Hai mươi năm trước... Thuở ấy Quỳnh mới 8 tuổi.
- Mẹ ơi! Cho con lên núi chơi nhé? - Quỳnh hỏi vọng vào từ ngoài sân.
- Sắp ăn trưa rồi! Con còn đi đâu nữa? - mẹ cô hỏi.
- Con lên đồi chơi thôi mẹ à, con đi đây. Con đi một chút rồi về ngay. Con chào mẹ!
- Ơ này!
Mẹ Quỳnh chưa nói hết câu thì đã nghe tiếng chân của Quỳnh chạy đi. Quỳnh là một cô bé rất năng động, hoạt ngôn, học hành cũng khá, lại rất ngoan ngoãn, nhìn chung cô bé gần như không có điểm nào để chê, trừ việc em hay chơi một mình quanh gốc cây cổ thụ trên đỉnh đồi sau làng. Dân làng hay khuyên bố mẹ em đưa em đi kiểm tra tâm lý, nhưng hai người họ chỉ cười cho qua chuyện. Cũng vì hành vi lập dị của mình nên Quỳnh thường bị lũ trẻ trong làng xa lánh, bắt nạt. Ngày trước em cũng có một người bạn thân tên Mai, nhưng sau một lần em quyết định kể cho Mai về bí mật của mình thì cô bé đó không chơi với em nữa, coi em như kẻ lập dị. Quỳnh đã buồn rất nhiều, nhưng sau một thời gian cô bé đã lấy lại tinh thần nhờ việc lên núi chơi thường xuyên. Vì vậy nên bố mẹ em không cấm em lên núi chơi, vì chỉ có như vậy mới giúp cho em vui vẻ.
Quỳnh nhảy chân sáo, hứng khởi đi về phía ngọn đồi. Lũ trẻ con nhìn Quỳnh, chỉ chỉ chỏ chỏ rồi cười lớn. Cô bé không để tâm đến điều đó, chỉ chăm chăm đến con đường mòn lên đồi trước mặt. Đi dọc con đường đất lên đỉnh đổi, cảnh tượng xung quanh vô cùng thơ mộng. Hai hàng cây xanh phủ rợp bóng mát, đung đưa theo làn gió như chào đón Quỳnh. Những chú chim cũng quấn quýt lấy cô bé một cách kì lạ, như thể cô là người quen thân với chúng từ lâu vậy. Quỳnh chạy thẳng đến vách đá cao sừng sững gần đỉnh đồi. Cô bé lần lần theo những lùm cây mọc ven vách đá rồi rẽ lùm cây um tùm nhất, đi sâu vào trong. Thật bất ngờ, trong vách đá tưởng như chẳng có gì đặc biệt ấy là một thung lũng nhỏ tuyệt đẹp với dòng suối nhỏ chảy róc rách, những bông hoa dại màu sắc sặc sỡ trải khắp nơi như một tấm thảm. Đặc biệt nhất là cây đa đại thụ rất lớn mọc giữa thung lũng nhỏ, khiến cho cảnh vật càng thêm thơ mộng, nhẹ nhàng, ảo diệu. Quỳnh đi đến bên cây đại thụ, nói lớn:
Cô bé nho nhỏ
Trên đường đất đỏ
Vách đá to to
Lùm cây tốt nhất
Khẽ vạch nó ra
Sẽ là thung lũng!
Những câu thơ giản dị, ngây thơ như một bài hát vang lên trong không gian. Những tàn cây của cây đại thụ bỗng hạ xuống như một vòng tay khổng lồ, đón lấy cô bé. Từ trong thân cây, một thiếu nữ xinh đẹp độ tuổi tầm đôi mươi bước ra. Cô gái ấy mang gương mặt trái xoan dịu dàng, đôi mắt bồ câu nhẹ nhàng, suối tóc mang màu xanh lá cây nhạt dài quá thắt lưng làm tăng vẻ thướt tha, uyển chuyển của cô. Thiếu nữ ấy mặc một bộ y phục dài, nhẹ màu xanh nhạt hệt như của các nàng tiên trong truyện cổ tích mẹ Quỳnh hay kể. Vừa thấy thiếu nữ ấy bước ra, Quỳnh sung sướng reo lên:
- A! Chị Đa Đa! Em nhớ chị quá!
