Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN NĂM 1945 - 45 NĂM NHÌN LẠI
08:23 | 13/04/2020

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những trang chói lọi nhất, là bản thiên anh hùng ca của thế kỷ XX, là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. 

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã ghi rõ: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

45 năm đã trôi qua, chúng ta cùng nhau nhìn lại mùa xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam có hiệu lực, trên cơ sở phân tích thế và lực của ta, của địch, Hội nghị lần thứ 21 (tháng 7 năm 1973) BCH TW Đảng đã xác định con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực. Hội nghị đề ra chủ trương tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao một cách chủ động, linh hoạt, tiến tới thực hành phản công, tiến công để giành thắng lợi hoàn toàn. Việc xác định dứt khoát con đường cách mạng miền Nam thời kỳ sau Hiệp định Pari vẫn là con đường bạo lực đã tạo ra một động lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân cả hai miền Nam, Bắc tăng cường đoàn kết, ra sức phấn đấu với tinh thần “Tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

Ở miền Bắc, với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự tất thắng của cách mạng miền Nam trước thời cơ, thuận lợi mới do Hiệp định Pari mang lại, các tầng lớp nhân dân từ nông thôn đến thành thị, từ rừng núi đến hải đảo, đều ra sức thi đua khắc phục hậu quả hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ; đồng thời, dốc sức chi viện ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên Ba sẵn sàng”, “Phụ nữ Ba đảm đang”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… tiếp tục được đẩy mạnh với khí thế mới, hướng tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhờ đó, chỉ trong 24 giờ sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, toàn bộ cầu phà và tuyến đường bộ 1A từ Hà Nội đến Vĩnh Linh đã được khơi thông; 3 ngày sau, tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh đã sẵn sàng cho các phương tiện vận tải chở người, hàng và vũ khí ra tiền tuyến. Nghe theo tiếng gọi của tiền tuyến miền Nam, thanh niên miền Bắc với đủ thành phần: từ cán bộ, công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên, đến đồng bào các tôn giáo, các dân tộc ít người… đều nô nức lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu với mong muốn đóng góp sức mình vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc; trong đó, không ít người là con độc nhất hoặc là người con cuối cùng của gia đình. Riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, miền Bắc đã dốc toàn bộ sức mạnh của mình cho miền Nam, với việc đưa nhanh vào miền Nam gần 12 vạn cán bộ, chiến sĩ; chi viện 230 nghìn tấn vật chất các loại, bảo đảm 81% vũ khí, 60% xăng dầu, 65% thuốc men, 85% xe vận tải, tạo nên sức mạnh áp đảo về thế và lực so với quân địch, tạo thuận lợi lớn cho quân và dân miền Nam tiến lên giành toàn thắng. Tất cả những cố gắng nói trên của nhân dân miền Bắc không chỉ nói lên vai trò to lớn của hậu phương miền Bắc đối với chiến trường miền Nam trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, mà còn thể hiện sâu sắc tinh thần đoàn kết của toàn thể nhân dân miền Bắc xung quanh Đảng và tình đoàn kết với nhân dân miền Nam.

Trên chiến trường miền Nam, sau khi đẩy lùi được hành động lấn chiếm lãnh thổ vùng giải phóng của quân đội Sài Gòn, quân Giải phóng miền Nam liên tục đẩy mạnh tiến công, mở rộng thêm vùng giải phóng, tích cực vận động nhân dân hưởng ứng các chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ra sức chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam tiếp tục có nhiều hình thức tập hợp lực lượng, phân hóa và cô lập kẻ thù, đoàn kết các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, vừa buộc chúng phải thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Pari, vừa ráo riết chuẩn bị mọi mặt để vùng lên giải phóng khi thời cơ đến. Các phong trào đấu tranh chính trị của công nhân, học sinh, sinh viên, của các tổ chức hòa bình, dân chủ và tiến bộ đòi chấm dứt chiến tranh, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức… nổ ra dồn dập, mạnh mẽ ở tất cả các thành phố lớn: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn - Gia Định. Hoạt động đấu tranh của các tầng lớp nhân dân miền Nam diễn ra dưới nhiều hình thái đặc biệt, kết hợp bí mật với công khai và bán công khai, hợp pháp và bán hợp pháp, đã tập hợp được ngày càng nhiều quần chúng ủng hộ cách mạng, đẩy địch vào thế lúng túng, hoang mang, bị động. Các “lõm” chính trị tại vùng ven và nội đô các thành phố miền Nam được tích cực xây dựng, với hàng chục vạn quần chúng có tổ chức sẵn sàng nổi dậy. Từ nông thôn rừng núi đến nông thôn đồng bằng và đô thị; trong nông dân, công nhân, trong đồng bào đô thị, tín đồ các tôn giáo, lực lượng trí thức, sinh viên, học sinh… đâu đâu cũng thành lập cơ quan chỉ huy kháng chiến và nổi dậy, tổ chức học tập chính trị, phân công sẵn nhiệm vụ theo phương án kết hợp tổng tiến công và nổi dậy, như: biểu tình đấu tranh, trinh sát, dẫn đường, tiếp tế lương thực, thực phẩm, may cờ giải phóng, làm công tác binh vận và xuống đường phối hợp với các mũi tiến công quân sự giải phóng địa bàn. Cùng với đẩy mạnh các đòn tiến công quân sự của lực lượng vũ trang địa phương nhằm diệt ác, phá kềm, diệt phòng vệ dân sự, công tác binh vận cũng được tăng cường, nhằm tranh thủ lôi kéo binh lính, nhân viên ngụy quyền, các phe phái trong lòng địch, mở rộng mặt trận đoàn kết, cô lập cao độ kẻ thù chính, góp phần đánh sập ý chí chiến đấu, sức phản kháng của quân đội Sài Gòn, tạo thêm thế và lực cho quân và dân ta tiến hành tổng công kích, hạn chế đổ máu. 

