Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

ĐIỆN BIÊN “TRÊN ĐẤT NƯỚC NHƯ HUÂN CHƯƠNG TRÊN NGỰC...”
16:59 | 25/05/2022

17h30’ ngày 7/5/1954!

Đó không còn là những tích tắc thời gian bình thường như bao nhịp thời gian vẫn cần mẫn chuyển động theo vòng quay muôn đời của vũ trụ, đó cũng không còn là một ngày bình thường kể từ khi, lá cờ quyết chiến quyết thắng của chúng ta, lá cờ tắm bao máu lửa, đội bao mưa đạn bão bom, đã cùng cả dân tộc ta vượt bao chông gai, khổ đau, mất mát, cam go, thách thức… để cùng phất cao - phất cao vào thời khắc kỳ diệu ấy, trong buổi chiều huy hoàng ấy, kiêu hãnh tung bay trên nóc hầm De Castries, bay trên những xám xịt boong ke cố thủ vẫn được thực dân Pháp khoe là bất khả chiến bại.

Khi ấy, và cả sau này, có lẽ không có ngôn từ nào mô tả trọn vẹn được nỗi vui mừng, niềm hạnh phúc - niềm hạnh phúc, nỗi mừng vui được chiết ra từ máu, nước mắt của cả một dân tộc lầm than để tiến hành cuộc “kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ”, mà trận “quyết chiến chiến lược” với “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non/ gan không núng/ chí không mòn” để làm nên một “Điện Biên sáng rực/ trên đất nước, như huân chương trên ngực/ Dân tộc ta, dân tộc anh hùng”; làm nên một Điện Biên “lừng lẫy năm châu/ chấn động địa cầu”. Niềm vui chiến thắng ấy, được dân tộc ta - một dân tộc từ buổi đầu dựng nước cho đến suốt một hành trình đằng đẵng mấy ngàn năm cam go gian khổ về sau, đã luôn phải đối mặt với mọi thế lực xâm lăng, luôn phải đổ máu để gìn giữ cõi bờ non nước - cảm nhận, một cảm nhận thấu từng đường gân thớ thịt, thấu xương tuỷ tận tâm.

Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam như một tiếng sấm rền vang ra khắp thế giới, mở đầu cho sự tan rã của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu.

Chuyện kể lại rằng: Chính vào thời khắc huy hoàng đó, đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Sư đoàn 312 gọi điện báo cáo trực tiếp với Đại tướng Tổng Tư lệnh ở Sở chỉ huy Mường Phăng:

- Báo cáo Anh! Đờ Cát cùng Bộ chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ đang đứng trước mặt tôi. Hắn vẫn còn cả chiếc gậy “can” và mũ chào mào đỏ, vẫn còn cấp hiệu trên vai, ta đã kiểm tra kỹ giấy tờ và chữ ký của hắn”.

Và rằng: Viên tướng Pháp - Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bấy giờ hơi cúi đầu nhìn xuống, một tay buông thõng, một tay chống lên chiếc gậy gỗ, tự để cho mình bị bắt cùng với toàn bộ Bộ tham mưu, không ai cầm súng nữa.

Nhà thơ Tố Hữu đã kể lại bằng thơ thời khắc ấy:

“Nghe trưa nay tháng Năm, mùng Bảy

Trên đầu bay thác lửa hờn căm

Trông: Bốn mặt luỹ hầm sụp đổ

Tướng quân bay lố nhố cờ hàng

Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng

Rực trời đất Điện Biên toàn thắng...”

Hồi ức chiến trường Điện Biên của những người lính Cụ Hồ cũng kể lại: Trong ánh chiều vàng rực, theo sự điều động của cán bộ, chiến sỹ ta, đoàn tù binh lố nhố bước ra từ các hầm hào, được các chiến sỹ ta dẫn giải đi, thành từng hàng dài tới 2 - 3 km. Trong đám tù binh ấy, có nhiều tên dần dần hết sợ, lại động viên nhau: “Đi cố lên, về đến trại là yên chí!”. Viên đại úy tù binh Capeyron nói với cán bộ ta: “Mấy tháng nay, ở giữa một cánh đồng bát ngát mà bây giờ mới được ra thở không khí trong lành, nhìn một khoảng trời rộng rãi. Ở giữa một rừng cây mà hôm nay mới được trông thấy màu lá xanh. Ở bên một dòng sông rộng mà bây giờ mới nhìn thấy nước”. Đó dường như cũng là tâm trạng chung của tù binh Pháp khi ấy. Bị dẫn giải đi trong tư thế kẻ chiến bại, vậy nhưng, tất cả bọn họ đều thấy vui mừng bởi “cuộc chiến bẩn thỉu” đã khép lại, và mình may mắn được thoát khỏi cái địa ngục đầy bùn và máu lửa ấy.

