Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

LÝ THÁI TỔ
10:45 | 16/05/2019

Nương nhờ cửa Phật

Ngày Tân Hợi, tháng mười năm Kỉ Dậu (1009) vua Lê Ngoạ Triều qua đời ở tẩm điện. Công Uẩn cùng Hữu điện tiền chỉ huy sứ Nguyễn Đê mỗi người đem 500 quân tuỳ long vào cung làm túc vệ. Do Lê Ngoạ Triều hiếu sát, con thì bé, đình thần đã tôn Công Uẩn làm vua vào ngày Quý Sửu.

Tuy còn nhiều điểm mờ về thân thế, nhưng sử sách và truyền thuyết đều chỉ rõ thời thơ ấu nhà vua đã nương nhờ cửa phật, được học tập và rèn luyện trưởng thành do hai nhà sư tài ba Lý Khánh Văn và Lý Vạn Hạnh dạy bảo.

Trước khi Công Uẩn ra đời, chùa Ứng Thiên Tâm châu Cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng đốm đen thành hình hai chữ thiên tử. Kẻ thức giả nói đó là điềm năm Tuất sinh người làm vua. Đúng năm Giáp Tuất sư trụ trì nhận bà Phạm thị bụng mang dạ chửa vào ở nhờ rồi sinh con trai, lòng bàn tay đứa trẻ có bốn chữ son sơn hà xã tắc thì mừng lắm. Sau khi sinh nở mẹ tròn con vuông nhà sư thu xếp cho mẹ con bà Phạm thị về chùa Minh Châu làng Dương Lôi. Ba năm sau bà Phạm thị ẵm con đến nhà Lý Khánh Văn, được nhận làm con nuôi. Công Uẩn lúc bé đã tỏ ra thông minh tuấn tú khác thường. Sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ đến chơi chùa Ứng Tâm thấy Công Uẩn thì khen: Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ.

Từ đấy sư Vạn Hạnh ra sức rèn cặp Công Uẩn thành tài.

Người em nuôi đức vua 

Khi Công Uẩn theo học Thiền sư Vạn Hạnh thì sư Lý Khánh Văn lại nhận một đứa trẻ dị tật ái nam ái nữ làm con nuôi, đặt tên là Lý Nhân Nghĩa. Ông cũng ra sức rèn cặp để sau này Nhân Nghĩa trở thành trợ thủ đắc lực của Công Uẩn.

Ít lâu sau sư Lý Khánh Văn dẫn chú tiểu cùng đến chùa Tiêu thăm Vạn Hạnh thì anh em Công Uẩn - Nhân nghĩa mới gặp mặt nhau. Nhân Nghĩa kém hai tuổi là em, nhưng vóc dáng lại cao to hơn Công Uẩn. Anh em rất quý mến nhau. Khi Nhân Nghĩa bị sốt cao, Công Uẩn tự tay nấu cháo, sắc thuốc, lại nằm ấp cho em đỡ lạnh.

Thời bấy giờ vua Lê có 11 hoàng tử và 1 con nuôi đều được phong vương, lập con trưởng làm thái tử Kinh Thiên vương. Năm Canh Tí (1000) thái tử mất, vua lập hoàng tử thứ 3 là Nam Phương vương Long Việt làm thái tử. Sư Vạn Hạnh thấy thái tử quá nhân hậu, khó làm việc lớn nên tiến cử Công Uẩn phò giúp. Hoàng tử thứ 5 là Khai Minh vương Long Đĩnh, em cùng mẹ với thái tử có chí lớn, nên Vạn Hạnh tiến cử Nhân Nghĩa theo hầu.

Tháng 3 năm Ất Tị (1005) vua Lê qua đời ở điện Trường Xuân. Đông Thành vương, Trung Quốc vương, Khai Minh vương đem quân đánh kinh đô tranh ngôi với thái tử. Mãi đến tháng 10 Đông Thành vương thua chạy, bị giết ở Kì La; Trung Quốc vương chạy về Phù Lan dựa vào Ngự Bắc vương, thái tử mới lên ngôi. Ba ngày sau quân của Khai Minh vương đánh tới, vua mới bị em ruột giết chết đoạt ngôi. Các bề tôi đều chạy trốn, duy chỉ có Điện tiền quân Lý Công Uẩn cứ ôm xác vua mà khóc. Nhân Nghĩa lo lắm, nghĩ ngay kế cứu anh, bảo với Long Đĩnh rằng:

- Tâu chúa thượng, bầy tôi của vua vừa nãy còn xúm vào nịnh hót, nay vua chết đã bỏ chạy như chuột thấy mèo, xem ra chỉ còn người này đáng mặt trung thần.

