Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH VỚI SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ QUANG ĐẠO
15:16 | 12/05/2021

Đồng chí Lê Quang Đạo, người con ưu tú của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921, trong một gia đình, dòng họ, quê hương có truyền thống yêu nước. 

Đồng chí là con trai của ông Nguyễn Đức Cung (tức ông Thơ La từng là thư ký Hội đồng hương chính xã) và bà Nguyễn Thị Lạc (bà Thơ La) ở làng Đình Bảng, nay là phường Đình Bảng thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đình Bảng gần Hà Nội, ngay phía Bắc Thủ đô, người dân sống nối đời nông công thương cùng mở mang, quan hệ rộng với các miền đất nước.

Sinh thời, đồng chí Lê Quang Đạo đã có tự sự: “Ngày ấy, đẻ tôi dù tảo tần, dè sẻn từng xu cho việc chi tiêu của gia đình, mà gia cảnh cứ ngày càng khó khăn... Tôi chịu ảnh hưởng của thầy tôi tình yêu thơ văn, còn từ đẻ tôi những bài học đối nhân xử thế qua những bài ca dao, những câu tục ngữ, những truyện cổ tích... Tôi vừa phải đi học vừa làm gia sư, vừa viết báo. Và có thể nói hoạt động cách mạng đầu tiên của tôi là hưởng ứng Hội truyền bá quốc ngữ kêu gọi dân làng đi học...”

Đồng chí Lê Quang Đạo là con thứ bảy trong gia đình. Sáu chị trước qua đời sớm. Ông nội đồng chí là cụ Nguyễn Đức Khôi (hiệu Tự Phúc Trung). Dân làng gọi là cụ Đám Khôi, bởi cụ từng làm Quan Đám của làng, nhân cách đẹp gương mẫu, đạo đức. Dân làng kính trọng cụ Nguyễn Đức Khôi là một tấm gương đạo đức từ nhà ra đến làng, chăm chỉ việc làng, việc nước, am hiểu lẽ đời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quan Đám chỉ một lần và chỉ trong một năm để rồi mãi được tiếng thơm lưu danh ở làng là cựu Quan Đám. Làng đã tặng cụ một bức hoành phi (đại tự) “Tuấn dương thanh tụng” (ý nghĩa thật sâu xa: Con người tài hoa có sức như tuấn mã vươn xa. Nơi dương thế, tiếng thơm truyền tụng mãi).

Ý nghĩa bức đại tự này, ông nội có giảng cho con cháu nghe, nhắc nhở toàn gia sống sáng trong đạo đức để xứng đáng với dân làng đã kính trọng yêu quý. Từ thời niên thiếu, Quang Đạo đã ảnh hưởng sâu sắc truyền thống gia đình, quê hương. Từ con người đến các DSVH (di vật) có giá trị nhân văn của gia đình, làng xã.

Lớn lên trưởng thành Lê Quang Đạo là Bí thư chi bộ đầu tiên của Đình Bảng (từ tháng 8 năm 1940), tích cực cùng đồng chí trong chi bộ và nhân dân thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ xây dựng Đình Bảng là An toàn khu I (ATK) của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ 1940 - 1945, rồi làm cán bộ cấp cao. Khi đã là Trung tướng, là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà mỗi lần về làng, cho ô tô đậu xa ngoài cổng làng, đi bộ về, gặp ai cũng thân ái chào hỏi, tranh thủ thăm láng giềng, thăm họ hàng, hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống. Người Đình Bảng rất quý đồng chí Lê Quang Đạo về nhân cách này. Nhân cách con người học nhau mà rèn luyện ở tâm có đức, có trí, có nghề. Học và hành để sống có nhân cách. Trưởng thành chức quyền càng cao, càng có điều kiện để lan tỏa “nhân cách vì nước, gần dân, trọng dân, vì dân”. Giá trị và ảnh hưởng của nhân cách lớn lắm. Được nhân dân đánh giá là “người có nhân cách” thật là phúc đức lớn.

Bên trái ngôi nhà, ở gian cạnh treo bức hoành phi có hai chữ “Thư hương” có nghĩa là sách thơm. Nói đến việc học hành khoa cử, truyền thống đọc sách để học tập. Bức hoành phi này như nhắc nhở phải biết quý trọng sách, quý trọng tri thức mà chăm chỉ học hành. Nhỏ tuổi chăm đọc sách, nghe truyện sẽ sớm thông minh. Trang sách, trang đời. Chọn sách tốt mà đọc, mà học tập, mà làm theo. Thầy đẻ cho tiền tiêu vặt thì Nguyễn Đức Nguyện dùng vào mua hoặc thuê sách báo ở cửa hàng sách Phạm Văn Hảo ở Phủ Từ Sơn mang về nhà đọc. Nhiều nội dung cuốn sách đồng chí Lê Quang Đạo đọc rồi, hiểu rồi, lại thường kể lại cho người thân, bạn bè nghe. Đọc nhiều, học nhiều nên giỏi, đặc biệt môn văn và sống có nhân cách. Có vốn tri thức uyên bác, đồng chí nói chuyện có duyên, sâu sắc, có sức truyền cảm lớn. 

