Không thể hình dung nổi, kể từ ngày đầu thành lập Phân hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Lương Tài 2006, mà giờ đã 18 năm, ba kỳ Đại hội có lẻ. VHNT Lương Tài, vẫn tỏ mặt anh thư trên quê hương yêu dấu của mình. Một vùng lãng bạc xưa ngàn năm một thuở, vẫn truyền thống hiếu học, đánh giặc ngoan cường, bền bỉ chống thiên tai, cần cù trong lao động và lòng thương người sâu sắc!
Một vùng quê đói nghèo xưa mà hiếu học, còn ghi trong Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh. Một vùng đất màu mỡ do sông Thái Bình bồi đắp hàng năm, mang sức bền châu thổ. Nơi ấy đã từng được mệnh danh là vựa lúa. Nơi đã từng đóng góp một lượng lương thực lớn cho tiền tuyến anh hùng đánh giặc. Nơi ấy, với 2218 liệt sỹ, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với 251 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một con số không nhỏ phải không bạn? Nơi ấy, từ những mái trường tranh, tre, nứa, lá, buổi đầu của nền giáo dục mới, từ mái trường Thứa ngày nào, nhiều người đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như: Phan Hách, Duy Phi, Nguyễn Hồng Hà… sau này là Vũ Tuấn Anh. Nơi âm vang tự xa xăm, hàng trăm năm, còn đó vọng về, những tác phẩm “Đại Việt lục triều đăng khoa lục” của Tiến sỹ Vũ Miên (1718 - 1782) Ngọc Quan Lâm Thao. “Sứ trình tứ thời khúc” “Tiểu độc lạc phú”, “Sứ thời khúc vịnh”, Sứ Bắc quốc ngữ thi tập”, “Sứ trình khúc” của Tiến sỹ Hoàng Sỹ Khải (? - 1590) Lai Tê Trung Chính, “Phi sa tập” và “Văn tế cá sấu” của Nguyễn Thuyên, người Lai Hạ… Trên từng nét chữ, từng con chữ, của người xưa, còn như ngọc ấy, sao dám quên thứ Văn hóa vàng ròng, thanh khiết, mẫu mực của một lớp người vì non nước mà hóa thân vào những trang sách, vẻ vang, còn đến muôn đời, luôn trẻ.
Nằm bên dải đất Nam phần, bên kia sông Đuống: Ai về bên kia sông Đuống/ Cho em gửi tấm the đen…/ Giữa huyện Lang Tài/ Gửi về may áo cho ai/ Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu? Trích Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, còn để nẫu ruột đến bao giờ?
Tôi nhìn sang Thuận Thành, Thuận Thành không bóng núi, nhưng Thuận Thành có "Nam giao học tổ", có Chùa Dâu, Bút Tháp, có thành Luy Lâu vương bóng Ỷ Lan, văng vẳng khúc ngâm Cung oán… của một vùng đất Thánh! Một Gia Bình duy nhất có núi với quần thể Thiên Thai, nơi dải sông Đuống ưu ái ôm trọn như một quà tặng, hợp ở Kênh Phố, khi gặp Lục Đầu. Còn Lương Tài, không bóng núi, kiệm dáng sông. May có Thái Bình giang ghé qua phía Đông và Đông Bắc, khoảng mười cây số, cũng đủ làm nên vóc dáng quê nhà. Song, Lương Tài còn có hệ thống sông con, chảy đều trong nội địa, chảy đến đâu mang tên nơi ấy: Sông Lai Hạ, sông Nhị Trai, sông Đò, sông Văn, sông Thứa, sông Thâu, sông Ngọc Quan… cũng làm nên trù phú. Ta ra sông Cái ta ngồi/ Mới hay cái nhẽ cái nhời ở ăn. Sự dìu dặt của miền quê sông nước tang bồng ấy, nối tháng năm bền bỉ đời đời, đã góp phần làm nên tính cách, lối sống của con người nơi đây, can trường và nhân hậu biết bao!
