Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

TẤM GƯƠNG SÁNG NGƯỜI VỀ NHÂN CÁCH NGƯỜI CỘNG SẢN
08:18 | 14/07/2021

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, trên quê hương Cổ Pháp xưa (nay là khu phố Tỉnh Cầu, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), sớm được giác ngộ cách mạng, cuộc đời hoạt động của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo là tấm gương sáng ngời về nhân cách của một người cộng sản Việt Nam, đoàn kết và gắn bó máu thịt với Nhân dân, khiêm tốn, giàu lòng vị tha, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chuyện ông “quan Đốc lý Cộng sản”…

Những năm 1941-1943, Hà Nội ngẹt thở trong sự kìm kẹp, khủng bố của thực dân Pháp, Ban cán sự Đảng bộ bị vỡ đến lần thứ 8, cơ sở của Đảng và Mặt trận Việt Minh (MTVM) đã có trong nông dân thợ thủ công ở một số làng xã ngoại thành nhưng ở nội thành, cơ sở của MTVM trong công nhân, phụ nữ, học sinh, trí thức văn nghệ sĩ còn rất mỏng. Trước tình hình đó, Xứ ủy cử ông trực tiếp nắm tổ chức Văn hóa cứu quốc (VHCQ) và giới học sinh, sinh viên, trí thức, mở rộng MTVM trong các tầng lớp nhân dân. Ông thường gặp gỡ các thành viên trong tổ chức VHCQ, giảng giải về chương trình và điều lệ của MTVM, về nội dung dân tộc, khoa học đại chúng của Đề cương văn hóa Việt Nam; viết báo tuyên truyền Chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa” của Tổng bộ Việt Minh…

Với bản tính chân tình, cởi mở, hồn nhiên, biết lắng nghe ý kiến mọi người, diễn đạt khúc triết nên ông đã sớm thu phục được anh em VHCQ Hà Nội. Những người liên lạc thường gọi ông là “anh Mẫn kính trắng”, hay “anh Trần Hoạt”; còn trên báo, ông lấy bút danh là Ái Dân và “Hai chàng”..

Ngòi bút chiến đấu giàu chất thép, chất thơ của ông và các ông Xuân Thủy, Trường Chinh đã thắp lên ngọn lửa cách mạng trong lòng mọi người, kêu gọi, tập hợp nhân dân đoàn kết dưới ngọn cờ cứu nước của Việt Minh. Từ tổ VHCQ đầu tiên, dưới sự chỉ đạo của ông, phong trào văn hóa phát triển mạnh đã làm cho thực dân Pháp điên đầu, nhưng phải nể phục “ông quan cộng sản”, chúng dùng nhiều thủ đoạn, giăng bẫy để bắt ông. 

Một lần, vừa đến nhà ông Vũ Quốc Uy thì thấy dấu hiệu khác thường, ông nhanh chóng trốn lên sân thượng rồi tụt xuống sau nhà, lẫn vào đám đông khi trời đã nhập nhoạng tối. Bọn mật thám rình ở trong nhà, bắt hụt người lãnh đạo phong trào Hà Nội. Tại Sở Liêm phóng Bắc Kỳ, tên mật thám Luýt tra hỏi nhà văn Tô Hoài (người đã bị mật thám bắt trước đó): “Cái thằng bé con vẫn họp với chúng mày ở nhà thằng Uy, mày có biết nó là ai không? Mày quan hệ với nó thế nào?”. Tô Hoài im lặng lắc đầu. Tên mật thám quắc mắt nhìn Tô Hoài: “Nó là quan Đốc lý cộng sản đấy”. Đốc lý là một chức danh đứng đầu chính quyền Hà Nội trong thời kỳ thuộc Pháp do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm, biết được ảnh hưởng to lớn của ông Lê Quang Đạo đối với phong trào Hà Nội, nên bọn mật thám đã đặt cho ông biệt danh “Đốc lý cộng sản”.

