Trang chủ Đặc biệt

VỀ NƠI BÁT ĐẾ VÂN DU
11:14 | 30/05/2018

 NGUYỄN ĐỨC THÌN

 
 

Bạn yêu quê hương, đất nước, ham thích du lịch về nguồn thì một sự lựa chọn thích hợp là khi đến Bắc Ninh - Kinh Bắc, nhớ đến nơi “BÁT ĐẾ VÂN DU” huyền diệu tâm linh. Nơi ấy là Đền Đô ở phường Đình Bảng (thuộc  thị xã Từ Sơn). Một điểm hẹn tiềm ẩn bao điều kỳ thú của mọi du khách. Đi từ trung tâm thủ đô Hà Nội sang hay từ thành phố Bắc Ninh về theo đường Quốc lộ 1A hay đường cao tốc 1B đều chỉ khoảng gần 20 cây số.  Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đình Bảng bốn lần. Lần đầu ngày 13/9/1945 (hôm ấy là 8/8 năm Ất Dậu giỗ Lý Thánh Tông), Bác về Đền Đô cùng nhân dân tưởng niệm Lý Thái Tổ và các vị Vua triều Lý.

Đền Đô là “Cổ Pháp Điện” thờ tám vị Vua nhà Lý (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông) nên còn gọi là Đền Lý Bát Đế nổi tiếng trong các di tích cổ của Việt Nam về kiến trúc độc đáo vùng Kinh Bắc - Thăng Long, vùng đồng bằng sông Hồng hùng vĩ.

Du khách về Đền Đô, Ban quản lí di tích là những người cao tuổi nhiệt tình tiếp đón. Các hướng dẫn viên nơi đây với sự hiểu biết truyền thống và lịch sử, thiết tha yêu người, yêu nghề sẵn sàng giới thiệu, lịch thiệp, duyên dáng trong từng lời thưa chuyện. Du khách cảm nhận rõ lịch sử Đền Đô là một phần của lịch sử nước non nhà. Thăm di tích, nghe lịch sử thêm tin yêu cuộc sống. 

Đền Đô vượng khí linh thiêng, trời - đất - con người đều làm cái đẹp thiện tâm “thiên - địa - nhân vi mĩ”, hương khói ấm nhân tình, sáng ngời lòng nhân ái Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, lấp lánh hồn quê, tình người, nghĩa nước. Đặc sắc, phong phú về đời sống văn hóa tinh thần, tôn giáo tín ngưỡng của trung tâm Phật giáo Cổ Pháp, vùng “Địa linh, nhân kiệt, xuất nhập hanh thông” - Đất thiêng, người giỏi, ra vào may mắn).

Đền Đô nguyên là “Thái Miếu nhà Lý” do Lý Thái Tổ Công Uẩn khởi dựng. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: “Năm Thuận Thiên thứ XI (1019) dựng Thái Miếu ở sơn lăng Thiên Đức”. Năm Canh Ngọ (1030) về Thái Miếu quê Cổ Pháp làm giỗ Vua Cha - Lý Thái Tổ người khởi lập triều Lý, khai sáng Thăng Long, Vua Lý Thái Tông đã cho tu sửa là “Cổ Pháp Điện” (Đền Cổ Pháp). Thuở ấy, chế độ phong kiến quan niệm “Trung quân ái quốc”. Trung với Vua là yêu nước, trung với Nước. Vua và Nước gắn liền làm một. Thái Miếu là miếu thờ “hồn thiêng sông núi” của đất nước. Hòa hợp hai ý nghĩa thờ Vua là thờ Nước, Thái Miếu gắn liền với quê cha đất tổ nhà Vua, gọi là tẩm điện để thờ Vua. Vì mang tính chất thờ Nước nên Đền Đô được gọi là Đền Quốc tế. Xưa hằng năm, Bộ Lễ về đứng chủ tế. Đền Đô có tên gọi như vậy là vì Vua thì ở kinh đô. Kiến trúc Đền Đô xây dựng như cung kinh thành uy nghiêm, huyền diệu. Đây có thể hiểu là kinh đô nơi các Vua đã tạ thế “đang ngự” nên “Thái Miếu nhà Lý” được gọi là Đền Đô.

