Trang chủ Tin tức & Sự kiện

Chuyện cũ trong bối cảnh mới
07:45 | 15/08/2018

 Phổ biến, quảng bá tác phẩm VHNT là câu chuyện không mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà “con tàu 4.0” đang sầm sập đổ bộ với sự bùng nổ của các tiện ích truyền thông đa phương tiện và lượng thông tin khổng lồ xuất hiện mỗi ngày trên không gian internet thì việc làm sao để tiếp thị, quảng bá các tác phẩm VHNT lan tỏa trong đời sống, đưa các tác phẩm VHNT thực sự chất lượng đến gần hơn với công chúng lại là vấn đề cần được quan tâm.

Một tác phẩm VHNT thành công không chỉ là những câu chữ, lời ca hay nằm trên mặt giấy mà phải đến được công chúng, có hiệu ứng từ xã hội thì tác phẩm đó mới tồn tại và nền VHNT địa phương mới phát triển được. Với người nghệ sĩ, mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần, khi được nhiều người đón nhận thì không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn khích lệ, cổ vũ, khơi nguồn cảm xúc cho họ tiếp tục “nhả tơ”, “ươm mật ngọt” cho đời. Do đó, câu chuyện mà bấy lâu nay các văn nghệ sĩ luôn đau đáu là làm thế nào để công bố, quảng bá, giới thiệu những sáng tác của mình với đông đảo công chúng…
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng tác phẩm VHNT của các văn nghệ sĩ Bắc Ninh ra đời mỗi năm nhưng theo tổng hợp chung của Hội VHNT tỉnh, từ năm 1997 đến nay, Hội tổ chức 11 trại sáng tác ở các Nhà sáng tác VHNT trong cả nước cho 165 lượt văn nghệ sĩ tham gia; 65 trại sáng tác tại tỉnh; hàng chục đợt đi thực tế và tổ chức các hội thảo chuyên đề cho các chuyên ngành… Ngoài ra còn tổ chức 8 cuộc thi sáng tác theo chủ đề ở từng lĩnh vực, như “Xây dựng nông thôn mới” cho văn học; “Nét đẹp miền Quan họ” cho ảnh nghệ thuật; “Bắc Ninh đổi mới và phát triển” cho sáng tác ca khúc của âm nhạc… Sau mỗi trại sáng tác, chuyến đi thực tế, cuộc thi như vậy có hàng chục, thậm chí hàng trăm tác phẩm VHNT được thai nghén và ra đời, có nhiều tác phẩm mang giá trị lớn về nội dung nghệ thuật đã được xuất bản, phổ biến, được giải thưởng của các hội chuyên ngành T.Ư, của tỉnh… Đặc biệt, năm 2017, Giải thưởng VHNT lần thứ Nhất của tỉnh đã tôn vinh, tặng thưởng cho 78 tác phẩm tiêu biểu. Thế nhưng, có được bao nhiêu tác phẩm trong số đó được công chúng biết đến, đón nhận và hưởng ứng?.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Hồng Giang, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Người Kinh Bắc cho biết: Thực tiễn quảng bá tác phẩm VHNT của các tác giả Bắc Ninh thời gian qua diễn ra khá sôi nổi. Bằng nhiều kênh thông tin với đa dạng hình thức, các tác phẩm VHNT đã đến được với công chúng trong và ngoài tỉnh. Những tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, tranh ảnh, ca khúc, kịch bản sân khấu… được đăng tải đều đặn trên tạp chí Người Kinh Bắc và website của Hội. Hơn nữa, để đưa tác phẩm VHNT đến gần công chúng, Hội còn tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan và xem đây chính là “sân chơi” bổ ích để các văn nghệ sĩ thể hiện khả năng, đồng thời tạo cơ hội cho công chúng tiếp cận, cảm nhận cái hay cái đẹp của cuộc sống thông qua lăng kính nghệ thuật. Hội VHNT tỉnh cũng thường xuyên khuyến khích, giúp đỡ các chi hội chuyên ngành hoặc cá nhân tác giả tổ chức ra mắt, giới thiệu, công bố tác phẩm hay các cuộc trò chuyện, mạn đàm, bình luận tác phẩm mới. Ngoài ra, còn tập hợp tác phẩm của hội viên để hỗ trợ xuất bản, góp phần quảng bá vùng đất, con người và văn hiến cách mạng quê hương Bắc Ninh đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và cả nước.
