Liên kết website
 Thống kê
   Đang truy cập
28
Tổng lượt truy cập
3165

Trang chủ Đặc biệt

Đi tìm cội nguồn văn nghệ Miền Kinh Bắc
14:16 | 12/03/2018

 NGUYỄN CÔNG HẢO

         Nhà văn Phan Hách, người có bài thơ nổi tiếng “Làng quan họ quê tôi” được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc đã đi vào cuộc sống mấy chục năm nay. Nhà văn Phan Hách vẫn nhận được Tạp Chí Người Kinh Bắc thường xuyên; Dịp cuối năm vừa rồi, tôi có dự một Hội thảo bàn về “Nâng cao chất lượng sáng tác VHNT ở các Nhà sáng tác” do Trung Tâm hỗ trợ sáng tác, Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch tổ chức có gặp Nhà văn Phan Hách, anh rất phấn khởi chúc mừng sự phát triển Tạp Chí Người Kinh Bắc, Anh cho rằng: Tạp Chí Người Kinh Bắc xuất bản đều đặn mỗi tháng ra một số, vì thế tháng 5 năm 2017 vừa qua Tạp Chí Người Kinh Bắc tự hào đạt con số 100 (Số ra thứ 100) là rất đáng hoan nghênh, chất lượng đáp ứng yêu cầu, nội dung nhiều chuyên mục hấp dẫn nhiều đồng nghiệp văn nghệ sĩ ở Hà Nội mượn Tạp chí của anh, đọc xong họ rất khen ngợi. Anh còn cho tôi biết một số thông tin rất đáng quý về hoạt động của “Báo văn nghệ” từ thời kỳ từ Hà Bắc.

    Nhà văn Phan Hách hồ hởi nhớ lại một thời còn là giáo viên dạy ở Sơn Động – Lục Ngạn, có người bạn biếu tờ báo Văn Nghệ Hà Bắc, từ đó đã thắp lên niềm say mê cho anh lòng nhiệt huyết cho sự nghiệp sáng tác về văn học nghệ thuật. Anh vui vẻ tâm sự:

- Mình nhớ khoảng Tết năm 1966, lúc ấy mình còn đi dạy học và có người bạn biếu tờ báo “Văn nghệ Hà Bắc” do anh Nguyễn Đình Bưu lúc đó là cán bộ ở Ty Văn Hóa Hà Bắc trực tiếp biên tập. Lúc ấy được tờ báo quý lắm, mình nhớ số báo ấy là số đầu tiên, trong đó có khá nhiều bài văn, thơ ca ngợi quân và dân Hà Bắc bắn rơi máy bay giặc Mỹ trên bầu trời Hà Bắc ngày 25 tháng 8 năm 1965. Lúc đó Hội Văn Nghệ Hà Bắc chưa được thành lập nhưng phong trào sáng tác văn nghệ cả tỉnh rất mạnh mẽ và tất nhiên tờ báo “Văn nghệ Hà Bắc số xuân năm 1966” xuất bản tháng 01 năm 1966 chính là kết quả lao động sáng tạo của những cây bút sáng tác không chuyên, mà sau này là những lớp hội viên đầu tiên của Hội VHNT Hà Bắc được thành lập vào tháng 01 năm 1980.

Nhà văn Phan Hách còn cho tôi biết khi anh về công tác tại Ty Văn hóa Hà Bắc, thường xuyên được cử đi viết ở cơ sở. Có lần xuống huyện Gia Lương (nay là Gia Bình – Lương Tài). Tổ sáng tác còn được mang cả máy in đi theo để kịp thời in những bài thơ, bài tuyên truyền phục vụ cho phong trào làm thủy lợi của tỉnh. Vậy là Tạp Chí Người Kinh Bắc và Tạp Chí Sông Thương tính theo thời gian tháng 01 năm 1966 phải nhiều hơn số lượng phát hành kể từ khi thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Bắc năm 1980.

Thật vinh dự cho giới văn nghệ sĩ miền Kinh Bắc hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cảm thấy đáng tự hào về hoạt động quảng bá phong trào Văn học nghệ thuật thông qua tờ báo Văn Nghệ ra số đầu khá sớm, trước cả thời gian Hội VHNT tỉnh Hà Bắc được thành lập.

