Trang chủ

HỌ NGUYỄN VĨNH KIỀU Một trong "Tứ gia vọng tộc" đất Kinh Bắc
01:06 | 21/02/2017

Kim Oanh

Cách thủ đô Hà Nội khoảng 19 km theo đường quốc lộ 1A về phía Bắc sẽ gặp một làng cổ có tên là làng Vĩnh Kiều, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (xưa là làng Viềng, thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc). Họ Nguyễn làng Viềng là dòng họ nổi tiếng khoa bảng, hiếu học và cách mạng, được xếp vào “Tứ gia vọng tộc” của đất Kinh Bắc xưa.

Sử sách còn lại ngày nay cho biết họ Nguyễn làng Viềng (tên chữ là làng Vĩnh Kiều hay Vĩnh Cầu) vốn gốc là dòng dõi Lý Thái Tổ - Người đã khai sáng Kinh đô Thăng Long và lập ra Vương triều Lý, thái bình thịnh trị suốt hơn 216 năm.

 Cụ Nguyễn Văn Huy được coi là thủy tổ lập ra dòng họ Nguyễn làng Viềng, người đặt nền móng cho truyền thống khoa bảng của con cháu. Cụ đỗ Thám hoa năm Kỷ Sửu (1529) dưới thời nhà Mạc. Tuy nhiên khoa này không lấy Trạng nguyên nên lấy ông đỗ đầu. Thuở nhỏ cụ theo học Tiến sĩ Phạm Đôn Tách, người làng Lạc Nhuế, huyện Thanh Liêm, Hà Nam, sau cụ chuyển về sống ở ngôi nhà tại quê vợ. Năm 44 tuổi cụ đỗ Thám hoa, sau đó phụng chỉ đi sứ Trung Quốc. Cụ làm quan tới chức Thượng thư bộ Lễ, được vua phong làm Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu. Cụ sinh được 3 con trai là Nguyễn Đạt Thiện, Nguyễn Trọng Quýnh, Nguyễn Hiển Tích. Ba người con của cụ đều đỗ tiến sĩ, trong đó cụ Nguyễn Đạt Thiện đỗ Hoàng Giáp năm 1559 dưới thời Mạc Tuyên Tông, làm quan tới chức Lại khoa Đô cấp sự trung. Cụ Nguyễn Trọng Quýnh đỗ Hoàng giáp năm 1547 dưới thời Mạc Tuyên Tông, cụ làm quan tới chức Thượng thư bộ Lễ. Cụ Nguyễn Hiển Tích đỗ Tiến sĩ năm 1565 thời Mạc Mục Tông, làm quan tới chức Binh bộ Tả thị Lang, tước Nghi Khê Hầu.

Riêng cụ Nguyễn Trọng Quýnh có 10 người con trai, 4 người mất sớm còn lại 6 người, trong đó có người con cả là Nguyễn Giáo Phương, đỗ Thám hoa năm 1586, thời Mạc Mục Tông. Khoa thi này không lấy Trạng nguyên và Bảng nhãn mà chỉ lấy Thám hoa và lấy Nguyễn Giáo Phương đỗ đầu. Bài văn thi của ông được giám khảo phê rằng: “Hùng văn đại bút, trùng sinh cổ kim, nho học cự phách”. Nguyễn Giáo Phương làm quan tới chức Binh bộ Hữu Thị Lang, tước Vĩnh Nham Hầu. Sau khi làm quan 6 năm thì nhà Mạc thất thủ, ông giữ tiết theo nhà Mạc, sau bị kẻ gian hãm hại chết.

Thời kì này chiến tranh loạn lạc nên con đường khoa cử của dòng họ Nguyễn làng Viềng bị đứt đoạn. Đến đời thứ 6 có cụ Nguyễn Nhân Nguyên đỗ cử nhân dưới thời hậu Lê, làm quan tới chức Hộ bộ lang trung. Cụ có 7 người con, trong đó có 3 người đỗ tiến sĩ là Nguyễn Quốc Ích, Nguyễn Đức Đôn, Nguyễn Công Viên. Điều đặc biệt là dù tám cha con không phải đều đỗ đại khoa, nhưng tất cả đều làm quan to đồng triều. Đây quả thực là một kì tích mà không phải gia tộc nào cũng có thể làm được.

