Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

LÒNG NGƯỜI PHÚ MẪN KÍNH YÊU BÁC HỒ
09:35 | 02/07/2018

 NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG

 

 

Thấm thoát mà đã qua 47 mùa sen nở, làng Phú Mẫn (Thị trấn Chờ, Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) kỷ niệm 47 năm ngày Bác Hồ gửi thư khen các cháu HTX Măng non với thành tích Học tập tốt, chăm sóc trâu bò béo khoẻ.

47 năm rồi, những lứa măng non của "ngày xưa" đã lên ông, lên bà, đường làng vắng tiếng chân trâu từ lâu rồi. Những mảnh ruộng các cháu ngày ấy nhận để sản xuất bèo hoa dâu và sản xuất gây quỹ cũng đã thành nhà cao, cửa rộng. Nhưng bước chân vào làng Phú Mẫn dường như hơi ấm của bức thư Bác Hồ gửi cho các cháu nơi đây vẫn vẹn nguyên, sinh sôi nảy nở, lòng người Phú Mẫn càng kính yêu Bác Hồ hơn, lớp măng non nọ kế tiếp lớp măng non kia làm cho Phú Mẫn vẫn luôn là điểm sáng của Thị trấn Chờ, đặc biệt là điểm sáng về hoạt động giáo dục thế hệ trẻ của Yên Phong.

Phú Mẫn là làng cổ của huyện Yên Phong, dân số trên bốn ngàn ngơười, đồng thời một làng khoa bảng, thời phong kiến có 3 vị đỗ Tiến sĩ. Nằm ở trung tâm huyện lỵ, dịch vụ cho đời sống và sản xuất phát triển nên đời sống và văn hoá cao hơn các làng lân cận. Về với Phú Mẫn hôm nay vẫn với những nét cổ kính của làng quê xưa, với đình chùa miếu mạo, 2 cây thị gần 600 tuổi, cây đa do Nguyên Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ trồng năm 1981 xanh tốt, đặc biệt Trống sấm làng Chờ đã đi vào phương ngôn xứ Bắc Trống Chờ, chiêng Chõ, mõ Phù Lưu, đan xen phố làng, làng phố, nhà cửa cao tầng nguy nga đồ sộ...

Phú Mẫn luôn có ý thức giữ gìn bảo lưju hiện vật và hình ảnh của làng. Khu vực xưa kia là Câu lạc bộ HTX Măng non đã xây dựng thành nhà văn hoá thôn 2 tầng rộng rãi, mát mẻ. Làng dành hẳn một phòng làm phòng truyền thống Măng non Phú Mẫn để các thế hệ thiếu niên Học tập và làm theo Bác Hồ.

Giới thiệu với tôi về những bức ảnh quý, ông Nguyễn Đăng Đoàn - Bí thư Chi bộ, nguyên Chủ nhiệm HTX Măng non bồi hồi nhớ lại: Năm 1966, 105 thiếu niên Phú Mẫn tổ chức HTX Măng non để tổ chức chăm sóc trâu bò của HTX và làm công tác Trần Quốc Toản, giúp đỡ nhau học tập tốt. Tổ chức HTX măng non chính là để thi đua nhau làm việc tốt hơn, học tập tốt hơn. Hơn 80 con trâu của HTX 3 năm liền không con nào bị chết đói, chết rét mà ngày càng béo khoẻ. Thế rồi việc làm rất đỗi bình thường ấy lại được Bác Hồ gửi thư khen đúng vào dịp kỷ niệm 79 năm ngày sinh của Người (19/5/1969) rồi cũng chỉ mấy tháng sau Người đã đi xa "để lại muôn vàn tình thương cho Đảng và dân ta". Ông Đoàn cảm động và thấm thía:

 - Bác Hồ chưa một lần về thăm Yên Phong, đây là bức thư duy nhất Bác gửi cho  địa phương Yên Phong, là một trong những bức thư cuối cùng của Người, với ký tên Bác Hồ lại đúng ngày sinh của Người. Thiêng liêng lắm chứ! Đây là phần thưởng tinh thần vô giá cho thanh thiếu niên, chi bộ và nhân dân Phú Mẫn. Vì vậy Phú Mẫn có trách nhiệm gìn giữ và phát huy truyền thống quê hương được Bác Hồ gửi thư khen. Được biết khi còn học cấp III anh thanh niên Nguyễn Đăng Đoàn làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trưởng thành là sĩ quan quân đội, đất nước thanh bình trở về quê hương được Đảng tin, dân mến bầu làm chủ nhiệm HTX, rồi nhiều khoá làm Bí thư chi bộ thôn. Với một Chi bộ trên trăm Đảng viên, sợi chỉ đỏ xuyên suốt việc làm của Chi bộ là thực hiện đúng lời dạy của Bác Làm những việc ích nước lợi dân là lẽ sống của mọi người.