Tại hai cột gỗ bên hương án thờ ở gian giữa nhà đồng chí Lê Quang Đạo có treo đôi câu đối chữ Hán rất đẹp, sơn son thếp vàng như để tôn vinh nội dung ý nghĩa mà ông cha trân trọng:   

“Đạo đức tài bồi vinh quốc lộng

Quang huy tế thế chấn gia thanh”

Tạm dịch nghĩa:  

Trau dồi đạo đức vinh ở nước

Sáng nơi nối nghiệp nổi tiếng nhà”.

Ông Nguyễn Đức Cung thường nhắc con cháu trong gia đình ý nghĩa câu đối này, tâm đắc lắm. Khi ông uống rượu còn cao giọng ngân nga, giảng giải, thể như muốn ai cũng nên nuốt lấy lời này. “Lời vàng, ý ngọc chẳng hề phai”. Chắc chắn từ tuổi thơ đến khi trưởng thành, Nguyễn Đức Nguyện thấm nhuần tinh thần này. 

Những bức hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng trong nhà đồng chí Lê Quang Đạo ở chốn quê, cội nguồn tổ tiên như một cái bảng học vấn, quả có ý nghĩa như danh ngôn. Trong gia đình chọn treo lên ở nơi trang trọng linh thiêng để nối đời thực hiện như một gia quy, thành truyền thống nếp nhà. Đó là nét sáng văn hóa làng Việt Nam, văn hóa gia đình Việt Nam. 

Đồng chí Lê Quang Đạo từng nói: “Ông nội và thầy tôi có giảng cho, tôi có biết! Đó là những câu chữ có ý nghĩa và có nội dung giáo dục sâu sắc, gọn và tinh túy lắm. Trong đó có khát vọng nhân cách. Tất nhiên đó phải là những câu chữ hay. Người xưa chọn câu chữ viết hoành phi, câu đối nếu không đủ tài năng viết được thì thường phải nhờ đến người giỏi văn học, hiểu lịch sử, có tâm đức lớn chọn câu chữ cho”.

Được nghe mẹ đẻ kể những câu chuyện, Nguyện rất thích, dễ nhớ và tưởng tượng ra bao điều cổ tích bổ ích. Thật sự ảnh hưởng tốt về tình thương, trách nhiệm, sự tin tưởng, hăng hái trên đường vào đời. 

Trước khi cho con đi học tiểu học ở trường làng, ông Nguyễn Đức Cung đã dạy cho con học ở nhà. Dạy cho biết đọc, biết viết và cần gì học nấy. Ông luôn truyền cho Nguyện lòng yêu quê, yêu nước. Thường tranh thủ những buổi chiều quê đưa Nguyện đi thăm các ngõ xóm của làng, giải nghĩa cho biết sự tích tên gọi mỗi thôn xóm. Thăm các di tích của làng, giảng cho biết về lịch sử văn hóa đền Đô thờ Lý Bát Đế và các danh tướng khác của quê hương. 

Gia đình Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo

Những năm tháng tuổi thơ của đồng chí Lê Quang Đạo chịu ảnh hưởng của gia đình rất nhiều. Đó là gương soi hằng ngày để rèn mình lớn lên. Ông bà nội qua đời, còn ông bà ngoại, còn cả gia đình lớn, bao người yêu thương. Ai cũng đều là người đáng kính. Đó là gương soi đạo đức tuổi thơ cho Nguyễn Đức Nguyện nên người là Lê Quang Đạo.

