Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

VỀ VỚI LÀNG QUAN HỌ HOÀI TRUNG
10:12 | 25/01/2021

Bất chợt hình dung trong tôi: Kinh Bắc một thuở xa xưa ông bà tổ tiên đạp ruộng phơi sương cấy cày đồng bãi... Bao vất vả lam lũ cuộc sống, nhưng con người đã biết vượt qua, biết  làm giàu, làm sang đời sống tinh thần của mình bằng câu hát Quan họ gọi bạn tình ơi đắm say thổn thức; cho hôm nay cháu con có cả một “Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại” được năm châu bốn bể vinh danh.

Người rằng người ơi

Người có yêu tôi

Đường về Quan họ bảo tôi về cùng...

Câu hát như nguồn cơn, cho tôi ý tưởng tìm về với những làng Quan họ gốc trong tỉnh để tìm hiểu, ghi chép lại những vẻ đẹp mang chiều sâu lịch sử, văn hóa; nét độc đáo trong lối chơi Quan họ ở mỗi làng quê ấy. Đó giống như một phương cách để lưu giữ những giá trị tinh túy trong đời sống văn hóa cộng đồng mỗi làng quê Quan họ trên vùng đất Bắc Ninh tôi đang sống trong ký ức của tương lai. Qua nhiều năm rong ruổi, tôi đã tới mấy mươi làng Quan họ trong tỉnh, gặp gỡ bao nghệ nhân, liền chị liền anh Quan họ; nghe bao câu chuyện làng, chuyện xóm; biết thêm nhiều câu hát, lối chơi Quan họ của mỗi làng. Mấy mươi năm làm nghề báo, gắn bó với đất Bắc Ninh - Kinh Bắc; nhưng khi làm loạt ký sự “Đường về Quan họ”, tôi chợt nhận ra mình vẫn chưa biết được là bao cái vốn liếng, kho tàng Văn hóa Quan họ sâu dày tầng lớp, được kết tinh từ tâm hồn, tình cảm, trí tuệ của bao thế hệ người chơi Quan họ khắp vùng Kinh Bắc tạo dựng nên qua suốt chiều dài lịch sử. 

Một tình cờ, cũng là may mắn, là hữu duyên, về làng Quan họ Hoài Trung (hay như dân gian quen gọi là Bịu Trung), thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du, chúng tôi đã được tham gia, ghi lại sinh hoạt đón bạn Quan họ và ca thờ ngay tại chốn đình chung linh thiêng của làng. Đây là hoạt động được CLB Quan họ Hoài Trung phục dựng trên nền tảng cổ truyền mà các thế hệ chơi Quan họ bao đời ở làng, cũng như khắp trong vùng Quan họ để lại. Chẳng phải ngày hội lệ với tưng bừng sắc màu, náo nhiệt âm thanh… nhưng chỉ sống áo Quan họ của liền anh liền chị tham gia hoạt động diễn xướng ca thờ bữa chúng tôi về cũng đủ làm màu cho không gian làng quê này thêm thắm. Điều này khiến chúng tôi vô cùng phấn khích. Bởi thật chẳng mấy khi được tham dự một nghi thức ca Quan họ với đầy đủ trình tự như thế. Ngoài các thành viên của CLB Quan họ Hoài Trung và các liền chị Quan họ kết bạn ở làng Diềm, buổi thực hành nghi lễ diễn xướng ca thờ còn có sự tham góp của các liền anh, liền chị đến từ các làng Quan họ Lũng Giang, Đào Xá, Đông Yên, Châm Khê và một số liền anh từ các CLB Quan họ tại thủ đô Hà Nội - vốn đều là các bạn chơi Quan họ có gắn bó thân thiết, giao tình với Quan họ Hoài Trung. Vậy nên, chúng tôi đã có được một cái nhìn, cũng như cảm nhận được khá chi tiết lề lối, hình thức diễn xướng đặc sắc của nghệ thuật ca Quan họ cổ truyền này.