Tháng Bảy lũ về, tháng Tám rửa đền. Mùa bão lũ. Cả một vùng mênh mông nước tới chân trời, cuốn xiết, đổ về. Làng xóm như nhòe đi. Con đê trở nên mong manh. Những trai thanh gái tú được huy động lên mặt đê. Chống lũ như chống giặc. Chưa bao giờ huy động sức người và sức của nhiều đến thế! Họ đã chiến thắng tất cả! Và lạ thay, uống ngụm nước sông Thái Bình mà như thấu hiểu được tất cả những nỗi niềm của từng con sông cộng lại, khi hợp về Lục Đầu gửi Thái Bình mang khát vọng về biển cả!
Nước rút, Đồng ta lại hát. Hát bài ca năm tấn, mười tấn. Một dòng sông Đồng Khới ra đời trên đất Gia Lương (Gia Bình - Lương Tài) 1964, quà tặng cho vùng thoát lũ, úng, hạn cùng với một loạt trạm bơm xây dựng ở ven đê. Dòng sông Đồng Khởi miên man chảy trên miền đất lạ. Bát cơm trắng thơm từ đây! Bát cơm đầy từ đây! Trẻ em vui áo mới!
Một thế trận xưa, giờ trong tưng bừng của cuộc sống mới. Đường rộng và đẹp, đồng đẹp, làng đẹp, trường đẹp, trạm đẹp… đâu đâu cũng đẹp! Gì vui hơn khi nghiên cứu kỹ từng dòng trong Nghị quyết và trong Báo cáo chính trị của BCH huyện Đảng bộ khóa XXI, lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Những quyết sách cho hành động lòng dân ý Đảng… Một Lương Tài tự tin, khởi sắc từng ngày.
Ánh xạ từ cuộc sống không ngừng ấy, một vùng địa lý đặc thù, VHNT Lương Tài đã trưởng thành và có những đóng góp đáng kể, đáng mừng. Đã 18 năm, buổi đầu có 6 nghệ sỹ, giờ thì 21. Ban đầu có 3 chuyên ngành, giờ là 6 chuyên ngành. Số hội viên chuyên ngành Trung ương 6/21, thật nể trọng. Nhiều hội viên tham gia các cuộc thi từ tỉnh đến Trung ương đoạt nhiều giải thưởng, điển hình là nhà thơ Vũ Anh Đức, nghệ sỹ nhiếp ảnh Đức Hiệp, Tuyết Non, họa sỹ Thị Khánh, họa sỹ Văn Thành, họa sỹ Lưu Quang Lâm… Đó là đội ngũ được đào tạo cao, sâu, trẻ dần, điểm hướng xạ, yêu nghề, sáng tạo, sống tốt, sống đẹp. Họa sỹ Lưu Quang Lâm đã dành hàng tháng trời, với bức phù điêu dài trên 10 m, ngay cửa đình làng, nơi gói hồn quê và khát vọng, cả nhọc nhằn, thơm thảo và trong trẻo. Những bức ảnh vượt núi trèo đèo, ngâm trong giá rét của Đức Hiệp, còn in đậm trong mỗi mùa giải. Và đâu đó, trong cuộc sống tảo tần, dẫu còn nhọc nhằn, dẫu còn khốn khó, hay lúc nông nhàn, những câu thơ bất chợt của các nhà thơ quê, bỗng ngân nga trong bao nỗi niềm chia sẻ. Những câu thơ hay, những bài thơ hay, hoặc những tứ thơ lạ không hiếm trong mỗi ấn phẩm, còn nguyên trên giá sách, tủ sách. Âm hưởng của làng quê bỗng bay lên giữa cuộc đời này. Đây là câu thơ đánh Mỹ, của thế hệ học sinh cũ trường Thứa, như Nguyễn Văn Chương: Nếu Đại Bàng hóa máy bay xâm lược/ Dân tộc mình đâu có thiếu Thạch Sanh. Như Phan Hách: Những năm bom Mỹ thả/ Loan phượng