Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Tình Bác với Bắc Ninh
08:46 | 18/07/2018

  

  Hải Hà

Trong 23 năm, từ 1945 đến 1967, Bác Hồ đã về thăm tỉnh Bắc Ninh 18 lần. Thật là vinh dự với vùng đất quê hương văn hiến Bắc Ninh. Hiếm có nơi nào được Bác đến thăm nhiều như Bắc Ninh. Vùng đất được in dấu chân Bác, những con người được trực tiếp thấy Bác, nghe Bác huấn thị và trong ký ức người Bắc Ninh còn đọng lại những hình ảnh trìu mến, tiếng nói ấm áp thân thương của vị cha già, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.

Năm 2015, cùng với những sự kiện kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, năm Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Bắc Ninh còn có một vinh dự kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Ninh lần đầu tiên, ngày 13 tháng 9 năm 1945, chỉ sau lễ tuyên bố độc lập ngày 2/9/1945 ít ngày. Cùng với sự kiện này và hưởng ứng việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chuyên đề năm 2015, lại nhớ 18 lần Bác về thăm Bắc Ninh; mỗi lần Bác đều có những lời dạy ân tình với cán bộ, đảng viên và nhân dân, với các ngành như việc tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí đến thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương giàu mạnh, kháng chiến bảo vệ Tổ quốc...

Lần đầu tiên Bác về thăm Bắc Ninh là về làng Đình Bảng thắp hương tưởng niệm các vua nhà Lý. Bác hỏi các cụ về việc tế lễ các vua nhà Lý hàng năm, được biết dân làng làm 9 cái giỗ, mỗi giỗ thịt một con trâu. Bác thấy lãng phí, Bác căn dặn:

“Như vậy xã ta phải thịt 9 con trâu một năm, một trăm xã thịt chín trăm con trâu, làm như thế sẽ thiếu trâu bò để cày bừa; ta phải “Lễ vân, lễ vân bạch ngọc vân hồ tai. Nhạc vân, nhạc vân chung cổ vân hồ tai” tức là đi lễ cốt ở lòng thành, cứ gì có mâm bạch ngọc mới là quý. Khi lễ, lòng ta tưởng như có nhạc đâu cần bên chiêng bên trống mới là có nhạc. Các cụ có đồng ý không?[1])

 Riêng Đình Bảng (Thị xã Từ Sơn) 4 lần được vinh dự đón Bác. Ngoài ngày 13/9 trên, sau 6 tháng; tháng 2/1946, Bác về xem xét địa điểm họp dự bị của Quốc hội; tháng 10/1946 thăm cụ Nguyễn Phụ Doãn (cụ Cửu Hai) người cao tuổi nhất làng Đình Bảng để cảm ơn sự giúp đỡ của đồng bào với chính phủ mặc dù Quốc hội không về họp ở Đình Bảng nữa. Đây chính là việc giữ chữ “tín” với dân của Bác và Chính phủ, mặc dù lúc đó đất nước ta đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. 9 năm sau, tháng 12/1955, Bác về nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất Đoàn Bắc - Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang) tại Đền Đô, Đình Bảng.

Để chuẩn bị cho kháng chiến chống Pháp, Bắc Ninh là một tỉnh thành lập sớm, lực lượng quân sự có bộ đội địa phương ở cấp huyện, bộ đội chủ lực ở cấp tỉnh như Tiểu đoàn Thiên Đức, trung đoàn quân sự Bắc Ninh. Ngày 17/11/1946,  Bác đã về thăm tỉnh Bắc Ninh động viên thăm hỏi tình hình ăn ở, sinh hoạt và công tác của anh em binh sĩ, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn bộ Bắc Ninh. Bác còn đến nhà thờ thăm cha Ataraz, giám mục địa phận Bắc Ninh để động viên tinh thần đoàn kết của đồng bào lương giáo trong tỉnh.