Đền Đô xây dựng trên đất quê của Lý Thái Tổ, ở nơi Người gặp nhân dân xuân 1010 hỏi về kế sách dựng nước, với sự minh triết của chính mình mà chọn được miền địa lợi để dời đô từ Hoa Lư ra nơi trung tâm của trời đất, xây dựng kinh đô Thăng Long “Vì muôn ức đời con cháu”. Vì thế trong các hạng mục kiến trúc của Đền Đô mới có tên gọi Sân Rồng, Cửa Rồng (mà Rồng chỉ nhà Vua).

Sau khi Lý Thái Tổ qua đời ngày 3 tháng 3 năm Mậu Thìn ( 31/3/1028), nhân dân thờ Người ở đây. Nối tiếp sau đó, mở rộng phụng thờ tám vị Vua nhà Lý, ứng mệnh trời “Liên Hoa Bát Diệp”, đất gối đầu của tám con rồng, hình tượng đẹp muôn hình, muôn vẻ.

Du khách về Đền Đô, chiêm ngưỡng kỹ từng hạng mục công trình, cảm nhận, phát hiện những điều mới lạ nổi lên là vị trí hàng đầu, vừa là niềm tự hào, vừa là trung tâm văn hóa làng xã ở vùng quê nông, công, thương luôn cùng phát triển và văn hóa cội nguồn được mở mang sâu đậm.

Đền Đô từ xưa đã được xây dựng với qui mô lớn. Kiến trúc theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, bao quanh có tường thành vững chắc. Toàn khu Đền Đô rộng 31.250 mét vuông, được chia làm hai khu: Nội thành và ngoại thành. Nội thành rộng 4.340 mét vuông, ngoại thành rộng 26.910 mét vuông. Trong đó diện tích xây dựng nhà: 1.940 mét vuông, sân bãi nội ngoại thành: 19.810 mét vuông, hồ Bán nguyệt: 9.500 mét vuông.

Khu vực nội thành gồm nội thất và ngoại thất:

-Nội thất gồm các công trình: Nhà Hậu Cung (còn gọi là Linh Cung nơi đặt hương án, tượng, bài vị thờ tám vị Vua nhà Lý), nhà Chuyển Bồng, nhà Tiền Tế, nhà Bia và nhà để kiệu thờ, nhà để ngựa thờ.

- Ngoại thất gồm các công trình: Nhà Phương Đình, Vương Mẫu Từ, nhà Chủ tế, nhà khách, Ngũ Long Môn, bức cuốn thư lớn “Thiên đô Chiếu”, sân rồng, tượng voi đá, sấu đá, lư rồng, đôi Bát Đế Đăng...

Khu vực ngoại thành gồm: Hồ Bán Nguyệt (còn gọi là hồ Công Chúa hay Ao Rối), giữa hồ có nhà Thủy Đình, xung quanh lan can đá. Nhà Văn Chỉ bên phải, nhà Võ Chỉ bên trái.

Kiến trúc Đền Đô bố cục cân xứng, hài hòa. Qui mô bề thế, cột và khung nhà, các cánh cửa bằng gỗ lim và vàng tâm cổ thụ. Hương án, hoành phi, câu đối, kiệu thờ đều sơn son, thếp vàng, đặc sắc nét kiến trúc làng nghề gỗ mỹ nghệ Kinh Bắc. Đền Đô gồm trên 20 hạng mục công trình, công trình nào xây dựng công phu, kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo, tài nghệ. Đặc biệt nhà Thủy Đình từng được chọn là hình ảnh in trên “Giấy năm đồng vàng Đông Dương” (Cinque piastres Banque de L’indochine) của Ngân hàng Đông Dương xưa và trên tiền 1000 đồng kim loại của Ngân hàng nhà nước Việt Nam ngày nay.

