Trang chủ

KHU LĂNG MỘ VÀ ĐỀN THỜ CÁC VỊ VUA TRIỀU LÝ
01:33 | 01/06/2016

Nguyễn Đức Thìn

       Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý ở phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) được xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt” theo quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chinh phủ. Đây là nơi tôn nghiêm thờ các vị vua triều Lý, những người có công khai sáng Thăng Long, mở mang nền văn minh Đại Việt. Triều đại nhà Lý kéo dài suốt 216 năm (1009 – 1225) qua 9 đời vua: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng. Quần thể di tích này gồm: Thọ lăng Thiên Đức nơi yên nghỉ của các vị vua triều Lý, Đền Đô thờ 8 vị vua triều Lý, Đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng. Lăng mộ các vị vua triều Lý trên đồng Cao Lâm - Ao Sen giữa rừng cây báng xưa trên đất Lý hương Cổ Pháp xưa, phường Đình Bảng ngày nay. Nơi mà tháng 2 năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ Công Uẩn từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thăm quê Lý hương Cổ Pháp đã cho “Đo mươi dặm đất, chọn làm cấm địa sơn lăng” như sách “Sử ký Đại Việt toàn thư” đã viết. Truyền tích ở địa phương cho hay: Sau khi Lý Thái Tổ lên ngôi, vào năm 1010 thấy kinh đô Hoa Lư chật hẹp không thuận tiện cho việc mở mang kinh tế, chính trị và giao lưu văn hóa. Nhà vua có ý muốn dời đô. Thấy vậy, nhiều quan cận thần muốn đem kinh đô về châu Cổ Pháp. Sau khi cân nhắc kỹ, vua Lý Thái Tổ nói: “Không được! Ta ngắm tất cả khu đất Đại Việt chỉ có thành Đại La là nơi có hình thể như hổ phục, rồng chầu, đất bằng phẳng mà phì nhiêu, tiện đường thủy bộ giao lưu văn hóa. Đây chính là nơi tụ họp các người chí sỹ anh hùng. Ta nhận định đó là đất đô hội có thuận tiện hơn mọi nơi. Núi Tiên Sơn và Tiên Du và chỗ dựa, có sông Thiên Đức và sông Cà Lồ có thể làm kinh đô được nhưng ta không thiển cận đem kinh đô về quê nhà để hưởng lộc nhiều hơn thì ngắn ngủi không được dài. Vậy ta làm theo mệnh trời như nhà Thương và nhà Chu”. Vì vậy khu đồng đã được dọn dẹp để làm kinh đô, nhưng vua Lý Thái Tổ không nghe nên chỗ đất đó dùng làm nơi rừng cấm, dành cho những người trị vì nối dõi được chôn cất tại đây. Sau đó, nhà vua cử viên quan phụ chính là Lê Tài Nghiêm về rắc rừng làm nơi cấm địa gọi là Thọ lăng Thiên Đức. Thọ lăng Thiên Đức có 9 lăng của 9 vị vua triều Lý và lăng Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái Hậu Phạm Thị (mẹ vua Lý Công Uẩn), lăng Nguyên Phi Ỷ Lan (mẹ vua Lý Nhân Tông). Nơi đây có tám đường cao và tám dọc nước trông tựa như những đầu rồng gọi là “Bát Long, Bát Thủ” cùng chầu vào lăng Phát tích (tương truyền là nơi an nghỉ của Lý Thánh Mẫu). Theo lời di huấn của vua Lý Thái Tổ trước khi băng hà có dặn lại các quan không được xây lăng bằng gạch đá để khỏi hao tốn của công mà chỉ đắp bằng đất sẽ có 3 điều lợi:

1. Quân lính thời bình cùng chơi cũng phải làm, phải ăn. Nếu có thương nhớ nhà vua thì gánh đất đắp lên lăng cao bao nhiêu thì quí bấy nhiêu. 2. Khi lăng cao, cỏ mọc nhiều thì trâu bò, gia súc ăn cỏ ở đấy sẽ béo khỏe, kéo cày ruộng tốt. 3. Các trẻ mục đồng đến lăng vui thì biết tên lăng vua, càng nhớ ơn tiền nhân.