Mọi nghi thức, giao tiếp giữa Quan họ chủ - khách vẫn giữ lệ cổ truyền. Mâm lễ dâng thánh được đưa vào đình. Và sau nhời thưa với ông Đám xin dâng lễ lên đức thành hoàng, Quan họ chủ và khách cùng thành tâm, thành kính làm lễ, cầu đức thành hoàng phù hộ cho mưa thuận gió hòa, dân làng an khang, thịnh vượng; mùa màng bội thu, cây đa thêm xanh, giếng nước thêm trong, mạch Quan họ mãi chảy, giọng ca Quan họ mãi vang rền nền nảy trong các liền chị liền anh khắp các làng Quan họ. Đồng thời xin được ca hầu thánh. Khi đôi bên khách, chủ đã an tọa, đương Quan họ chủ cất nhời thưa gửi khiêm cung như sự nể trọng chân tình bạn chơi Quan họ: “Dạ, đã lâu ngày đương Quan họ liền chị không sang chơi bên chúng em. Hôm nay tết đến, xuân về, làng chúng em mở hội cầu vui, các liền chị sang chơi, trước là Quan họ trọng việc thờ, sau nữa là cho anh em chúng em được học đòi đôi ba lối ạ! Chúng em mời đương Quan họ liền chị ăn khẩu giầu, xơi chén nước, rồi đương Quan họ liền chị người cất câu “ca sự” trước, để chị em chúng em cất bước theo sau đấy ạ!”. Rồi những câu Quan họ chúc thánh được cất lên. Người ra câu Chúc mừng thượng đẳng tối linh... người tiếp sau đối họa: Thoạt chân em bước vào đình... Tất cả các câu Quan họ hát thờ đều ca theo giọng lề lối La rằng. Phần tái hiện nghi lễ ca thờ đã thể hiện, cho thấy vẻ đẹp, sự tham gia của Quan họ vào phần lễ, phần đạo trong ngày lễ hội nơi mỗi làng quê, mà Hoài Trung là một trong số đó. Nghệ sĩ ưu tú Phạm Đăng Mùi, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh - người vẫn đồng hành chúng tôi trong các chương trình ký sự “Đường về Quan họ” bảo tôi: Việc ca thờ của Quan họ độc đáo vô cùng. Nó gần như là nét riêng có của Dân ca quan họ mà không thấy ở các loại hình dân ca khác. Ngoài ra, với nghi lễ ca thờ, các liền chị Quan họ vốn là phận nữ khi xưa chẳng được bước vào đình, thì lại được trang trọng rước vào để ca hầu thánh. Đó là yếu tố tôn vinh với Quan họ. 

Bao năm qua, câu Quan họ vẫn vang nơi làng quê Hoài Trung thuần hậu. Nó chỉ tạm ẩn ít nhiều những lúc chiến tranh, những khi giặc giã; hay giữa bao bộn bề cuộc sống. Bởi dù hoàn cảnh nào, người Quan họ Hoài Trung vẫn giữ câu ca và lối chơi Quan họ bên mình; vẫn truyền lưu từ thế hệ này qua thế hệ khác như một phần máu thịt tất yếu trong văn hóa làng. Ông Vũ Sỹ Trường, một trong những cao niên của thôn Hoài Trung có mặt tham dự nghi thức ca thờ cho biết: Người Hoài Trung, dù hoàn cảnh nào, vẫn luôn gìn giữ mạch nguồn câu ca Quan họ, như một phương cách níu giữ những giá trị văn hóa quê hương.