Đền Đô của làng cũng là Đền trung tâm của cả nước, liên tục được các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng tôn tạo và mở rộng. Tuy nhiên một thiên niên kỷ qua, chịu ảnh hưởng của thiên tai, địch họa, Đền Đô trải qua nhiều lần tôn tạo. Đầu thế kỷ XV, khi xâm lược nước ta, giặc Minh đã tàn phá làng Cổ Pháp - Đình Bảng, tàn phá cả “Cổ Pháp Điện”. Sau chiến thắng giặc Minh, nhân dân đã xây dựng lại Cổ Pháp - Đình Bảng thanh bình. Năm 1602 thời Vua Lê Kính Tông và chúa Trịnh Tùng, nhân dân làng quê Vua Lý và thập phương đã góp công của, trí tuệ trùng tu lớn, trở thành danh thắng lịch sử văn hóa của Tổ quốc. Rồi trong chiến tranh, thực dân Pháp khi chiếm đóng Đình Bảng đã phá hủy Đền Đô năm 1952. Nhưng Đền Đô không bị mất trong lòng dân, vẫn hiện hữu bia đá “Cổ Pháp điện tạo bi” do Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn dựng năm 1604 dẫu mang nhiều vết đạn chiến tranh, vẫn ngời ngời lời nhắn gửi đời sau: “Phải nghĩ lại công đức ân dày nghĩa nặng, quân thần trung chính, phép tắc nghiêm minh của vương triều Lý là mẫu mực cho các triều đại sau này. Phải ghi lại sự tích, công đức của triều Lý. Phải hưng công dựng đền thờ cúng, rõ ân nghĩa của đời trước để lại cho muôn đời sau”.

Nhớ ơn các Vua Lý, ngày 8/8 (năm Kỷ Tỵ - 1989), giỗ Lý Thánh Tông người đặt Quốc hiệu Đại Việt trong ngày đăng quang năm 1054 thay cho tên cũ Đại Cồ Việt có từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, gọn lại mà sáng ngời tinh thần tự tôn, tự cường, tự hào dân tộc mong “Lý triều cường thịnh, Thiên hạ thái bình”, chính quyền và nhân dân phường Đình Bảng đã chủ động khởi công phục dựng Đền Đô theo mẫu xưa.

Việc làm tâm thiện này được các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhân dân khắp miền Tổ quốc, kiều bào và người nước ngoài, những hậu duệ nhà Lý cùng quan tâm đầu tư công đức xây dựng xong các hạng mục công trình như xưa. Đền Đô giờ có phần đẹp hơn xưa bởi có cây cảnh xanh tươi và được mở rộng thêm diện tích gần mười nghìn mét vuông để làm một bến xe đón khách du lịch, một sới vật đạt tiêu chuẩn Quốc gia, mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Năm 1991, Đền Đô được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Năm 2010, được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam xác lập “Đền Đô thờ các vị Vua triều Lý được nhiều người biết đến nhất”. Năm 2014, được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt “Khu lăng mộ và Đền thờ các vị Vua triều Lý”.

Du lịch Đền Đô ngày nào cũng tốt. Ô tô, xe máy, xe đạp gửi an toàn vào bến xe Đền Đô ngay cổng Đền rộng gần 1000 mét vuông thuận lợi. Nơi đây có những quầy Văn hóa phẩm Du lịch, nhiều sách, tranh ảnh, kỷ vật tâm linh, ý nghĩa lịch sử. Du khách say lòng chọn mua mang về kỷ niệm, nhớ mãi quà mua ở Đền Đô, nhiều lần về nữa.