Long Đĩnh đã giành được ngôi cũng lo anh em khác lại kéo quân tới, muốn thu phục lòng người, nghe Nhân Nghĩa nói vậy thì tươi cười:

- Phải rồi, viên quan này đúng là trung thần nghĩa sĩ, ta sẽ ban thưởng. 

Long Đĩnh lên ngôi, truy đặt tên thuỵ cho vua cha là Đại Hành hoàng đế, vua anh là Trung Tông hoàng đế, cho Công Uẩn làm Tứ sương quân phó chỉ huy sứ.

Long Đĩnh tính hiếu sát như vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Thương. Hoạ mất nước từ đó mà ra. Những người bị hành hình, vua sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt, hoặc sai kép hát người nước Tống là Liễu Thủ Tâm lấy dao cùn mà xẻo từng miếng thịt để vua xem. Vua nghĩ ra rất nhiều trò tiêu khiển bằng các cách giết người. Bấy giờ trong dân gian có lời sấm truyền, sư Vạn Hạnh đoán: vua yếu tôi mạnh, nhà Lê mất, nhà Lý thay; nhà Trần kế tiếp; lại đến nhà Lê; qua vài năm thiên hạ thái bình.

Lời sấm đến tai vua, nhưng Lê Ngoạ Triều không tin. Đến khi vua ăn khế lại thấy hột mận mới tin lời sấm ngữ, bèn ngầm sai người tìm diệt họ Lý. Lý Nhân Nghĩa làm nội thị trong cung, rất lo cho Lý Công Uẩn. Nhân Nghĩa lựa lời nói với vua rằng:

- Bệ hạ ăn khế mà có hột mận thì chẳng hoá ra có hột mận thật hột mận giả à. Thế thì ở đời cũng có họ Lý thật họ Lý giả đấy. Như thần mang họ Lý là của thầy dạy, còn quan Thân vệ tuy mang họ Lý nhưng cũng là họ của bố nuôi.

Lê Ngoạ Triều khen phải:

- Ta muốn triệt họ Lý nhưng cũng e thiên hạ náo loạn. Nay có họ Lý giả ở ngay cạnh ta, còn lo gì dị nghị nữa.

Thế là Lý Công Uẩn thoát hiểm.

Trong thời khắc lập nước, quan nội thị Lý Nhân Nghĩa còn có vai trò hậu thuẫn quan trọng ngay từ trong cung vua cũ.

Thời khắc lập nước

Thiền sư Vạn Hạnh người châu Cổ Pháp, thông hiểu Nho, Lão, Phật. Thời Lê Đại Hành, ông đã được trọng dụng như Quốc sư. Do thông thiên văn lý số, sư Vạn Hạnh biết nhà Lê không kéo dài nên ông đã dồn hết tâm trí rèn giũa Lý Công Uẩn từ nhỏ, sẵn sàng đón nhận trọng trách đứng đầu quốc gia. Đặc biệt, ông đã dọn đường dư luận một cách khéo léo thông qua lời sấm vĩ.

Khi Lý Công Uẩn còn nhỏ, vùng Cổ Pháp đã lan truyền rất nhiều điềm báo.

Thời Lê Ngoạ Triều, vua hoang dâm tàn ác, thời cơ giành ngôi ngày càng đến gần, thì những lời sấm càng chỉ rõ hơn. Sư Vạn Hạnh nói thẳng cho Lý Công Uẩn biết việc cần đoạt ngôi: Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân, lại đang nắm binh quyền trong tay, đứng đầu muôn dânchẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết, để xem đức hoá của ông như thế nào, thực là cái may nghìn năm có một.

Không chỉ chuẩn bị về dư luận, sư Vạn Hạnh còn chuẩn bị cả về lực lượng trong triều nhà Lê. Trong nội cung là nội thị Lý Nhân Nghĩa, người em nuôi của Lý Công Uẩn đã được cài cắm theo hầu Lê Long Đĩnh từ khi còn ở Đằng Châu. Trong triều, sư Vạn Hạnh lôi kéo được Đào Cam Mộc, giữ chức Chi hậu (quan võ), sau này sẽ có vai trò người đề xướng như Phạm Cự Lượng thời Đinh - Lê. Thời khắc lập nước vô cùng quan trọng, vì lúc đó được làm vua, thua làm giặc. Về tương quan lực lượng, Lý Công Uẩn không vượt trội trong tiều, bên ngoài thì binh lực của các thân vương nhà Lê lại mạnh hơn nhiều.

