Một buổi tối mùa thu năm 1966, sau nhiều ngày cùng giáo sinh trường Sư phạm Hà Bắc đào xây lớp chìm, khơi giao thông hào và đắp hầm chữ A, rồi lại đi đắp đê con sông máng mang nước từ Thác Huống (Thái Nguyên) về Bắc Giang vừa bị bom Mỹ phá huỷ, tôi bắt đầu ngồi vào bàn soạn giáo án cho những ngày giảng dạy nơi sơ tán ở Tân Yên, thì chợt nghe tiếng ngâm thơ bài "Tình biển cả" trên Đài Tiếng nói Việt Nam qua chiếc đài Galen tự lắp:
Biển ta xanh như trời ta xanh thẳm
Đêm ta nằm mắt khép một vầng trăng…
… Cây san hô trên tường
cũng tìm giặc đánh
Xác chúng chôn dài trên bãi biển quê ta…
Bài thơ hay lại được thể hiện bằng giọng ngâm tha thiết, tình cảm của nghệ sỹ Trần Thị Tuyết làm tôi xúc động và điều lý thú nhất là tác giả lại là Trần Anh Trang, một bạn học thời phổ thông ở trường Trung học Hàn Thuyên. Bài thơ này đã được in trên trang nhất báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Đến Ngày thơ Việt Nam rằm tháng Giêng năm Nhâm Thìn 2012, hai câu thơ cũng trong bài "Tình biển cả" lại được chọn là 1/50 câu thơ hay viết vào bóng bay thả lên trời ở Văn Miếu, Hà Nội:
Đêm ôm vợ bỗng thấy lòng giật thót,
Thương con thuyền đầu bãi
đứng chơi vơi.
Nhà thơ Trần Anh Trang quê ở Thị xã Bắc Ninh, nơi quê hương của "Một giỏ Sinh đồ, một bồ Hương cống, một đống Tiến sĩ, một bị Trạng Nguyên, một thuyền Bảng nhãn" nơi có tiếng là "ăn Bắc, mặc Kinh" với 49 làng Quan họ và toà thành cổ Bắc Ninh, nhưng cho đến những năm chống Mỹ vẫn là một "thị xã đèn dầu" với câu thơ:
Thị xã tôi như một nhành tre,
Mảnh mai, gầy guộc giữa trưa hè.
Từ Cổng Ô vươn bờ Nam Như Nguyệt,
Thỉnh thoảng đi về một chuyến xe.
Học xong lớp 10 trường Hàn Thuyên, ngôi trường nổi tiếng với các thầy Hiệu trưởng: Tố Tâm Hoàng Ngọc Phách, Trần Bá Tuyền, Cầm Ngọc Ba… Các thầy dạy Văn: Võ Tú, Triều Minh, cô Bích Hợi… Trần Anh Trang theo tiếng gọi "Anh đi khai phá miền Tây" đi lên Hoà Bình làm nghề khai hoang trồng dứa, rồi ra Hà Tu, Quảng Ninh cuốc mỏ. Nhưng "Cuốc xẻng không đùa với khách thơ", trong một lần ra làm phụ hồ ở UBND Thị xã, anh được biết có trường Địa chất sơ tán về Thuận Thành và anh đã thi đậu vào trường. Nhờ có năng khiếu về văn thơ, học xong anh được giữ lại trường làm giáo viên Văn học. Nhưng vốn là người hay "Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", anh lại xin được về các đoàn địa chất lãng du khắp núi rừng Việt Bắc:
Từng ba lô mẫu ngày thêm nặng,
Còn ấm vai người với nắng hanh.
Và chắc súng trong tay:
Chợt nghe lá rơi đầu súng,
Nóng ruột làm sao buổi xuất quân.
Trong một buổi đi khảo sát địa chất ở đảo Cô Tô, anh viết được một bài thơ xuất thần: "Tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô":
Tôi đứng lặng sống trong niềm kỳ ảo,
Giữa trùng khơi lại được gặp Người.
Và hai câu mang nhãn quan chính trị sâu sắc về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam:
Đất mẹ nghìn năm tự xé mình ra,
Cho ta biển, cho ta trời,
cho ta ngàn vạn đảo
Mẹ Âu Cơ quặn mình sinh trăm trứng
Nửa lên ngàn cũng thương nhớ
mũi Cà Mau.
Chính vì thế mà nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh, báo Quảng Ninh đã chọn bài thơ trên của Nhà thơ Trần Anh Trang là một trong 10 bài thơ hay viết về Quảng Ninh. Một niềm vinh dự mà mấy ai có được trong đời thơ của mình.
Nhà thơ Trần Anh Trang với lòng yêu thơ và năng lực của mình đã từng được đi học: Lớp Báo chí của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận chức cán bộ Phòng Tuyên truyền Tổng cục Địa chất Việt Nam ở giữa Thủ đô Hà Nội. Nhưng như có nhà thơ đã viết: "Quê hương là chùm khế ngọt", Trần Anh Trang với cặp kính cận mơ màng lại nhận ra:
Sau cửa sổ mẹ ngồi,
Vá cho con miếng áo.
Bếp nhỏ nước vừa sôi,
Chị vội vàng tra gạo.
Và nỗi nhớ quê hương, bạn bè da diết:
Ô cửa quen thân như mắt ai nhìn,
Thèm tiếng gọi từ ngõ xa vọng lại
Một dáng người sau mành cửa
rung rinh.