Người vào Đền thanh thản như về nhà Tổ. Hạng mục này cuốn hút nối tiếp hạng mục kia. Từng bước đi khám phá bao điều mới lạ. Cùng lúc, Đền Đô có thể tiếp ba, bốn đoàn mà không chồng chéo bởi nhà Đền có bốn hướng dẫn viên chính, phân công đón tiếp. Đoàn đông nghìn người vẫn rộng. Sân Rồng và Quảng trường Cửa Rồng - Ngũ Môn Long đủ chỗ cho mọi người đứng dâng hương, đọc chúc văn tưởng niệm, báo công, cầu phúc. Các đoàn thể có thể tổ chức kết nạp các thành viên mới và tổ chức các trò vui chơi tập thể. Hội trường và phòng khách Đền Đô luôn mở cửa tổ chức giao lưu với Câu lạc bộ Quan họ, Câu lạc Thơ Đền Đô, gặp các cựu đội viên Đội thiếu niên du kích Đình Bảng anh hùng năm xưa giao lưu truyền thống...

Về Đền Đô vào dịp lễ hội náo nhiệt vô cùng. Lễ hội cổ truyền từ 14 đến 16 tháng 3 âm lịch hằng năm, kỷ niệm ngày Thái Tổ Lý Công Uẩn đăng quang, ban “Chiếu dời đô” 15 tháng 3 năm Canh Tuất - 1010. Lễ hội của Làng cũng là lễ hội của Nước. Lễ thiêng liêng, hội tưng bừng. Đặc biệt với đám rước hàng nghìn người tham gia đóng rước, hàng trăm đoàn hậu duệ nhà Lý từ Hàn quốc, từ các tỉnh trong nước về cùng tái tạo lịch sử đi trên đường Cái Cả của Làng, đi trên Quốc lộ 1A của Nước đoạn dài trên hai cây số, âm vang trống hội Đền Đô: Múa rồng, rước kiệu mang linh vị 8 đức Vua nhà Lý, cờ xí rợp trời phần phật bay như gọi người về chốn “Cội nguồn Thăng Long”… Rước từ Đền Đô ra Cổ Pháp Tự - Chùa Ứng Thiên Tâm, Chùa Dận (nơi Lý Công Uẩn ra đời ngày 8/3/974) chiều 14 để đêm làm lễ Túc Yết. Lúc này, từ Đền Rồng, nhân dân cũng rước kiệu mang linh vị Lý Chiêu Hoàng ra chùa Cổ Pháp. Sáng 15 đám rước, rước trân trọng kiệu mang linh vị Lý triều Quốc Mẫu Minh Đức Hoàng Thái Hậu Phạm Thị (mẹ Lý Công Uẩn) cùng về Đền Đô dự Đại lễ đăng quang vào giờ Ngọ đắc tâm linh ngày 15-3. Hàng vạn người trẩy hội Đền Đô vui vinh danh hào khí Thăng Long, khát vọng hòa bình, hạnh phúc.

Lễ hội Đền Đô, lễ thiêng liêng, hội tưng bừng. Trong dòng người trảy hội, có hậu duệ nhà Lý thuộc hai chi họ Hoàng tử Lý Dương Côn (sang Triều Tiên cư trú năm 1150) và Hoàng tử Lý Long Tường sang Triều Tiên cư trú năm 1226) theo gia phả từ Hàn Quốc tìm về cố hương Đại Việt - Việt Nam năm 1994. Giờ thành lệ, năm nào cũng về lễ hội Đền Đô, ngày Tết và ngày giỗ Vua. Mới hay, cội nguồn dân tộc, cội nguồn quê hương thì dẫu xa đã tám thế kỷ vẫn chẳng thể phai với người mang dòng giống Đại Việt - Việt Nam. Tình quê sâu nặng nên đi khắp chân trời góc biển, góc tâm hồn vẫn gửi gắm nơi quê. Bôn ba nên người khá giả thì hồn vẫn nặng tình quê. “Tám thế kỷ vọng cố hương” độc đáo hậu duệ nhà Lý Đại Việt- Việt Nam. Ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của Lý Thái Tổ, hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng thúc Lý Long Tường sinh ở Hàn Quốc, hồn ở Việt Nam là người hành hương lẻ loi một mình về Đền Đô năm 1994, rồi lôi cuốn, gọi bao người hành hương về nguồn. Ông Lý Xương Căn, quốc tịch Hàn Quốc nhưng từ năm 2010 mừng Đại lễ 1000 năm – Hà Nội, ông và gia đình ông được nhập Quốc tịch Việt Nam, trở thành người mang hai Quốc tịch, nơi nào cũng ấm tình Quê hương. Ông Lý Xương Căn, người đại hiếu, đại nghĩa ấy hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII và là Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017 – 2020.