Bước ngoặt về đổi mới hoạt động nghị trường

Sau 28 năm phục vụ trong quân đội, tháng 6 năm 1978, Bộ Chính trị điều động ông Lê Quang Đạo làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, ông đã cùng tập thể Thường vụ Thành ủy lo chạy gạo, mỳ, chất đốt... cho nhu cầu tối thiểu của người dân. Để tiết kiệm cho công quỹ thành phố, ông đi bộ từ nhà đến cơ quan mang theo một cà mèn cơm như cán bộ nhân viên thời đó. Trong gieo neo, ông đã dành nhiều công sức đi xuống các trường đại học, các viện nghiên cứu, nhà máy, xí nghiệp, gặp gỡ lắng nghe ý kiến ở cơ sở để có cái nhìn toàn diện, cụ thể về sự phát triển Thủ đô và từ đó đề ra chủ trương từng bước tháo gỡ khó khăn.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992), ông Lê Quang Đạo được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phạm Hùng được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT). Đây là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện sứ mệnh cao cả mở đường cho công cuộc đổi mới toàn diện ở nước ta về mặt Nhà nước. Tháng 3/1988 đồng chí Phạm Hùng đột ngột qua đời. Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/1988, Quốc hội bầu Chủ tịch HĐBT thay đồng chí Phạm Hùng. 

Theo thông lệ, Bộ Chính trị đã giới thiệu đồng chí Đỗ Mười, nhưng một đoàn đại biểu ở phía Nam giới thiệu thêm một ứng cử viên cũng là Phó Chủ tịch HĐBT. Là người chủ tọa kỳ họp, trước sự việc tế nhị và nhạy cảm, Chủ tịch Lê Quang Đạo nói với các đoàn đại biểu: “Chúng tôi xin ghi nhận có hai đồng chí được giới thiệu”. 

Sau đó, ông gặp riêng hai người được đề cử và gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trình bày thẳng thắn ý kiến của mình: “Đảng vừa có chủ trương đổi mới toàn diện, trường hợp này nằm trong quyền hạn của Quốc hội, tôi thấy nên để Quốc hội lựa chọn giữa hai ứng cử viên bằng lá phiếu”.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đồng tình: “Tôi cũng thấy có lẽ nên như vậy. Ta không có lý do gì bác bỏ đề nghị của đa số các đoàn…”. Cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch HĐBT với hai ứng cử viên, kết quả, đồng chí Đỗ Mười trúng cử Chủ tịch HĐBT. Sự kiện này là bước tiến cơ bản trong quá trình dân chủ hóa nghị trường, đã tạo ra bầu không khí hồ hởi, phấn khởi không những trong Quốc hội mà cả đảng viên, cán bộ và đồng bào cả nước.

Hết lòng vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc

Kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, ông được chuyển sang chuyên trách công tác Mặt trận. Mười bảy năm liên tục tham gia Đoàn Chủ tịch, trong đó 12 năm đảm nhiệm trọng trách Bí thư Đảng đoàn và 5 năm là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (1994-1999), ông đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. 

Với trọng trách được phân công, ông đã cùng các ông Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Tấn Phát tham gia xây dựng Chỉ thị 17 CT/TW ngày 18/4/1983: “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác MTTQ Việt Nam” và Nghị quyết 07 ngày 7/11/1993 của Bộ Chính trị về “Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất trong tình hình mới”. Hai văn kiện này ra đời đã tạo ra một không khí hòa hợp, tin tưởng, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, góp phần quan trọng kết nối mọi người thành một khối thống nhất, tạo ra sức mạnh mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Luật MTTQ Việt Nam ông đã dành tâm lực, trí tuệ nghiên cứu, đề xuất những quan điểm lớn về Mặt trận, trong đó đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định để đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận.