Ngày Tân Hợi (tháng 10 - 1009) vua Lê Ngoạ Triều qua đời, Tả điện tiền Lý Công Uẩn đem 500 quân vào cung làm túc vệ.

Ngày Nhâm Tý (hôm sau) Đào Cam Mộc nói riêng với Lý Công Uẩn:

- Gần đây chúa thượng ngu tối bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, trời chán ghét nên không cho hết thọ, con nối thơ ấu, không kham nổi nhiều khó khăn. Mọi việc phiền nhiễu thần linh không ưa, dân chúng nhao nhác mong tìm chân chúa. Sao Thân vệ lúc này không nghĩ ra mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa xem dấu cũ của Thang Vũ, gần xem việc làm của Đinh Lê, trên thuận lòng trời, dưới theo ý dân, mà cứ khư khư giữ tiểu tiết làm gì.

Công Uẩn trong lòng thích lời nói đó, nhưng còn ngờ Cam Mộc có mưu khác, mới giả cách mắng:

- Sao ông lại nói thế, tôi phải bắt ông nộp quan.

Cam Mộc thong thả nói:

- Tôi thấy thiên thời nhân sự như thế cho nên mới dám phát ngôn. Nay ông lại muốn cáo giác tôi thì tôi không phải là người sợ chết.

Công Uẩn nói:

- Tôi đâu nỡ cáo giác ông, chỉ sợ lời nói tiết lộ thì chết ráo, nên răn ông đó thôi.

Ngày Quý Sửu, trong cung nhà Lê, Đào Cam Mộc nói:

- Người trong nước ai cũng nói cho họ Lý khởi nghiệp lớn, lời sấm đã hiện ra rồi, đó là cái họa không che giấu được nữa. Chuyển hoạ làm phúc, chỉ trong sớm chiều. Đây là lúc trời trao người theo, Thân vệ còn nghi ngại gì nữa.

Công Uẩn đáp:

- Tôi đã hiểu rõ ý ông không khác gì ý Vạn Hạnh, nếu thực như lời ấy thì nên tính kế thế nào?

- Thân vệ là người khoan thứ nhân từ, lòng người dự theo. Hiện nay trăm họ mệt mỏi kiệt quệ, dân không chịu nổi, Thân vệ nhân đó lấy ân đức mà vỗ về thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được.

Cam Mộc nói chuyện với các quan việc lập Thân vệ lên ngôi, ai cũng vui theo. Khi họp triều, các quan bàn:

- Hiện nay, dân chúng ức triệu khác lòng, trên dưới lìa bỏ, mọi người chán ghét tiên đế hà khắc bạo ngược, không muốn theo về vua nối... mà đều có lòng suy tôn quan Thân vệ, bọn ta không nhân lúc này cùng nhau sách lập Thân vệ làm thiên tử, lỡ bối rối có xảy ra tai biến gì, liệu chúng ta có giữ được cái đầu hay không?

Thế rồi cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm thiên tử, lên ngôi Hoàng đế. Trăm quan đều lạy rạp dưới sân, trong ngoài đều hô vạn tuế vang dậy cả trong triều.

Định đô an quốc 

Ngay khi lên ngôi, vua Lý Công Uẩn ban chiếu đại xá thiên hạ, lấy năm sau làm niên hiệu Thuận Thiên năm đầu, bắt đầu triều đại nhà Lý hùng mạnh trên 200 năm.

Mùa xuân, nhà vua về thăm quê Cổ Pháp, ban tiền lụa cho các bô lão trong làng theo thứ bậc khác nhau. Vua đến thăm chùa Kiến Sơ ở Phù Đổng, có thần nhân đề thơ ở cột rằng: Nhất bát công đức thuỷ/ Tuỳ duyên hoá thế gian/ Quy quang trùng chiếu chúc/ Một ảnh nhật đăng san. Nghĩa là: "Một bát nước công đức (của phật)/ Theo duyên sinh hoá ở thế gian/ Sáng rực hai lần đuốc rọi/ Mặt trời gác núi là hết bóng". Sư Vạn Hạnh đem bài thơ ấy dâng lên. Vua xem xong nói: Việc của thần nhân thì không thể hiểu  được. Người đời sau này truyền tụng đoán nhà Lý truyền ngôi được 8 đời, đến khi vua có tên là Sảm (chiết tự là chữ nhật trên chữ sơn) ứng với câu Mặt trời gác nói là hết bóng thì nhà Lý mất. Như vậy nhà Lý được nước là do trời, mà mất nước cũng là do trời vậy.