Trong lễ hội Đền Đô, hàng chục đội tế, hàng trăm đoàn dâng hương, hàng vạn người cùng nối tiếp về Đền Đô tưởng niệm Lý Bát Đế, tưởng niệm các Vương Mẫu, tưởng niệm các công thần thời Lý. Văn “Thái ơn - Bắc đẩu”, Võ “Thần võ tiếp tứ lân” đều cùng là những “Nghĩa liệt anh hùng”... Trống, chiêng lễ hội Đền Đô âm vang cả vùng Cổ Pháp - Đình Bảng, Từ Sơn - Bắc Ninh - Kinh Bắc, vùng Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh của Thăng Long - Hà Nội liền với Cổ Pháp - Đình Bảng - Từ Sơn - Bắc Ninh - Kinh Bắc, theo các đoàn đóng rước tái hiện cả lịch sử thời Đại Việt “Lý triều cường thịnh - Thiên hạ thái bình” đặc sắc, có một không hai, bừng bừng hào khí Thăng Long, mừng Việt Nam phát triển bền vững trong sự nghiệp đổi mới “Người yêu người sống để yêu thương”.

  Hội Đền Đô nhiều trò vui dân gian: Múa Rồng - Múa Lân. Hát Quan họ trên thuyền Rồng ở hồ Bán Nguyệt, trên chiếu hoa ở Thủy Đình. Hát Tuồng trên sân khấu lớn, đồng diễn thể dục dưỡng sinh trên Quảng trường Ngũ Long Môn. Giao lưu thơ tại Tiền đường Văn chỉ, Tổ tôm điến trong vườn Văn chỉ, Chọi gà trong vườn Võ chỉ, Đấu vật tại sới vật. Đánh đu tại vườn nhà bia lớn. Bơi bắt vịt trên hồ Bán nguyệt, Bịt mắt đập niêu, Thi nấu cơm nồi đất, thi gói bánh phu thê, thi nặn tò he, thư pháp, ký họa chân dung người trẩy hội, đề thơ cho ảnh chụp. Đền Đô và quê hương nhà Lý có nhiều sách quý, như các cuốn: “Đình Bảng quê hương nhà Lý”, “Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô”, “Tiếng gọi cội nguồn”, “Hoành phi, câu đối Đền Đô”, “Đền Đô vang vọng cội nguồn”... Du khách mua kỷ niệm, tác giả ký lưu bút chúc phúc.

“Đền Đô Kiến trúc tuyệt vời/ Thăng Long đẹp đất, đẹp người ngàn năm”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi là Chủ tịch Quốc hội về Đền Đô ngày 21/1/2009 đã nói với đồng bào cùng về dâng hương tưởng niệm Lý Bát Đế: “Những sự tích và những đám mây ở đây rất là xúc động, rất linh thiêng. Nó báo hiệu một cái gì đó vừa lung linh trong truyền thống của dân tộc mình, vừa sáng chói các triển vọng của non sông đất nước ta. Nó thể hiện một cái bề sâu và sự bền vững văn hóa Viêt Nam ta. Tôi tin chắc đây sẽ là một địa chỉ, địa danh chứng minh với thế giới rằng lịch sử Việt Nam đã có mấy nghìn đời rồi và chúng ta sẽ mãi mãi trường tồn trong cái nền văn hóa Việt Nam…”.