Trong quá trình xây dựng dự án luật, ông đã trực tiếp gặp gỡ các vị lão thành cách mạng, tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội, các nhân sỹ trí thức tiêu biểu: Các ông Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, Hoàng Minh Giám, Phạm Khắc Hòe, Cù Huy Cận, Phan Đình Diệu và cả những người đã từng làm việc trong bộ máy chính quyền miền Nam như: Ông Nguyễn Xuân Oánh (nguyên Phó Thủ tướng thời Nguyễn Văn Thiệu), ông Nguyễn Văn Huyền, bà Phước Đại (nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thượng nghị viện Sài Gòn)… để lắng nghe, tiếp thu ý kiến và thuyết phục, nhằm tạo sự đồng thuận trước khi trình Quốc hội.

Chủ tịch Lê Quang Đạo cũng rất coi trọng vai trò phản biện trong hoạt động của Mặt trận. Ông cho rằng, nước ta có một Đảng duy nhất lãnh đạo nên Mặt trận phải là nơi thu thập nhiều luồng ý kiến của dư luận, kể cả ý kiến trái chiều. Ông đến tận nhà Giáo sư Trần Văn Hà, chăm chú lắng nghe Giáo sư trình bày đề án “Khủng hoảng lối ra và điều kiện cất cánh của Việt Nam theo lý thuyết tình huống và phương pháp xử lý tình huống - hành động”. Tuy Giáo sư trình bày có việc liên quan đến trách nhiệm của ông khi làm Chủ tịch Quốc hội, ông Lê Quang Đạo điềm tĩnh, ghi chép và trao đổi thẳng thắn, thân tình, trân trọng một cách làm khoa học, một việc có ích cho đất nước. Trước khi kết thúc, giáo sư Trần Văn Hà bộc bạch: “Tôi là người ngoài Đảng, khi làm công trình này chỉ mong nó đến được với các anh…” 

 Ba tháng trước khi mất, trong lá thư cuối cùng gửi Bộ Chính trị, ông viết: “Mặt trận phải góp phần cùng nhân dân và nhà nước làm nhiệm vụ giám sát sao cho có hiệu lực và hiệu quả nhất”. Ở trong bệnh viện, dù bệnh tình không thuyên giảm, ông vẫn giấu nỗi đau, tiếp tục bổ sung báo cáo chuẩn bị cho Đại hội V (tháng 8/1999) của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Tại kỳ họp thứ 10, ngày 12/6/1999 Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật MTTQ Việt Nam, từ đó đến nay vấn đề giám sát và phản biện xã hội đã và đang phát huy tác dụng tích cực trong cuộc sống và trở thành chức năng quan trọng của MTTQ Việt Nam. 

Thời gian đã lùi xa, những ý tưởng manh nha của ông từ hơn 20 năm trước đã được khẳng định trong văn kiện Đảng: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung… để tập hợp đoàn kết mọi người vào mặt trận chung…” 

Tình yêu và lòng vị tha

Mối tình của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và nhà văn Nguyệt Tú là một tình yêu được xây đắp trên nền tảng của lòng yêu nước và tình cảm cách mạng. Nhà văn Nguyệt Tú là con gái của danh họa Nguyễn Phan Chánh, một người phụ nữ thành đạt trên con đường công danh sự nghiệp, bà từng là Giám đốc NXB Phụ nữ, nhưng đóng góp của bà đối với sự nghiệp của chồng mình thì không thể phủ nhận.

Trong hồi ức về câu chuyện tình của mình, bà thổ lộ: “Tuy xây dựng cho mình hình tượng người bạn đời phải cao to, đẹp trai nhưng tôi lại phải lòng người con trai trắng trẻo, nhỏ nhắn, thư sinh ngay từ lần gặp đầu tiên. Người ấy đã mang trong mình một sức mạnh làm tôi tin tưởng gửi gắm cả cuộc đời”.

Ông Lê Quang Đạo và bà Nguyễn Thị Nguyệt Tú gặp nhau lần đầu tiên vào một ngày thu năm 1946 tại Hà Nội. Khi đó, ông đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, còn bà Nguyệt Tú là Phó Bí thư Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh ra Hà Nội học và công tác, đến báo cáo với đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội. 

