Trang chủ TRANG VIẾT TUỔI HỒNG

NGƯỜI THẦY PHƯƠNG XA
15:55 | 23/09/2021

Ừ thì cháu cũng vừa mới tròn mười ba, nhưng người bạn - người thầy mà cháu nói khá già. Thôi thì trong văn học, tuổi tác không thành vấn đề, cháu xin phép được xưng bằng tôi cho tiện việc thuật lại câu chuyện.

Tính đến nay cũng đã gần 2 tháng kể từ khi dịch bệnh bất ngờ ập xuống. Tôi thì cũng như mọi người khác, cũng phải nghỉ ở nhà và từ sáng tới tối không lăn lộn trên giường thì cũng lên mạng tìm vài thứ linh tinh để xem. Cuộc sống lúc ấy thực sự rất vô vị và nhàm chán. Cảm tưởng như tôi giống một hòn sỏi, cứ nằm một chỗ, ai đá thì lăn đi. Vì không có việc gì đặc biệt xảy ra nên tôi cũng chẳng có cảm hứng văn thơ gì, sợ rằng nếu chỉ để thêm một thời gian nữa là những công sức, kinh nghiệm tôi luyện tập viết văn cũng sẽ đổ sông đổ bể hết cả. 

Nhưng có vẻ ông trời nhìn thấu lòng tôi. Hôm ấy, tôi vẫn như thường lệ nằm dài trên giường, tìm kiếm một thứ gì đó mới mẻ để xem. Duyên cớ thế nào tôi lại tìm thấy video về “penpal”. Lấy làm lạ, tôi cũng tò mò bấm vào xem thử xem penpal là cái gì. Tôi thấy người trong video trang trí một lá thư rất đẹp, viết tỉ mẩn từng chữ. Vốn là người mê những thứ đẹp đẽ, tôi liền lên mạng để tìm hiểu thêm. Thông tin về penpal thì cũng không quá nhiều nhưng may là tôi đã tìm ra. Penpal là từ chỉ những người bạn được quen qua việc trao đổi thư, thường là thư tay. Những người đó thường chỉ có mối quan hệ qua thư. Thấy cũng có vẻ thú vị, thế là cả buổi chiều hôm ấy tôi “ngó” khắp các trang web để tìm hiểu rõ về penpal. Và rất may mắn, cuối buổi chiều hôm ấy tôi đã tìm thấy một trang web nơi tôi có thể kết nối với penpal trên toàn thế giới. Tôi liền loay hoay tìm cách đăng kí tài khoản. Được một lúc tôi cũng đã làm được. Tôi cũng học theo mấy người khác, để tên tài khoản bằng một cái tên tiếng Anh thật hay với cái cớ là không muốn lộ tên thật nhưng trên thực tế là để… cho sang!

Ngay khi tài khoản vừa được tạo xong, tôi cứ ngỡ mình đã đến với một tương lai tươi sáng với các penpal “Tây” đáng yêu thì tôi chợt nhớ ra rằng, tôi cần phải viết hồ sơ. Thôi rồi, tôi có giỏi tiếng Anh đâu. Đây lại là trang web quốc tế nên phải viết hồ sơ giới thiệu bằng tiếng Anh. Thế là vật vã cả nửa tiếng đồng hồ, tôi cũng viết được một bài giới thiệu đại khái như sau: “Xin chào, tôi tên là A. Một cô gái người Việt Nam yêu vẽ và viết truyện. Tôi thích nghe nhạc cổ điển”. Đối với tôi mà nói, để viết được một đoạn văn như vậy đúng chuẩn ngữ pháp là một thành tích nho nhỏ để hoan hỉ cả ngày dài.