vẫn ăn xoài… thơ đã nói hộ sự bình tĩnh lạ lùng ấy. Sau này, một Huy Thắng, nhà thơ thương binh hạng I, khi anh bàn về một câu ca cổ: Đa cũng có cành cộc/ Đào cũng có cành hư/ Chỉ thương cho lũ kiến/ Tìm nhầm nơi định cư. Bao lần ta nhắc đến từ Thương, nhưng tới nay, mới vỡ lẽ ra cái hay của từ Thương ấy. Sự quanh quẩn không lối thoát của cần lao ngày ta chưa có Đảng, để giờ ta tin yêu đến muôn đời! Với Vũ Thị Phúc, như một sự sẻ chia qua màu hoa muống tím. Màu hoa cỏ bền bỉ trong cấu trúc thơ của Vũ Quang Việt, như một sự phá cách. Giữ bền một lối viết nhuần nhuyễn, lắng sâu trong thơ Vũ Anh Đức. Một Vũ Hằng bước lên từ "Lục bát ở làng" rồi cùng "Lục bát vào xuân". Sự hồn nhiên vẫn còn nguyên trong thơ Nguyễn Xuân Linh… Chỉ biết rằng, bây giờ và mai này, chúng tôi luôn khởi sắc!
Chúng tôi yêu chúng tôi!
Chúng tôi yêu các bạn!
Bắt đầu từ những mùa hoa đầu tiên, tính từ nụ. Vườn ươm đã ngát rồi, đến độ ngào ngạt rồi. Ta gửi hương cho gió. Chúng tôi có một ngày 21 hàng tháng làm cữ để gặp nhau, sinh hoạt định kỳ với nội dung cụ thể, có phân công người trình bày, trao đổi, như một tiểu luận, lưu lại, thuộc về học thuật, theo phương châm "học thày không tày học bạn". Ví như: Tranh vẽ như thế nào để hấp dẫn trẻ; Cái hay trong các khúc đồng dao; Vẻ lấp lánh trong câu truyện cổ quen thuộc; Chọn bình một bài thơ trong tạp chí NKB; Cấu trúc trong truyện của Thái Sơn; Tiếng thủ thỉ trong truyện của Nguyễn Viết Tại; Sức hút trong tản văn của Lương Thìn; Yếu tố nào tạo nên ảnh Đức Hiệp đạt giải; Vài nét về mỹ thuật Lưu Quang Lâm… Giới thiệu nhiều gương mặt nghệ sỹ trên truyền hình Bắc Ninh. Chúng tôi sinh hoạt trên một phòng gọn, đẹp: Bàn ghế đẹp, tranh ảnh đẹp, Bằng khen đẹp, tủ sách đẹp và nhiều sách đẹp!
Đời là một câu truyện dài. Bạn ơi: "Trước trăm năm ta còn được bao nhiêu". Tháng Mười đến rồi. Tháng mà ta Đại hội VHNT lần thứ V, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Bạn sẽ mang đến Đại hội hành trang gì? Còn chúng tôi, VHNT Lương Tài, những dòng chúng tôi ghi trên đây là một trong hành trang gửi tới các bạn, gửi lên Đại hội, dù nhỏ.
Cuộc sống là sự nâng đỡ, còn là sự dìu dắt, còn là lòng vị tha, yêu nhau "chín bỏ làm mười". Bất chợt tôi nhớ câu thơ của Trần Đăng Khoa… Em hiểu ra rồi/ Vì sao con muốn suốt đời làm thơ. Lại càng thấm thía câu thơ của Hữu Thỉnh: Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình. Và đây, trong thơ của Phạm Tiến Duật: Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay!
Cảm ơn Hội Văn học nghệ thuật tỉnh! Cảm ơn các bạn! Ta cùng nâng niu cho một ngày trong tháng Mười - 2023, Đại hội lần thứ V, Hội VHNT tỉnh thành công như mong muốn./.
NGUYỄN NHƯ HẠO