Liên kết website
 Thống kê
   Đang truy cập
31
Tổng lượt truy cập
3199

Trang chủ Đặc biệt

Chim Hùng
08:55 | 20/03/2018

 

NGÔ VĂN CÓONG

        Làm giàu ngay trên xóm quê nghèo khó  như thế nào, phải mất bao lâu, đi bao độ đường, doanh nhân Ngô Quang Hùng - làng Vân Xá, Cách Bi, Quế Võ, Bắc Ninh - mới tạo được thương hiệu cho trang trại chăn nuôi Chim Hùng của mình?

Tôi biết Hùng từ lúc nhỏ. Nhà đông anh em, 5 người anh trai, 4 chị gái, bố mẹ đều làm ruộng, anh chị em Hùng lớn lên mỗi người một nghiệp, song cơ bản vẫn theo nghề nông, sinh sống tại làng. Hùng là con út trong gia đình. Bố mất sớm, mẹ thì ốm yếu luôn, nên ngay từ nhỏ Hùng đã phải tự lập. Hùng rất mê chơi chim cảnh: Sáo, bồ câu, gáy hay chim sẻ, vàng anh…, được Hùng bắt về nhốt vào mấy cái lồng tạm bợ, nhiều hôm mải mê theo mấy bạn đi bắt chim rồi mò cá, bắt châu chấu cho chim ăn, bêu nắng quên cả tới bữa, về nhà bị mẹ đánh cho một trận còn mắng: "mày đi mà ăn phân chim cho no khỏi phải tốn cơm". Thời ấy quê tôi nghèo lắm, cơm có đủ ăn đâu, bữa đói, bữa no rồi ăn độn bao nhiêu thứ. Thế nhưng hôm sau vẫn chứng nào tật ấy, Hùng vẫn đem về những con chim chào mào, vành khuyên, chim gáy và mải mê chơi với chúng. Hùng bảo với mấy đứa bạn, lớn lên tao sẽ nuôi chim, bị chúng chế giễu “có mà… chim bồ cu…”.

Thấm thoắt đã hơn hai chục năm. Hôm ở Hội nghị tổng kết mô hình hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi do Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, trông Hùng chững chạc hẳn lên, ra dáng ông chủ. Hùng nói, mình lựa chọn hoàn toàn giống chim lai của Pháp, vừa nhanh lớn, nặng cân lại có sức miễn dịch cao, giá trị dinh dưỡng tốt.

Nuôi nhiều như vậy Hùng có phải thuê nhân công không?

Có chứ, trang trại của mình có vài ngàn đôi, thời kỳ cao điểm có hơn chục ngàn đôi; có lúc phải thuê đến hàng chục công nhân để chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Giống chim nó sạch sẽ lắm, không  như những con gia cầm khác, nó phải có chuồng ở trên cao, thoáng, mát mùa Hè, ấm áp mùa Đông, mỗi ngày dọn chuồng một lần, ngoài ra còn phải phun thuốc diệt khuẩn, trừ muỗi, rồi còn phải chống cả chuột nữa. Giống chuột ranh ma nếu để nó xâm nhập vào khu nuôi là nó làm hỏng chim luôn, nó khua chim mất ngủ, thậm chí ăn thịt cả chim con.

Thế thức ăn của chim thì lấy nguồn ở đâu? Hùng bảo, những khi chim ít thì mua nguyên liệu về tự chế (nhà có máy nghiền thức ăn tổng hợp), còn khi chim nhiều thì nhập thức ăn từ nguồn cung cấp của đại lý, thời kỳ phát triển nhất thì cứ 2 ngày một chuyến xe ô tô 5 tấn. Hôm qua, Hùng vừa xuất 2 xe chim giống đi Thái Nguyên, Hùng tâm sự, dạo này quy mô mở rộng nhiều việc, vợ phải nghỉ việc công ty để ở nhà phụ trợ. Vợ Hùng tốt nghiệp Đại học Thương Mại chuyên ngành kế toán, đi làm ở khu công nghiệp tiền lương chục triệu/tháng, thế mà vẫn phải xếp lại để ở nhà giúp Hùng. Nhiều lần khách mua chim nhờ ghép lồng, tư vấn chăn thả, có người lại đề nghị chuyển giao kỹ thuật nên cũng phải sắp xếp thời gian đi đến tận nơi giúp họ.