Năm 1970 khi tỉnh Hà Bắc có chủ trương thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, anh đã quyết tâm xin về tỉnh nhà cùng với các nhà văn, nhà thơ: Trần Ninh Hồ, Anh Vũ, Nguyễn Phan Hách, Hoàng Kỳ... tham gia xây dựng, thành lập Hội. Từ năm 1979 - 1982, anh được cử đi học trường Đại học Viết văn Nguyễn Du khoá I cùng với nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Đình Kính... Khi về công tác lại tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, anh được đảm nhiệm các việc: Cán bộ biên tập, sáng tác, xuất bản rồi Trưởng ban biên tập - xuất bản Hội VHNT tỉnh Hà Bắc. Từ 1992 được đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hà Bắc. Đến 1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập, nhà thơ Trần Anh Trang với cương vị Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh. Từ 2003 được nhận nhiệm vụ: Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh. Trong những ngày tái lập, cơ sở vật chất của tỉnh còn đơn sơ, Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh phải ở nhờ UBND xã Đại Phúc, rồi ở chung với nhiều cơ quan tại Khu nhà chung cư ở phố Ngô Gia Tự. Nhưng Ban lãnh đạo Hội vẫn cho ra mắt đều đặn Tạp chí Người Kinh Bắc, các tập tranh ảnh của Chi hội Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, các tập thơ, truyện ngắn, nghiên cứu, các đêm nhạc, sân khấu của Văn nghệ sĩ trong tỉnh. Bằng mối quan hệ với nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu Trung ương, anh đã mời được nhiều tác giả từ Trung ương và các tỉnh bạn tham gia viết bài, nâng tầm chất lượng tạp chí Người Kinh Bắc ngang tầm các tỉnh lớn trong toàn quốc.
Bằng nhãn quan tinh tường và tấm lòng chân tình, anh cùng BCH Hội đã kết nạp được nhiều Văn nghệ sĩ các chuyên ngành, góp phần nâng cao chất lượng sáng tạo Văn học nghệ thuật của giới Văn nghệ sỹ tỉnh nhà. Nhà thơ Trần Anh Trang cũng đã nhiệt tình tạo điều kiện cho Văn nghệ sỹ trong tỉnh được dự các trại sáng tác của Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam tại: Tam Đảo, Đại Lải, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu và cùng với sự tài trợ của UBND tỉnh Bắc Ninh, nhiều tiểu thuyết, tập truyện ngắn, công trình nghiên cứu, các tranh tượng, nhiếp ảnh, sân khấu, ca khúc... đã được ra đời với sự đánh giá hào sảng của văn nghệ sỹ cả nước.
Phong trào Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đã được ghi nhận bằng một câu đối đăng trên số Tết - báo Văn nghệ của Hội Nhà văn 2003:
"Nghệ thuật tìm về cội nguồn, bẩy nổi ba chìm; ánh điệp sáng ngời trang giấy dó.
Văn chương bám rễ cuộc sống, tam sơn tứ hải; Hồn thơ đượm ngát chất dân ca".
Với lòng biết ơn với các nhà thơ đàn anh của xứ Kinh Bắc, anh đã cùng với Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh phối hợp với chính quyền tỉnh và thành phố Bắc Ninh tổ chức "Đêm thơ Hoàng Cầm" ngày 24/12/2003 để vinh danh nhà thơ của quê hương và một nhà nghiên cứu trong tỉnh đã tặng Nhà thơ Hoàng Cầm 4 câu thơ:
"Sinh ra từ "Bên kia sông Đuống"
"Mộng Kiều Loan" ôm "Hận ngày xanh"
Vị đắng, tính hàn, tình cháy bỏng
"Mưa Thuận Thành" mướt "Lá Diêu bông".
Với nhiệt tình sẵn có và sự thẩm thơ tinh tường của một nhà thơ sớm thành danh, Trần Anh Trang đã dành nhiều thời gian, công sức để biên tập, bình chọn giới thiệu và lo liệu xuất bản cho hàng chục nhà thơ trẻ trong tỉnh (tuy tuổi đời cũng sàn sàn như nhau) tại các Nhà Xuất bản có uy tín như NXB Hội Nhà văn, NXB Văn hoá Dân tộc. Điểm xúc động nhất là anh đã sưu tầm, biên tập và in các tập thơ của các nhà thơ Trịnh Văn và Nguyễn Ngọc Ly khi các ngôi sao này đã thành sao chổi.
Người ta thường quan niệm, thi sĩ đa tài thường đa tình. Với tôi nhà thơ Trần Anh Trang cũng thuộc nòi thư hương, đa tình. Nhưng ở anh nổi trội là Tình biển cả với bài thơ viết lúc tuổi 20. Tình biển cả đã được in ở nhiều tuyển thơ Việt Nam và bài ca ngợi Tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô được giới Văn nghệ Quảng Ninh vinh danh. Anh còn nặng lòng với tình quê hương, nên dù có điều kiện về công tác ở Hà Nội, anh vẫn tha thiết về xây dựng nền VHNT ở quê hương vì luôn tâm niệm:
Trong gió bấc dặt dìu lời Quan họ
Bức tranh Hồ gà gáy báo xuân sang.
Và điều cũng rất đáng trân quý là anh nặng lòng với tình nghệ sĩ đã góp công không nhỏ vào việc gây dựng phong trào Văn học nghệ thuật của quê hương Bắc Ninh./.
NGUYỄN KHẮC BẢO