Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

VŨ KHÍ ĐẶC BIỆT
09:43 | 21/12/2021

Vũ khí đặc biệt tôi kể trong bài viết này là: cái kéo. Trong cuộc sống đời thường cái kéo là một vật dụng thông thường, nhà nào cũng có một vài cái kéo để dùng trong sinh hoạt thường ngày. Các hiệu may mặc đều có kéo để cắt may, kéo còn để cắt tỉa cành cây... Vậy mà trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cái kéo được coi là một vũ khí khá hy hữu và bất ngờ, làm một nhiệm vụ rất quan trọng, đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chống thực dân Pháp của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả dân tộc nói chung đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là cái kéo của đơn vị bộ đội Thành Bắc được trưng bày ở Nhà Bảo tàng Cách mạng hiện nay.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngoài lực lượng vũ trang bộ đội chủ lực của tỉnh như Tiểu đoàn Thiên Đức, Trung đoàn Bắc Bắc… thì ở các huyện, thị xã đều có các đội du kích và bộ đội địa phương. Bộ đội Thành Bắc được thành lập từ tháng 11 năm 1949, thời gian đầu gọi là Trung đội bộ đội địa phương (Lực lượng vũ trang của thị xã Bắc Ninh). Kể từ khi được thành lập bộ đội Thành Bắc đã có nhiều trận đánh trừ gian, phá tề, ngăn chặn các cuộc càn quét, cướp bóc của địch trên địa bàn thị xã, trong đó bộ đội Thành Bắc được tỉnh giao một nhiệm vụ quan trọng: Cắt dây điện thoại của địch.

Cuối tháng 8 năm 1949, thực dân Pháp tái chiếm toàn bộ tỉnh Bắc Ninh, chúng tiến hành lập bộ máy Ngụy quyền cấp tỉnh. Thị xã Bắc Ninh trở thành trung tâm hoạt động về chính trị, quân sự, kinh tế của địch, chúng dựa vào Bắc Ninh để làm bàn đạp tấn công lên Việt Bắc. Các cơ quan đầu não của địch đều tập trung ở thị xã Bắc Ninh: Tỉnh trưởng, Bảo chính đoàn, Ty công an và cảnh sát, Quân khu Bắc Ninh (đóng ở nhà thờ Rút Sơ Lê trên đồi Búp Lê), phân khu Bắc Ninh (đóng ở Thành cổ Bắc Ninh), một trung đoàn Lê dương bảo vệ, hai tiểu khu Pháo đài và Đáp Cầu với một đại đội pháo binh, mật vụ, quân báo, trinh sát… Hàng ngày vấn đề thông tin liên lạc giữa các vị trí với sở chỉ huy trung tâm là việc tất yếu. Chúng bố trí hệ thống liên lạc hữu tuyến với nhiều đường dây.

Trước tình hình đó Tỉnh ủy chỉ thị vào giao cho lực lượng vũ trang thị xã Bắc Ninh, nòng cốt là đơn vị bộ đội Thành Bắc bố trí lực lượng thường xuyên phá vỡ hệ thống liên lạc của địch, kết hợp với việc thu lại số dây điện thoại để phục vụ cho cuộc kháng chiến của ta. Để hoàn thành nhiệm vụ cắt được dây điện thoại thì phương tiện là cái kéo. Thời điểm đó kéo cũng hiếm, nên đơn vị cũng chỉ đặt mua từ các hiệu may được hơn chục cái. Các chiến sĩ được trang bị cái kéo đi làm nhiệm vụ cắt dây phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản như vũ khí súng đạn.

Ban đầu địch không đề phòng, nên việc cắt dây khá thuận lợi. Vừa bị mất liên lạc lại mất dây, nên sau đó địch tăng cường tuần tra canh gác để bảo vệ. Dựa vào quy luật tuần tra canh gác của địch, cùng với sự mưu trí, dũng cảm mà bộ đội Thành Bắc vẫn tiếp tục cắt dây, thực hiện tốt nhiệm vụ. Tiếp tục bị tổn thất, địch đưa dây lên cao để chống lại việc leo trèo và nếu có leo được lên thì địch cũng dễ phát hiện. Không nản chí, ban đêm các chiến sĩ Thành Bắc phát hiện khu vực nào địch sơ hở là tiến hành thực thi nhiệm vụ. Sau một thời gian, địch dùng phương pháp chôn dây xuống đất. Mất một thời gian dài điều tra, ta mới phát hiện ra việc này và công việc lại tiếp tục được triển khai. Ban ngày đi trinh sát, tính toán từ 4 đến 5 điểm để đột phá, đào xuống tới dây, dùng kéo cắt và thu dây, rồi vùi lại ngụy trang như cũ thật đúng là “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Chính phương pháp chôn dây xuống đất lại làm cho địch mất ăn, mất ngủ, bị mất liên lạc, địch đi kiểm tra, nhưng mất rất nhiều thời gian mới phát hiện ra địa điểm bị cắt dây. Đến tình huống này địch phải đầu tư cả hai phương án vừa mắc dây trên cao, vừa chôn ngầm dưới đất. Thế là ta vô tư thu chiến lợi phẩm, đến nỗi địch phải chấp nhận “mất dây, mất liên lạc” thì lại tiếp tục đầu tư.

Câu chuyện của cái kéo là như vậy, rất đơn giản, rất bình thường nhưng từ những việc bình thường ấy và từ những cái kéo có một thời đã làm cho kẻ địch thất điên, bát đảo, mất ăn, mất ngủ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hàng vạn mét dây điện thoại của địch được đơn vị bộ đội Thành Bắc cắt và đưa về chiến khu Việt Bắc để phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Cái kéo được coi là “vũ khí đặc biệt” của bộ đội Thành Bắc ngày ấy đã tô thắm thêm truyền thống mưu trí, dũng cảm của lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Ninh, làm dầy thêm những chiến công, đồng thời là kinh nghiệm quý giá đi vào lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam./.

                                                                                                                                                                                                              NGUYỄN CÔNG HẢO