Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

KIẾP SAU TÔI LẠI TÌM MÌNH ĐỂ YÊU...
08:10 | 25/03/2021

Dãy phố nhỏ ngay cạnh Chợ Nhớn (Bắc Ninh) từ vài chục năm nay đã nổi tiếng với những hiệu thuốc gia truyền: Ông lang Chọi hiệu con hổ vàng, con bướm vàng. Vài năm trở lại đây bỗng xuất hiện thêm hai “văn nghệ sỹ”: ông Nguyễn Khắc Bảo và ông Nguyễn Thành Lộc. Nguyễn Khắc Bảo là chủ nhà thuốc nói trên, hiện đang là nhà nghiên cứu truyện Kiều khá nổi tiếng. Thành Lộc nguyên là cán bộ ngành công an. Cả hai ông đều là hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh.

Chúng tôi đã có dịp thăm gia đình ông Thành Lộc vào một buổi chiều muộn. Căn gác nhỏ khá yên tĩnh nằm giữa một khu phố ồn ào. Cả hai ông bà đều đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” mà vẫn quấn quýt bên nhau, chăm sóc nhau như hồi còn thanh xuân. Thành Lộc vừa âu yếm ngắm nhìn bà vợ tóc bạc của mình, vừa lấy ra tập sách Thơ Bắc Ninh 1975 - 2000 và đọc cho chúng tôi nghe bài thơ sau đây:

Xin thề

Kiếp này mình khổ vì tôi 

Kiếp sau tôi sẽ đền bồi gấp ba 

Kiếp này mình trót đàn bà 

Kiếp sau tôi nhượng để là đàn ông.

Thương con rồi lại thương chồng 

Mưa dầu nắng dãi ngàn công một tình 

Xin thề nhật nguyệt chứng minh 

Kiếp sau tôi lại tìm mình… để yêu.

Thơ Việt Nam xưa và nay có khá nhiều bài thơ hay về mẹ, về vợ, về em. Viết về bà vợ tần tảo “Quanh năm buôn bán ở mom sông” của mình, nhà thơ Tú Xương đã có một ý thơ rất táo bạo: “Vuốt râu nịnh vợ, con, bu nó”, ông đã đánh giá rất cao về người vợ trong việc nuôi dưỡng toàn bộ gia đình: “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Coi vợ như người mẹ thứ hai (mẹ nuôi), không chỉ đơn thuần là đề cao người vợ, mà còn là một thái độ phản kháng tư tưởng “Trọng nam khinh nữ” đầy rẫy trong xã hội lúc bấy giờ. 

Trở lại với bài thơ của Thành Lộc, chúng tôi thấy rằng ông đã có, đã đưa vào thơ những ý tưởng rất mới. Hai câu thơ đầu là lời hứa hẹn “đền bồi gấp ba" cho vợ mình (nếu như có kiếp sau). Hình như vẫn còn chưa đủ, tác giả đã triển khai một ý tưởng thật hay:

Kiếp này mình trót đàn bà 

Kiếp sau tôi nhượng để là đàn ông!

Không phải ngẫu nhiên mà nữ sỹ Hồ Xuân Hương đã phải thốt lên: “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?” Đúng là làm đàn ông thời nào cũng thuận lợi hơn, sướng hơn làm phụ nữ. Phải là người yêu vợ, đánh giá rất cao công lao của vợ mới có được lời hẹn “đổi phận” ở kiếp sau. Khi đó ông chồng Thành Lộc trở thành “phu nhân” của vợ mình để “đền bồi gấp ba” cho bà. Một giả tưởng không thể có thực nhưng lại làm ta xúc động vì cái ấm nóng thủy chung, cao cả của tình nghĩa vợ chồng.

Tự nguyện đổi phận cho vợ mình ở kiếp sau vẫn chưa làm cho tác giả yên lòng. Thêm một lần nữa, Thành Lộc muốn khẳng định tình yêu chung thủy son sắt của mình bằng một lời thề quang minh giữa trời và đất:

Xin thề! Nhật nguyệt chứng minh 

Kiếp sau tôi lại tìm mình… để yêu.  

Một bài thơ tình thật hay của một người cao tuổi, với tám câu lục bát giản dị, xinh xắn mà vẫn lay động lòng người. Chỉ có người đã vào tuổi xưa nay hiếm mới hay suy ngẫm về kiếp này, kiếp sau như thế. Chủ đề của bài thơ tuy không mới, nhưng ý thơ lại rất sáng tạo và hay. Ở đó hiện lên lung linh hai vẻ đẹp: Một người vợ đảm đang, yêu chồng thương con hết mực và một người chồng cũng rất tuyệt vời. Mong sao những cặp vợ chồng như thế, những gia đình hạnh phúc như thế, sẽ ngày càng có nhiều thêm trong xã hội hiện đại của chúng ta. 

Mùa xuân này, nhà thơ Thành Lộc đã đi rất xa rồi. Nhưng tấm lòng tận tụy của ông với cuộc đời, với thơ ca, với người vợ yêu quý của mình thì còn mãi với thời gian. Ông đã để lại cho chúng ta, nhất là thế hệ trẻ, một tấm gương về tình nghĩa vợ chồng, thủy chung như nhất, thủy chung đến tận kiếp sau. Thật đáng trân trọng và đáng suy ngẫm biết bao.../.

                                                                                                                                                                                                                                                NGUYỄN ANH THUẤN