Sinh năm 1983, sau khi tốt nghiệp cử nhân cơ điện chàng thanh niên Ngô Quang Hùng tính tình cởi mở háo hức bắt tay vào chuyện làm giàu, nhưng rồi tuổi trẻ tay không ngần ấy thứ là chưa đủ, ai dám cho vay, ai dám đầu tư vài trăm triệu, ngành nghề thực tiễn lại chưa có. Hùng tính, phải đi xuất khẩu lao động vài năm để tích lũy vốn. Thế là Hùng đăng ký học lớp tiếng Hàn. Gần một năm dùi mài Hùng đã có được chứng chỉ tiếng Hàn, rồi làm thủ tục đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Qua 6 năm trở về nước Hùng được doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mời chào với mức lương 20 – 25 triệu/tháng, nhưng Hùng đi làm một thời gian rồi lại thôi, vì trong Hùng lúc nào cũng đau đáu chuyện làm kinh tế trang trại. Hùng bỏ đi vào miền Nam. Nghe nói trong Nam nhất là miền Tây có nhiều mô hình trang trại hay lắm như cá lồng, bè, cá tra, tôm sú, các trang trại trái cây rồi cả nuôi cá sấu…

Do thiên nhiên ưu đãi, ở đấy có khí hậu nhiệt đới nên các trang trại của họ phát triển tốt, có những trang trại trái cây, trại gà hàng trăm héc ta, có trang trại có số vốn lên đến hàng trăm tỷ, những mô hình này về quê Quế Võ - Bắc Ninh mình không hợp, không có vốn, không có mặt bằng.  Hùng lại ngược ra Bắc. Lần này Hùng tìm lên nơi cụ Đề Thám dấy binh chống Pháp ngày xưa. Nghe nói ở đây họ có giống gà đồi nuôi tốt, có giá trị kinh tế cao lắm, khi thăm quan thì lại lắc đầu do không có mặt bằng nuôi đàn gà hàng chục ngàn con đỏ cả một khu vườn đồi rộng mấy hecta, không gian ấy ở dưới xuôi mình đất hẹp, ruộng hiếm, lấy đâu ra. Có một số anh em khuyên Hùng nuôi chim cút, chim trĩ, nuôi thỏ nhưng những loại hình này thị trường tiêu thụ hạn chế lắm. Cân nhắc mãi Hùng quyết định nuôi gà tre, vừa làm gà cảnh vừa làm thương phẩm. Gà tre dễ nuôi vì nó khỏe có sức chịu bệnh tốt, không kén lắm về chuồng trại và mặt bằng. Hùng quyết định nhập về 20 con mái và 5 con trống, phân chia thành 2 khu, quả thật sau 1 tháng gà phát triển mạnh, có con đẻ trứng.

Một hôm ông Bội, người tư vấn cho Hùng nuôi gà đến chơi nói vui “có khi Hùng nuôi thêm mấy đôi chim bồ câu lại hay đấy, trên chim ăn, rơi xuống gà ăn”. Hùng bảo, nuôi chim là ấp ủ của cháu từ lâu, cháu thích nuôi chim nhưng sợ chim khó nuôi nên cháu đang còn phân vân. Ông Bội nói “Không sao, cứ nuôi rồi rút kinh nghiệm dần!”. Hùng thấy có lý và nhập về 10 đôi chim lai của ông Bội. Vợ Hùng nói: “Anh làm sao nuôi được mà bắt về cho phí tiền”. Hùng bảo “Phải mạnh dạn nuôi thì mới rút được kinh nghiệm chứ, vả lại đây cũng là đam mê của anh từ hồi nhỏ cơ mà”. Hùng hì hục làm chuồng, bắt chim về nuôi, hồi đầu chưa quen chim ăn kém, do thức ăn chưa phù hợp, nó chọn mổ thức ăn rơi vãi tung tóe, sau Hùng cho chim thức ăn truyền thống như: ngô, gạo xay, đỗ, vừng… Nhưng như thế thì tốn kém, giá thành cao, Hùng thử pha trộn với chất sơ, nghiền trộn thành thức ăn tổng hợp, chim ăn mạnh, phát triển tốt. Thế là từ 10 đôi phát triển lên 20 đôi rồi 200 đôi, đàn chim đã phát triển nhanh, lúc này thương lái đến mua chim thương phẩm cho các nhà hàng, khách sạn nhiều. Hùng nghĩ nếu muốn phát triển hơn nữa thì phải bán chim giống, có thị trường và điều quan trọng là phải có thương hiệu, thế là Hùng lên mạng để tìm hiểu thêm kỹ thuật chăn nuôi chim rồi thị trường tiêu thụ, Hùng lập riêng cho mình một trang Facebook để quảng bá sản phẩm làm ra và tìm hướng liên doanh. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có rất nhiều người tìm đến xin được đặt mua và chuyển giao kỹ thuật. Vậy là Hùng lại phải tính mở rộng sản xuất, từ 200 cặp rồi 1000 cặp, rồi 5000 cặp, có thời kỳ đến chục ngàn cặp mà vẫn không đủ nhu cầu của khách hàng, Hùng phải liên kết với một số trang trại và người nuôi chim trong vùng.