Cô gái được Quỳnh gọi với cái tên Đa Đa khẽ mỉm cười, cúi xuống hôn lên trán em, ôm em vào lòng, nói:
- Quỳnh của chị, chị cũng nhớ em nhiều lắm! Để chị lấy trái cây cho em ăn nhé?
- Vâng ạ! Hoa quả chị Đa Đa cho lúc nào cũng ngon nhất!
Đa Đa vung tay lên trời, lập tức một đàn chim sẻ bay tới, miệng con nào con nấy tha nào là khế, ổi, lê... vô cùng tươi ngon. Đa Đa đón lấy một trái ổi, khẽ rửa xuống dòng suối bên cạnh rồi đưa cho Quỳnh. Em vui vẻ đón lấy, ăn một cách ngon lành.
Đa Đa là linh hồn của ngôi làng, ngọn núi mà Quỳnh đang ở. Nàng là người bạn, người chị duy nhất mà Quỳnh có thể chơi cùng, cũng như chỉ có cô bé mới có thể nhìn thấy cô. Chính vì vậy, nàng nguyện rằng sẽ ở bên chăm sóc, bảo vệ em cho đến khi em lớn và trưởng thành với tư cách là quê hương của em. Đa Đa luôn nhắc nhở Quỳnh không bao giờ được quên nơi em đã từng chôn rau cắt rốn. Quỳnh rất quý Đa Đa, nên mỗi khi cô nhắc nhở hay giảng điều gì Quỳnh đếu lắng nghe rất chăm chú. Hôm nay cũng vậy.
Đa Đa tiến đến, ngồi xuống cạnh Quỳnh, hỏi khẽ:
- Ăn ngon không em?
Ngon lắm chị ạ! - Quỳnh trả lời ngay lập tức.
- Ừm, vậy giờ chị đố em nhé?
- Chị đố ạ? Em thích giải đố lắm! Chị đố đi! Em rất thông minh đấy!
Đa Đa cười, giả bộ trầm ngâm như suy tính điều gì rất khó khăn. Gương mặt nhỏ bé của Quỳnh nom rất căng thẳng, tập trung cao độ khiến Đa Đa phì cười. Nàng đố:
- Đố Quỳnh của chị, chị cho em ăn hoa quả ngon giống như việc gì mà quê hương cho em nhỉ?
Quỳnh ngây ra một lúc như để nhập hết câu hỏi vào đầu. Rồi cô bé cúi đầu xuống, tay vuốt vuốt cằm ra bộ ông tướng, môi cong lên nhìn rất hài hước. Nàng Đa Đa, nghiêng đầu, nhìn gương mặt của Quỳnh đang chăm chú suy nghĩ, nở nụ cười khích lệ. Đột nhiên cô bé vỗ tay một cái rất lớn, mặt mày hớn hở nói:
- Em nghĩ ra rồi!
- Em nghĩ ra gì rồi? - Đa Đa hỏi.
Quỳnh nhổm hẳn lên, áp sát vào mặt nàng Đa Đa, nói một cách đầy hào hứng:
- Có phải việc chị cho em ăn hoa quả ngon cũng giống như quê hương luôn cho mình những thứ tốt nhất đúng không chị? Quê hương cung cấp những thứ mình cần thiết để lớn à chị?
Nàng Đa Đa cười tươi, xoa xoa đầu Quỳnh, nói nhẹ nhàng:
- Giỏi lắm, giỏi lắm! Đúng là em rất thông minh!