Sau chiến tích lẫy lừng với hồ sơ giới thiệu ấy, tôi chỉ biết vắt tay lên trán, hồi hộp chờ tin nhắn của một người lạ nào đó thấy hứng thú với hồ sơ giới thiệu của tôi. Trong đầu tôi thầm mong rằng đó sẽ là một bạn nữ thật đáng yêu độ tuổi vừa chừng 14 - 15 sẽ gửi một tin nhắn cũng thật đáng yêu. Và thế là tôi cứ chờ như vậy từ chiều hôm ấy đến tận tối hôm sau. Chẳng có một bạn nữ đáng yêu nào gửi tin nhắn cho tôi cả. Thay vào đó là một vài bác đàn ông đến từ Mumbai và Mĩ. Thôi thì giới tính và độ tuổi không quan trọng, tôi cũng lịch sự viết email cho họ. Và thật may các bác rất đáng yêu, giúp tôi bớt phần nào chán nản khi chờ đợi bạn nữ đáng yêu nào đó.

Chuyện sẽ rất bình thường như những lần làm quen với người nước ngoài khác của tôi, nhưng không, khoảng 19h hôm ấy, tôi nhận được tin nhắn từ một tài khoản “không tên”, thay vào đó là dòng “user id” dài 8 chữ số. Có vẻ người này mới đăng kí tài khoản nên chưa thay đổi tên mà để nguyên cái “user id” còn khó nhớ hơn số điện thoại ấy. Tôi cũng bấm vào xem thử. Khác hẳn với những người đã gửi tin nhắn cho tôi trước đó, người này không giới thiệu rườm rà mà chỉ viết vài câu dịch sang tiếng Việt nôm na là: “Xin chào! Tôi 86 tuổi, người Việt Nam đến từ Đức và tôi vẫn độc thân. Tôi rất mong được nói chuyện với bạn. Hãy liên lạc với tôi qua email: xxxxxx@gmai.com”. Ôi trời! Hẳn 87 tuổi, lại còn là người gốc Việt. Trước giờ tôi nghĩ sở thích của mình sẽ hợp với mấy bác độ tuổi 45 - 50, không ngờ một ông cụ 87 tuổi cũng muốn nói chuyện với tôi. Toan bỏ qua email của người này nhưng lại nghĩ “Đôi khi có một người bạn lớn tuổi” lại hay. Thế là tôi lại lật đật mở gmail và viết thư tới địa chỉ email của người kia. Và email của tôi không khác với tin nhắn của người đó là bao, thậm chí chỉ còn ngắn hơn: “Xin chào! Tôi là A. Tôi đã đọc tin nhắn của bạn. Rất vui được làm quen”. Đó có lẽ là email ngắn nhất tôi từng gửi cho một người nào đó. Gửi xong, tôi liền tắt máy vì nghĩ rằng phải ngày mai ông cụ mới trả lời tôi. Nào ngờ đâu, vừa xem tivi được gần 10 phút, tôi đã nhận được thông báo từ email: “ Email mới từ xxxxxx@gmail.com”. Tôi khá ngỡ ngàng, cầm điện thoại lên xem lại địa chỉ mail thì đúng là của ông cụ có số user id khó nhớ kia. Ngỡ ngàng một phần, hào hứng 9 phần. Tôi liền mở email ra xem. Lần này, email của cụ đã dài hơn (các email sau đều đã được dịch sang tiếng Việt):

“Gửi cô A

Tôi rất vui khi bạn đồng ý nói chuyện với tôi. Cảm ơn bạn vì sự tốt bụng của bạn. Tôi mong chúng ta có thể nói chuyện với nhau nhiều hơn, nói về bất kì thứ gì thú vị. Nếu bạn muốn, chúng ta có thể nói chuyện bằng tiếng Việt

Chúc bạn một ngày tốt lành!

                          Yushi”.

“Ồ? Cụ biết tiếng Việt sao? Có lẽ cụ được sinh ra ở Việt Nam chăng?”- tôi tự hỏi. Lập tức tắt ngay tivi, tôi cầm máy lên và viết lại một email cho cụ. Người già mà, ai nỡ để họ chờ lâu. 

Không có gì thưa ông Yushi

Xin ông đừng gọi cháu là cô A. Cháu mới 13 tuổi và gọi “cô” khiến cháu như đã 30 tuổi vậy...