Về sau, nhiều người may mắn từng được trải qua, được sống cùng thời khắc lịch sử vĩ đại ấy, khi nhớ lại, đều chung cảm xúc: Có được đứng giữa cánh đồng Mường Thanh buổi chiều năm ấy, mới thấy hết được ý nghĩa của sự thất bại ở Điện Biên Phủ là thất bại không thể cứu vãn của chủ nghĩa thực dân, còn thắng lợi ở Điện Biên Phủ là thắng lợi của hòa bình, tự do.

Thắng lợi ấy đã khép lại 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, với biết bao nhiêu mất mát, hy sinh của dân tộc ta. Thắng lợi ấy đã đánh gục tên đế quốc to lớn nhất trên thế giới bấy giờ - thực dân Pháp.

Các nhà viết sử, các nhà nghiên cứu trong nước và trên thế giới đều chung nhận định: Chiến thắng Điện Biên phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, như một Bạch Đằng giang, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX, mang sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại. Chiến thắng ấy đặt dấu chấm hết cho ách cai trị của thực dân Pháp trên đất nước ta cũng như trên bán đảo Đông Dương. Với chiến thắng vĩ đại này, thành quả cuộc cách mạng tháng Tám một lần nữa được bảo vệ vững chắc, mở ra một giai đoạn cách mạng mới: Hoà bình và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng Điện Biên phủ là phát khai hoả dữ dội làm rung chuyển địa cầu, đánh sập thành trì chủ nghĩa thực dân nơi xung yếu nhất, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh đòi quyền tự do, độc lập quyền sống làm người. Đó còn là chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, vì hoà bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Pháp. Chiến thắng vĩ đại này đã chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa mà những người Pháp tiến bộ, yêu hoà bình, tự do, công lý tiêu biểu như Henri Martin, Raymonde Dien từng lên án và đấu tranh đòi chính phủ Pháp phải đơn phương chấm dứt từ mấy năm trước.

Năm 1993, được trở lại Việt Nam, khi thăm lại chiến trường xưa, tướng Pháp Marcel Bigeard, nguyên là Trung tá - Chỉ huy một tiểu đoàn, từng là người quyết liệt chống trả Việt Minh cho đến ngày cuối cùng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã không thể kìm nén cảm xúc mà thốt lên: “Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”.

De Castries, khi trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, đã thừa nhận: Không thể đánh bại một dân tộc. (Nguyên văn câu nói: Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc).

Còn Jules Roy (22/10/1907 - 15/6/2000) - một quân nhân, nhà văn người Pháp, từng đoạt Giải thưởng lớn Văn học của Viện Hàn lâm Pháp năm 1958 - trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ” (La bataille de Dien Bien Phu) đã viết: Là người bại trận đơn độc và câm lặng đi giữa những người chiến thắng ân cần, tôi đã đi suốt bãi chiến trường như vậy, tôi đã ghi chép, đã ngồi trên miệng chiếc hố sâu nay đã gần bị lấp đầy, nơi De Castries đã chơi bài bridge cùng với các sĩ quan cấp phó để đánh lừa những giây phút chờ đợi dài dằng dặc trước lúc các trận tấn công nổ ra. Thảm thực vật dày đã phủ kín các đường hào; dây thép gai và những quả mìn đã không cho phép tôi tới được khu bệnh viện, nơi mà Grauwin cùng các nhà giải phẫu của anh đã mở rộng các khoang bụng, băng bó các đoạn xương gẫy và cưa cắt những cẳng chân trong suốt hai tháng trời; cũng không tới được khu nhà xác nơi mà hàng trăm xác chết đã chờ đợi để được chuyển tới chiếc hố lộ thiên do xe ủi đào. Đối với tôi, mọi chuyện đều là đau buồn. Đối với các bạn đồng hành của tôi, đó là chiến thắng, ánh nắng đè nặng lên vùng gáy của tôi, họ không cảm thấy như vậy và họ hít thở một cách thích thú hương vị ngọt ngào của mùa gặt, hương vị ấy lại làm cho tôi thấy nôn nao.