Khi được bạn giới thiệu “Đây là đồng chí Đạo, Bí thư Hà Nội”, bà Nguyệt Tú nghi ngại: Đồng chí Bí thư trẻ quá, trông chỉ như bạn học, thoạt nhìn anh giống nhà thơ, nhà báo hơn là cán bộ cấp tỉnh. Ra về, bà vẫn thắc mắc, bộc bạch với bạn cùng đi là Bí thư mà trông mặt… non choẹt.

Lần đầu tiên gặp bà, ông Đạo bị ấn tượng mạnh bởi cô cán bộ trẻ măng và “tròn” như hạt mít, có đôi mắt đen to và rất sáng, thông minh, giọng Huế nhẹ nhàng pha âm sắc xứ Nghệ nghe thật dễ thương.

Hai người còn gặp nhau vài lần nữa, trong các buổi họp nghe ông Lê Quang Đạo diễn thuyết, bà rất nể phục. Ông  trình bày đơn giản, dễ hiểu các vấn đề lý luận phức tạp, lại dí dỏm vui tính. Ông đã trở thành thần tượng của bà trong những ngày đầu tham gia cách mạng. Nhưng ấn tượng mạnh nhất là trong hoàn cảnh khắc nghiệt, gian khổ của cuộc chiến tranh, trên gương mặt người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội vẫn luôn nở nụ cười rạng rỡ, trẻ trung, bình tĩnh, lạc quan.

Năm 1948 ông và bà gặp lại nhau ở khu 11, bà thấy ông giản dị, gần gũi hơn nhiều so với một năm về trước. Ông mặc bộ quần áo nâu, một ống quần bị rách, túm bằng chiếc kim băng, đi đôi dép cao su con hổ có một miếng vá bằng săm xe đạp màu đỏ. Ngồi nói chuyện với nhau, bắt gặp ánh mắt sâu thẳm của ông nhìn mình, bà thấy xao xuyến, nhưng ông chỉ say sưa kể chuyện về vùng địch tạm chiếm quanh Hà Nội. Hôm sau, ông lại sang, vẫn say sưa kể về công tác của mình. Ngày thứ ba, bà dậy sớm, có ý đợi nhưng ông đã đi xuống xã. Bà cảm thấy rất buồn khi rời khu 11. Sau khi về cơ quan Phụ nữ Trung ương, bà nhận được thư ông Đạo. Mấy dòng chữ ngắn ngủi viết vội trên một mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay: “Rất tiếc tôi về, chị đã đi Nam Định. Mong có ngày gặp lại”. Bà vừa buồn, vừa thất vọng, thao thức mấy đêm liền. Bà gửi thư trả lời ngay: “Chúng ta chỉ nên là hai người đồng chí tốt thôi anh ạ! Có lẽ quan niệm về tình yêu không giống nhau”.

Nửa tháng sau bà Nguyệt Tú nhận được thư của Lê Quang Đạo, lần này ông chính thức đặt vấn đề tìm hiểu bà, lời lẽ rất tình cảm, chân thành. Thực ra, ông Đạo đã nhận được thư từ chối của bà Nguyệt Tú nhưng coi như chưa nhận được, trong lá thư đặt vấn đề tìm hiểu, ông cố tình đề ngày sớm hơn ngày nhận được thư của bà… Lần gặp sau, ông không xưng “tôi” - “chị” nữa mà chuyển sang “anh” - “em”... Hai người hẹn nhau 5 năm nữa mới cưới, vì bà Nguyệt Tú muốn được tham gia công tác thêm.

Một lần, bà về công tác tại làng Trinh Tiết (Hà Đông) cũng là nơi Thành uỷ sơ tán ở đó, được đoàn thể bố trí gặp nhau trong một nhà dân. Căn phòng mái lá đơn sơ được ngăn với phòng bên bằng một tấm liếp. Khi ông nhè nhẹ kéo bà vào lòng thì một tiếng ho bất ngờ làm cả hai giật mình. Bà chủ nhà ngồi bên kia vách vẫn canh chừng qua khe hở tấm liếp. Người dân ở đây vẫn có tục lệ kiêng, không cho người lạ yêu nhau trong nhà mình. Họ cho rằng như vậy lợn nhà mình sẽ chê cám!