Sách Hồng Kỳ, chuyện của Nguyễn Văn Nam triều Minh Mệnh (1803), chủ bút do quan Tiến sĩ chức Thị Lang công hầu Đào Duy Thành viết về đám rước hội lịch sử nhà Lý ở Đình Bảng có đoạn viết: “Đầu Thọ lăng ở đông nam làng Đình Bảng, áp đường quốc lộ đi Kinh Bắc. Trước cửa Rồng có hồ bán nguyệt, ngoài hồ là sông Tiêu Tương thuộc tổng Thiên Đức. Đi bằng xe ngựa theo đường Một đi Kinh Bắc đến ngay cửa thành ngoại, đi thuyền đến bến vào ngay cửa Rồng. Trước Đền khoảng 800 mét là khu rừng nhân tạo thời Lý Thái Tổ do quan Tả thị lang Lê Tài Nghiêm kiến thiết khu rừng cấm gọi là rừng Thọ lăng (Thọ lăng có 8 vua). Riêng bà Lý Chiêu Hoàng và bà Nguyên Phi Ỷ Lan cũng được táng vào lăng Thiên Đức (Bởi bà Lý Chiêu Hoàng cũng làm vua và bà Nguyên Phi Ỷ Lan cũng làm nhiếp chính). Khu Thọ lăng rộng 180 mét, dài 1.400 mét, hình bầu dục". Đầu thế kỷ thứ XVII, vua Lê Hoằng Định (Kính Tông) cho trùng tu lại Đền Đô, cũng cho đắp lại toàn bộ lăng mộ vua Lý. Mỗi lăng cao trung bình khoảng 15 - 20 mét so với mặt ruộng. Ngoài lăng vua Lý Thái Tổ có hình lòng chảo, các lăng khác đều hình chóp nón, lâu ngày cỏ và cây dại mọc dầy. Xung quanh khu Thọ lăng Thiên Đức có nhiều đường đi khá rộng và có đường vào từng lăng để tiện cho việc các quan coi lăng đi tuần tra bảo vệ. Chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623) cho “lấy 284 mẫu ruộng của xã làm ruộng thờ Đền Đô như cũ”. Bộ phận ruộng đất Sơn lăng cho đến thời Nguyễn còn được sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi nhận: “Khu đất rộng chừng trăm mẫu, cổ thụ um tùm, là cấm địa và là thang mộc ấp của nhà Lý. Ruộng Sơn lăng được coi là ruộng công vĩnh viễn, giao cho dân xã sở tại chia nhau cấy, nộp một phần hoa lợi để chi phí vào việc thờ phụng các vua nhà Lý, sửa sang và bảo vệ lăng tẩm. Dân Đình Bảng cho đến thời Lê vẫn được coi là dân thủ lệ chuyên việc thờ phụng các vị vua nhà Lý, được miễn đi lính và lao dịch”. Thọ lăng Thiên Đức là rừng nhân tạo nằm trong rừng cây báng. Xưa có đường xe ngựa đi thăm các lăng. Rừng Thọ lăng Thiên Đức cũng như rừng Báng đã được khai phá từ những năm đầu thế kỷ XX làm đồng ruộng sản xuất, giờ chỉ là dấu tích. Tuy nhiên, còn nhận rất rõ từng lăng của các vị vua triều Lý, lăng Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái Hậu Phạm Thị và lăng Nguyên Phi Ỷ Lan. Nhiều năm qua nhân dân đã tôn tạo bảo tồn, tháng năm vẫn thành kính viếng thăm, thắp hương để tưởng nhớ các vị vua triều Lý cùng Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái Hậu Phạm Thị và Nguyên Phi Ỷ Lan:

1. Lăng Lý Thái Tổ, tức lăng Lòng Chảo 2. Lăng Lý Thái Tông, tức lăng Cả 3. Lăng Lý Thánh Tông, tức lăng Hai 4. Lăng Lý Nhân Tông, tức lăng Ông Voi 5. Lăng Lý Thần Tông, tức lăng Đường Gio 6. Lăng Lý Anh Tông, tức lăng Đường Thuẫn 7. Lăng Lý Cao Tông, tức lăng Thủ Sơn 8. Lăng Lý Huệ Tông, tức lăng Long Trì Lăng 9. Lăng Lý Chiêu Hoàng, tức lăng Cửa Mả 10. Lăng Lý Thánh Mẫu, tức lăng Phát Tích. 11. Lăng Nguyên Phi Ỷ Lan, tức lăng Nương Dâu.