Như vậy trong vòng hơn 300 năm từ khoảng gần giữa thế kỷ thứ XVI đến cuối thế kỷ XIX, dòng họ Nguyễn làng Viềng đã sản sinh ra 10 tiến sĩ, trong đó có 7 người được phong Hầu, một người được tặng phong Thái Bảo, một người được phong tước Bá cùng 30 cử nhân và 60 tú tài. Thành tích này đã đưa dòng họ Nguyễn làng Viềng lên thành một trong những dòng họ có nhiều người đỗ đạt nhất thời kỳ phong kiến ở Việt Nam.

Cho đến ngày nay, trong nhân dân còn truyền tụng bài ca sự tích họ Nguyễn Vĩnh Kiều, trong đó có câu:

Có lúc bảy ông con một cụ

Bốn đỗ Hương cống, ba Đại khoa

Người làm Thượng thư, người Tổng đốc

Tiếng thơm lừng lẫy khắp gần xa…

     Sách Đại Nam nhất thống chí, phần Nhân vật Bắc Ninh tỉnh chí thời hậu Lê ghi: "Nguyễn Công Vọng người xã Vĩnh Kiều huyện Đông Ngàn đỗ Hội nguyên đồng tiến sỹ đời Dương Hoà làm đến Đô ngự sử, tặng Thượng thư bộ Hộ, bàn luận sáng suốt, gặp việc phát ngôn không kiêng nể, là danh thần một thời!". Sách Kinh Bắc phong thổ ký cũng ghi đầy đủ tên tuổi các vị tiến sỹ dòng họ Nguyễn Vĩnh Kiều với 2 câu mở đầu:

            Vĩnh Kiều ấy bảng vàng rờ rỡ

            Mười hai tên ngựa ngựa, xe xe.

            Khi bàn đến Nguyễn Công Vọng sách này ghi: "Sách sử khen ông là người nghị luận có nhiều phát hiện giỏi, tính thẳng, bàn việc không kiêng nể, thật là danh thần đời ấy..."  Sách "Kiến văn tiểu lục" cũng kể lại việc Nguyễn Công Vọng cùng Lê Hy, Nguyễn Đình Cổn, Hoàng Công Điền tiếp sứ thần nhà Thanh là Minh Đô và Chu Xán năm 1683 niên hiệu Chính Hoà thứ tư. Khi về nước Chu Xán có làm biểu dâng vua Thanh ca ngợi nước Nam có nhiều sứ thần giỏi, kiến văn rộng rãi…

        Tương truyền cụ tổ dòng họ Nguyễn là cụ Phúc Sơn, vốn nhà nghèo nhưng hay làm việc thiện giúp đời. Hàng ngày cụ Phúc Sơn bán nước ở dưới một gốc đa cổ thụ và lấy đó làm nơi cư trú. Vào một đêm mưa to gió lớn, cây đa bị gió thổi bật gốc. Sớm hôm sau cụ ra xem thì nhìn thấy ba chĩnh vàng nằm ở đó, thấy vậy cụ bèn nhặt và cất vào một chỗ. Sau có người khách phương Bắc đến chỗ đó, vẻ bối rối như người bị mất của, người đó đến chào và tự giới thiệu mình là người nơi khác đến, tiếc rằng tiền nhân giấu của để lại cho đời sau hiện còn mật dấu ghi lại. Nay vì nghèo túng nên không quản ngàn dặm đường xa đến để đào lên, ngờ đâu đã bị người khác lấy mất. Người này nói xong cảm động bèn khóc lớn.