Đến đây, Roy thảng thốt nêu câu hỏi: “Lỗi tại ai, trận thất bại này?”. Rồi tự trả lời: “Trước hết, xét đến những phẩm chất của những con người từng đối mặt với chúng ta... Những viên tướng trong quân đội của họ, không có gì phân biệt những viên tướng ấy với những người lính thường, nếu không phải là tuổi tác và màu sắc ngôi sao mà họ đính trên ve áo. Bộ quân phục bằng vải của họ được cắt cùng một thứ vải khốn khổ, họ đi những đôi giầy thô kệch như nhau, chiếc mũ cứng bằng lie không phân biệt giữa người này với người khác và các viên đại tá cũng hành quân bộ như đám lính trơn. Người ta sống bằng thứ gạo mà người ta mang vác đi theo, bằng những thứ củ mà người ta nhổ được trong rừng, những con cá mà người ta câu lấy và uống nước sông suối. Không có những nữ thư ký xinh đẹp, không có những khẩu phần ăn đặc biệt, không có xe ô tô cũng như chẳng có những lá cờ hiệu bay phần phật trước gió, không có những bản dạo đầu của những bản nhạc và những bài noubas, không có những dải băng vải bịt trên trán, nhưng mà lạy trời, đó là những con người chiến thắng!”.

Những con người mà Jules Roy nhắc tới ấy, là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Họ đã lấy thân mình “chôn làm giá súng”, lấy đầu “bịt lỗ châu mai”; lấy tay “xẻ núi lăn bom”, “chèn lưng cứu pháo, nát thân, nhắm mắt còn ôm”, “băng mình qua núi thép gai ào ào vũ bão”;...

Roy đã đánh giá đúng bản chất khác nhau của người cầm súng ở hai phía. Và thấy rõ nguyên nhân thất bại của người Pháp ở Việt Nam. Ông thẳng thắn chỉ rõ nhân tố thứ hai đưa người Pháp đến thất bại là trí tuệ chiến lược của người chỉ huy tối cao: Ai đã làm tiêu tan cái mộng của Navarre thành lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hòng dụ Việt Minh đưa “biển người” vào lòng chảo, để phi cơ và pháo binh Pháp nghiền nát, theo kiểu của “những chiếc cối xay thịt”?. Ai đã không mắc mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” mà đổi sang cách “đánh chắc, tiến chắc”, dùng lối đánh lấn qua các hầm hào, để rồi như từ dưới lũng đất chui lên xộc thẳng vào bắt sống tướng giặc?

Là người từng tham chiến, Roy nói rất đúng rằng: Đánh bại tướng Navarre chính là những chiếc xe đạp thồ tới 200-300 kg và được đẩy đi bằng những con người đói cũng không ăn vào số gạo đưa đi tiếp tế cho quân đội và ngủ nghỉ trên những mảnh nhựa trải dưới đất trên đường đi dài đến hàng mấy trăm cây số...”. Rằng: Tướng Navarre không phải bị đánh bại bởi các phương tiện mà là bởi trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương... Về điều này, các nhà nghiên cứu khẳng định: Đấy là sức mạnh của một cuộc chiến tranh nhân dân được Việt Minh phát động một cách tuyệt vời và khéo léo.

Đại tá Pierre Langlais - Chỉ huy phó của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng xác nhận trong cuốn hồi ký Điện Biên Phủ của ông ta, rằng: Ở Điện Biên Phủ, nếu người ta muốn nhìn thẳng vào sự thật, thì ắt phải thấy rằng viện trợ cho Việt Minh chỉ là một giọt nước đặt bên cạnh dòng thác vật tư của Mỹ đổ vào cho người Pháp chúng ta.

Một vài dẫn chứng trên đủ cho thấy Điện Biên Phủ còn làm thay đổi tư duy, cả lối hành xử của nhiều con người - là những kẻ đã từng ở vào phía đối đầu với Việt Nam, và khiến họ nhận ra chân lý. Đó cũng chính là một trong những ý nghĩa mang tầm thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ. Nó như một tiếng sấm rền vang khắp thế giới, mở đầu cho sự tan rã của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu, như nhà thơ Tố Hữu đã viết “Và trận thắng Điện Biên/ cũng mới là bài học đầu tiên”. Để ngày ấy và mãi mãi sau này, người ta không lấy làm lạ khi thấy bao người ở các Châu lục xa xôi mỗi khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam, là cùng cất lên những tiếng hô vang đầy sức mạnh: “Hồ, Hồ Chí Minh! Giáp! Giáp! Điện Biên Phủ!”.

Lại được biết, sau đó, cuốn Từ điển Larousse của Pháp có thêm một mục từ tiếng Pháp mới “Dienbienfuer”. Từ này được giải thích là “đánh một đòn quyết định”./.

 

                                                                                                                                                                                                              THANH VĨNH