Bác trưởng Nguyễn Đức Nhạ khi làm Lý trưởng của làng, vì bảo vệ dân chống lệnh quan trên, che giấu các nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám về làng nên ông bị chính quyền bảo hộ cách chức, bắt đi tù. Ra tù trở về nhà làm ruộng, nhuộm vải thâm, lại giúp đỡ ủng hộ các đồng chí cách mạng mà đồng chí Lê Quang Đạo đưa về nhà nhờ bảo vệ. Ông là người hiền từ, hay viết chữ “Phúc - Đức” trên giấy hồng điều tặng bà con để treo bên hương án thờ, luôn khuyến khích các con tham gia cách mạng và ủng hộ cách mạng. Con trai trưởng của bác trưởng là anh Nguyễn Đức Tốn, từng học sinh giỏi của trường Tiểu học Đình Bảng, thoát ly hoạt động từ năm 1941, làm cán bộ tuyên huấn của Đảng, hy sinh năm 1946, liệt sĩ “Tổ quốc ghi công”. Con thứ của ông là anh Nguyễn Đức Giao, tiếp là chị Nguyễn Thị Nụ, mỗi người ở nhà riêng, nhưng đều gây dựng cơ sở giúp đỡ bảo vệ nhiều đồng chí cán bộ cách mạng của Trung ương Đảng, của Xứ ủy Bắc Kỳ đi về hoạt động, đặc biệt đối với những việc, những cán bộ được đồng chí Lê Quang Đạo đưa về đề nghị giúp đỡ thì luôn sẵn sàng, đều đã cùng được Nhà nước tặng bằng “Có công với nước”. 

Bác ruột tiếp là ông Nguyễn Đức Quỳnh đã hưng công, dâng làng nhiều gạch đá lát đường, là cán bộ Mặt trận Việt Minh hoạt động bí mật, rất giỏi đánh cờ, rất chăm lo việc của đoàn thể cách mạng giao, được Nhà nước tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương “Có công với nước”. Con trai lớn của ông Nguyễn Đức Quỳnh là anh Nguyễn Đức Tuyền sớm là đảng viên, thân thiết, đồng tâm cùng ý chí với đồng chí với Lê Quang Đạo, từng là Bí thư chi bộ Đình Bảng năm 1947 rồi thoát ly làm cán bộ tuyên huấn của Đảng, luôn trách nhiệm việc làng, việc nước. 

Cậu ruột của đồng chí Lê Quang Đạo là Nguyễn Duy Thân, em trai của mẹ, là người có ảnh hưởng lớn đối với đồng chí từ thời học sinh, trực tiếp giác ngộ dìu dắt Nguyễn Đức Nguyện Lê Quang Đạo vào Đoàn Thanh niên dân chủ, rồi Đoàn Thanh niên phản đế, vào Đảng Cộng sản, đề cử đồng chí Lê Quang Đạo là Bí thư Chi bộ đầu tiên của Đình Bảng. Đồng chí Nguyễn Duy Thân đã tham gia giành chính quyền trong những ngày cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thủ đô Hà Nội là đại biểu Quốc hội khoá I.

Đồng chí đã kể năm học lớp Nhất cuối bậc tiểu học, thầy giáo cho đề văn “Miêu tả làng quê em”. Bài làm viết bằng Pháp văn. Khi thu bài, thầy giáo đọc ngay bài của Nguyễn Đức Nguyện, khen hay. Thầy gọi Nguyễn Đức Nguyện lên đọc bài đó trước lớp. Cả lớp vỗ tay, đề nghị cho sao chép để học tập. Khi về nhà, biết chuyện, cậu Nguyễn Duy Thân bảo Nguyễn Đức Nguyện lồng viết thêm ý yêu quê phải chống xâm lược. Nguyện đã làm theo ý cậu Thân, khéo léo tuyên truyền lòng yêu quê, yêu nước.

Trong thời gian học ở trường trung học tư thục Thăng Long - Hà Nội, vào ngày nghỉ Nguyễn Đức Nguyện vẫn về quê hoạt động bí mật trong tổ chức Đoàn thanh niên dân chủ, rồi Đoàn thanh niên phản đế ở làng và thật bản lĩnh tuyên truyền việc đi học như đã sáng kiến tổ chức đám rước xe hoa đăng đi cổ động khắp làng, thu hút nhiều người xem để rồi tuyên truyền “Hò đi học” do mình sáng tác ra.

Ông Nguyễn Đức Cung đã khen ngợi và cổ vũ việc làm của con trai mình, tạo điều kiện cho đồng chí Lê Quang Đạo sau đó thoát ly hoạt động cách mạng.

Năm 1990, về dự Lễ hội Đền Đô, gặp ngài Đại sứ Pháp từ Hà Nội về thăm, đồng chí Lê Quang Đạo lúc đó là Chủ tịch Quốc hội về với Hội quê đã bắt tay hữu nghị và rất cởi mở, vui vẻ giới thiệu bằng tiếng Pháp về lịch sử quê hương nhà Lý, về Đền Đô và Lễ hội Đền Đô. Ngài Đại sứ Pháp đã rất thích thú được niềm vinh dự nghe Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói về quê mình với tình yêu lớn, mà nói tiếng Pháp chuẩn, rất duyên. Chứng kiến cảnh đó, tôi đã chụp ảnh tư liệu khoảnh khắc đó đưa vào phòng truyền thống của làng.           