Nhà văn Hoàng Giá - “người kể chuyện bên kia sông Đuống” có nhiều tiểu thuyết được bạn đọc yêu thích như “Bến Phật”, “Xương khói dâm đàm”, “Tự thú”… cho rằng: “Để tác phẩm VHNT đến được với công chúng, sống lâu bền trong đời sống thì điều quan trọng nhất thuộc về chính những người nghệ sĩ. Nếu tác phẩm chất lượng, đúng, trúng và thật hay, chuyển tải những giá trị nhân văn sâu sắc chắc chắn bạn đọc, khán thính giả sẽ tự tìm đến. Do đó, mỗi văn nghệ sĩ phải tự trau dồi vốn sống, đi thực tế nhiều, thâm nhập vào đời sống hiện thực vì nhân vật, sự kiện, câu chuyện luôn ẩn chìm trong mỗi làng quê, khu phố hay trong mỗi công xưởng, nhà máy…”.
Với tác phẩm VHNT, ngoài giá trị tự thân theo cách “hữu xạ tự nhiên hương” thì việc quảng bá rất cần thiết và quan trọng, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay. Tác giả Phạm Thuận Thành, một người cầm bút nhạy bén với công nghệ chia sẻ: Nhà nước và thời đại tạo điều kiện khá thuận lợi cho văn nghệ sĩ sáng tạo. Công tác quảng bá tác phẩm VHNT thời gian gần đây cũng nhiều khởi sắc, đổi mới nhờ vào tiện ích của khoa học công nghệ. Cụ thể là: Các NXB đang nỗ lực số hóa sách in như NXB Công an đã làm được. Thư viện cũng cố gắng số hóa những tác phẩm quan trọng, ví dụ các bộ “Đại Việt sử kí toàn thư”, “Lịch triều hiến chương loại chí”... Một số Trung tâm sách điện tử (ebook) xuất hiện như “Phương Nam book”. Ngoài ra, hầu hết các báo, tạp chí đều có trang điện tử để đăng lại báo giấy hoặc đăng mới tác phẩm. Đối với cá nhân tác giả hoặc nhóm tác giả cũng xây dựng trang điện tử riêng như blog, facebook... để đăng tác phẩm của mình hoặc bạn bè, một số trang khá nổi như phongdiep.net, trannhuong.com... Trước thực tế đó, cơ quan VHNT địa phương cũng nên có hình thức in sách điện tử cho hội viên, có nhuận bút, coi đây là một loại hình xuất bản để giảm hình thức in sách giấy hiện nay. Với những tác phẩm in giấy cũng nên số hóa để quảng bá rộng rãi tác phẩm, vì số lượng in giấy khá thấp, thường là 300, 500, 800 bản thậm chí 100, 50 bản/đầu sách.
Trong thời đại số, việc ứng dụng các hoạt động truyền thông để quảng bá tác phẩm sẽ mang lại những hiệu quả tích cực. Khi một quyển sách, bài hát ra đời, tác giả thường tổ chức truyền thông như: Họp báo, diễn đàn, ra mắt, công bố, giới thiệu tác phẩm mới… sẽ tạo hiệu ứng, kích thích trí tò mò của độc giả, từ đó, họ sẽ tìm đến tác phẩm. Và để định hướng dư luận, giúp công chúng tìm được “vàng” giữa biển thông tin mênh mông đòi hỏi hoạt động phê bình tác phẩm VHNT của Bắc Ninh nhất định phải được cải thiện đổi mới, phát huy. Có như thế, công chúng mới được định hướng đúng, không xa rời chuẩn mực và các tác phẩm VHNT chất lượng mới được quảng bá xứng tầm, không bị chìm khuất sau những tác phẩm dạng “mì ăn liền”…

 

 Thuận Cẩm