Để bắt đầu cuộc trò chuyện, ông có thể kể thêm về ông được không ạ? Như vậy sẽ dễ hơn cho cuộc trò chuyện ạ!

Cháu chờ email từ ông.

                                         A”.

Và thế là tôi và cụ đã bắt đầu cuộc trò chuyện với nhau như vậy đấy. Một người vì cô đơn, một người vì tò mò từ đó bắt đầu tình bạn xuyên quốc gia, xuyên tuổi tác.

Không cần chờ lâu, tôi đã liền nhận được email của cụ. Cụ kể rằng cụ sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, cụ gọi đó là Thủ đô của miền Nam (tôi không nghĩ bây giờ ta còn gọi như vậy nữa). Cụ nói rằng cụ là một gia sư toán, vật lý, hóa học cho học sinh trung học trong 20 năm. Gia đình cụ đã di cư tới Đức sau khi chiến tranh kết thúc. Phần sau cụ còn hỏi nhiều lắm nhưng tôi xin giữ kín vì lí do cá nhân. Nghe câu chuyện của cụ, tôi lại nhớ về mấy chương trình về chiến tranh hay di cư phát lúc khuya mà tôi hay lờ mờ nghe được trước khi tắt tivi. Bình thường nghe trên tivi nói tôi cũng đã tò mò, nay lại được nói chuyện với “nhân chứng lịch sử” như thế này, tôi càng tò mò hơn. Đã vậy cụ còn là giáo viên khiến tôi càng muốn nói chuyện thêm với cụ vì nếu nói thẳng ra thì cụ là thầy, tôi là trò, cụ “giảng” cuộc đời và văn học, tôi ngồi tiếp thu. Đọc xong email, tôi liền viết một email bày tỏ ý muốn được nghe thêm về cuộc đời của cụ cũng như cách cụ đến Đức và trả lời các câu hỏi của cụ. 

Chỉ khoảng 30 phút sau là máy tôi lại rung lên thông báo nhận được email mới. Lần này mở email ra, tôi liền giật mình ngỡ ngàng. Cụ viết email bằng tiếng Việt. Có lẽ cụ sợ tôi không hiểu nên đã viết bằng tiếng Việt cho tôi, trong khi tôi đã cố tình viết bằng tiếng Anh để nhỡ cụ quên tiếng Việt. Có chút hài hước nhưng tôi vẫn rất vui vì cụ vẫn còn nhớ tiếng quê hương. Tôi ngồi miệt mài đọc và nội dung đại khái là cụ kể lại cuộc đời mình một lần nữa bằng tiếng Việt, chi tiết hơn một vài chỗ. Cụ kể thêm rằng cụ có tốt nghiệp cử nhân toán lý hóa, đương tìm thầy để học lên Tiến sĩ vật lý thì bị gọi nhập ngũ. Xin lỗi đã chen ngang nhưng tôi thực sự nể học vấn của cụ. Nếu tôi không nhầm thì thời ấy học lên cử nhân đã khó, vậy mà cụ còn muốn học lên Tiến sĩ, phỏng cụ không hiểu biết thâm sâu sao dám nghĩ đến cương vị Tiến sĩ danh giá ấy. Quay lại với email của cụ, khi bị gọi nhập ngũ, cụ đã từ chối lệnh vì cảm thấy đó là cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”. Sau đó cụ bị khép tội bất tuân, phải trốn (thực lòng tôi cũng không rõ chữ “phải trốn” này của cụ cụ thể là gì, có lẽ là cụ phải sống ẩn dật chăng). Trong hoàn cảnh ấy, cụ đã phải dạy tư cho các học sinh trường Pháp, để “chúng” thi Tú tài 1 và 2 của Pháp (theo như tôi tìm hiểu thì thi Tú tài ở đây tương đương thi tốt nghiệp cử nhân ở Việt Nam). Nghe cách cụ gọi những học sinh trường Pháp, tôi đoán có lẽ cụ ghét “chúng” lắm. Từ việc dạy cho “chúng”, cụ đã giúp đỡ được cho gia đình suốt 20 năm. Cụ kể sau giải phóng xảy ra một cuộc di tản khổng lồ, hàng triệu người bỏ xứ trốn qua nước ngoài. Nhờ có người em đã sinh sống tại Đức xin cho gia đình cụ di tản sang Đức. Chưa có email của ai mà khiến tôi phải đọc và suy ngẫm nhiều tới vậy. Nhờ cụ mà tôi nhìn thấy được cuộc sống của người dân Việt Nam dưới một góc nhìn hoàn toàn khác - góc nhìn của người trong cuộc. Tôi có thể gọi cụ là người thầy dạy cho tôi “những bài học không có nơi giảng đường” không nhỉ?