       Cụ Phúc Sơn thấy vậy bèn vỗ về, an ủi nói: “Nếu là của người thì chắc rồi sẽ thấy”. Nói xong thì ôn tồn mời vào nhà dùng cơm. Đến nửa đêm, cụ Phúc Sơn hỏi số vàng là bao? Người kia bèn đem giấy tờ, di chúc ra cho cụ xem làm chứng. Sau khi xem xét, đối chiếu với số vàng mình đã nhặt được, sáng hôm sau cụ lấy số vàng đó hoàn trả cho người phương Bắc. Người khách thấy vậy nói: “Số vàng kia của nhà tôi, nhưng trời đã có ý cho ngài, xin ngài giữ lấy mà dùng, tôi chỉ xin một chút đủ dùng trên đường trở lại quê quán mà thôi”. Cụ Phúc Sơn không đồng ý nói: “Nay vật về chủ cũ là lẽ đường nhiên” và kiên quyết trả lại. Người khách thấy cụ xuất phát từ lòng chân thành nên biếu cụ mười lạng, còn đâu xin mang về và tự suy nghĩ cách trả ơn.

Sau khi trở về phương Bắc, người khách này tìm những thầy phong thủy nổi tiếng đến để trình bày nguồn gốc sự việc, khẩn cầu họ tìm cho ngôi đất để trả ơn. Một thầy địa lý Trung Quốc nổi danh nghe xong thán phục nói: “Không ngờ người nước Nam lại tốt bụng đến vậy” và quay bảo hai người học trò: “Con người ấy vốn có âm đức, trời ắt cho được nhiều điều hay. Ta nay tuổi già không đi được, hai người đi giúp ta một chuyến”. Hai người học trò đều là những thầy địa lý nổi tiếng liền vui vẻ nhận lời.

Mấy người lại từ phương Bắc sang nước Nam tìm đất, đến nơi cụ Phúc Sơn ở, thấy chỗ đất nào đẹp cũng đều lưu ý. Tuy nhiên khi tìm đến ông chủ quán xưa thì người đã mất, cụ bà đã dọn về quê ở làng Vĩnh Kiều bây giờ. Họ bèn tìm lễ vật đến viếng và bảo với người nhà cụ Phúc Sơn rằng: “Ngày xưa tôi chịu ân sâu mà chưa báo được đức, nay tìm được minh sư, tìm được ngôi đất quý để khỏi phụ ân đức người”. Lúc đó hai thầy địa lý Tàu vui vẻ nói: "Chúng tôi tìm được hai ngôi đất. Một ngôi phát đế vương những chỉ một đời. Một ngôi khác phát bảy đời làm phò mã (rể vua) tùy người lựa chọn?" Cụ bà thấy vậy bảo: "Nhà tôi có đức gì mà dám mơ những ngôi đất lớn như vậy. Chúng tôi chỉ cầu cho đời nào cũng có người có văn học, như vậy là đủ rồi”. Hai thầy địa lý Tàu thấy vậy liền nói: “Chính như nguyện vọng của người thì há cần phải tìm ở đâu xa. Ngay đầu làng này có một huyện phát kế thế công khanh xin vì người mà giúp cho vậy”. Mọi người cùng nhau đến gò Đường Dài (địa danh thuộc làng Vĩnh Kiều) để xem.