Ngày nào cũng có xe đến nhà Hùng để chở chim đi, khi thì Quảng Ninh, khi thì Thái Nguyên, Hà Nội, có khi cả Cao Bằng, Thanh Hóa cũng yêu cầu cung cấp. Mấy ngày vừa rồi có nhóm cán bộ Đoàn Thanh niên trên tỉnh xuống đặt một ngàn đôi. Hùng nói với vợ “em ở nhà làm cho anh, anh trả em lương cao gấp đôi ở công ty”.

 Tâm vợ Hùng nói: “Em học cả 5 năm mới được cái bằng cử nhân, nay em đang làm quen công việc lương lại ổn định, anh bảo em nghỉ sao được”.

Hùng bảo, học là để phát triển tri thức và mục đích cuối cùng là kiếm tiền để bảo đảm cuộc sống, như vậy hướng đi của anh cũng là làm giàu chính đáng rồi còn gì.

Sau lúc thăm quan trang trại của Hùng tôi hỏi: “Sắp tới hướng làm ăn ra sao”, Hùng tâm sự: “Sắp tới sẽ thuê thêm 1000m2 ngoài khu tập trung chăn nuôi của làng, sẽ mở rộng đàn chim lên gấp 2,3 lần. Hiện nay mình đang đầu tư dây chuyền cho ăn uống tự động, dọn phân tự động để giảm nhân công, giảm giá thành và điều quan trọng là sản xuất kinh doanh bền vững.

Với quy mô hiện tại, Hùng đã phải đầu tư bổ sung hàng tháng 50-60 triệu đồng, bù lại hàng tháng chi phí các khoản vẫn còn lãi 70-80 triệu đồng”. Hùng dự định tới đây sẽ mở các chi nhánh ở Thái Nguyên, Hà Nam và có thể cả ở Thanh Hóa nữa, sẽ phải thuê thêm người, thuê cả chuyên gia nữa và  sẽ thành lập công ty, đây là công ty mẹ, còn các nơi khác là công ty con – vệ tinh.

- Vậy thì cái cần nhất lúc này của trại chim Hùng là gì?- tôi hỏi.

Hùng lại cười: – Điều muôn thuở của sản xuất kinh doanh là vốn và quy trình công nghệ. Việc mở rộng quy mô cần tối thiểu khoảng vài tỷ. Hiện nay làm hồ sơ rồi nhưng ngân hàng còn đang thẩm định. Còn quy trình công nghệ ư! Cứ như sản xuất công nghệ cao không bằng. Hùng nói, tưởng đơn giản tuy nhiên nó cũng cần công nghệ cao đấy, nào là chất lượng thức ăn cân đối cho chim đẻ, chim thành phẩm hàng ngày, nào là chế độ ăn uống sao cho vừa đủ không lãng phí, rồi phòng trừ dịch bệnh, con chim nó rất sạch, không theo dõi kiểm tra thường xuyên mà để nó bị bệnh là khó chữa lắm (bệnh của chim chủ yếu là phân thải màu xanh).

- Làm thế nào mà đàn chim của Hùng phát triển nhanh vậy, không bị dịch bệnh?

 Hùng nháy nháy mắt: Đây là bí quyết. Đã có lúc đau đầu vì nó, song khi tìm ra thực hiện thì cũng không quá khó, thế mới phải thuê chuyên gia chứ!

Tạm biệt trang trại chưa lớn nhưng đã rất khoa học, đã mang dáng nét của cuộc cách mạng 4.0, tôi nói: Những người làm giàu từ con chim ở nước ta rất ít, chúc cho "Chim Hùng" sẽ bay cao, bay xa hơn nữa.

Hùng nói, "Chim Hùng" giờ đã mang thương hiệu, cứ mở mạng tìm kiếm “Nuôi chim bồ câu Ngô Quang Hùng” kết quả sẽ có ngay; nói rồi cười vui vẻ, nụ cười có từ sự đam mê và quyết chí làm giàu trên chính quê hương./.