Khi tôi toan viết email trả lời cụ, máy tôi liền báo đã nhận thêm một email nữa từ cụ. Tôi quyết định sẽ đọc xong cả hai email rồi mới trả lời cụ sau. Đương dịch bệnh, tôi cũng toan viết vài câu chuyện tuyên truyền cho hợp thời, nhưng vì những email sau của cụ, tôi nghĩ tôi phải hoàn thành câu chuyện này sớm nhất có thể để có thể thuật lại lời cụ nói. Mở email của cụ, tôi bắt đầu đọc. Cụ hỏi rằng tôi đã xuất bản cuốn sách nào hay chưa, và tôi có bản ebook hay không? (có lẽ cụ nghĩ tôi là nhà văn). Cụ kể rằng thời ấy cụ rất hay đọc sách Việt và Pháp. Cụ nói cụ rất thích tác phẩm của nhà văn Nhất Linh mà cụ nhận xét là ngắn, gọn, lý luận rất “chặc chẽ”. Đối với tôi thì nhà văn Nhất Linh là một tác giả hoàn toàn xa lạ, có lẽ sau này tôi cũng nên tìm tác phẩm của ông để đọc thử xem sao? Quay lại với cụ, thôi thì tôi sẽ gọi cụ là cụ Yushi, cụ bảo rằng ngày nay người Việt mình dùng văn dịch nguyên văn của Trung Hoa rất là nặng nề, dị hợm, thêm một số từ vô ích. Cụ nói vậy tôi cũng không thể nói là sai. Thử nhìn các bạn trẻ thích viết văn ngày nay, ai cũng chạy theo văn phong Trung Quốc, yêu cái nét giản dị, mộc mạc của văn Việt còn mấy người? Cụ nói thêm: Nặng “nhứt” là thêm cái từ bản thân. Đọc đến đây tôi có hơi bất ngờ, tự hỏi: “từ bản thân có gì mà cụ lại bảo thừa thãi?”. Đọc tiếp mới thấy, quả là thừa thãi thật. Cụ “thí dụ” rằng: “tự lo cho bản thân”, “tự lo” đã là tự lo cho mình rồi, thì còn thêm “bản thân” vào làm chi? Cụ còn nói những từ như “khả năng”, “quá trình” cũng hoàn toàn vô nghĩa vì trong câu đã đủ nghĩa rồi. Trường hợp này cụ chưa lấy ví dụ, tôi cũng xin mạn phép lấy thay cụ: “Quá trình thực hiện kế hoạch ấy vô cùng vất vả”, ta hoàn toàn có thể bỏ từ “quá trình” để câu văn thành “Thực hiện kế hoạch ấy vô cùng vất vả”. Nghĩa cũng đâu khác nhau? Cụ Yushi cũng nói nhiều người sử dụng từ “anh trai”, “chị gái” “thiệt” là kì quái, làm mất hết cái tinh hoa văn học Việt Nam. Tôi cũng chưa hiểu nghĩa câu nói này của cụ cho lắm, phải chăng ý cụ nói dùng từ “anh trai”, “chị gái” có lẽ quá rườm rà chăng? Nhưng chỉ hai ý trước của cụ cũng khiến tôi ngộ ra nhiều điều mà có lẽ tôi và nhiều người khác đã làm sai mà bấy lâu nay nhưng  chưa ai nhận ra. Từ “bản thân”, “khả năng” hay “quá trình” bản thân tôi... à không, tôi cũng dùng rất nhiều. Như các bạn thấy đấy, tôi cũng vừa phạm vào cái sai lầm ấy. Trước nay, cứ tưởng rằng phong cách văn của tôi theo đuổi là thể hiện được những tinh hoa văn học Việt Nam nhưng tới giờ mới ngộ ra tôi đã phạm phải biết bao sai lầm làm lu mờ đi nét tinh hoa mà tôi đang theo đuổi. Các bạn có từng phạm phải những lỗi như tôi không? Tôi dám chắc là có.