Hoài Trung (Bịu Trung) là một trong ba làng Bịu và là một trong sáu thôn làng của xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Làng nằm cách huyện lỵ Tiên Du (thị trấn Lim) khoảng 1,5km về phía Đông Nam; giữa các làng Quan họ gốc vùng Kinh Bắc là Hoài Thị (Bịu Sim); Bái Uyên (Bưởi) và làng khoa bảng Hoài Thượng (Bịu Thượng) nổi danh với 8 vị đỗ đại khoa dưới thời phong kiến, trong đó tiêu biểu là Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo. Hoài Trung là làng lớn thứ hai trong xã, bao gồm các xóm: Xóm Chùa, xóm Giữa, xóm Đoài và xóm Đương. Các xóm cùng nằm trên một địa hình tương đối phẳng có độ nghiêng dần về phía Đông Nam, trên dải đất cao giáp cánh đồng phì nhiêu trải dài, lan dần dọc theo đường quốc lộ 1A. Hiện làng có diện tích gần 130 ha, dân số hơn 2500 khẩu, hơn 740 hộ, sống chủ yếu bằng nghề nông. Nơi đây đất đai ở đây màu mỡ, người dân cần cù lao động, có nhiều kinh nghiệm sản xuất, nên từ xưa đã tạo dựng được đời sống kinh tế tương đối ổn định. 

Như mọi người dân đất Việt, người làng Bịu Trung luôn tự hào về vùng quê mình đang sống. Điều đó không chỉ xuất phát tinh thần yêu và gắn bó với quê hương thuần tuý, mà còn được hình thành từ chính lịch sử đấu tranh sinh tồn của người làng. Trong quá trình đó, người làng đã quen chống chọi với thiên tai, giặc dã, xây dựng nên bao giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, và bảo lưu đến hôm nay. Xưa, làng có cả hệ thống đình, chùa, nghè và 4 điếm ở 4 xóm. Trải nhiều thế kỷ, một số công trình đã bị tiêu thổ trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, nay chỉ còn đình và chùa. Ngôi đình Hoài Trung - nơi diễn ra nghi thức ca thờ mà chúng tôi được tham gia  chính là công trình ghi lại sự tích và để tưởng nhớ 3 vị thành hoàng Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, là 3 vị tướng tài đã có công lớn góp phần giải phóng dân tộc thời kỳ Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh giặc Tô Định vào năm 40 - 43 sau công nguyên. Đình được khởi dựng vào thời Lê (khoảng thế kỷ XVII), xây dựng với quy mô lớn dưới thời Nguyễn trên thế đất cao ở phía tây làng, phía trước có núi Vân Khám án ngữ, phía sau gần sông Tiêu Tương cổ, bên phải đình làng là chùa Hưng Phúc. Tuy nhiên, công trình hiện tại là kết quả của lần phục dựng trong thời gian gần đây. Hiện trong đình còn bảo lưu bản thần tích khắc trên gỗ, sao y bản chính vào ngày đẹp tháng 5 năm Thành Thái 12 (1900) cùng một số tài liệu, hiện vật có giá trị nghiên cứu và bảo tàng. 