Quỳnh được khen thì gương mặt lộ rõ vẻ vui sướng, cười tươi rói. Đa Đa nói tiếp:
- Em hãy luôn nhớ rằng quê hương em luôn ở đây, luôn cho em những thứ em cần, luôn dang rộng tay với em. Sau này khi mệt mỏi giữa dòng đời xô bồ, em cứ về đây, chị - quê hương của em sẽ luôn ở đây, chờ em trở về!
Quỳnh đưa ngón út ra, nói với nàng Đa Đa:
- Chị hứa đi! Hứa là sẽ luôn ở đây chờ em.
Đa Đa cười nhẹ, ngoắc tay với Quỳnh, lập nên một lời hứa: Chị sẽ luôn ở đây. Ngay gốc cây này. Chị sẽ ở đây và dang tay đón em vào lòng mỗi khi em cần. Đó là lời tuyên thệ được đánh đổi bằng cả một linh hồn của Đa Đa. Quỳnh cười tươi, ôm lấy Đa Đa. Nàng nhẹ nhàng xoa đầu Quỳnh. Một làn gió nhẹ nhàng thổi qua, làm mái tóc của Đa Đa tung bay. Khung cảnh vô cùng thơ mộng, đẹp đến kì ảo. Nơi đây, có mặt trời, mặt đất, ngàn vạn cây cỏ xung quanh làm chứng cho lời hứa giữa người con và quê hương yêu dấu của mình…
Nhưng đó là Quỳnh 8 tuổi. Còn với Quỳnh 11 tuổi, đó lại là một câu chuyện khác. Cô bé nay đã lên lớp 6 nhưng vẫn bị bạn bè trong lớp xa lánh. Họ nói cô là kẻ lập dị, kẻ tự kỉ và không chơi với cô bé vì sợ sẽ bị lây bệnh của em. Quỳnh cũng vì vậy mà không còn lên núi chơi suốt hơn 2 năm qua. Em không muốn gặp Đa Đa vì em sợ sẽ bị cả lớp khinh biệt, tẩy chay hơn. Còn Đa Đa, nàng hay ngồi trên đỉnh đá cao nhất của ngọn đồi, nhìn xuống dưới bằng đôi mắt đượm buồn. Nàng rất buồn vì đã lâu Quỳnh không đến thăm mình nhưng cũng chả thể làm gì hơn. Nỗi cô đơn lại bủa vây nàng như hàng trăm năm trước, không ai thấy nàng, nghe được nàng hay thậm chí chỉ là nghĩ rằng nàng có tồn tại cũng không. Lần này, Đa Đa ngước mắt nhìn hoàng hôn đang lặn dần, nhớ lại kỉ niệm với Quỳnh, nàng quyết định sáng hôm sau sẽ làm một loại phép cấm để đến gặp em. Đó là phép hiện hình. Với thần tiên như Đa Đa, cố tình làm cho người phàm nhìn thấy mình là điều cấm kị. Nàng chỉ có thể thi triển nó một lần duy nhất và mãi mãi không bao giờ thực hiện được nữa, nếu làm lần thứ hai, nàng sẽ tan biến vào hư vô. Nhưng Đa Đa rất nhớ Quỳnh, nhớ cô bé nhỏ hay quấn lấy mình, cô bé nhỏ luôn nở nụ cười tươi rói, cô bé mà luôn chăm chú tập trung nghe cô nói. Chính vì vậy, nàng quyết định sẽ thi triển phép thuật của mình, tìm đến gặp Quỳnh vì cô đâu biết rằng sẽ đến bao giờ cô mới có thể gặp được một người có thể nhìn thấy cô như em.
