan trọng bậc nhất của triều đình: Bộ Binh, Bộ Lễ, Bộ Lại. Hai vị có chân trong “Tao đàn thập nhị bát tú” của Lê Thánh Tông là Nguyễn Nhân Bị và Nguyễn Nhân Phùng.

Tìm hiểu về kỳ tích của dòng họ Nguyễn ở Kim Đôi, nhiều sử gia cho rằng làng Kim có thế đất “Địa linh nhân kiệt”. Dòng họ Nguyễn có gốc rễ vững vàng và cao quý xét về phương diện nhân chủng học. Thủy tổ họ Nguyễn ở Kim Đôi là ông bà Nguyễn Lung - Hoàng Thị Hay đều là những con cháu các chi tộc nổi tiếng đời Trần. Ông Nguyễn Lung bị giặc Minh đuổi bắt, phải bỏ vùng Chí Linh (Hải Dương) ngược sông Cầu chạy lên phía Bắc. Sau đó ông quay về lập nghiệp ở làng Kim Đôi ngày nay. Số phận đã cho ông gặp bà Hoàng Thị Hay. Từ mối nhân duyên này, một dòng họ nổi danh trong lịch sử đã ra đời.

Bà Hoàng Thị Hay quê gốc ở Hoằng Hóa - Thanh Hóa, di cư đến vùng Chí Linh - Hải Dương. Thân phụ của bà là ông Hoàng Trân Bảo một võ quan nổi tiếng đời Trần. Dòng họ Hoàng văn võ song toàn, có nhiều công trạng trong dựng nước và giữ nước đời Trần. Bà Hoàng Thị Hay có tên hiệu là Từ Thiện, vốn nổi tiếng là người thông minh, đức độ, coi trọng kẻ sỹ, khinh thường quyền uy, tiền bạc. Đặc biệt bà là người mẹ mẫu mực trong việc nuôi dạy các con nên người.

Là vợ lẽ ông Nguyễn Lung, bà có tất cả 11 người con. Với sự nuôi dạy của bà, cả 11 người con này đều được học hành tử tế và thành đạt. Đặc biệt 5 người con trai đầu đều lần lượt đỗ Tiến sỹ, trở thành những quan đại thần của triều đình.

Hai anh em cùng đỗ Tiến sỹ trong khoa thi năm Bính Tuất 1466 là Nguyễn Nhân Bị và Nguyễn Nhân Thiếp (Riêng Nhân Bị khoa sau thi lại vẫn đỗ Tiến sỹ nên được gọi là đồng Tiến sỹ).

- Nguyễn Nhân Phùng đỗ Tiến Sỹ năm Kỷ Sửu 1469

- Nguyễn Nhân Dư đỗ Tiến sỹ năm 1472 

- Nguyễn Nhân Đạc đỗ Tiến sỹ năm 1475 

Như vậy trong vòng 10 năm (1466 - 1475) sau 4 khoa thi, 5 người con của bà Hay đều đậu Tiến sỹ làm quan trong triều Lê Thánh Tông, 3 người sau đó trở thành Thượng Thư, người làm Chánh sứ sang Trung Quốc, 2 người có chân trong “Tao đàn nhị thập bát tú”. Vua Lê Thánh Tông đã ban tặng 8 chữ vàng: Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều. Trong lịch sử khoa cử Trung Quốc và Việt Nam chỉ có 2 gia đình đạt được vinh quang rực rỡ này. Đó là họ Đậu ở Yên Sơn, Trung Quốc thời Ngũ Đại và Họ Nguyễn ở Kim Đôi Việt Nam thời Lê .