Chuyến đi về thăm quê này vua còn có mục đích tìm đất đặt đô mới vì thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ chỗ ở của đế vương. Chưa kể đấy là đất thang mộc của hai nhà Đinh, Lê tiềm ẩn bất an cho triều mới. Các kinh đô cũ Luy Lâu, Cổ Loa, Đại La, và có thể cả quê hương Cổ Pháp đã được vua xem xét cân nhắc. Cuối cùng thành Đại La, kinh đô cuối cùng thời thuộc Đường do thái thú Cao Biền, nhà phong thuỷ giỏi từng lựa chọn đã được nhà vua ưng ý. Trở về kinh đô Hoa Lư vua tự tay viết “Thiên đô chiếu”  về việc dời đô về thành Đại La.

Bề tôi đều nói:

- Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế ai dám không theo.

Được cả triều đình đồng lòng nhất trí, vua cho tu sửa lại thành Đại La và đến tháng 7 thì triều đình dời đô. Khi thuyền đỗ dưới thành có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là Thăng Long.

Việc dời đô thể hiện chí lớn và sáng suốt của nhà vua:

Thứ nhất: tránh việc thế đại không dài, vận số ngắn ngủi. Nhà Đinh có công nhất thống, dẹp loạn 12 sứ quân mà truyền không quá hai đời. Nhà Lê đến đời thứ hai đã xảy ra nội loạn giành ngôi, vua thì dâm đãng tàn ác đến nỗi mất nước. Vua Lý không muốn sa vào cái dớp ấy.

Thứ hai: chọn chỗ trung tâm để tiện thông thương, phát triển kinh tế, cho dân chúng được đông đúc giàu có. Kinh đô phải là trung tâm kinh tế của cả nước, thành phải có thị, tiến tới phát triển ngành nghề công nghiệp.

Thứ ba: về chính trị kinh đô ở nơi trung tâm để dễ bề cai trị các địa phương cả nước. Các địa phương cũng dễ bề triều cống, thần phục. Vua ở Hoa Lư chật hẹp khiến cho bề tôi chiếm cứ những vùng đất rộng người đông, thế lực mạnh, đó là mầm hoạ sinh loạn.

Thứ tư: về quân sự, Thăng Long bằng phẳng có thể dễ bị tấn công, nhưng khi cần triều đình có thể rút về các vùng hiểm yếu như nhà Trần sau này. Nếu tiềm lực quân sự mạnh, như nhà Lý đã làm được thì chẳng lo gì kẻ địch.

Thực tế nghìn năm Thăng Long - Hà Nội đã khẳng định tầm nhìn xa của nhà vua, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời, làm kế cho con cháu muôn vạn đời. Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: "Xem việc vua nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp phản loạn, nam bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu lược của đế vương".

Đến Thăng Long, vua cho xây dựng các cung điện, như Toàn thư mô tả: Phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ. Lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn. Hướng chính nam dựng điện Cao Minh, đều có thềm rồng, trong thềm rồng có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An, Long Thuỵ làm nơi vua nghỉ ngơi. Bên tả xây điện Nhật Quang, bên hữu xây điện Nguyệt Minh, phía sau dựng hai cung Thuý Hoa, Long Thuý làm chỗ ở cho cung nữ. Dựng kho tàng, đắp thành, đào hào. Bốn mặt thành mở bốn cửa: phía đông là cửa Tường Phù; phía tây là cửa Quảng Phúc; phía nam là cửa Đại Hưng; phía bắc là cửa Diệu Đức. Trong thành còn dựng chùa ngự Hưng Thiên và tinh lầu Ngũ Phượng. Ngoài thành về phía nam dựng chùa Thắng Nghiêm.