Xét ngôi đất ấy, long mạch khởi từ xã Cẩm Chương (nay không xác định được là nơi nào) đi lại, đến đầu làng Vĩnh Kiều thì nhô lên thành hai mô đất. Một mô hơi to và bằng phẳng. Một mô hơi bé và hơi méo lệch. Người em bảo huyệt mộ nằm ở mô to. Người anh cho là không phải, anh ta bèn đến một cái vũng nước sâu ở phía trước mặt, nằm xuống ngắm trông một hồi lâu rồi đứng dậy mà nói rằng: Tôi đã nghiên cứu kỹ, đích thực huyệt ở mộ bé. Hai người tranh luận mãi không quyết định được,  bèn vẽ bản đồ chỗ đất ấy, sai người đem về phương Bắc xin sư phụ định đoạt. Sư phụ nói rằng: “Ngôi đất này là kiểu Hoàng xà thính cáp (Rắn vàng nghe ngóe), khí vượng ở tai, có động mới có huyệt, hai mộ đất tức là hai tai vậy. Mô lớn tất điếc, mô bé hơi chéo có khí, huyệt ở mô bé ấy. Sau đó gia đình bèn táng hài cốt cụ Phúc Sơn vào đó, hướng Mão thời bảy thốn , hướng Ất thời ba thốn. Nhìn sang phía núi thì cung Cấn, nhìn hướng chính thì hướng Khôn. Không biết thực hư việc đặt mộ như thế nào nhưng quả là họ Nguyễn làng Viềng từ cụ Nguyễn Văn Huy trở đi liên tục phát về khoa bảng cho đến khi triều đại phong kiến kết thúc.

            Người Kinh Bắc xưa xếp họ Nguyễn làng Vĩnh Kiều cùng với họ Nguyễn Đăng ở làng Bựu, họ Nguyễn ở làng Kim Đôi và họ Nguyễn ở làng Tam Sơn vào hàng "Tứ gia vọng tộc" vì những dòng họ này có nhiều người đỗ đạt cao làm nên sự nghiệp vẻ vang cho dòng họ, rạng rỡ quê hương đất nước.         Gia phả họ Nguyễn Vĩnh Kiều đã ghi: “Họ Nguyễn tức họ Lý Vĩnh Kiều vốn là dòng họ trâm anh thế phiệt nổi tiếng đất Đông Ngàn thuộc trấn Kinh Bắc xưa”. Đền thờ các khoa bảng họ Nguyễn Vĩnh Kiều được khởi dựng từ thời Lê đến nay đã qua mấy lần tu bổ, tôn tạo, nhưng vẫn giữ được giá trị như một bảo tàng với nhiều tư liệu, hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật như: Gia phả, câu đối, hoành phi, các đồ thờ, tế khí, đặc biệt là các đạo sắc phong của các triều đại phong kiến ban tặng cho các nhà khoa bảng Nguyễn tộc.

           Sau đây là danh sách 10 vị Đại khoa đã làm rạng danh truyền thống khoa bảng vẻ vang của gia tộc, góp phần tô thắm trang sử vàng của miền đất học Kinh Bắc:

  1. Thám hoa Nguyễn Văn Huy: (1466 - ?)

      Tự Cúc Đàm. Năm 44 tuổi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh khoa Kỷ Sửu (1529). Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ lễ, kiêm Đông các đại học sĩ, Chính tự khanh, Thượng chế. Ông từng đi sứ phương Bắc, năm 67 tuổi ông về trí sĩ. Ông có 3 người con đều đỗ tiến sĩ: Nguyễn Trọng Quýnh, Nguyễn Đạt Thiện, Nguyễn Hiển Tích và 1 cháu nội là Nguyễn Giáo Phường cũng đỗ đại khoa.

  1. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Quýnh: (1527 - 1597).

       Tự Trạch Thiên, Hiệu Dương Sơn. Năm 21 tuổi (1547) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Ông làm quan đến chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, chức Thượng thư bộ lễ, Tri chiêu văn quán, kiêm tú lâm cục, Chính tự khanh thượng chế, đi sứ phương Bắc.

  1. Hoàng giáp Nguyễn Đạt Thiện: (? - ?)

      Đỗ Đệ nghị giáp Tiến sĩ xuất thân đệ nhất danh, khoa Kỷ Mùi, (1559). Sau đó, thi ứng chế đỗ thứ nhất, làm quan đến chức Binh khoa Đô cấp sự trung.

  1. Tiến sĩ Nguyễn Hiển Tích: (1524 - 1593).

      Xuất thân Thị hầu, đỗ Hương cống sớm, nhưng vì loạn lạc nên đỗ Tiến sĩ muộn. Năm 48 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu (1565),  làm quan đến chức Tả thị lang bộ Binh, tước Nghi khê bá.