Tháng 9 năm 1948, quân Pháp nhảy dù xuống Vân Đình và bắt gần 200 phụ nữ tập trung ra đình, đúng lúc bà Nguyệt Tú đang trên đường đi công tác qua. May mắn, bà chạy thoát. Cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt, chiến tranh không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra, vì vậy bà không muốn ông chờ đợi đến 5 năm như lời hẹn ước, nhân bữa cơm tiễn đoàn cán bộ Trung ương do ông Lê Đức Thọ dẫn đầu vào Nam công tác, cơ quan đã tổ chức lễ cưới cho 2 người, do ông Lê Đức Thọ làm chủ hôn. Những bông hoa rừng được hái xuống cắm vào cốc thủy tinh. Chú rể vẫn mặc bộ quần áo nâu thường ngày. Cô dâu quấn tóc kiểu “một lô cốt”, mặc chiếc áo nâu, quần lụa đen đi mượn vì vừa bị mất ba lô quần áo do chạy Tây nhảy dù. Trong đám cưới, Lê Quang Đạo hát bài “Cây trúc xinh” rất hay, đúng chất Quan họ Bắc Ninh quê ông và hát thay cô dâu một bài hát dân gian “Nồi niêu” dí dỏm. Đêm tân hôn, trời se lạnh và trăng rất sáng. Phía cánh đồng, tiếng côn trùng rả rích. Hai vợ chồng nói chuyện đến khuya. Con gái đầu Nguyệt Tĩnh của ông bà được sinh ra từ cái đêm trăng rất sáng ấy. Hôm sau ông hóm hỉnh tâm sự với bà: “Từ khi đi làm cách mạng, anh đã nhiều lần lấy “vợ giả” để che mắt mật thám. Lần này mới được lấy vợ thật đấy”.

Năm sau, ông được điều động vào quân đội công tác ở chiến khu Việt Bắc, bà Nguyệt Tú ở khu Bốn, hai người chủ yếu trao đổi qua thư. Sinh con đầu lòng không ở cạnh vợ, nhưng những lá thư thắm thiết tình yêu của ông đã khiến bà vơi phần nào nỗi vất vả, đến khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, hai vợ chồng mới gặp lại nhau.  

Những năm tháng Hà Nội và cả miền Bắc gồng mình chống trả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ông công tác tại chiến trường miền Nam, ít khi có điều kiện gặp nhau, một mình bà vừa lặn lội xuống cơ sở viết tin bài cho báo Phụ nữ vừa phải chăm lo, nuôi dạy các con, tuy vất vả, nhưng trong các lá thư gửi ông, bà chỉ dám nói một phần những khó khăn của mình.

Từ ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, ông bà có điều kiện ở gần nhau, ông luôn quan tâm, chăm sóc bù đắp cho bà. Mỗi lần bà đi công tác xa, ông lại tỉ mỉ xếp hành lý cho bà, không bỏ sót thứ gì dù là nhỏ nhất. Khi bà Nguyệt Tú làm Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ, lo vợ thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý cán bộ và kinh doanh nên trong những bữa ăn, ông tranh thủ trao đổi kinh nghiệm công tác cán bộ với vợ. Bác sĩ riêng của ông có lần nói đùa: Nhà mình nên treo biển “không nói chuyện chính trị trong bữa ăn”.

Bà Nguyệt Tú kể, ông Đạo là người ngăn nắp, gọn gàng, bà lại hay để sách bừa bộn trên bàn những khi viết văn. Ông phê bình, bà giận, tự ái... Những lần sau ông không nói gì, chỉ lẳng lặng dọn lại ngăn nắp… Ông thông cảm, thường động viên vợ sáng tác, nhiều khi bà lười viết, ông lại nhắc: “Sách Tú viết đến đâu rồi?”. Rồi ông giúp bà thu thập tài liệu viết sách. Ông cũng là bạn đọc đầu tiên của bà. Bà thường tâm sự “Nếu hôm nay tôi được gọi là nhà văn Nguyệt Tú thì công không nhỏ thuộc về anh Đạo”.

