Trang chủ

Bắc Ninh nôi sinh nghệ thuật sân khấu chèo? - THƯỢNG LUYẾN
14:22 | 03/02/2015
BẮC NINH NÔI SINH NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU CHÈO?

 Thượng Luyến

      Văn hóa Quan họ Bắc Ninh vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, Bắc Ninh còn có nghệ thuật Sân khấu Tuồng, Chèo, Cải lương, Rối nước. Trong khuôn khổ bài báo nhỏ, người viết bài này ngẫm suy “Bắc Ninh nôi sinh của nghệ thuật sân khấu Chèo?” •Về kịch bản Theo dòng chảy của lịch sử, những vở Chèo cổ tồn tại tới hôm nay là di sản văn hóa, là bản sắc văn hóa dân tộc cần được giữ gìn, phát triển. Trong kho tàng Chèo cổ cho thấy vở Chèo “Trương Viên”, nhân vật Thị Phương đi hát rong kiếm sống, tìm chồng với làn điệu “Trần tình”, hát rằng: “Quê chồng tôi ở đất Võ Lăng. Vua sai dẹp giặc mười tám năm khởi chừng. Cho nên chếch bóng giăng hằng”. Ca từ có địa danh “Võ Lăng”, hẳn là đất Võ Giàng xưa thuộc huyện Quế Võ nay. Hoặc vở Chèo “Quan Âm Thị Kính”, nhân vật Thiện Sĩ, có câu “ nói sử”: “Bạch nhật mạc nhàn quá. Thanh xuân bất tái lai. Quê tôi nay vốn ở Lũng Tài. Tên vốn đặt là Sùng Thiện Sĩ”. Câu xưng danh cho biết  Thiện Sĩ quê  ở Lũng Tài, hẳn là cách gọi chệch âm của huyện Lương Tài. Còn vở Chèo “Kim Nham”, nhân vật Trần Phương xưng danh rõ miền quê thuộc tỉnh Băc Ninh: “Tôi Trần Phương quê ở Đông Ngàn. Nhà cự phú lừng danh tỉnh Bắc”.Và vở Chèo  “Lưu Bình Dương Lễ”, do Liên Trì tiên sinh soạn, về sau được cố tác giả Hàn Thế Du quê Tam Sơn, thị xã Từ Sơn chỉnh lý. Như vậy các vở Chèo cổ đều có địa danh Bắc Ninh, hẳn do các trí thức bình dân của tỉnh Bắc Ninh soạn trò; Bởi lẽ, Bắc Ninh  vốn là miền quê có truyền thống hiếu học, truyền thống ấy được lưu truyền trong dân gian “Một đống sinh đồ, một bồ tiến sĩ, một bị trạng nguyên, một thuyền bảng nhãn”. •Về Nghệ thuật biểu diễn Trong nghệ thuật Sân khấu Chèo có một yêu cầu cơ bản là “Nhất thanh nhì sắc”, theo Nhạc sĩ, Nhà giáo ưu tú Hoàng Kiều, Thanh là hát, Sắc là nghệ thuật múa (chứ không phải là sắc đẹp như  nhiều người vẫn hiểu). Yêu cầu trên đã cho thấy các làn  và điệu hát Chèo quan trọng như thế nào. Nói đúng hơn không có hát thì cũng không có múa, cũng có nghĩa là không có diễn Chèo mà sẽ là kịch nói (cá biệt cũng có trường hợp múa không có hát). Bởi vậy, hát và múa là hai phương tiện quan trọng của diễn Chèo. Nghệ thuật biểu diễn Chèo rất gần với phương pháp thể hiện tranh dân gian Đông Hồ. Chẳng hạn, “hắc bạch phân minh” (đen trắng rõ ràng) thì trong Chèo cũng thể hiện rõ các nhân vật: lệch, chín, hề. Diễn Chèo sử dụng phương pháp ước lệ như ước lệ không gian, nghĩa là tại một sàn diễn sân khấu, nhân vật Thiện Sĩ theo nhịp trống dắt đi một vòng tròn lại trở về chỗ cũ, nói:  “Đây đã đến ngõ mận vườn đào, trình Mãng ông có nhà hay vắng, Thiện Sĩ con có lễ sang hầu”, người xem vẫn hiểu đã sang không gian khác, đó là nhà Mãng ông; Tranh dân gian Đông Hồ cũng sử dụng phương pháp ước lệ để đồng hiện không gian trên một trang giấy (Đám cưới chuột, Vinh quy…). Ước lệ về động tác, người diễn vô  thực vật (không đạo cụ), người xem vẫn nhận biết