Nằm kề bên phải của đình là chùa Hưng Phúc, công trình tâm linh thờ Phật mới được nhân dân địa phương hưng công xây dựng lại năm 2000 trên nền ngôi chùa xưa đã bị tiêu thổ kháng chiến năm 1948. Hiện trong chùa còn 20 pho tượng Phật mới tạc lại bằng gỗ sơn son thếp vàng và một quả chuông đồng đúc vào thời Nguyễn. Các công trình trên đây cũng chính là những thiết chế văn hóa quan trọng, nơi diễn ra các hoạt động lễ hội thường niên, với sự tham gia của sinh hoạt Quan họ của người làng. Theo tục lệ, hội xưa của làng Hoài Trung mở từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch, vào những năm “Phong đăng hòa cốc”, làng mở hội đến ngày 18 mới giã hội. Đây không chỉ là sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng thường niên; mà còn trở thành mỹ tục đẹp nơi làng quê cổ này. Trong các ngày hội, Quan họ Hoài Trung và các bọn Quan họ bạn đã đón nhau về đây cùng tham gia các hoạt động ca Quan họ tại đình, cửa chùa, hay trên thuyền tại ao làng trước cửa đình; tổ chức hát canh nơi nhà chứa... thêm không khí tinh thần hoan hỉ, vui tươi trong cộng đồng.Xưa, làng Hoài Trung có 4 bọn Quan họ (2 bọn nam và 2 bọn nữ) thường gọi là Quan họ đằng chùa, đằng Đương, kết bạn với Quan họ Diềm (Viêm Xá). Trong đó, hai bọn Quan họ nam kết bạn với hai bọn Quan họ nữ Viêm Xá (Diềm). Hai bọn Quan họ nữ kết bạn với hai bọn Quan họ nam Viêm Xá (Diềm). Đến đầu thế kỷ 20, Hoài Trung có tới bảy bọn Quan họ nam, nữ, kết bạn với các bọn Quan họ nam nữ ở Viêm Xá (Diềm), Vân Khám (Khám), Bái Uyên (Bưởi), Lũng Sơn (Lim). Hiện tại, CLB Quan họ Hoài Trung vẫn duy trì kết bạn với Quan họ làng Diềm. Ngoài ra, mở rộng thêm giao lưu với bạn ca Quan họ tại nhiều làng trong tỉnh như: Đào Xá, Châm Khê, Lũng Giang, Đông Yên... Thậm chí, có anh hai Nguyễn Văn Cứ ở Đào Xá còn là bạn hát cặp gắn bó với anh hai Dương Đức Thắng - Phó Chủ nhiệm CLB Quan họ Hoài Trung bao năm, tạo thành đôi anh hai được đánh giá có chất giọng đẹp, lối ca tinh thạo, đặc biệt thể hiện qua những câu Hừ la - câu Quan họ thuộc hàng khó ca nhất trong các giọng lề lối. Trong quá khứ, Quan họ Hoài Trung từng có nhiều liền anh, liền chị chơi quan họ nổi danh trong vùng. Có thể nhắc tới các cụ Dương Văn Trọng, Nguyễn Văn Chè, Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Thị Thọ, Nguyễn Thị Tươi, Nguyễn Thị Hạt, Dương Văn Quyến... Có những liền chị như cụ Dương Thị Tiếp ngày trước luôn được làng cử giữ giải ca Quan họ tại hội Lim mỗi dịp đầu xuân. Hoài Trung ngày trước còn có lệ thi hát Quan họ trên thuyền tại hồ nước trước cửa đình với hình thức 10 câu (5 trên 5 dưới) mỗi khi làng mở hội. Điều này cho thấy phong trào chơi, ca Quan họ ở làng quê này được duy trì, phong phú nhường nào.

Về với Quan họ Hoài Trung, chúng tôi được nghe khá nhiều câu chuyện tưởng như cổ tích về lối chơi, nghĩa tình đậm chất nhân văn của người Quan họ với bạn của mình. Ví như chuyện liền anh (cụ Lý Hoạch), người làng Diềm - nơi kết bạn Quan họ truyền đời với Quan họ Hoài Trung. Vì muốn để hôm sau bạn Quan họ Hoài Trung là cụ Nguyễn Thị Tư (gọi theo tên con là cụ Tương) có thể yên tâm đi chơi Quan họ trên Diềm, trong một đêm, cụ Hoạch đã vác cày, đánh trâu đi cả đoạn đường dài từ Diềm xuống Hoài Trung để cày xong thửa ruộng cho cụ Tư. Rồi lại vác cày, đánh trâu về Diềm cũng là khi trời tảng sáng. Sớm hôm sau, cụ Tư ra ruộng để cuốc đất làm vụ, thì thấy ruộng của nhà đã cày gọn ghẽ tinh tươm. Thế là chả có lý do gì mà không cùng chị em lên Diềm chơi Quan họ. Câu chuyện không chỉ cho thấy vẻ đẹp tình người chơi Quan họ với nhau, mà còn mang chiều sâu văn hóa của cộng đồng người dân làng Việt nói chung, người Hoài Trung nói riêng; và phổ tầm ảnh hưởng tới nhiều thế hệ chơi Quan họ hiện nay ở làng Quan họ gốc này.