Khi bà Nguyệt Tú về hưu, ông Lê Quang Đạo đang làm Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, ông thường tạo điều kiện cho bà tiếp xúc với các sự kiện chính trị của đất nước để tiếp tục viết văn, nói chuyện cùng bà để vơi bớt cảm giác hụt hẫng khi nghỉ hưu. Ông động viên bà viết báo và vui với từng bài báo, từng tác phẩm của vợ.

Bà thường tâm sự với bạn bè: “Người con gái nào cũng muốn tìm cho mình người đàn ông lý tưởng. Tôi và anh Đạo cùng lớn lên trong môi trường học sinh, cùng đi hoạt động cách mạng, cùng thích thơ văn. Nhưng chúng tôi có nhiều điểm khác nhau. Nếu anh Đạo không kiên nhẫn, nhường nhịn và rất yêu tôi, chúng tôi đã không có những ngày hạnh phúc như thế.Nếu có ai hỏi tôi bí quyết hạnh phúc vợ chồng, tôi sẽ trả lời, đó là “tình yêu và sự thông cảm, vị tha”.

Cuộc sống tuần tự trôi theo dòng thời gian. Trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp và  cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1998 là năm ông bà tổ chức “Đám cưới vàng” - 50 năm sau ngày cưới! Hai mái đầu, tóc đã bạc, nhưng như một điều bí ẩn, người vợ tuổi đã ngoài 70 lại nhìn thấy nơi mình một tình yêu thương nồng nàn và sâu sắc hơn cả những năm tuổi trẻ. Bà bảo, thật kỳ lạ là tình yêu!

Mấy ngày trước khi đi xa (24/7/1999), dường như ông linh cảm thấy sự chia tay. Một buổi trưa, bà đang gọt trái cây cho ông ăn, bỗng nhìn vào mắt bà, giọng trìu mến: 

- Bọn mình sống với nhau hơn 50 năm rồi nhỉ? Tuần trăng mật ngày ấy Tuệ đưa anh đi mổ mắt, em còn nhớ không?

Bà thầm thì, rưng rưng nước mắt: 

- Còn nhớ, em còn nhớ.

Khuôn mặt mệt mỏi của ông bừng lên rạng rỡ. Bà nắm chặt tay ông, lặng đi trong lo lắng. Mãi sau này, nghĩ lại, bà vẫn còn tiếc sao lúc ấy mình không nói với ông nhiều hơn nữa về tình yêu, về hạnh phúc... 

Sau khi ông mất, bà Nguyệt Tú đã xuất bản tập thơ đầu tiên “Mây trắng” tặng chồng. Các bài thơ chỉ nói về một đề tài duy nhất: Tình yêu dành cho chồng, sự thiếu vắng anh. Chính tình yêu đã khiến bà Nguyệt Tú lấy lại cảm xúc và sức sáng tác thơ văn của những ngày còn trẻ.

*     *

*

Chủ tịch Lê Quang Đạo đã sống, làm việc và cống hiến cho đất nước đến hơi thở cuối cùng. Những ngày nằm viện, nhiều lúc phải thở ô-xy, khi tỉnh dậy ông vẫn hỏi về công việc của Mặt trận, đọc và nghe báo cáo về những kiến nghị của đồng bào cả nước, nguyện vọng của bà con sống xa Tổ quốc. Trái tim người trai Đình Bảng ngừng đập khi cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam” (do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên) vẫn đang mở trên đầu giường bệnh… 

Ông là một trong những tấm gương sáng ngời, cao đẹp, mẫu mực về nhân cách của một người Cộng sản Việt Nam, một nhà lãnh đạo, người đồng chí gần gũi khiêm tốn, chân thành, thuỷ chung, nhân ái, sống giản dị, trong sáng như những làn điệu Quan họ mượt mà, đằm thắm trên quê hương Kinh Bắc./.

                                                                                                                                                                                                                                         TÂN HUYỀN