Sáng sớm hôm sau, Đa Đa đứng trên ngọn cây. Bộ y phục cùng mái tóc của nàng nhờ gió mà tung bay phấp phới. Nàng lúc này đẹp vô cùng. Đa Đa đưa tay lên trước ngực, nhẩm đọc thần chú. Từng làn gió lớn liên tục thổi đến, khiến vạn vật xung quang nghiên ngả. Nàng vẫn đứng vững trên ngọn cây. Những làn gió lớn cuốn lấy Đa Đa, nâng cô lên cao. Cơ thể mờ mờ ảo ảo của Đa Đa đã rõ ràng hơn. Trong cổ họng cô có thứ gì đó nóng rực như thiêu đốt. Đấy là một nửa tuổi thọ của Đa Đa đang bị lấy đi để thi triển phép cấm. Nàng cố gắng cắn chặt môi, đầu vẫn đọc thầm thần chú liên tục. Gió tạo thành một quả cầu khí lớn rồi bỗng nhiên nổ lớn. Đa Đa ngất lịm đi. Những thứ duy nhất cô cảm cảm nhận được là sự đau đớn đến tột cùng xen lẫn với niềm vui sướng, hạnh phúc khi cô nghĩ đến mình sắp được gặp Quỳnh. Rồi từ từ, mọi thứ chìm vào bóng tối.
Đa Đa từ từ tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên nền đất của con đường dẫn lên đỉnh đồi. Đầu đau điếng, nàng từ từ lao đảo đứng dậy, thử thi triển một số phép thuật đơn giản. Thật mừng là nàng không thể làm được bất kì loại phép nào, chứng tỏ rằng nàng đã thành công hóa thành người phàm trong hai tư tiếng đồng hồ. Trang phục trên người nàng cũng đã được thay đổi cho phù hợp với thời đại: một chiếc váy dài qua đầu gối màu xanh lam nhạt, mái tóc nàng cũng đổi thành màu đen để giống với người phàm hơn. Đa Đa chạy thẳng xuống dưới làng tìm Quỳnh. Vừa xuống đến chân núi, một cỗ máy bằng sắt (xe máy) nom như một con ngựa phóng qua, suýt nữa tông vào nàng. Người ngồi trên xe hung dữ quay lại, mắng rằng: “Điên à! Đi qua đường mà mắt mũi để đâu hết cả!”. Đa Đa bình tâm lại, từ từ đi qua đường và tiến vào làng.
Quỳnh lúc này đang được nghỉ ở nhà vì là ngày chủ nhật. Cô bé ngồi trước gương, sửa soạn để chuẩn bị đi chơi với bạn. Hiếm lắm mới có cơ hội được bạn mời đi chơi, em phải làm cho bản thân thật sành điệu, phong cách mới có thể hòa nhập với các bạn. Mẹ Quỳnh gọi vọng lên:
- Quỳnh ơi! Bạn con đến rồi này! Nhanh lên con!
- Vâng ạ!
Quỳnh nhanh chóng đứng dậy, nhìn lại bản thân trong gương. Em rất hài lòng với bản thân trong gương, một cô bé cao ráo, trắng trẻo cùng bộ đồ rất hợp thời, gương mặt ưa nhìn. Có lẽ các bạn sẽ lác mắt khi nhìn cô cho xem. Quỳnh chạy xuống. Người bạn rủ cô đi chơi tên Hương cùng hai người khác là Như và Nguyệt. Cả ba người thấy Quỳnh chạy xuống, ai cũng ngỡ ngàng với vẻ ngoài của em, không nghĩ rằng cô bạn trầm tính, ít nói này khi đi chơi lại kiểu cách đến vậy. Ba cô bạn hào hứng khen Quỳnh và nhanh chóng kéo tay em đi chơi. Em rất vui sướng, cảm thấy cuộc sống của bản thân khi không có Đa Đa thật thú vị biết bao. Vậy mà ngày ấy em không biết, cứ bám dính lấy linh hồn có thể còn chả tồn tại ấy để rồi mang cái danh đứa tự kỉ. Tuy nhiên, Quỳnh hoàn toàn không biết ở ngoài kia, Đa Đa đang tuyệt vọng chạy đi tìm kiếm em.