Đền Đô đã và đang xứng đáng là nơi tôn nghiêm nhân dân cả nước tới phụng thờ 8 đức Vua nhà Lý, bạn bè Quốc tế tới tìm hiểu lịch sử văn hóa Việt Nam, thêm yêu quí Việt Nam. Du khách Genevieve Couteau từng là lính Lê Dương trong đội quân xâm lược của thực dân Pháp chiếm đóng Đền Đô lúc phá hủy năm 1952, năm 2000 trở lại thăm ngẩn người đứng ngắm Đền Đô đã được xây dựng lại, xúc động trân trọng ghi vào “Sổ vàng lưu niệm Đền Đô”: “Đây là bằng chứng của sức sống Việt Nam, nơi đầy cảm xúc thiêng liêng - nơi mà mọi sôi động trần tục đều bị lãng quên trong sự tìm kiếm yên tĩnh và hòa bình gắn bó tất cả con người có thiện tâm”.

Đền Đô là trung tâm của cụm di tích trên quê hương nhà Lý. Phòng trưng bày “Đền Đô truyền thống và lịch sử” với nhiều hình ảnh và hiện vật quý, sa bàn về làng quê Vua Lý, với một cụm di tích đậm đặc nét quê vùng Kinh Bắc. Trong phòng có trưng bày cả bản đồ trận quân dân nhà Lý đánh thắng quân xâm lược nhà Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt năm 1077 và bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà”. Có biểu tượng cột mốc đảo Trường Sa trên tấm san hô lớn hình trái tim, chóe nước biển và chóe đất cát Trường Sa do các chiến sĩ Hải quân từ đảo Trường Sa đưa về. Người xem lại nhớ lời Vua Lý Anh Tông người đã hai lần thân ra thăm hải đảo vùng đông bắc Tổ quốc cho vẽ vào bản đồ Đại Việt những phần đảo biển của ta. Trước khi qua đời, nhà Vua dặn Thái tử: “Nưóc ta non sông gấm vóc, nhân tài tuấn kiệt, đất nước anh linh, châu ngọc bảo bối không cái gì không có. Nước khác không thể nào bì được. Con phải nên giữ nước cho cẩn thận”.

Về Đền Đô, ngày mới, năm mới, thấy vui “Hạt mận Lý nở ra vườn châu báu / Con cháu nhà Vua giờ ai cũng đàng hoàng” . Sâu thẳm trong tâm hồn niềm tự hào về dân tộc anh hùng, có “Triều Lý vẻ vang quan Văn giỏi Võ / Thiên hạ thái bình quan Võ giỏi Văn/Quan Văn – Võ đồng tâm phò xã tắc / Cùng muôn dân giữ vững nước non nhà!”. Mong lòng thanh thản chân thành học tập và phát huy truyền thống của tiền nhân. Lại cùng nhớ lời Bác Hồ nói với đồng bào giữa sân Rồng Đền Đô, khi về thăm lần đầu, 13/9/1945, mười một ngày sau khi Tuyên ngôn Độc lập: “Hôm nay, thay mặt Chính phủ lâm thời, tôi về Đình Bảng thăm đồng bào và cùng đồng bào tưởng nhớ công ơn của Lý Bát Đế. Hơn 80 năm qua, nước nhà bị thực dân Pháp thống trị, dân ta bị bóc lột đến tận xương tủy. Nhờ có cách mạng thành công nước nhà được độc lập, dân ta được tự do. Nhưng hiện giờ nước nhà còn khó khăn về kinh tế, vì vậy đồng bào phải hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, sẵn sàng diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Đình Bảng vốn có truyền thống cách mạng, cần phải phát huy để xứng đáng là một làng cách mạng kiểu mẫu”.

Làm theo lời Bác Hồ và tự ở lòng mình yêu nước, yêu quê, Đình Bảng đã anh hùng trong chiến dấu, thiếu niên du kích Đình Bảng cũng anh hùng, giờ càng anh hùng trong sự nghiệp đổi mới, có thành tích tôn tạo bảo tồn phát huy giá trị Đền Đô và cả cụm di tích trên quê hương, làm hạ tầng để phát huy nội lực. Đúng là đã “Lý nhân vi mĩ”, người xưa đắp chữ trên cổng làng cho người Đình Bảng đọc, suy ngẫm, nối đời làm theo.

