Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

TRUYỆN KỂ DÂN GIAN VỀ TRAI TAM SƠN, GÁI VỌNG NGUYỆT
16:03 | 28/04/2021

Tam Sơn,Vọng Nguyệt là vùng “Địa linh nhân kiệt” tiêu biểu của hai huyện Từ Sơn (Đông Ngàn) và Yên Phong với truyền thống khoa bảng vẻ vang, có tới gần 30 vị đại khoa và hàng trăm cử nhân, tú tài. Nơi còn bảo tồn một  kho tàng đồ sộ truyền thuyết, truyện kể dân gian, ca dao, tục ngữ về truyền thống hiếu học khoa bảng.

Truyện kể dân gian rằng: Ngày xưa ở làng Tam sơn có một thư sinh tên là Sư Hoán, vốn thông minh ham học, tới làng Vọng Nguyệt tìm thày theo học. Sau một thời gian thầy đồ họ Chu thấy trò Hoán có chí thông minh ham học, nên rất quý mến, có ý muốn gả con gái cho. Sư Hoán cũng yêu mến con gái thầy bởi người con gái này tuy không vào hàng nghiêng nước  nghiêng thành nhưng rất thông minh, nết na, dịu dàng nên Tiên sinh mạnh dạn hỏi ý kiến thầy, rồi mới ngỏ lời tỏ tình với tiểu thư.

Tiểu thư tuy rất thích tiên sinh nhưng chưa nhận lời ngay mà còn muốn thử tài chàng trai này nên xin ý kiến cha, sau đó ra một vế đối: 

Gái Vọng Nguyệt nhìn trăng Vọng Nguyệt

Nguyệt nguyệt bằng phụ nữ thuyền quyên

 Thầy Chu khen hay nhưng gợi ý cho con gái sửa lại hai chữ trong câu đối: chữ “nhìn” thành chữ “trông”, chữ “phụ nữ” thành chữ “thục nữ” nghe hay hơn; như vậy nội dung vế đối sửa lại là:    

    Gái Vọng Nguyệt trông trăng Vọng Nguyệt

    Nguyệt nguyệt bằng thục  nữ thuyền quyên.

Tiên sinh suy nghĩ cả ngày mà chưa ra được vế đối lại, nhân thế thầy đồ Chu cho tiên sinh về quê thăm gia đình và tim vế đối. Tiên sinh về nhà đem chuyện thưa với cha. Người cha khuyên con đem quyển Kinh Thi lên chùa Cảm Ứng (Tam Sơn) đọc một bài bất kỳ rồi suy nghĩ kỹ sẽ tìm ra vế đối. Quả là ứng nghiệm - Tiên sinh nghĩ tiểu thư đó là gái Vọng Nguyệt, mình là trai Tam Sơn sẽ đối là trai Tam Sơn; còn bốn chữ tiếp sau “trông trăng Vọng Nguyệt” thì ứng với “đứng núi Tam Sơn”. Thế là được bảy chữ và nửa vế đầu, hai chữ nguyệt ghép lại theo chiều ngang thành chữ bằng, hai chữ sơn ghép theo chiều dọc (chồng lên nhau) thành chữ xuất, ghép bốn chữ thành “sơn sơn xuất; bốn chữ “thục nữ thuyền quyên” (chỉ con gái) nếu đối nam tử (con trai) sẽ là “anh hùng hào kiệt”, ghép lại thành câu đối sau:

Trai Tam Sơn đứng núi Tam Sơn

Sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt.

Nghĩ ra được nội dung câu đối hay để đáp lại câu đối của tiểu thư Vọng Nguyệt, Tiên sinh vội quay về nhà đọc cho cha nghe. Cha tiên sinh tuy không phải là thầy đồ nhưng cũng là người từng qua cửa Khổng sân Trình và có tài văn thơ, nên tấm tắc khen hay, thực tế Tam Sơn xưa nay đã có nhiều bậc anh hùng hào kiệt và khoa bảng nổi tiếng cả Kinh Bắc, sánh bằng Vọng Nguyệt. Thế là mặc dù chưa hết kỳ nghỉ phép nhưng Tiên sinh liền trở lại Vọng Nguyệt ngay để đọc vế đối cho thầy đồ và tiểu thư nghe. Nghe xong thầy đồ Chu khen là được nhưng chưa hoàn chỉnh, bởi vế đối ra là trông trăng, chữ “trông” xuất phát từ chữ “Vọng” trong tên làng Vọng Nguyệt, còn vế đối là đứng núi, chữ “đứng” không xuất phát từ chữ “tam” trong tên làng Tam Sơn. Tiên sinh xin phép thầy đồ được phân luận: Trông trăng Vọng Nguyệt, thực ra, trăng là trăng chung trên trời, chứ không có trăng riêng của làng Vọng hay bất cứ làng nào, còn vế đối nói là "núi Tam Sơn", thực sự có ba quả núi riêng của làng Tam Sơn. Vậy vế đối thực tế hơn.

Thầy đồ Chu nghe phân tích có lý, nên cùng tiểu thư khen hay. Sau đó ít lâu, đám cưới của Tiên sinh và Tiểu thư được tổ chức long trọng. Trong buổi lễ thành hôn, thầy đồ Chu đọc cả vế ra và vế đối cho hai họ nghe, ai cũng khen hay. Thầy đồ còn phân tích thêm vế đối hay hơn vế ra bởi anh hùng hào kiệt hơn là thục nữ thuyền quyên. Thực ra vế đề ra là của thầy đồ gợi ý cho con gái nên thầy đoán rằng Tiên sinh quê Tam Sơn này nếu đi thi sẽ đỗ cao hơn mình. Sau quả đúng như vậy, thầy đồ Chu đi thi chỉ đỗ tú tài, còn Tiên sinh đỗ Cử nhân. Khi Cử nhân tân khoa Nguyễn Sư Hoán vinh quy bái tổ, thầy Chu nói :

Con hơn cha là nhà có phúc

Trò vượt thầy là trường đa phúc.

Cả hai địa phương Tam Sơn và Vọng Nguyệt có truyền thống khoa bảng vẻ vang tiêu biểu, riêng Tam Sơn có 17 vị đại khoa, trong số đó có đủ tam khôi, hai vị Trạng Nguyên - Nguyễn Quan Quang là Trạng Nguyên đầu tiên của cả nước; tiêu biểu là hai họ Ngô - Ngô Nguyễn và Ngô Sách đều có 5 vị đỗ đại khoa. Vọng Nguyệt có 8 vị đại khoa, trong đó riêng họ Ngô có 5 vị. Tính cả Cử nhân và Tú tài thì hai địa phương này có tới hàng trăm vị. Cho nên nơi đây đã để lại hàng chục truyền thuyết, truyện kể dân gian, ca dao, tục ngữ là di sản văn hóa phi vật thể có giá trị nhân văn sâu sắc, góp vào kho tàng kho tàng di sản văn hóa lớn của quê hương đất nước./.

                                                                                                                                                                                                      LÊ VIẾT NGA