Ham thích viết văn, viết báo từ nhỏ, khi trưởng thành là cán bộ của Đảng từ ở xã, huyện, tỉnh, xứ ủy Bắc Kỳ và Trung ương, đồng chí Lê Quang Đạo là nhà báo cách mạng của Đảng, từng là biên tập viên các báo “Cứu quốc”,“Cờ Giải phóng”, “Quyết thắng” của Đảng. Xuất thân từ gia đình gia giáo của một làng quê có truyền thống “Địa linh nhân kiệt xuất nhập hanh thông”, cách mạng kiên cường, lý luận sắc bén, nhưng không quên tính hài hước. Đồng chí và gia đình đã lập tủ sách gia đình với nhiều sách quý, cả nhà cùng đọc và học tập. Đồng chí Lê Quang Đạo và phu nhân Nguyễn Thị Nguyệt Tú cũng đã nhiều lần tặng nhiều sách quý cho tủ sách ở trường quê. Mong các nhà giáo và các em học sinh coi trọng văn hóa đọc, chọn sách quý đọc, học tập và làm theo.

Em trai của đồng chí Lê Quang Đạo là Nguyễn Đức Nghiêm được sự nuôi dưỡng của gia đình, trong đó có sự giúp đỡ chỉ bảo của anh cũng trưởng thành là Biên tập viên nhà xuất bản Sự Thật, là Viện phó Viện Quốc tế, Viện Mác - Lê Nin (nay là Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).    

Đồng chí Lê Quang Đạo có nhạc phụ là danh họa Nguyễn Phan Chánh, một gia đình nghệ sĩ trí thức cách mạng. Phu nhân là nhà văn - nhà báo Nguyễn Thị Nguyệt Tú, một phụ nữ đảm đang, một đảng viên ưu tú, góp phần rất tích cực chăm lo việc nhà cho đồng chí yên tâm, vững bước đường công tác. 

 Những tấm gương ấy, truyền thống gia đình ấy đều ảnh hưởng tới sự hình thành một nhân cách cao đẹp cho đồng chí Lê Quang Đạo. Và đồng chí lại có ảnh hưởng tới sự phát triển và hình thành nhân cách tới các con cháu trong gia đình. Đó là trưởng nữ Tiến sĩ Nguyễn Nguyệt Tĩnh, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thắng, Thiếu tướng Tiến sĩ Nguyễn Quang Bắc, Cử nhân Nguyễn Đức Tuệ... Tất cả đều đang cùng đi con đường sáng theo gương cha mẹ đã đi.

Bôn ba nên người khá giả thì hồn vẫn nặng tình quê. Đồng chí Lê Quang Đạo luôn nhớ về cội nguồn. Khi phải dưỡng bệnh trong bệnh viện đã nói với các con rằng: “Sau này, khi bố không đủ sức khỏe thì các con cố gắng thay bố thăm hỏi họ hàng, quê nhà. Dù trong hoàn cảnh nào của đời sống và sự nghiệp cũng luôn nghĩ đến quê hương. Nếu có thể giúp gì được cho quê nhà thì nên làm”. 

Vì tình cảm ấy mà đồng chí Lê Quang Đạo cùng cả gia đình đã góp công sức cùng cả làng và dân nước công đức, phục dựng, tôn tạo bảo tồn cả cụm di tích lịch sử văn hóa trên quê hương, làm hạ tầng đặc biệt để phát huy nội lực trong sự nghiệp đổi mới, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc anh hùng.

Kính trọng nhân cách Nguyễn Đức Nguyện - Lê Quang Đạo, thực hiện đề tài “Giáo dục truyền thống quê hương. Từ giáo dục truyền thống nâng lên giáo dục lý tưởng để đẩy mạnh hành động cách mạng”, sau ngày đồng chí Lê Quang Đạo qua đời, năm 2000, trường THCS Đình Bảng được Đảng ủy Đình Bảng cho Liên đội TNTP của trường được mang tên Lê Quang Đạo trong tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh để học tập hình thành nhân cách cho đội viên, đoàn viên “Vì Lý tưởng của Bác Hồ, theo Đảng, chúng ta đi!”. Vui say học gương sáng đồng chí Lê Quang Đạo làm người có phẩm chất nhân cách tốt. Hoàn cảnh nào cũng coi trọng rèn giữ phẩm chất nhân cách tốt./.

                                                                                                                                                                                                                          NGUYỄN ĐỨC THÌN