Quan họ Hoài Trung sâu dày lịch sử, sự tích và bản sắc là thế, vậy mà như nhiều làng Quan họ trong vùng, câu ca Quan họ từng có thời gian lắng xuống nhường chỗ cho các hoạt động lao động, sản xuất và chiến đấu. Đến năm 1992, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Câu lạc bộ Quan họ Hoài Trung mới được thành lập lại. Tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ có đủ lứa tuổi như: Các cụ già, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên. Cũng từ đó tới nay, CLB đã tham gia tích cực vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của dòng dân ca di sản trên đất làng Quan họ gốc của mình.Với nỗ lực của cả cộng đồng, đặc biệt là của các thành viên trong CLB Quan họ trên địa bàn, giờ đây, Quan họ Hoài Trung đã cất cao lời ca, khẳng định tên tuổi của mình trong số mấy mươi làng Quan họ trong tỉnh, với những liền chị, liền anh đủ sức đủ tài trong những cuộc chơi Quan họ từ sân khấu hội làng đến các cuộc thi cấp tỉnh. Từ năm 1995, 1996, đôi liền anh Dương Đức Thắng và Nguyễn Văn Thắng đã giành giải Nhì thi hát đối đáp Quan họ đầu xuân cấp tỉnh. Liên tiếp các năm 2017, đến 2019, Quan họ Hoài Trung đều có các đôi đoạt giải ba thi hát đối đáp Quan họ đầu xuân do tỉnh tổ chức. Những thành công này là kết quả của niềm đam mê Quan họ trong mỗi thành viên CLB Quan họ Hoài Trung. Dù cuộc sống chưa hết khó khăn, bao lo toan công việc trong mưu sinh, nhưng họ vẫn dành cho Quan họ tình cảm, đam mê, thời gian.. với mong muốn để câu hát quê hương mãi trường tồn, lan tỏa.

Vốn có mạch nguồn, Quan họ Hoài Trung ngày nay là dòng chảy nối tiếp của một làng Quan họ gốc từng nổi tiếng trong dân gian. Với nhiều thế hệ và đông đảo các liền anh, liền chị Quan họ, Hoài Trung luôn thu hút bạn Quan họ nhiều nơi tìm đến giao lưu, ca hát, học thêm những câu hay của làng. Trong đó, câu Quan họ mang đặc trưng của Hoài Trung phải nhắc tới là “Ruộng năm sào” với đầy đủ cái tình, ý, và góc nhìn đời sống tinh tế của người đã đặt làn bẻ giọng: Ruộng năm sào ai cấy người gặt/ Em qua bờ em ngắt một bông/ Gié lúa vàng nấu cơm càng dẻo/Bông Sói vàng càng héo càng thơm…

Về với Quan họ Hoài Trung, chúng tôi không chỉ được đắm mình trong những làn điệu câu ca mượt mà, đằm thắm; mà còn bắt gặp bao giá trị tinh tế về phong cách ứng xử, giao tiếp thưa gửi của các liền anh liền chị nơi đây. Đặc biệt là việc đón tiếp mời chào, sửa soạn mâm cơm thù tiếp bọn Quan họ khách do chính tay các liền anh Hoài Trung đảm nhiệm. Nó không chỉ thể hiện sự tài ba, khéo léo, tinh tế trong cách chế biến, sửa soạn các món ăn của Quan họ chủ; mà còn thể hiện sự trọng tình, trọng bạn Quan họ… đến độ nhạc sĩ Trần Tiến phải cất thành lời ca trong “Ngẫu hứng giao duyên”: Có chút gì nhường khách, có mối tình đành xa, chút thơ ngây giữ lại riêng mình…

Chia tay Quan họ Hoài Trung mà còn bao điều chưa kể hết. Nó như câu giã bạn dùng dằng đến tàn canh vãn hội vẫn chửa đành dứt đoạn. Nhưng chúng tôi vẫn phải dừng lời, hẹn ngày trở lại như câu ca “Đến hẹn lại lên” của người Quan họ. Vâng, hẹn gặp lại các bạn trong kỳ sau của ký sự với những câu chuyện về vẻ đẹp cuộc sống, lối chơi, không khí và hương vị đặc trưng của các vùng quê Quan họ, để ta cùng được đắm mình trong những chiều không gian đầy quyến rũ của tiếng hát Quan họ ân tình./.

                                                                                                                                                                                                                                    LÊ QUANG THUẬN