Tôi đã gặp nhà giáo Nguyễn Hữu Điện - 84 tuổi đời 53 năm tuổi Đảng, người có niềm đam mê nghe đài, đọc báo, đặc biệt sưu tầm tranh ảnh, những bài viết về Đảng, về cuộc đời sự nghiệp tư tưởng, đạo đức chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà giáo tâm sự: "Năm ấy khi còn là lính cụ Hồ, đang chiến đấu ở Miền Đông Nam Bộ nghe Đài tiếng nói Việt Nam đơược biết tin Bác Hồ gửi thư cho các cháu thiếu niên quê mình, niềm vui trào dâng, tưởng như muốn bay lên và đêm ấy đơn vị tiêu diệt gọn đồn số 1 thuộc kênh Nhỏ U Minh làm quà dâng Bác".

Sau ngày đất nước thống nhất ông Điện chuyển về công tác tại Ban Tuyên giáo tỉnh Hà Bắc (cũ) và đến năm 1984 nghỉ hưu tại quê nhà. Từ ngày về hưu cái thú đọc báo, sưu tầm tài liệu mới được thực hiện.

Với chi hội Người cao tuổi ông tập hợp trên 1.000 số báo Người cao tuổi đóng thành 60 tập, 250 số tập san đóng thành 50 tập để người đọc tiện theo dõi. Ông còn rút từ chuyên mục Chăm sóc sức khoẻ đóng thành 24 tập, mỗi tập đều có tên bài thuốc, số trang. Những cuốn sách "báo" ấy ông luân chuyển nhiều người đọc, dù đã nhàu nát nhưng luôn được bọc lại ngay ngắn.

Trong niềm đam mê ấy, ông bỏ nhiều công sức sưu tầm tranh ảnh và các bài viết về Bác Hồ kính yêu. Hiện ông đã sưu tầm trên 400 bức ảnh và gần ngàn bài viết về Bác Hồ, cẩn thận ông phân loại từng chủ đề để tiện theo dõi. Chính do sự tích luỹ và niềm kính yêu Bác, ông đã giúp cho Chi bộ Phú Mẫn tham gia thành công 2 cuộc thi. Cuộc thi Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh tổ chức đầu năm 2004 và tổng kết dịp 19/5/2004, Phú Mẫn đã có 389 người tham gia và được Ban tổ chức cuộc thi Trung ương trao giải nhất đồng hạng. Cuộc thi Tìm hiểu 75 năm lịch sử vẻ vang Đảng cộng sản Việt Nam vào dịp 3/2/2005. Ông Điện đã chủ động sưu tầm, viết đề gương giúp mọi người tham gia, Phú Mẫn đươợc giải nhất huyện Yên Phong, được tặng giải khuyến khích của tỉnh Bắc Ninh. Bản thân ông Điện làm bài dự thi dài 23 trang, trên 30 ảnh tư liệu được trao giải Nhì của huyện và giải Ba tỉnh Bắc Ninh.Việc làm của người Đảng viên 53 năm tuổi Đảng góp thêm ngọn lửa cho lòng người Phú Mẫn thêm kính yêu Đảng, yêu Bác Hồ vĩ đại.

Bây giờ bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trâu ăn cỏ dần thay bằng trâu sắt, học sinh đã học ngày 2 buổi, đất canh tác nhường lại cho các khu công nghiệp, nhưng lời dạy của Bác năm nào vẫn được Chi bộ và nhân dân Phú Mẫn tiếp tục vun đắp cho thế hệ Măng non Phú Mẫn hôm nay.

