Trong số các đồng chí lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh từ năm 1997 đến nay tôi đặc biệt quý mến nhà văn Phan Thư. Từ một cán bộ của ngành Giáo dục tỉnh Hà Bắc, năm 1988 ông được Tỉnh ủy điều chuyển công tác sang làm Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Bắc. Đến năm 1989, Phan Thư được hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hà Bắc. Cơ quan Hội lúc bấy giờ có 3 phòng, nằm trong khu liên cơ quan của tỉnh Hà Bắc, ngay cạnh Ty Văn hóa và Đài Phát thanh. Thi thoảng có việc lên Bắc Giang tôi đều rẽ vào Hội thăm ông. Bao giờ ông cũng tiếp tôi vô cùng niềm nở và chân tình. Khoái nhất là ông mở đầu như vầy: Tốt quá rồi! Ở đây nói chuyện văn thơ xong thì đi ăn cơm trưa với tớ. Không được từ chối. Lương tớ cao gấp đôi lương cậu. Coi như Chủ tịch Hội mời cơm hội viên đến từ Bắc Ninh. Thế rồi hai anh em sang bên kia đường, Phan Thư gọi cho tôi những món ăn mà tôi thích. Ông ăn rất ít chỉ gắp thức ăn cho tôi là nhiều...
Nhà riêng của ông ở Đại Phúc nên chủ nhật nào rảnh việc tôi đều ghé thăm ông. Nhà hẹp nhưng rất sạch và khá nhiều sách. Chị Cam vợ ông, bạn học cấp 3 của nhà văn Đỗ Chu pha cho hai anh em một ấm trà, hai cốc nước cam. Phan Thư mở tủ lấy ra một đĩa bánh quy rất ngon. Thế là hai anh em tào lao đủ thứ chuyện. Phan Thư nhắc tôi nâng cao chất lượng thơ, phấn đấu trở thành nhà thơ cấp toàn quốc. Ông bảo: Tỉnh Hà Bắc có trên 3 triệu dân mà mới có 2 nhà thơ Việt Nam (Trần Anh Trang và Nguyễn Thanh Kim) thì quá ít. Văn xuôi thì Đỗ Nhật Minh nhiều triển vọng. Thơ thì còn Thuấn và Anh Vũ có thể vào Hội Nhà văn Việt Nam được. Cố lên nhé! Chú em...
Thế là cuộc thi thơ của tỉnh Hà Bắc hai năm 1992 - 1993 được mở ra nhằm phát hiện tài năng và nâng cao chất lượng sáng tác thơ trong toàn tỉnh. Trong gần 2 năm, hơn một nghìn bài thơ từ Bắc Ninh và Bắc Giang của vài trăm tác giả đã tham dự cuộc thi này. Trưởng ban Sơ khảo là nhà thơ Trần Anh Trang. Và để đảm tính khách quan và chất lượng của giải thưởng, Phan Thư đã cho mời hai nhà thơ nổi tiếng Ngô Văn Phú và Vũ Tú Nam vào Ban Chung khảo. Thẩm định cả hai phần văn và thơ. Khi đã có kết quả chấm thi, Phan Thư gọi điện cho tôi: “Chúc mừng chú mày nhé! Đúng như anh mong đợi, chùm thơ của Thuấn được đánh giá rất cao, có thể trao giải Nhất. Để anh báo cáo Tỉnh ủy và công bố kết quả cuộc thi. Tốt rồi! Tốt quá rồi...”. Phan Thư nói như reo lên trong điện thoại như chính anh được giải thưởng. Tôi vừa vui, vừa xúc động. Chưa có vị Chủ tịch Hội nào đối xử với hội viên nghĩa tình và chu đáo đến thế!
Đến khi chuẩn bị trao giải thì lại trục trặc về kinh phí. Bên tài chính chưa cân đối được tiền thưởng. Chủ tịch Phan Thư tìm gặp Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Bình Dương nhờ ông giúp đỡ. Bác Dương đã nghe tôi đọc thơ một vài lần và rất thích bài Làng Tiến sỹ và Ở cạnh nhà tôi. Khi nghe Phan Thư báo cáo là tôi được giải Nhất cuộc thi này, Bí thư Dương rất vui và nói: Mình thích thơ của chú em này, thơ lạ, sắc sảo và nhiều chất dự báo. Thôi để tớ gọi điện cho Ủy ban để họ giải quyết. Văn nghệ là hồn cốt của văn hóa mà! Không ưu tiên sao được! Thế là lễ trao giải được tổ chức trang trọng tại hội trường Tỉnh ủy Hà Bắc. Nguyễn Anh Thuấn - tôi ôm một "bó tiền" về trao cho vợ. Nghe đâu ở thời điểm đó trị giá gần một cây vàng!
Sau giải thưởng đó 2 năm, một sáng Phan Thư trên đường ra Hà Nội đã rẽ vào cơ quan tôi. Ông đưa cho tôi một tập giấy tờ đủ loại và bảo tôi điền vào các chỗ trống. Đó chính là bộ hồ sơ xin vào Hội Nhà văn Việt Nam. Hóa ra ông đã âm thầm chuẩn bị cho tôi từ bao giờ với mong muốn tôi được chính danh, trong bộ môn nghệ thuật mà tôi yêu thích. Chưa hết... Không biết ông nói những gì với Hữu Thỉnh, lúc ấy đang là Tổng Biên tập Báo Văn nghệ, mà Hữu Thỉnh rút ngay bút máy ký tên giới thiệu cho tôi vào Hội. Hữu Thỉnh còn trực tiếp giao hồ sơ của tôi cho Nguyễn Hoa, Trưởng ban Tổ chức Hội viên. Hôm sau gặp lại, Phan Thư cười rất to và đầy phấn khích: “Hữu Thỉnh có vẻ khoái chú mày. Thỉnh bảo để tớ ký giới thiệu cho nó may mắn. Thơ nó hay mà! Cứ nhẹ nhàng mà ám ảnh đến day dứt...”
Đúng là Chủ tịch Hội Phan Thư không chỉ coi tôi như một hội viên mà còn như một chú em, còn khá là ngây ngô trong nhiều chuyện. Chính ông đã dắt tay tôi đến cửa Hội Nhà văn Việt Nam cùng với người thầy của tôi - nhà văn Đỗ Chu. Mặc dù sau khi nộp đơn tôi vẫn phải phấn đấu bền bỉ gần 10 năm nữa. Chỉ sau khi đoạt giải B thơ (không có giải A) năm 1999 của Liên hiệp Hội VHNT toàn quốc dành cho tập thơ Cây hai bờ gió thì cánh cửa Hội Nhà văn Việt Nam mới mở rộng hơn đối với tôi. Sau vài năm mừng hụt, đến 2003 tôi đã chính thức trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Một danh hiệu mà người viết nào cũng muốn có, nhưng không phải ai cũng có được...
Sau 20 năm trở thành nhà thơ Việt Nam, điều tôi an lòng nhất là mình đã trưởng thành lên nhiều trong sáng tác và đời sống. Đồng thời ít nhiều có đóng góp cho phong trào văn nghệ tỉnh nhà. Điều tôi ghi nhớ mãi là những ân tình mà Chủ tịch Hội, nhà văn Phan Thư đã dành cho tôi. Ông đúng là một người anh vô cùng tử tế, một nhà giáo tự trọng và đầy nhân văn, một Chủ tịch Hội có nhiều đóng góp cho VHNT Bắc Ninh ngay từ buổi đầu tái lập tỉnh. Nhớ ông nhiều... và xin kính chúc ông mãi mãi an lành nơi miền mây trắng.../.
NGUYỄN ANH THUẤN