Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NGUYÊN MẪU BÀI THƠ "NĂM ANH EM TRÊN MỘT CHIẾC XE TĂNG"
09:42 | 21/12/2021

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Bá Năng (thôn Yên Ngô, xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là người trực tiếp trải qua hai cuộc chiến tranh, đánh Mĩ - Ngụy ở miền Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979 ở Lạng Sơn. Về với đời thường ông là người “kín tiếng”, ít kể về những ngày chiến trận, trong đó có kỉ niệm là nguyên mẫu bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của nhà thơ Hữu Thỉnh, sau được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng, bài truyền thống của Binh chủng Tăng - Thiết giáp.

CCB Nguyễn Bá Năng sinh năm 1949 trong gia đình nông dân ở thôn Yên Ngô. Đủ 18 tuổi ông tham gia quân ngũ, ngày 23/2/1967, thuộc sư đoàn 320, huấn luyện ở Mai Sưu (Lục Nam, Bắc Giang). Sau mấy tháng huấn luyện đeo gạch vượt Yên Tử mô phỏng đường Trường Sơn, cả đơn vị hành quân tập kết ở Nho Quan (Ninh Bình). Tháng 7/1976 đơn vị làm lễ xuất quân. Tiếp tục hành quân bộ ròng rã nhiều ngày liền và đến điểm tập kết ở Suối Cạn (thuộc Bản Tranh, huyện Cam Lộ). Tháng 2/1968 đơn vị đánh trận đầu tiên ở điểm cao 241 sau đó tấn công huyện lị Cam Lộ. Đến tháng 10/1968, Trung đoàn 202 xe tăng tập kết chuẩn bị cho trận đánh làng Vây. Trung đoàn trưởng Trần Kiện cần tuyển thêm chiến sĩ mới, và Nguyễn Bá Năng, Nguyễn Xuân Long (quê Tiên Du) lọt mắt xanh của người chỉ huy cao nhất đơn vị tăng. Ông theo Trung đoàn trưởng ra Bắc huấn luyện, được cử làm chiến sĩ pháo số 2, sử dụng súng 12.7 li. Cuối năm 1970 ông được biên chế về xe tăng T160 gồm 5 người: Xe trưởng Lê Đức Tuân (quê Hà Nội); Lái 1 Lê Quang Dụ (quê Thái Bình); Lái 2 Nguyễn Xuân Long (quê Tiên Du); Pháo 1 Vi Văn Đảm (quê Phú Thọ); Pháo 2 Nguyễn Bá Năng. Tháng 10/1970 xe tăng T160 hành quân đến Mường Phìn (tỉnh Xavannakhet, Lào) và đóng quân tại Binh trạm 32 đoàn 559. Trước khi hành quân sang Binh trạm 40 tác chiến, xe tăng T160 được nhận vị khách đặc biệt theo xe là nhà thơ Hữu Thỉnh. Hóa ra xe trưởng Lê Đức Tuân có quen biết khách vì cùng tham gia lớp viết văn quân đội. Lúc có lệnh hành quân, cả 5 anh em cùng “lên xe” đồng thời một lúc, thời gian chỉ trong tích tắc khiến nhà thơ đột nhiên nổi thi hứng. Ông xòe hai bàn tay ra lẩm nhẩm: Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Đã lên xe là cùng một nhịp tim, cùng một quyết tâm, cùng một hướng tiến công. Và thế là bài thơ “Bài thơ bên tháp pháo xe tăng” ra đời. Từ ngày 8/2 đến ngày 23/2/1971 xe tăng T160 tham gia chiến đấu trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Trong trận đánh vào thị xã Xanavan, chiến sĩ pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Năng đã bắn hạ chiến máy bay L19 bằng súng phòng không 12,7 li. Đây là máy bay trinh sát, chuyên chỉ điểm mục tiêu cho máy bay, pháo binh của địch. Mất máy bay trinh sát thì hỏa lực địch cũng mất tác dụng. Trận đánh của đơn vị phát triển thuận lợi.

Với thành tích chiến đấu liên tục, tháng 5/1972 chiến sĩ pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Năng của xe tăng T160 được cử ra Bắc học khóa 1 Trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp. Nhưng do hoàn cảnh gia đình, ngay sau khi tốt nghiệp sĩ quan ông đã xin ra quân và được đơn vị chấp nhận.

Ngày 23/2/1979 Nguyễn Bá Năng nhận lệnh tái ngũ, trở thành Đại đội Phó của Trung đoàn 196, Sư đoàn 338 tham gia chiến đấu ở Chi Ma, Lộc Bình, Lạng Sơn. Ngày 28/2 đại đội bước vào chiến đấu. Ngay loạt đạn đầu tiên đồng chí Đại đội Trưởng trúng đạn cối 82 của địch bị thương, thế là Nguyễn Bá Năng nhận quyền Đại đội trưởng chỉ huy đơn vị tiếp tục chiến đấu. Lúc này địch bắt đầu rút quân, đơn vị truy kích đến cửa khẩu Chi Ma thì được lệnh dừng lại củng cố trận địa sẵn sàng chiến đấu. Chỉ huy đơn vị giữ chốt đến năm 1984 thì Nguyễn Bá Năng được trên cho phục viên. Trở về quê, ông miệt mài công tác, được kết nạp vào Đảng và được bầu là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Tổng kết kháng chiến, CCB Nguyễn Bá Năng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mĩ hạng Ba.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bất ngờ CCB Nguyễn Bá Năng nhận được lời mời tham gia chương trình kỉ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào của VTV1 và Đài phát thanh truyền hình Hà Nội. Bao kí ức chiến trường ùa về. Đây nhà thơ Hữu Thỉnh, nhạc sĩ Doãn Nho và các đồng đội xe tăng T160 “năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Nhưng xe trưởng Lê Đức Tuân đã không thể đến gặp mặt anh em được nữa, mà con trai ông đến dự. Năm anh em ở năm quê, lên xe là một và khi trở về năm quê vẫn cữ mãi là một, chỉ một hướng tấn công, trước đây là tấn công quân thù, nay là tấn công đói nghèo, lạc hậu, góp phần xây dựng quê hương đổi mới, hiện đại, văn minh./. 

                                                                                                                                                                                                         PHẠM THUẬN THÀNH