Quỳnh vui vẻ chơi đùa, mua sắm, ăn uống với các bạn đến tận tối muộn. Cả bốn người quyết định rủ nhau sẽ về nhà Nguyệt ngủ qua đêm. Quỳnh nhân dịp này nhanh chóng đồng ý. Đây là cơ hội hiếm có để em có thể hòa nhập với bạn nên nào có thể bỏ qua. Thế là em vui vẻ về nhà Nguyệt chơi, ngủ qua đêm rất vui vẻ. Nhưng em ào biết đâu, ở một mặt khác của câu chuyện, Đa Đa đang lang thang khắp nơi để tìm em. Cả ngày trời đi không ngừng nghỉ, nàng giờ vô cùng tiều tụy. Bước đi lảo đảo trên đường, Đa Đa rất đói và buồn ngủ. Cho dù có là thần tiên nhưng khi thi triển phép thuật thành con người, nàng cũng như phàm nhân mà thôi. Nàng tạt vào một công viên, chui vào một bụi rậm trong góc khuất. Vừa tối vừa lạnh lẽo, Đa Đa thu đầu gối, co người lại. Hai hàng nước mắt lăn dài trên má cô. “Quỳnh? Em quên chị rồi sao? Em quên quê hương của em rồi sao?...”- Đa Đa hỏi thầm. Rồi do vừa đói vừa mệt, nàng ngủ thiếp đi. Trong mơ, nàng vẫn luôn lẩm bẩm: Quê hương luôn bên em… Chị luôn bên em…
Chợt, Đa Đa bị đánh thức bởi một giọng nói quen thuộc.
- Ha Ha! Vui thật đấy! Lần sau nhất định tớ sẽ lại đi chung với các cậu!
Quỳnh! Đúng rồi! Đa Đa bật dậy. Nàng chạy ra khỏi bụi cây. Dáng người lâu lắm rồi nàng mới được nhìn thấy đang ở ngay trước mắt cô. Quỳnh nghe thấy tiếng động, quay ngoắt đầu lại về phía lùm cây trong công viên. Nhìn thấy Đa Đa, mặt của Quỳnh tái mét, lắp bắp:
- Sao… Sao chị lại ở đây?
Đa Đa ôm chầm lấy Quỳnh. Quỳnh hoảng hốt đẩy Đa Đa ra. Những người bạn nhìn em một cách kì lạ, quái dị. Đa Đa bị quỳnh đẩy ra thì rất sốc, khẽ hỏi:
- Quỳnh? Có chuyện gì sao? Sao em lại không lên thăm chị?
- Tôi không quen chị! Chị đừng lại gần tôi!
Đa Đa ngơ ngác, nhìn Quỳnh bằng đôi mắt tuyệt vọng. Nhận ra vấn đề, Đa Đa cuống cuồng giải thích:
- Không sao đâu Quỳnh, chị đã thi triển phép thuật rồi, em cứ yên tâm. Mọi người cũng thấy chị! Em không phải kẻ lập dị đâu!
- Chị đang nói gì vậy? Tôi không hiểu! Tránh xa tôi ra! - Quỳnh hét lớn
Suốt 2 năm qua, Quỳnh đã rất cố gắng để dẹp tan suy nghĩ của các bạn cùng lớp về việc em bị tự kỉ cũng như cố gắng quên đi Đa Đa, coi chị như là một người bạn tưởng tượng thời thơ ấu không hề tồn tại. Việc chị xuất hiện ở đây chẳng khác nào đem công sức của em suốt thời gian vừa rồi đổ xuống sông xuống bể. Em rất, rất sợ điều đó.