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác luôn quan tâm đến sản xuất, có đến 8 lần Bác thăm Bắc Ninh liên quan đến lĩnh vực sản xuất, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tháng 9/1957, Bác về thăm đê Mai Lâm (xã Mai Lâm thuộc huyện Từ Sơn lúc đó) và vùng bị lụt Bắc Ninh. Tháng 7/1958, Bác về dự Hội nghị sản xuất của tỉnh; sau khi nghe đồng chí Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh báo cáo về tình hình làm mùa và phong trào đổi công, Bác đã phân tích một số khuyết điểm của cán bộ, nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong việc lãnh đạo thi đua sản xuất nông nghiệp. Người căn dặn cán bộ các cấp phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và lề lối làm việc, phải gương mẫu, chống mọi tư tưởng tiêu cực bi quan, ngại khó, ỷ lại đánh tan mọi luận điệu xuyên tạc của địch. Tại hội nghị này, Bác đã tặng thưởng huy hiệu cho tổ đổi công xã Liên Hà (thuộc huyện Từ Sơn lúc đó, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) và xã Hà Mãn (huyện Thuận Thành) là tổ đổi công và xã khá nhất của tỉnh.

Ngày 20/8/1958, Bác về thăm công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải; hai tháng sau ngày 16/10/1958, Bác về thăm công trình thủy lợi ở Bắc Ninh, Hưng Yên và giữa lúc cán bộ và dân công thi đua hoàn thành việc đổ bê tông móng cống Xuân Quan; ngày 25/12/1958, Bác có mặt kịp thời để động viên khen ngợi công nhân đổ bê tông có nhiều tiến bộ và nhắc nhở tất cả anh chị em cố gắng hơn nữa phát huy sáng kiến, đảm bảo chất lượng công trình, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phong trào chống lãng phí, tham ô. Ngày 14/9/1959, Bác về nói chuyện với Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc họp tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du. Bác nhắc nhở các đại biểu các tỉnh cần phải học tập và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt phải dựa vào dân, tin tưởng vào lực lượng và trí tuệ của nhân dân. Bác nhấn mạnh: “Ai làm cách mạng? Nhân dân! Ai kháng chiến thắng lợi? Toàn dân! Vậy thì bây giờ muốn đủ nước, muốn điều hòa nước cũng phải toàn dân làm thủy lợi. Muốn thế, cán bộ phải đi đúng đường lối quần chúng, dựa vào nhân dân; trước hết phải tin tưởng lực lượng và trí tuệ của nhân dân là vô cùng vô tận. Tuyên truyền, giáo dục, đoàn kết, tổ chức được trí tuệ và lực lượng nhân dân thì việc gì khó mấy cũng làm được...” ([2]). Tại hội nghị này Bác Hồ đã trao thưởng 10 huy hiệu tặng cho những đơn vị và cá nhân có thành tích làm thủy lợi tốt của tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 20/7/1960, Bác về thăm đê sông Cầu, kiểm tra việc chống lụt bão của tỉnh. Ngoài việc Bác căn dặn cán bộ và nhân dân phải tỉnh táo, tích cực và phải chuẩn bị tốt hơn nữa, đầy đủ hơn nữa các phương án phòng chống lụt bão, chớ có chủ quan lơ là, Bác còn lấy một câu chuyện của một em bé ở Hà Lan để căn dặn cán bộ các cấp của tỉnh về việc tuyên truyền cho nhân dân: “Ở Hà Lan có một em bé đi học về, thấy có một lỗ rò bằng ngón tay ở đê, em đã đứng đấy bịt cho đến tận tối. Khi cha mẹ tìm thấy thì em đã mệt lả. Sở dĩ em bé đó có hành động như vậy là vì em đã có ý thức sâu sắc về phòng chống lụt. Vậy cán bộ phải làm cho nhân dân từ cụ già đến em bé, mọi người đều có trách nhiệm cao trong công tác này”. Bác đặc biệt nhấn mạnh về “Công tác nêu gương người tốt”: “Một tấm gương sống còn hơn hàng trăm bài diễn thuyết, tuyên truyền”.