 Tôi quyết định đi tìm những căn cứ chứng minh cho thông tin của Nhà văn Phan Hách. Nhân dịp đi chúc Tết tặng quà xuân Mậu Tuất, gặp một số cựu văn nghệ sĩ từ thời Hà Bắc đang sinh sống ở Bắc Ninh cũng chỉ nhớ là Báo Văn Nghệ Hà Bắc ra đời khá sớm nhưng không nhớ chính xác thời gian. Thật may, tôi được nhà Điêu khắc Vũ Văn Bẩy tặng cuốn sách “Những vấn đề Văn hóa văn nghệ Hà Bắc” do tác giả Lê Hồng Dương xuất bản năm 1980, lúc này ông là Trưởng Ty Văn hóa Hà Bắc, người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào Văn hóa, văn nghệ của tỉnh. Tập sách “Những vấn đề Văn hóa văn nghệ tỉnh Hà Bắc” gồm nhiều bài viết tâm huyết của tác giả Lê Hồng Dương đã được in trong các sách, báo ở địa phương và trung ương. Tác giả đã dành nhiều công sức chọn lọc, biên soạn lại thành một tác phẩm tương đối hoàn chỉnh nhằm giới thiệu tinh hoa nghệ thuật của địa phương; giới thiệu thành tựu văn nghệ ở tỉnh Hà Bắc” như lời “Tựa” giới thiệu về tập sách của đồng chí Nguyễn Đức Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên huấn Hà Bắc thời điểm đó. Tập sách đề cập đến những vấn đề lớn của sáng tác văn hóa, văn nghệ Hà Bắc từ năm 1965 đến 1980: Tìm hiểu đất và người Hà Bắc; vấn đề nghiên cứu văn học nghệ thuật dân gian Hà Bắc; vấn đề xây dựng đội ngũ sáng tác Hà Bắc; vấn đề - giữ gìn phát huy truyền thống dân ca quan họ, tranh dân gian Đông Hồ… Đúng là cuốn sách quý cho những nghiên cứu về phong trào văn hóa, văn nghệ tỉnh Hà Bắc trước đây và cá nhân Trưởng Ty Văn hóa Lê Hồng Dương.

 Ở phần “Ghi nhận mở đầu một cao trào” tác giả Lê Hồng Dương đã viết rõ việc ra đời của các xuất bản phẩm văn nghệ Hà Bắc. Từ “Văn nghệ Hà Bắc số xuân 1966”, “Hội mừng công”, “Hà Bắc chiến thắng”, đến “Văn nghệ Hà Bắc số đặc biệt về sông Thương”… được xuất bản và phát hành rộng rãi trong tỉnh. Đó cũng là thời gian thành lập nhiều đội văn nghệ ở các xã, hợp tác xã. Phần nào những sáng tác được in, được đưa lên sân khấu đã nói lên sự tăng vọt về sáng tác, sự biến đổi về chất lượng so với giai đoạn tĩnh lặng trước đây” (Trích trang 69 – Tác phẩm “Những vấn đề Văn hóa văn nghệ tỉnh Hà Bắc” tác giả Lê Hồng Dương). Như vậy đã sáng tỏ về thông tin của Nhà văn Phan Hách, đúng là tháng 01 năm 1966, mừng xuân Bính Ngọ, làng văn nghệ Hà Bắc nói riêng và cả nước đã đón nhận số đầu tiên của “Văn nghệ số xuân 1966” trình làng, góp một tiếng nói của những người làm văn nghệ chuyên và không chuyên miền Kinh Bắc hòa chung với phong trào văn hóa văn nghệ của cả nước trong khí thế của miền Bắc hậu phương “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cùng miền Nam tiền tuyến làm nên những bài ca “tiếng hát át tiếng bom” để gần chục năm sau, cả dân tộc lại vẽ nên trang sử hào hùng Đại thắng mùa xuân 1975. Thời điểm này tỉnh Hà Bắc có những sáng tác của cá nhân về văn, thơ như: Đỗ Cương, Nguyễn Triền, Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Đình Bưu, Anh Vũ, Nguyễn Quốc Dương, Đoàn Vinh, Nguyễn Thanh Kim, Trần Anh Trang, Ngô Thực, Trần Ninh Hồ, Đỗ Vinh… Làm văn học: Võ Viết Doãn, Thế Hùng, Nguyễn Thị Phụng… Làm hội họa: Bá Lưu, Nguyễn Vinh, Đào Thiện, Nguyễn Hữu, Nguyễn Hùng Việt…Làm sân khấu: Hoàng Thọ, Trịnh Thân, Trần Ninh, Nguyễn Tất Quỳnh… Làm âm nhạc: Xuân Dĩ, Đỗ Quỳnh…

 Về đánh giá phong trào nghệ thuật quần chúng, tác giả Lê Hồng Dương viết: “Qua thực tiễn văn nghệ Hà Bắc, có thể rút ra kết luận có tính nguyên tắc là: ở đâu có nhân dân thì ở đó có thể có văn nghệ, nếu được lãnh đạo, hướng dẫn ở đó có thể có người làm văn nghệ tốt”. Theo đánh giá của tác giả Lê Hồng Dương về phong trào văn nghệ thời gian đó có tổ thơ ca phụ lão Hàm Sơn – huyện Yên Phong; sáng tác văn học Tân Hồng – huyện Tiên Sơn; Mão Điền, Thanh Khương, huyện Thuận Thành; Đại Hóa, huyện Tân Yên, Ty Lâm nghiệp; Ty Giao thông; Ty Giáo dục và các huyện Tân Yên, Yên Dũng,  Thuận Thành, Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong, Gia Lương… Từ những phong trào văn nghệ đó, trong 15 năm, từ năm 1965 đến 1980, Ty Văn hóa đã xuất bản gần 150 đầu sách như “Tuyển tập thơ Hà Bắc 1965 – 1973”, “Người ơi, người ở”; âm nhạc có các ca khúc “Những cô gái quan họ”; “Hồ trên núi”; “Tấm áo mẹ vá năm xưa”, “Làng quan họ quê tôi”… của các nhạc sĩ Lê Yến, Trịnh Lại, Trần Quang Huy, Hoàng Lân, Văn Ký, Phó Đức Phương, Nguyễn Trọng Tạo… Tổ chức các Triển lãm Mỹ Thuật Hà Bắc xuân 1976; Triển lãm tranh về đề tài kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga; nông nghiệp; thiếu nhi…