Qua mô tả này ta có thể hình dung đại lược các vị trí cung điện trong thành, đặc biệt là diễn biến trận đánh dẹp loạn Tam vương sau đó. Thành Thăng Long ban đầu gồm toàn bộ thành Đại La của Cao Biền. Cư dân đến kinh thành làm ăn buôn bán chủ yếu ở phía đông thành, gần sông Hồng, tiện đi lại bằng thuyền. Dấu vết 36 phố phường còn lại đến nay khẳng định điều đó. Mãi đến thời Nguyễn, phía nam thành mới được khai phá. Đầu thể kỉ 20 khu Thái Hà còn là trang trại của Hoàng Cao Khải, Khâm Thiên còn là khu làng hát ả đào. Sau 1954 khu Kim Liên còn là làng. Các phố phía nam như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo do Pháp mở rất to rộng cũng do dân cư Thăng Long ở đây còn thưa vắng. Như vậy, chợ Đồng Xuân là khu chợ chính, quan trọng nhất của kinh đô Thăng Long gần nghìn năm qua.

Các công trình trong thành còn được xây dựng tiếp tục các năm sau đó. Như năm 1011 dựng cung Đại Thanh ở bên tả, chùa Vạn Tuế, kho Trấn Phúc ở bên hữu. Ngoài thành dựng các chùa Tứ Đại Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ và điện Hàm Quang ở bến sông Hồng. Năm 1012 dựng cung Long Đức ở ngoài thành cho thái tử ở, ý muốn cho thái tử hiểu biết mọi việc của dân. Như vậy cung Long Đức có thể ở gần cửa đông (Tường Phù). Năm 1024 sửa chữa kinh thành, dựng chùa Chân Giáo ở trong thành để vua tiện ngự xem tụng kinh. Chùa này sau Lý Huệ Tông đến ở và bị giết tại đó.

Sau khi định đô, đất nước ngày càng cường thịnh. Nhà vua xuống chiếu tha tô ruộng cho thiên hạ. Giá lúa rất rẻ, 30 bó chỉ 70 tiền. Âm nhạc cung đình bắt đầu được tổ chức, gọi là các quản giáp. Từ nguyên của từ đào (hát) có từ thời này, do có con hát xinh đẹp, hát hay, thường được vua ban thưởng người họ Đào.

Nhà vua đặc biệt chú ý xây dựng quân đội hùng mạnh, vừa để trấn áp loạn đảng, vừa sẵn sàng chống ngoại xâm. Đơn vị cơ bản là giáp, gồm 15 người, tương đương cấp tiểu đội ngày nay. Thời kì này quân đội nhà Lý đã dẹp được tất cả các cuộc bạo loạn ở các địa phương, đáng kể là:

Tháng 2/ 1011 vua cầm quân đánh giặc Cử Long ở Ái Châu, hoạt động từ thời Đinh, bắt được tên đầu sỏ.

Tháng 12/1012 vua cầm quân đánh giặc ở Diễn Châu. Năm ấy người Man tràn sang biên giới phía bắc, vua sai quân đi bắt và thu hơn một vạn con ngựa.

Tháng 10/1013 Hà Án Tuấn ở châu Vị Long câu kết với người Man làm phản, vua đi đánh thắng lợi. Đầu năm sau người Man sai các tướng Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí dêm 20 vạn quân chiếm Kim Hoa. Vua sai Dực Thánh vương đi đánh, đại thắng, bắt giết rất nhiều quân địch.

Năm 1015 Dực Thánh vương và Vũ Đức vương lại đi đánh dẹp ở phía bắc, bắt được Hà Án Tuấn giải về kinh xử tội.

Năm 1020 Khai Thiên vương và Đào Thục Phụ đánh Chiêm Thành, chiếm được vùng Bố Chánh, Quảng Trạch, giết được chủ tướng Bố Linh của người Chiêm.

Năm 1022 Dực Thánh vương đánh người Di ở Đại Nguyên Lịch. Quân đội đi sâu vào đất Tống đốt kho đụn rồi về.

Đây là lần đầu tiên quân đội sang đánh Tống mà nhà Tống không có phản ứng gì, chứng tỏ quân đội nhà Lý đã rất hùng mạnh và thiện chiến. Dân giàu nước mạnh từ đây.

Tháng 2/1028 vua không được khoẻ. Ngày 3/3 vua qua đời ở điện Long An, ở ngôi 18 năm (1010 - 1028), thọ 55 tuổi, táng ở Thọ Lăng (Thiên Đức). Trước đó, vào tháng giêng năm 1019 vua đã cho quy hoạch Thọ Lăng và dựng Thái Miếu ở đây. Thái Miếu chính là Cổ Pháp điện (đền Đô, đền Lý Bát Đế) ngày nay./.

                                                                                                                                                                             PHẠM THUẬN THÀNH