Lúc dâng hương ở Lư Rồng trên sân Rồng Đền Đô, hai bên có Cây đèn lịch sử Bát Đế Đăng, bên đông và bên tây, các Tiên Vương hiển linh, chứng giám cho tấm lòng thành mà ban Phúc. Xin thành tâm cầu nguyện:

“Cầu mong Vua Lý vầng nhật nguyệt,

Sáng soi tâm đức chí con đây.

Ban cho sức khỏe và hạnh phúc,

Trí tuệ niềm tin vững cuộc đời!”

Khói hương ở đây sẽ bay lên trời là những sợi dây nối các dòng trí tuệ từ ngày xưa đến ngày nay mà người dâng hương cầu phúc lòng thành sẽ được sức  khỏe, trí tuệ, niềm tin, bản lĩnh, sống chân chính trong hiện tại và tương lai, giàu lên về sức khỏe, trí tuệ, tình yêu, hanh phúc, khát vọng xây đời, trưởng thành trong cuôc sống, trên đường đời trên mỗi nẻo đường quê Việt Nam và Hội nhập toàn cầu.

Du lịch Đền Đô một giờ, một buổi, một ngày, về nhiều lần đều thỏa tâm linh. Nếu có điều kiện thì thăm cho đủ các di tích trên làng quê Vua Lý đều đã được nhà nước xếp hạng, bảo tồn. Các hướng dẫn viên Đền Đô sẵn sàng dẫn du khách thăm cả cụm di tích đặc biệt này, gồm: Đền Rồng thờ Lý Chiêu Hòang, chùa Cổ Pháp, Chùa Kim Đài, chùa Quang Đổ, đình Đình Bảng, Thọ lăng Thiên Đức nơi yên nghỉ của các đức Vua nhà Lý, Lý Thánh Mẫu và Nguyên Phi Ỷ Lan. Nhà thờ Bà Quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Long. Nhà cổ Tam Tự Đường họ Nguyễn Thạc, di tích cách mạng nhà cụ Đám Thi, dấu tích rừng Báng, dấu tích sông Tiêu Tương… Nguồn cội tâm linh này cũng là nguồn khơi nghệ thuật, cảm hứng lao động sáng tạo, phát triển kinh tế, chăm lo hạnh phúc gia đình nhân ái và trí tuệ, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước mạnh giàu.

Du lịch Đền Đô, tổ chức theo tập thể, gia đình hay cá nhân, đi bằng ô tô, xe máy, xe đạp và bộ hành đều thuận lợi. Trong khoảng bán kính 2 cây số, bạn sẽ thấy được cả sự đổi mới của quê hương Lý Thái Tổ anh hùng mà bản sắc dân tộc vẫn đậm đà tiên tiến. Lãng mạn tâm linh, thưởng ngọan thiên nhiên hùng vĩ, sinh thái thanh bình. Trưa nghỉ ở Đền Đô, nếu đặt trước, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực rượu nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng, cơm gạo tám thơm, giò chả nem Báng, bún riêu cua, bánh đúc chấm tương, bánh Phu Thê trọn nghĩa tình, nghe Liền anh, Liền chị hát câu Quan họ say đắm lòng người: “Người ơi, em đợi, không hẹn cũng lên!”.

Đền Đô khí thiêng hội tụ, hiện hữu những hình ảnh giao cảm giữa trời và đất, giữa thiên nhiên và con người, giữa xưa và nay: “Bát Đế vân du”, "Bát Đế hiển linh”, “Hoàng long linh hiện”, “Tiếng vọng cội nguồn”... Nơi đây ngày mới đông ngưòi đến. “Ai xuôi về... Kinh Bắc chờ mong”. Nơi đây tỏa hương sắc một sự lôi cuốn tiềm ẩn - Điểm hẹn của du khách cảm hứng đời, tin yêu con người và cuôc sống, khát vọng hòa bình hạnh phúc.

“Đất Đình Bảng, nghìn năm hương Cổ Pháp,

Hương đồng thơm gió nội sáng hồn quê.

Về Đền Đô lòng bừng bừng hào khí,

Cây đời xanh tươi bản sắc Việt Nam!”