Đa Đa hoàn toàn quên mất bản thân đã trở lại là một linh hồn. Giờ đã là 7 giờ sáng, quá một tiếng với thời gian thành người phàm của nàng. Nàng bật khóc, nói:
- Đừng mà Quỳnh, em đã lập lời hứa với chị rồi. Chị sẽ luôn ở đây, luôn ở nơi này chờ em. Chị là linh hồn của quê hương em. Em đã hứa sẽ quay về với chị mà.
- Không! Chẳng có lời hứa nào cả! Tôi không biết!
Quỳnh hét lớn, quay đầu bỏ chạy ra đường, mong thoát khỏi Đa Đa. Do quá hoảng nên em đã không nhìn đường. Nào ngờ đâu, một chiếc xe tải đang lao như bay trên đường, thấy em chạy qua trước mặt, không kịp phanh lại. Ánh sáng cùng tiếng còi inh ỏi khiến Quỳnh giật mình hoảng hốt. Tiếng “kít” kéo dài vang lên. Những gì em có thể nhớ là hình ảnh gương mặt của Đa Đa. Chị đã đẩy em ra khỏi đầu xe tải bằng chút sức lực cuối cùng của mình. Mọi thứ từ từ tối đen lại như mực.
Từ sau vụ tai nạn ấy, Quỳnh do chịu lực đẩy mạnh, văng vào lề đường, đập đầu xuống đất gây chấn thương khiến em mất trí nhớ. Gia đình em cũng chuyển lên thành phố sau sự việc ấy. Theo lời kể của những người bạn hôm đó, Quỳnh bỗng nổi khùng, gào thét với một ai đó em tự tưởng tượng ra rồi lao xuống đường, suýt bị xe tải đâm. Nhưng lạ là cả ba người bạn của em đều thấy rõ ràng em sẽ bị xe đâm, nhưng không hiểu sao em lại văng ra lề đường một cách kì lạ, hệt như có ai đó đẩy em ra vậy. Quỳnh sau vụ việc đó chuyển lên thành phố mới - nơi không ai biết em hay về quá khứ của em, Quỳnh nhanh chóng hòa nhập với các bạn, tập trung học hành. Chỉ có điều lạ là cứ đêm đêm đi ngủ, em luôn cảm thấy nhớ da diết một người chị với “gương mặt trái xoan dịu dàng, đôi mắt bồ câu nhẹ nhàng, suối tóc mang màu xanh lá cây nhạt dài đến hông” cứ lặp đi lặp lại trong giấc mơ. Nhiều lần em tự hỏi, liệu người phụ nữ ấy có liên hệ đặc biệt gì với quá khứ mà sao em cứ nhớ đến mãi như vậy?
Thời gian thấm thoát trôi qua. Nhờ sự chăm chỉ, cần cù học tập của mình, Quỳnh nay đã là một người phụ nữ 29 tuổi với thành công nhiều người phải ngưỡng mộ. Cô giờ đây là Giám đốc một công ty bất động sản đang trên đà phát triển. Sắp tới Quỳnh có một dự án lớn, chỉ cần công chuyện lần này thành công, sự nghiệp của cô sẽ sang một trang mới huy hoàng hơn hôm nay. Dự án lần này diễn ra tại một làng quê nghèo. Tuy nhiên, có một việc Quỳnh không ngừng thắc mắc đó là: “Tại sao người dân nơi đây lại không đồng ý cho công trình được thi công? Nó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho làng quê và người dân nơi đây. Lý do là phải giữ truyền thống, kỷ niệm gì đó! Thật phiền phức!”. Tuy vấp phải sự phản đối của dân làng nhưng Quỳnh vẫn quyết để dự án thi công.