Tôi lập tức viết email trả lời cụ. Có lẽ do tối muộn và cụ cũng đã lớn tuổi nên sáng hôm sau cụ mới trả lời email của tôi. Vài email tiếp theo của cụ kể về anh em và sở thích của cụ, tôi xin phép bỏ qua.

Các bạn đừng nghĩ những gì cụ dạy tôi chỉ dừng lại ở đó. Vào những email sau, cụ Yushi còn chỉ ra cho tôi thêm một vài từ mà người Việt ta hiện nay - theo cụ là dùng sai. Ví dụ như từ “mình”. Cụ nói nghĩa hiện nay chúng ta thường dùng là “của tôi”, còn nghĩa thời ấy là “chúng ta, chúng mình”. Cụ đã lấy ví dụ như sau: từ “mình” trong câu “Anh Hải muốn mua cho mình một chiếc xe để đi làm cho tiện” là vô ích, muốn thêm vào hay không cũng được. Còn nếu muốn thêm “vô” nhấn mạnh thì phải viết: “Hải muốn mua cho Hải một chiếc xe…”. Còn từ “mình” trong trường hợp: Tường nói với Hạnh và Thúy “Anh muốn mua cho ba mình một bộ bình trà, hai em nghĩ sao?” nghĩa là “chúng mình” chứ không phải của Tường. Khác hẳn với chữ “mình” trong câu thứ nhất, chữ “mình ở câu thứ hai không thể thay thế. Cụ bảo “Thế mà ngày nay người mình vẫn không thấy là họ dùng hoàn toàn sai chữ mình, viết nhiều câu gây sai nghĩa hết”. Nghe cụ nói lúc đầu thì tôi cũng thấy lạ, nhưng càng nghe cụ giải thích, tôi càng thấy hợp lý. Nếu các bạn đang có câu hỏi: “Sao bấy lâu nay mình không nhận ra?”, đừng lo, bạn không phải là người duy nhất.

Thực tình khi đọc email của cụ, tôi cũng phân vân không biết có nên đem những ý này của cụ truyền tải tới nhiều người hay không, bởi lẽ văn học thời ấy và bây giờ có lắm điều khác biệt, nhưng suy cho cùng vẫn là văn học Việt Nam, chi bằng cứ đem ra cho các bạn cùng đọc, cùng ngẫm và cùng đưa ra ý kiến riêng của mình cũng như rút ra bài học cho bản thân.

Tuy phân vân là vậy nhưng trong email của cụ, có 2 điều cụ đã dạy, đã nói với tôi mà tôi nhớ mãi.

Trong cùng email tôi đã nói ở trên, cụ đã nói như thế này: “Ngôn ngữ Việt Nam là ngôn ngữ dùng quan hệ để gọi, không dùng đại danh từ, sau này chịu ảnh hưởng tiếng Pháp, rồi Anh mới dùng: tôi, ông, bà… tiếng ngoại quốc chỉ dùng đại danh từ, so với tiếng ta, nghe rất… thô lỗ…. Thế mà sao ngày nay thấy người mình cứ ào ào hùa nhau đi học tiếng Anh, và ca tụng, “tưng bóc” coi như tiếng văn minh “nhứt” thế giới. Tại dốt, hay tại nịnh hót? Hay mê đôla?”. Tôi nghe mà không thể phản bác lại câu nào. Quả là người Việt ngày nay cứ mải chạy theo tiếng Anh, khiến tiếng Việt Nam cũng bị gác lại phía sau. Thực cũng không muốn phải thừa nhận, nhưng đến chính bản thân tôi dù cho có yêu văn tới đâu, tôi cũng phải ưu tiên tiếng Anh hơn một bậc, bởi lẽ không có tiếng Anh thì sau này sao có tương lai? Nhưng đọc xong những dòng viết của cụ, tôi nghĩ: “Phải chăng đã đến lúc đưa tiếng Việt lên ngang hàng với tiếng Anh?”