Với tỉnh Bắc Ninh, ngày 14/12/1961 Bác còn về thăm trường Trung cấp Thể dục - Thể thao Trung ương tại xã Đồng Quang (Từ Sơn), nay là trường Đại học TD-TT thuộc phường Đồng Kỵ (Thị xã Từ Sơn) . Thời kỳ Bắc Ninh - Bắc Giang hợp nhất là tỉnh Hà Bắc, Bác về dự ngay Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất của tỉnh ngày 17/10/1963 và có cuộc nói chuyện với đại biểu các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Bắc tại cuộc mít tinh ở sân vận động thị xã Bắc Giang. Bác khen ngợi: “Hai tỉnh hợp thành một tỉnh to hơn, người cũng đông hơn, sức mạnh hơn, của nhiều hơn...”. Bác cũng nêu những ưu điểm cần phát huy và chỉ rõ những khuyết điểm cần sửa chữa. Bác vạch ra cho mọi người thấy rõ thêm những khả năng; thuận lợi và khó khăn của tỉnh, để mọi người phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày mùng 1 Tết Đinh Mùi năm 1967, Bác về chúc tết Đảng bộ và nhân dân Hà Bắc tại xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn quê hương đồng chí Ngô Gia Tự nhà cách mạng tiền bối lỗi lạc của Đảng, người học trò ưu tú của Bác; cũng là quê hương “Nghìn việc tốt” của thiếu nhi cả nước. Bác đã khen ngợi những cố gắng của Hà Bắc trên mọi lĩnh vực, về trồng lúa Bác đề nghị phải thi đua theo kịp tỉnh Thái Bình. Tiếp theo Bác nêu lên những mặt thiếu sót khuyết điểm của Hà Bắc hết sức thẳng thắn: Công việc quản lý của hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh còn yếu, chưa dân chủ; những thói quan liêu mệnh lệnh tham ô còn nhiều. Tỉnh Thái Bình là tỉnh đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha. Đồng bào Hà Bắc có thua kém Thái Bình không? Tất nhiên là không thua kém gì. Nhưng vì tổ chức lãnh đạo chưa tốt, trước hết là chi bộ, cán bộ đảng viên chưa gương mẫu, vẫn có những đảng viên trồng riêng mấy sào. Bác nhớ hồi Cách mạng tháng 8 năm 1945, Đảng ta chỉ có hơn 5000 đảng viên mà lãnh đạo Cách mạng thành công. Nay Hà Bắc có trên 3 vạn đảng viên, gấp hơn mấy lần mà lãnh đạo sản xuất chưa tốt. Từ Tỉnh ủy đến chi bộ phải kiểm thảo vấn đề này...”([3])

Trước khi ra Tam Sơn chúc tết Đảng bộ và nhân dân Hà Bắc, Bác cùng đồng chí Trần Quốc Hoàn, lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Công An và đồng chí Tố Hữu Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa TW còn tranh thủ đến chúc tết đơn vị bộ đội Trung Quốc sửa chữa ô tô đóng quân tại xã Hiên Vân (thuộc huyện Tiên Sơn lúc đó, nay thuộc huyện Tiên Du) thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế của Bác và Chính phủ.([4])

Đây là lần cuối cùng Bác về với Bắc Ninh và 2 năm sau vị cha già dân tộc, người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã ra đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin. 18 lần dấu chân Bác vẫn được nhân dân Bắc Ninh ghi nhớ mãi. Những lời dạy của Bác vẫn được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Bắc Ninh vận dụng làm theo để sau 20 năm tái lập tỉnh, từ bao khó khăn chồng chất đến nay là một tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng hiện đại, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Với lòng thành kính bài viết xin được thay cho những nén tâm hương kính cẩn tưởng niệm đến vong linh của Người và là tư liệu để các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi nhớ về những lời Bác dạy với Bắc Ninh./.

 

Chú thích:

1.    Ban Thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh, “Bác Hồ với Bắc Ninh”. Nxb  Thế giới, 2000, trang 19.     

2.       Ban Thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh, “Bác Hồ với Bắc Ninh”. Nxb Thế giới, 2000, trang 61.

3.       Ban Thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh, “Bác Hồ với Bắc Ninh”. Nxb Thế giới, 2000, trang 80.

4.       Theo tư liệu của đồng chí Nguyễn Văn Loát, chủ tịch huyện Tiên Sơn lúc bấy giờ kể lại.