Một ngày nọ, Quỳnh đi tham quan nơi thi công dự án. Cảnh vật nơi đây sao mà quen thuộc quá, tựa như nơi này đã từng gắn bó với cô rất sâu đậm nhưng cô lại không thể nhớ nổi điều gì. Mặc dù vậy, những vấn đề nhỏ nhặt đó không làm thay đổi được quyết tâm của cô với dự án này. Ngọn đồi trong làng sẽ bị san bằng cây cối để lấy đất xây dựng. Chỉ cần ngày mai kí hợp đồng, dự án sẽ lập tức được triển khai. Quỳnh vô cùng hứng khởi. Có ai lại không vui khi bản thân sắp đạt được thành công trong mơ ước? Sau một ngày đi quanh làng, cô trở về nhà. Nằm trên giường ngủ, không hiểu sau cô không chợp mắt được. Cứ nghĩ đến việc sẽ san phẳng ngọn đồi, có cái gì đó lại trĩu xuống trong tim, khiến cô buồn vô cớ. Quỳnh tự nói với bản thân rằng có lẽ do cô đã quá vui với dự án đã nắm chắc trong tay nên mới có cảm xúc kỳ lạ như vậy. Cố nhắm mắt nhưng cô vẫn không tài nào ngủ nổi.
Ngồi trong phòng ký kết hợp đồng, tim Quỳnh cứ đập thình thịch. Bản hợp đồng đã đưa đến trước mặt, tay đã cầm cây bút, đặt xuống trang giấy. Thoáng chút chần chừ len lỏi trong tâm trí nhưng đã nhanh chóng bị cô đẩy lùi. Xoẹt! Nét bút cuối cùng của chữ ký đã dứt. Bản hợp đồng đã được ký kết. Lập tức thi công! Bỗng Quỳnh lảo đảo, đầu đau điếng. Cô ngã khuỵu xuống đất, xỉu ngay trong phòng họp. Thư ký nhanh chóng đưa cô vào bệnh viện để kiểm tra. Trong lúc bất tỉnh, Quỳnh lạc vào thế giới của ký ức. Những mảnh ký ức vụn vỡ rải rác khắp nơi như mảnh thủy tinh đâm vào da thịt khiến cô đau buốt. Hình ảnh Quỳnh của 20 năm trước vui vẻ ngồi bên nàng Đa Đa, tay cầm trái ổi ăn ngon lành - Quê hương luôn bên em, cho em những gì em cần. Hình ảnh Quỳnh bị bạn bè bắt nạt, chạy đến khóc trong lòng Đa Đa để được nàng an ủi, vỗ về - quê hương luôn chờ em, luôn dang tay đón em vào lòng giữa dòng đời xô bồ. Hình ảnh Đa Đa dùng tán cây để che cho Quỳnh khỏi bị ướt giữa trận mưa to đột ngột - quê hương luôn che chở cho em, là chỗ dựa vững chắc cho em khi mỏi mệt. Quê hương… chị Đa Đa... Quỳnh đã nhớ ra tất cả rồi! Chị Đa Đa, cây đại thụ, vách núi, trái ổi, vụ tai nạn... Cô đã nhớ lại rồi.
Quỳnh bật dậy trên giường bệnh. Thư ký bên cạnh thấy vậy liền đỡ lấy cô, nói:
- Giám đốc! May quá chị tỉnh rồi! Em biết lúc này là không nên nhưng có chuyện em cần nói với chị.
- Chuyện gì vậy? - Quỳnh hỏi lại bằng giọng thều thào.
- Chị đã ngủ từ sáng đến giờ. Giờ là nửa đêm rồi. Trên công trường có một cô gái tầm hai mươi, tóc màu xanh lá nhạt, mặc đồ màu xanh nhất quyết không cho nhân viên được chặt bỏ cây đa đại thụ trong thung lũng sau một vách đá.