Trong một email khác, sau khi tôi gửi cụ một bài viết của tôi, cụ đã giảng cho tôi một bài học mà từ trước tới giờ tôi vẫn không để ý đến. Tôi nghĩ các bạn cũng không còn xa lạ với câu nói có nội dung như: “Những gì được truyền tải trong văn học phải là những nội dung trong sạch, ý nghĩa, nhân văn”. Nhưng mấy ai hiểu rõ tầm quan trọng của câu nói mà tất cả các giáo viên Văn luôn nói ấy. Cụ Yushi đã nói với tôi rằng: “Nếu em được nhiều độc giả thì ảnh hưởng tư tưởng của em sẽ lan toả khắp thiên hạ. Vì vậy em phải thật thận trọng, suy xét cho thấu đáo, tĩnh tâm, tìm tòi, hiểu rõ lòng người, thật sâu sắc những vấn đề về văn hoá bởi vì văn hay chữ tốt là một vũ khí cực kỳ lợi hại, có thể làm hưng vong quốc gia. Giới trẻ hay chạy theo phong trào, mà nhà văn là người dẫn dắt phong trào hiệu quả nhất cho nên tư tưởng của em phải đúng, phải thoát khỏi những gì làm hại nhân bản, phải đem lại lòng trắc ẩn, tình thương nhân loại, quý báu sinh mạng, thương xót người cô thế ngu độn…” Thôi thì lần này tôi sẽ không nói gì thêm nữa, bởi lẽ hai câu của cụ đã quá đủ và tôi nghĩ tôi không cần phải bình luận gì thêm. Sâu sắc, đầy đủ, dễ hiểu. Nếu không nhờ cụ thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ để tâm đến lời giảng của những giáo viên Văn mà sẽ mãi chỉ viết như một cái máy thực hiện theo lệnh của người khác. 

Có lẽ bằng một cách thần kì nào đó, tôi đã được sắp xếp để gặp cụ, để được nghe câu chuyện về cuộc đời cụ và để được học những bài học từ cụ mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Đôi khi, làm bạn với cụ qua thư như thế này tôi cũng sợ, sợ rằng một ngày nào đó cụ xảy ra chuyện thì tôi chẳng thể biết được. Tương lai mà, ai có thể nói trước được điều gì? Chính vì vậy tôi muốn chia sẻ lại những tư tưởng, quan niệm của cụ, để sau này mọi người sẽ nhớ rằng đã từng có một người con đất Việt xa quê, vô tình bắt gặp được một cô bé - là tôi và cụ đã truyền tải biết bao điều ý nghĩa cho cô bé ấy.

Và tôi khẳng định một lần nữa, câu chuyện trên là có thật. Cụ ông Yushi cũng là có thật. Những câu văn, tư tưởng của cụ cũng là từ những email mà ra. Nói câu chuyện này là do tôi viết ra cũng không hẳn, tôi chỉ đang đóng vai trò như một người trung gian truyền đạt lại những điều ý nghĩa mà cụ đã dạy tôi vì tôi nghĩ có thể sau này, những bài giảng ý nghĩa này của cụ - người thầy đến từ quá khứ có thể thay đổi được nền văn học Việt Nam bây giờ?

                                                                                                                                                                                       ĐẶNG PHƯƠNG LINH

                                                                                                                                                                    Lớp 8A2, trường THCS Nguyễn Đăng Đạo