Khu Sơn lăng cấm địa cách Đền Đô khoảng 800 mét về phía đông bắc, cách thủ đô Hà Nội 15 cây số về phía tây nam. Nhà sử học Trần Xuân Hãn trong cuốn Sách nổi tiếng “Lý Thường Kiệt” đã nêu ý kiến sâu sắc: “Vương triều Lý là vương triều thuần từ nhất trong lịch sử nước ta”. Nơi yên nghỉ của các vị vua triều Lý từ xưa chỉ là những ngôi mộ đắp đất, đơn giản, không dựng bia. Đây là điều rất đặc biệt. Trong lịch sử nước ta chỉ có các vua triều Lý là không xây lăng cho mình. Điều lạ lùng này xuất phát từ tư tưởng thương dân, không muốn làm tốn kém tiền bạc, làm nhọc sức dân của Lý Thái Tổ, vị vua khai sáng vương triều Lý. Trên đường đổi mới, sau Hội thảo khoa học “Xây dựng đề án quy hoạch tu bổ tôn tạo di tích nhà Lý trên quê hương Đình Bảng” năm 1996 tại Hội trường Đình Bảng với hàng trăm nhà khoa học lịch sử dự và tham luận sâu sắc, từ tình cảm lớn nhớ ơn các vị vua triều Lý, thiết thực chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cùng với việc tôn tạo bảo tồn cụm di tích lịch sử trên quê hương phát tích nhà Lý, Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa phường Đình Bảng đã quy hoạch, tu bổ hệ thống di tích Sơn lăng cấm địa: Làm đường vào từng lăng, xây tường bao bảo vệ lăng, trồng lại cây báng, tạc dựng bia đá tưởng niệm, xây ở mỗi lăng một miếu thờ để nhân dân mỗi khi tới thăm lăng vua cùng Lý Thánh Mẫu và Nguyên phi Ỷ Lan có nơi thắp hương tưởng niệm. Mỗi lăng giờ đều linh thiêng. Du khách “Đến Thọ Lăng Thiên Đức / Mơ thấy rồng bay lên / Lòng thành cầu được Phúc / Thiên hạ vui thái bình”. Du lịch liên hoàn về thăm lăng mộ các vị vua triều Lý, du khách đến Đền Đô dâng hương lễ vua thấy điều kỳ vĩ. Xưa: “Đền Đô kiến trúc tuyệt vời / Thăng Long đẹp đất, đẹp người ngàn năm!”. Công trình nổi danh, có thủy đình từng được chọn in trên Giấy năm đồng tiền vàng Đông Dương xưa. Bác Hồ về thăm lần đầu ngày 13/9/1945 cùng nhân dân tưởng niệm các vị vua triều Lý đã định đô Thăng Long “Vì muôn ức đời con cháu”. Rất tiếc, trong chiến tranh, năm 1952 quân Pháp phá hủy hoàn toàn. Từ năm 1989, nhân dân công đức cùng nhà nước đầu tư xây dựng lại đẹp dáng xưa, là biểu tượng chiến thắng, biểu tượng của hào khí Thăng Long. Chiêm ngưỡng từng hạng mục công trình, lòng tự hào say hát dân ca: “Từ trong đổ nát chiến tranh / Đền Đô dựng lại đẹp tranh hòa bình / Thăng Long chào đón bình minh / Rồng bay lên đẹp dáng hình Việt Nam!”. Lại cùng nhau thăm những di tích trên quê hương nhà Lý hồi sinh dù đã bị giặc xâm lược phá hủy hoàn toàn. Thắng giặc thù rồi, nhân dân đã xây dựng lại đàng hoàng, đẹp tình người uống nước nhớ nguồn: Đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng, Cổ Pháp Tự (Chùa Dận - Ứng Thiên Tâm) nơi Lý Công Uẩn ra đời. Chùa Giỏ (Quang Đổ Tự) ánh sáng luôn chiếu vào cho mọi người tới cầu phúc. Và, thăm những di tích nhân dân kiên cường bảo vệ và tôn tạo, bảo tồn: Chùa Kim Đài (Quỳnh Lâm Tự xưa) nơi Lý Công Uẩn từng làm tiểu, đình làng Đình Bảng kiến trúc tuyệt xảo, nơi in dấu chân Bác Hồ về thăm hai lần. Thăm sự đổi mới của quê hương Đình Bảng anh hùng, nơi thiếu niên du kích cũng anh hùng. Du lịch tâm linh hành hương về nguồn. Từ di tích này đến di tích kia chỉ khoảng một cây số đường xe thuận lợi. Một ngày mong trọn nghĩa tình người Quan họ hát: “Người ơi! Em đợi không hẹn cũng lên!”./.