đó là chèo thuyền hay phi ngựa  hoặc viết thư… Tranh “Hứng dừa”, người con trai từ ngang thân cây dừa thả quả dừa xuống, người con gái ở  bên gốc cây xòe váy ra hứng quả dừa, nếu tả thực thì vuông váy sao hứng nổi quả dừa từ trên cao rơi xuống, xét về động tác ước lệ thì người xem vẫn cảm nhận được sự  dí dỏm, tinh tế ở đôi trai gái. Động tác của hề Chèo cũng cách điệu, ngoa dụ như lối diễn tả trong tranh Đông Hồ( Đánh ghen…) •Về Lời ca Hiện nay có khoảng trên dưới 200 làn điệu Chèo, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng chỉ  sử dụng dưới 100 làn điệu, còn trên 100 làn điệu chưa được khai thác sử dụng, như vậy dần sẽ bị mai một. Chưa có tài liệu nào cho hay Chèo có trước hay dân ca Quan họ có trước. Song trong hệ thống làn điệu Chèo, rất nhiều làn điệu có lời ca gần với dân ca Quan họ Bắc Ninh như làn điệu Chèo “Dương xuân”: “Hoa thơm bướm liệng chập chờn bướm bay.(Ta có) yêu cây vun xới cho cây. Lá xanh lá tốt càng ngày càng xanh. Ta yêu hoa phải biết màu hoa. Sói, lan thơm ngát, hoa trà thơm lâu”. Quan họ Bắc Ninh bài “Trăm thứ hoa nở cả trên cành” có lời: “Ta yêu hoa phải biết màu hoa. Sói, lan thơm ngát, hoa trà, hoa mai…”. Hay làn điệu Chèo “Đào lý một cành”: “…Nàng rằng nàng ơi hỡi nàng. Anh thương cô nàng như lá đài bi. Ngày thì dãi nắng đêm thì dầm sương. Mối tơ vương ruột tằm vấn vít”, thì Quan họ Bắc Ninh  bài “Liện sai” có lời: “…Em thương người như lá đài bi. Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương…” Chèo còn tiếp thu từ ca dao như điệu “Gà rừng” có câu: “Chờ cho cây lúa chín vàng. Để anh đi gặt cho nàng mang cơm”. Trong ca dao: “Trời mưa cho lúa chín vàng. Để anh đi gặt cho nàng mang cơm”. Hoặc ca dao: “ Cây khô chưa dễ mọc chồi. Bác mẹ già chưa dễ ở đời với ta. Non xanh bao tuổi mà già. Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu”. Làn điệu Chèo “Sắp cổ phong”, chỉnh lời rằng: “Khách tình sao chả xuống chơi với tình. Thuyền ai đậu bến giang đình. Ta không ta chỉ lấy mình mà thôi. Cây khô há dễ mọc chồi”. Chèo cũng tiếp thu trong truyện Kiều như: “Một vùng cỏ áy bóng tà. Gió hiu hiu thổi một và bông lau. Rút trâm sẵn giắt mái đầu”. Thì điệu “Du xuân” trong Chèo chỉnh  là: “Vài vầng cỏ áy bóng tà. Gió hiu hiu thổi vật vờ bông lau. Cành cuống trâm sẵn giắt mái đầu”…Như vậy, sự giao thoa giữa các nghệ thuật sẽ làm cho nghệ thuật Chèo hay thêm, đẹp thêm như những giá trị vốn có của Chèo. •Thay lời kết Quá trình phân tích trên cho thấy tác giả kịch bản, không gian xảy ra kịch thuộc đất Bắc Ninh, nghệ thuật biểu diễn gần với nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ Băc Ninh, cho phép chúng ta khẳng định Bắc Ninh là một trong cái nôi của nghệ thuật Chèo. Bởi lẽ, hiếm thấy miền quê nào đó lại phải nhờ tác giả và không gian Bắc Ninh để phản ánh cuộc sống quê mình. Song cũng có ý kiến cho rằng gốc Chèo ở Thái Bình. Vấn đề này, Nhạc sĩ, nhà giáo ưu tú Hoàng Kiều quan niệm Chủ nghĩa Mác  gốc ở Đức, về sau phát triển ở Liên Xô, thì Chèo gốc ở Bắc Ninh về sau do điều kiện xã hội Chèo phát triển mạnh ở Thái Bình chẳng lấy gì làm lạ./.