Tất cả sự chuẩn bị đó đã tạo ra sức mạnh tổng hợp để Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử diễn ra và giành toàn thắng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 bằng sự kết hợp tuyệt đẹp giữa các hoạt động tiến công quân sự của các binh đoàn chủ lực, của các lực lượng vũ trang địa phương và nổi dậy tại chỗ của quần chúng nhân dân. Sự kết hợp đó làm nổi bật bức tranh muôn màu và sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sức mạnh làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố. Trong đó, sức mạnh có ý nghĩa quyết định nhất là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng ta xây dựng và bồi đắp trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, được phát huy đến đỉnh cao trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đại thắng mùa Xuân 1975 là thành quả vĩ đại của nhân dân ta, thể hiện ý chí, khát vọng độc lập, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Với đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, Đảng ta đã huy động được cao nhất sức mạnh của cả nước, bao gồm cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần; sức mạnh thời đại và sức mạnh truyền thống yêu nước nồng nàn của đất nước ngàn năm văn hiến.

Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 đã đập tan hơn 1 triệu quân Ngụy, lật đổ hoàn toàn chế độ Ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam, buộc Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến thắng đó đã giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và tay sai. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, đồng thời kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị của đế quốc Pháp - Mỹ và chế độ phong kiến đồng thời chấm dứt việc các cường quốc thế giới can thiệp trực tiếp bằng quân sự vào Việt Nam trong suốt hơn 100 năm (từ 1858 tới 1975). Đại thắng mùa Xuân 1975 đã lật đổ chế độ đế quốc và tay sai, mở đường cho sự hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp cách mạng dân chủ nhân dân, xóa bỏ giai cấp phong kiến và tư sản ở miền Nam, đó là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là trang sử hào hùng, là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, một trong những chiến công hiển hách nhất của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cùng với trận Bạch Đằng (1288) chống quân Nguyên Mông, trận Chi Lăng (1427) chống quân Minh, trận Đống Đa (1789) chống quân Thanh, chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) chống quân Pháp đã cắm cột mốc vinh quang chói lọi trong quá trình đi lên của lịch sử nước ta, tô đậm truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung không chỉ là thắng lợi riêng của dân tộc Việt Nam mà còn là thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, góp phần tăng cường sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, cổ vũ mạnh mẽ phong trào dân chủ tiến bộ trên thế giới tiếp tục phát triển.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã khẳng định lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối cách mạng và phương pháp độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền nhằm một mục tiêu chung giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kết hợp sức mạnh của lực lượng chính trị quần chúng với sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân, đấu tranh chính trị, ngoại giao với đấu tranh quân sự. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1975 của nhân dân ta là sự toàn thắng của trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần bất khuất, anh dũng của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thể hiện đỉnh cao của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là nghệ thuật lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu chống mạnh, lấy ít đánh nhiều, lấy trang bị kỹ thuật ít hơn và kém hiện đại đánh thắng kẻ thù có trang bị kỹ thuật hiện đại hơn, biểu thị một tư duy quân sự sáng tạo, tiêu biểu cho đường lối chiến tranh nhân dân của dân tộc Việt Nam góp phần làm phong phú kho tàng lý luận quân sự chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả tổng hợp của thời cơ cách mạng, sự phát triển có tính chất bước ngoặt về thế và lực của cách mạng Việt Nam, sự hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để làm nên một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX.

45 năm đất nước Việt Nam đã hòa bình, độc lập, có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong sự nghiệp đổi mới và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tất cả những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, hội nhập quốc tế… đã nâng tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó, củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Phát huy tinh thần của đại thắng mùa Xuân năm 1975, với ý chí quyết tâm, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta hoàn toàn tin tưởng toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên những kỳ tích vĩ đại trong công cuộc đổi mới, hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, làm nên “Đại thắng” trên con đường tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội./.

                                                                                                                                                                                                                                                            SƠN LINH