Trang chủ TRANG VIẾT TUỔI HỒNG

BẮC NINH - NGÀY TRỞ LẠI
15:42 | 14/01/2022

 Giải Khuyến khích - Cuộc thi "Cây bút Tuổi hồng" năm 2021

Khi từng cơn mưa xuân đang rả rích trước hiên nhà, khi từng cánh đào phơn phớt hồng như đôi môi người thiếu nữ đang e ấp bung nở, và khi trái tim ta đang rạo rực một nỗi niềm, một nỗi hân hoan… ta chợt nhận ra xuân đã về trên nẻo đường quê.

Xuân năm nay đặc biệt lắm, không phải đặc biệt bởi những lễ hội, những đêm pháo hoa tưng bừng, và cũng chẳng phải những đông đúc, náo nhiệt trên mỗi con phố... Mà xuân đặc biệt bởi nó vẫn e ấp trong cánh đào phớt hồng, trong những làn pháo hoa chưa được bắn sáng, nhưng nó lại bung sắc nơi đáy lòng mỗi người, trong căn nhà ấm áp tình yêu thương. Có thể nói, xuân năm nay là xuân cách ly, một mùa xuân nhẹ nhàng, một mùa Tết ấm êm…

Tôi ngồi lặng ngắm cành đào đang khẽ đung đưa trong gió xuân êm dịu mà thả tâm hồn trôi về bao kỷ niệm và những mùa xuân sắc năm kia. Bấy giờ, quê tôi vốn là một vùng quê nghèo, nhà nhà vẫn dùng bếp củi để nướng khoai, nướng sắn hay là để luộc những chiếc bánh chưng thật vuông vắn. Ký ức tôi in đậm trong những đêm 29, 30 được ngồi bên bà, bên mẹ dưới ánh đuốc hồng bập bùng cháy để trông bánh chưng chín. Tôi bồi hồi, háo hức, không ngừng ngó nghiêng để cảm nhận trọn hơi ấm nóng mà bếp lửa mang lại:

- Oa! Những thanh củi cứ đỏ hồng lên bà nhỉ! Nom thật thích mắt!

- Cẩn thận không lửa lại bùng lên bỏng mặt đấy! Trên thành phố bây giờ làm gì còn bếp lửa như nhà bà, toàn bếp điện, bếp ga hiện đại rồi ai còn nhớ tới bếp than, củi hồng này - Bà tôi ân cần đáp lại.

Đến tận giờ đây, tôi mới thấm thía câu nói của bà - câu nói mà tưởng chừng như là chỉ nói đùa trẻ con như tôi. Nơi thành thị phồn vinh, tôi không tìm được chốn để nương mình, nương tâm hồn và tấm lòng của một cô bé đáng lẽ là “chân quê”. Tôi tha thiết vị ngọt ngào của cháo đường, cơm đường, tôi nhớ mãi vị chua, vị chát của những quả khế mà lũ trẻ chúng tôi thời ấy gọi là “thượng hạng” mà mỗi trưa thường đi hái trộm, từng đứa, từng đứa phải lén lút tránh cho chủ nhà phát hiện. Hôm nào mà bị bắt, mỗi đứa mỗi đường chạy toán loạn, không ai còn đợi ai. “Thì đứa nào cũng sợ bị mắng mà! Chúng tôi lúc ấy đều như nhau cả thôi!”. Có người từng nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, quả thật là vậy, dù bây giờ khi được ăn lại bát cơm đường ấy, tôi vẫn chẳng thể cảm nhận vị của xưa kia, vị của quê hương, của tình yêu ông bà, của tình bè bạn mà mãi mãi chẳng thể níu giữ được. Hay chăng thời gian quá đỗi tàn khốc khi lặng lẽ trôi qua cuộc đời mỗi người như những hạt cát luồn qua kẽ tay…

Khi con người ngày một lớn lên, hiểu chuyện hơn, có lẽ những kỉ niệm, hồi ức thời ấu thơ luôn là điều làm ta trăn trở, suy ngẫm nhất. Sống trong sung sướng, no ấm, đủ đầy mà luôn khao khát, trông ngóng về cuộc sống thiếu thốn xưa kia. Phải chăng những “ngày xưa ấy” mộc mạc, đơn sơ, giản dị, người ta sống với nhau cũng chan hòa hơn, thân thiện hơn, ít tính toán và rất “chân quê”. 

Giờ đây, khi ngồi ngắm cành đào ấy, tôi lại nhớ về cây đào ở quê nhà. Cây đào mà tôi vẫn luôn ngắm nhìn, vẫn thường một tay trang trí, cây đào mà tôi yêu thương, gắn bó với tuổi thơ tôi qua bao mùa mưa nắng. Người ta vẫn thường trăn trở, lặng buồn vào mỗi độ thu sang, nhưng tôi lại khác, tôi nặng lòng vào khoảnh khắc khi xuân đã chớm nở, khi vùng quê tôi sống đang có bước chuyển mình rõ rệt, tôi nhớ, nhớ quê da diết…

Năm nay, tôi chẳng được về quê, chẳng được gặp ông bà, chẳng được nghe giọng nói ấm áp, trầm lặng ấy và cũng chẳng gặp lại được củi hồng, bếp lửa, chẳng được trang trí cây đào, trông bánh chưng… Biết bao nhiêu hồi ức cứ lặp đi lặp lại ấy khiến tôi bồi hồi biết bao! Dịch bệnh làm chậm trễ nhiều hoạt động, làm gián đoạn bao cuộc sum họp thắm đượm nghĩa tình, nhưng có lẽ nó cũng là khoảng lặng trong ta, khiến ta phải suy ngẫm, phải lặng nghĩ, phải nhớ và phải thương... Dẫu vậy nhưng tôi vẫn muốn dịch bệnh qua nhanh để tôi lại được một lần nữa về ôm ấp những hồi ức ấu thơ ấy, những hồi ức mà suốt đời tôi chẳng thể quên… 

Mỗi ngày lại có thêm những ca mắc, nhìn từng dòng “thông báo khẩn” của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, của Sở Y tế Bắc Ninh, lòng tôi đau nhói. Tôi chẳng biết đến bao giờ cánh cửa ngăn cách giữa tôi với kỉ niệm, với quê hương, với ông bà được mở ra. Và tôi đợi, tôi hi vọng: Bắc Ninh - ngày trở lại./.

                                                                                                                                                                  TẠ NHẬT LINH

                                                                                                                                                Lớp 9A2 - THCS Nguyễn Đăng Đạo