Ông Đỗ Văn Liễn năm 2016 này cũng đã 80 tuổi, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Thị trấn Chờ, người vinh dự tham gia tổ chức lễ đón thư khen Bác Hồ vào ngày 01/06/1969. Về nghỉ hưu, từ năm 1996 đến nay tổ chức Hội Khuyến học và làm Chi hội trưởng. Làng có trên 900 hội viên, mỗi năm một hội viên đóng quỹ khuyến học 4kg thóc, nhiều doanh nghiệp và cán bộ thành đạt đóng góp xây dựng quỹ để Phú Mẫn có thể cấp học bổng hàng tháng cho các em học sinh nghèo hiếu học. Duy trì tiếng trống khuyến học ban đêm, phối kết hợp giáo viên địa phương kiểm tra giờ học ban đêm của các cháu. Hội Khuyến học đã xây dựng phòng truyền thống và là phòng truyền thống Khuyến học đầu tiên ở huyện Yên Phong để ghi lại kết quả của công tác Khuyến học, thành tích thi đua, phòng khuyến học có tủ sách phục vụ bạn đọc, phục vụ cho Trung tâm học tập cộng đồng. 20 năm qua Chi hội Khuyến học đã khen thưởng cho các em học sinh có kết quả học tập tiên tiến và xếp loại giỏi hàng năm. Trong đó đã khen thưởng cho 505 em được giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, đặc biệt có 6 học sinh đạt giải quốc gia, 1 em đạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế. Hàng năm Phú Mẫn có từ 30 đến 40 em thi đỗ vào các trường Đại học, tỷ lệ cao nhất Yên Phong. Làng 3 lần tổ chức vinh danh những người thành đạt về chính trị, về học vấn. Hiện làng có 1 Giáo sư Tiến sĩ, 2 Phó Giáo sư Tiến sĩ, 10 Tiến sĩ, 48 Thạc sĩ và 3 Nghệ sĩ Ưu tú.

Do có thành tích đặc biệt xuất sắc năm 2014 Chi hội Khuyến học Phú Mẫn cũng là đơn vị duy nhất của tỉnh Bắc Ninh được tặng cờ thi đua xuất sắc của Trung  ương Hội Khuyến học Việt Nam.

Yên Phong có các khu công nghiệp lớn với nhiều nhà máy hiện đại, thu hút hàng vạn công nhân. Ngoài đẩy mạnh khuyến học Phú Mẫn đẩy mạnh việc khuyến nghề hướng các em trở thành những nhà khoa học, những người quản lý giỏi, công nhân lành nghề... để trở về làm việc tại các nhà máy ở khu công nghiệp Yên Phong. Như thế vừa ích nước, vừa lợi nhà, thật đáng quý biết bao. Hàng năm cứ đến ngày 19/5 các em đều báo công với Bác Hồ. Khi thì về lăng Bác, khi thì  báo công với Bác ở dưới bóng cây đa nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ trồng năm 1981 tại khuôn viên đình làng.

Thành quả mà mọi người dễ dàng nhận thấy đó là các lớp Măng non Phú Mẫn ngày càng trưởng thành làm rạng danh Phú Mẫn và người Phú Mẫn tự hào rằng kết quả đó là giữ tròn đạo hiếu với Bác. Những người làm Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm HTX Măng non thời ấy đều thành đạt, người là đại tá trong quân đội, người là nhà khoa học, người là quản lý giỏi. Cứ nhìn vào các đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và huyện Yên Phong quê ở làng Phú Mẫn như đồng chí Nguyễn Hữu Quất - Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bắc Ninh; đồng chí Nguyễn Hạnh Chung - Tỉnh uỷ viên, Bí thư huyện uỷ; đồng chí  Nguyễn Chí Cường - Thường vụ huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện... cũng đủ thấy HTX Măng non Phú Mẫn từ  xưa cho đến nay, hoạt động thanh thiếu niên tạo ra môi trường tốt để các em học tập rèn luyện mà khôn lớn, trưởng thành.

Ông Nguyễn Đăng Đoàn cho hay, từ nay tới kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ gửi thư khen, Phú Mẫn xây nhà bia và lập bia đá ghi lại thư Bác cho muôn đời hậu thế mai sau. Thư Bác Hồ và cây đa nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ sẽ là vật báu vô giá giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và nhân dân Phú Mẫn. Lòng người Phú Mẫn kính yêu Bác Hồ sẽ là động lực để làm cho làng Phú Mẫn giàu về kinh tế, mẫn tiệp về trí tuệ, như tên làng vốn có.

Bất giác tôi nhớ lại đoạn kết bài thơ Bài ca tháng 5 được ngâm trong ngày kỷ niệm đón thư Bác Hồ.

"Bác chúng mình đã mãi mãi đi xa

Trâu ăn cỏ dân thay bằng trâu sắt

Tháng 5 đến làng vẫn vang câu hát

Lúa vàng đồng, tình Bác ấm mênh mông"./.

 

 

(Tác phẩm đã đoạt giải trong đợt Quảng bá các tác phẩm VHNT  và Báo chí về đề tài "Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đợt 1 2016 - 2018)