Tóc xanh, váy xanh, tầm hai mươi… Đúng là chị Đa Đa rồi. Quỳnh bảo thư ký ngay lập tức gọi xe cho mình đến công trường, đồng thời lệnh không cho công nhân chặt cây cổ thụ ấy xuống. Thư ký của cô tuy không hiểu nguyên nhân tại sao nhưng vẫn làm theo. Tiếc là nhân viên trong công trường không mang theo điện thoại nên không liên lạc được. Quỳnh nhanh chóng lên xe đi thẳng về phía công trình thi công. Đến nơi, cô chạy như bay đến gốc cây đại thụ, chỉ mong sao nó chưa bị chặt vì Đa Đa đã nói với cô rằng: cây đại thụ chính là sự sống của Đa Đa, nếu cây đại thụ ấy bị chặt đồng nghĩa với việc nàng sẽ chết. Quỳnh đã rất cố gắng nhưng mọi thứ đã quá muộn…
Trong đầu Quỳnh giờ chỉ còn những suy nghĩ: Cô đã làm hại Đa Đa, cô đã giết chết linh hồn của quê hương cô... Nhân viên xung quanh đều không hiểu gì nhưng không dám lại gần an ủi cô vì sợ bị liên lụy. Quỳnh ra hiệu cho toàn bộ nhân viên, công nhân quanh đó đi hết. Hai hàng nước mắt không còn kìm được nữa, lăn dài trên gò má cô. Những mảnh vỡ của tấm gương ký ức đã được góp nhặt lại đầy đủ, tạo thành một mặt gương hoàn chỉnh. Quỳnh nhìn vào đó và nhận ra những gì mình làm đối với Đa Đa thật tệ. Tất cả đã quá muộn màng. Đa Đa đã thi triển phép hiện hình lần thứ hai, đồng thời cây đại thụ cũng bị chặt mất, nàng đã tan biến vào hư vô…Quỳnh thét lên đầy đau đớn. Đa Đa, em xin lỗi chị…
Ánh bình minh đã ló rạng ở đằng Đông. Quỳnh lảo đảo đứng dậy, gạt nước mắt. Giờ cô không còn chút sức lực nào nữa. Quê hương, tuổi thơ cô đã tan biến dưới chính tay cô rồi. Thành công bây giờ có còn có ý nghĩa gì nữa? Chợt bên tai Quỳnh vang lên giọng nói dịu dàng, trầm ấm trong ký ức:
- Quỳnh! Nhành cây non kia, hãy trồng lại nó. Chị có thể tái sinh…
Quỳnh đưa mắt nhìn xung quanh nhìn. Vừa rồi là giọng của Đa Đa nói với cô. Quỳnh nhìn lại rễ cây đại thụ. Ở đó còn một nhành cây non vẫn xanh lá một cách kì lạ. Cô nhẹ nhàng quỳ xuống, ngắt lấy cành cây, ôm nó vào lòng. Ông trời có lẽ đã cho Quỳnh thêm một cơ hội, được chuộc lỗi với Đa Đa. Cô đứng dậy, đi xuống đồi, tiếp tục cho dự án thi công như cũ. Nhành cây nhỏ trong tay, cô đem trồng trong sân nhà để có thể ở gần nó hơn.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, thoáng chốc đã qua 5 năm. Dự án ngày ấy của Quỳnh đã giúp cho quê hương cô phát triển hơn. Quỳnh đứng trên bãi đất ngày trước từng là rễ cây đại thụ, nở một nụ cười tươi rói như 25 năm trước đã từng. Linh hồn của Đa Đa hiện ra, ôm lấy Quỳnh, nói:
- Em đã về rồi sao. Chị vẫn ở đây chờ em. Ăn hoa quả chứ?
Câu chuyện của tôi đã kết thúc. Quê hương - trong câu chuyện chính là Đa Đa luôn bên ta, an ủi ta, cho ta những thứ ta cần, trở thành chỗ dựa vững chắc cho ta giữa dòng đời. Cho dù có đi khắp năm châu, không đâu đẹp bằng quê hương, băng qua bốn đại dương, không đâu yên bình như quê mẹ. Hãy trân trọng và bảo vệ quê hương của mình, đừng để “Đa Đa” của chính bạn phải chịu thiệt thòi…
ĐẶNG PHƯƠNG LINH