  1. Thám hoa Nguyễn Giáo Phường: (1549 - 1592).

       Ông là cháu nội của Thám Hoa Nguyễn Văn Huy. Xuất thân Nho sinh trúng thức. Năm 38 tuổi đỗ Hội nguyên. Kỳ thi Đình ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, Đệ tam danh khoa Bính Tuất (1586).

  1. Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho: (1641 - 1680).

       Ông là cháu đời thứ 7 của Tiến sĩ  Nguyễn Văn Huy. Năm 24 tuổi, ông đỗ kỳ thi Hội, năm 30 tuổi thi Đình, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ông làm quan đến chức Tham chính, Công bộ cấp sự trung, Tổng đốc Sơn Tây, Tham chính Nghệ An.

  1. Tiến sĩ Nguyễn Công Vọng: (1644 - ?).

       Ông là hậu duệ của Thám hoa Nguyễn Văn Huy, tự là Đoan Túc, hiệu là Minh Mẫn. Năm 30 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu (1673); năm Bính Thìn (1676) trúng thứ 3 khoa Đông Các. Ông làm quan đến chức Đô ngự sử. Khi mất ông được tặng Thượng thư bộ Hộ. Hiện nay, tại dòng họ còn lưu giữ 8 đạo sắc phong của ông do các triều đại phong kiến ban tặng.

  1. Tiến sĩ Nguyễn Công Viên: (1691 - ?).

       Ông là hậu duệ của Thám hoa Nguyễn Văn Huy. Xuất thân Nho sinh trúng thức. Năm 28 tuổi đỗ thứ 5 kỳ thi Hội. Khi vào thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất (1718). Ông làm quan đến chức Đông các hiệu thư, Đốc đồng Cao Bằng. Trước khi mất, ông được phong chức Đại nguyên soái; Thống quốc chính; giám sát Ngự sử. Được ban tặng 3 đạo sắc phong.

  1. Tiến sĩ Nguyễn Đức Đôn: (1689 - 1752).

       Ông là hậu duệ của Thám hoa Nguyễn Văn Huy. Là anh tiến sĩ Nguyễn Công Viên, là em tiến sĩ Nguyễn Quốc Ích. Thuở nhỏ ông tên là Ý, hiệu Trang Giản. Xuất thân nho sinh. Năm 33 tuổi ông đỗ thứ 2 kỳ thi Hội. Vào thi Đình, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu (1721). Ông trải qua các chức: Lại khoa đô cấp sự trung; thăng Ngự sử đạo Thanh Hoa; Hàn lâm thị chế; Tổng đốc Tuyên Quang; Đông các hiệu thư; Đông các đại học sĩ; Tổng đốc Hải Dương; Quán lộc thị khanh; Lễ bộ hữu thị lang.

  1. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Ích: (1686 - 1739).

     Ông là anh tiến sĩ Nguyễn Đức Đôn và tiến sĩ Nguyễn Công Viên. Ông còn có tên là Trọng Tạo, tự Trung Ích. Năm 42 tuổi ông đỗ thứ 3 kỳ thi Hội, vào thi Đình ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi (1727). Ông làm quan đến chức Đông các hiệu thư; Đốc trấn Cao Bằng; Mậu lâm lang.

          Với những giá trị văn hóa và khoa bảng to lớn đó, đền thờ các nhà khoa bảng họ Nguyễn Vĩnh Kiều đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử theo Quyết định số 295/VH - QĐ ngày 12 tháng 02 năm 1994. Ngày nay, con cháu họ Nguyễn làng Vĩnh Kiều cũng đang ra sức phấn đấu, tiếp tục tô thắm truyền thống khoa bảng vẻ vang của gia tộc và góp phần làm rạng danh truyền thống miền đất học Kinh Bắc./.

* Tham khảo Gia phả họ Nguyễn Vĩnh Kiều và nguồn internet.