 Như vậy, các hoạt động Văn học nghệ thuật đã bước đầu phát triển, có sự quản lý, chỉ đạo của tỉnh thông qua Ty văn hóa Hà Bắc để đến năm 1980, đánh dấu mốc quan trọng cho giới văn nghệ sĩ miền Kinh Bắc (Bắc Ninh – Bắc Giang) có ngôi nhà chung Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Bắc được thành lập để thỏa lòng đam mê sáng tạo của các văn nghệ sĩ, cho ra đời những sản phẩm tinh thần phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho quần chúng nhân dân thưởng thức (Hội VHNT tỉnh Hà Bắc được thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh Hà Bắc ký ngày 30/1/1980).

 Tự hào truyền thống 38 mùa xuân Văn học nghệ thuật miền Kinh Bắc (30/1/1980 – 30/1/2018), giới Văn nghệ sĩ Bắc Ninh – Bắc Giang còn có niềm tự hào của mùa xuân thứ 52 báo Văn nghệ Hà Bắc ra số đầu tiên, để nối tiếp truyền thống hơn 20 năm Tạp Chí Người Kinh Bắc (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh), Tạp Chí Sông Thương (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang) ngày càng phát triển, song hành cùng với sự phát triển trên mọi lĩnh vực của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang kể từ 1997 được tái lập đến hôm nay. Trong niềm tự hào đó, những người làm văn hóa, văn nghệ miền Kinh Bắc lại càng biết ơn những công lao xây dựng nền móng của giới văn nghệ sĩ thời kỳ gặp bao khó khăn thử thách, giữa thế kỷ XX, đặc biệt là vai trò của Cố Trưởng Ty Văn hóa Hà Bắc Lê Hồng Dương, người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà Văn học nghệ thuật miền Kinh Bắc và cũng là người có rất nhiều công lao đóng góp khôi phục và phát triển Dân ca quan họ, hát ca trù, dòng tranh dân gian Đông Hồ… để hôm nay trở thành những Di sản phi vật thể (Dân ca quan họ) đại diện của nhân loại và cấp quốc gia đặc biệt (tranh dân gian Đông Hồ). Cảm ơn những thông tin quý của Nhà văn Phan Hách đã cung cấp cho tác giả để có tư liệu viết tác phẩm này. Như vậy, xuân Mậu Tuất 2018 là xuân thứ 52 báo “Văn nghệ Hà Bắc” ra số đầu tiên vào tháng 01 năm 1966. Tạp Chí Người Kinh Bắc (Bắc Ninh), Sông Thương (Bắc Giang) lại càng tự hào với bề dày truyền thống của những người làm báo Văn nghệ của hai tỉnh. Lịch sử ra đời “Báo Văn nghệ Hà Bắc” đã được tác giả Lê Hồng Dương viết trong tác phẩm “Những vấn đề Văn hóa văn nghệ tỉnh Hà Bắc” xin được ghi lại để làm ngày truyền thống cho hoạt động báo Văn nghệ của Hội Văn học nghệ thuật Bắc Ninh – Bắc Giang, chỉ tiếc là đến nay không còn lưu trữ được số báo ra số đầu tiên của mùa xuân Bính Ngọ năm ấy. Bài viết này cũng mong muốn gửi đến các văn nghệ sĩ hai tỉnh Bắc Ninh – Bắc Giang nếu ai còn những tư liệu quý về những hoạt động Văn học Nghệ thuật của Hà Bắc, nhất là tư liệu liên quan về những số báo Văn nghệ được phát hành trước khi thành lập Hội Văn học nghệ thuật Hà Bắc cung cấp cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang để làm tư liệu truyền thống.

Xuân Mậu Tuất đã về trên mọi miền đất nước và miền Kinh Bắc, giới văn nghệ sĩ miền Kinh Bắc lại nhớ về người xây nền móng Văn nghệ miền Kinh Bắc Cố Trưởng Ty Văn hóa Lê Hồng Dương và các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ… Xin viết đôi dòng “Tìm về cội nguồn văn nghệ miền Kinh Bắc” để cùng các văn nghệ sĩ miền Kinh Bắc thắp nén nhang thơm tưởng nhớ Cố Trưởng Ty Văn hóa Lê Hồng Dương và những đồng nghiệp đã đi xa./.