Chúng ta nên nhớ rằng: hai vợ chồng ông bà Nguyễn Lung - Hoàng Thị Hay tới lập nghiệp ở vùng Kim Đôi đầu thế kỷ 15 đều rất nghèo. Ông Nguyễn Lung vừa có nghề thuốc Nam, vừa rất giỏi chài lưới. Phía Bắc Kim Đôi là dãy Nham Biền với 99 ngọn núi cao, rừng núi trập trùng, với biết bao cây thuốc quý. Ngay cạnh nhà là dòng sông Như Nguyệt bao la sóng vỗ, tôm cá từng đàn. Bà Hoàng Thị Hay vừa trực tiếp dạy chữ cho tất cả các con, vừa thức khuya dậy sớm trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa .

Nhà tuy không giàu có gì, nhưng tất cả 11 người con của ông bà không bao giờ bị đói rách, thiếu sách vở, dầu đèn. Sử cũ đã chép rằng: “Con đi học xa, áo chưa rách bà đã mua sẵn áo dự phòng, sợ cái rét làm tổn hại đến việc học của con. Gạo ăn chưa hết, bà đã mang thêm cho con gạo mới, sợ cái đói làm tổn hại tới học tập. Các con bà cảm động về sự chăm sóc, dạy bảo của mẹ đều dốc sức học hành, đỗ đạt để phò vua, giúp nước”. 

Rõ ràng người mẹ tuyệt vời này đã góp phần quyết định để 11 người con nên người. Trong đó đã đóng góp cho đất nước 5 vị Tiến sỹ nổi danh, 5 ông quan đại thần tài giỏi và trung thực, thanh cao. Gia phả họ Nguyễn còn ghi rằng: Mặc dù là mẹ của 5 vị quan lớn trong triều nhưng bà Hoàng Thị Hay vẫn sống rất đạm bạc, khiêm nhường nơi làng quê của mình. Các vị Tiến sỹ vẫn thấy mẹ mình vừa đọc sách thánh hiền, vừa miệt mài dệt lụa bên khung cửi. Bà Hoàng Thị Hay là tấm gương tuyệt vời về tình mẫu tử, trí thông minh, đạo đức và lối sống vì con cháu, vì mọi người.

Chúng tôi cũng nói thêm rằng: ở những thời thịnh trị, các quan lại trung thực của triều đình phong kiến đều nghèo. Họ dốc lòng, dốc sức để phò vua, giúp nước không nghĩ đến lợi ích riêng của mình. Họ Nguyễn làng Kim Đôi có tới 18 vị Tiến sỹ, 18 vị quan lớn của triều đình, kéo dài 13 đời kế tiếp nhau mà làng Kim Đôi vẫn nhỏ bé, dân làng vẫn cần cù làm ruộng, dệt lụa, đánh bắt tôm cá. Con cháu của bà Hoàng Thị Hay đời này sang đời khác vẫn sống bằng chính sức lao động của mình. Câu nói “Một người làm quan cả họ được nhờ” không đúng với họ Nguyễn làng Kim Đôi, tỉnh Bắc Ninh.

Gần sáu thế kỷ đã trôi qua, làng Kim Đôi bây giờ là làng văn hóa cấp toàn quốc. Ngày 28 tháng 2 âm lịch hàng năm, con cháu họ Nguyễn lại tập trung đông đủ tại nhà thờ Họ để bái vọng tổ tiên. Trong đó có khá nhiều các vị tướng lĩnh, nhiều Tiến sỹ, Thạc sỹ, cử nhân, nhà ngoại giao, văn nghệ sỹ… đang công tác ở mọi miền đất nước. Trong khói hương nghi ngút, vào lúc chính ngọ, bao giờ cũng có một mùi hương ngào ngạt, thẳm xa, lan tỏa đến mọi người. Các cụ già nói rằng: đó chính là hình bóng của mẹ Hoàng Thị Hay, vị Thủy Tổ của dòng họ Nguyễn đang đến với mọi người. Mẹ vừa phù hộ độ trì cho toàn thể dân làng và dòng họ, vừa khích lệ động viên hậu duệ của mình phát huy truyền thống của tổ tiên, trở thành những người tài đức vì dân vì nước./.

                                                                                                                                                                                        NGUYỄN ANH THUẤN