Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

CHUYỆN VỀ CUỘC CHIẾN CÔNG PHÁ THÀNH LUY LÂU CỦA NGHĨA QUÂN NỮ TƯỚNG HAI BÀ TRƯNG
16:10 | 28/04/2021

Thành Luy Lâu nằm cách Hà Nội chừng 30km, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo đầu tiên của nền văn minh sông Hồng, hình thành khoảng hơn 2000 năm trước và phát triển không ngừng trong nhiều thế kỷ đầu Công nguyên. Khi ấy nước ta chịu ách đô hộ của nhà Đông Hán, một trong những sự kiện nổi bật nhất của thời kỳ này là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào những năm 40 sau công nguyên (SCN). 

Theo sử sách xưa: Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi, con gái quan Lạc tướng Mê Linh (thuộc miền Sơn Tây cũ và tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), thuộc dòng dõi Hùng Vương. Mẹ là bà Man Thiện, người làng Nam Nguyễn - Ba Vì - Sơn Tây - Hà Nội. Chồng mất sớm, bà Man Thiện một mình nuôi dạy hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị; bà dạy cho con nghề trồng dâu, nuôi tằm và lòng yêu nước, rèn luyện sức khỏe và võ nghệ…

Trưng Trắc là một phụ nữ đảm đang, dũng cảm, mưu trí. Chồng bà là Thi Sách, con trai quan Lạc tướng huyện Chu Diên (Hà Nội ngày nay). Gia đình Thi Sách là một gia đình yêu nước, có thế lực ở đất Chu Diên. Trưng Trắc và Trưng Nhị vốn được Nhân dân Mê Linh tin phục. Từ lâu, hai chị em bà vẫn căm thù cuộc sống bạo ngược của viên thái thú nhà Đông Hán là Tô Định. Chính sách bạo ngược này thực ra là chính sách áp bức, bóc lột của nhà Đông Hán với toàn bộ người Âu Lạc, từ lạc tướng cho đến những người dân đen phải cam chịu kiếp nô lệ. Cuộc hôn nhân giữa Trưng Trắc và Thi Sách làm cho thế lực của bà lại càng lớn mạnh. 

Để tước bớt thế lực của gia đình Trưng Trắc đã lan ra khắp miền đất Mê Linh - Vĩnh Phúc, Tô Định đã tìm cách giết chết Thi Sách. Hành vi bạo ngược của Tô Định không làm cho Trưng Trắc sờn lòng, mà trái lại càng làm cho bà thêm quyết tâm tiến hành cuộc khởi nghĩa đánh đổ chính quyền đô hộ, áp bức của nhà Đông Hán, khôi phục độc lập, "đền nợ nước, trả thù nhà". Bà đã đặt nợ nước lên trên thù chồng. Trên đàn thề trước ba quân, bà nêu rõ mục tiêu của cuộc khởi nghĩa:

Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng

Ba kêu oan ức lòng chồng 

Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.

Ngày mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý (Năm 40 sau CN), Hai Bà Trưng đã cho quân sĩ lập đàn tế cáo trời đất, thề cùng tướng sĩ tiến hành cuộc khởi nghĩa. Lời tuyên thệ trong buổi lễ có đoạn:

“… Thiếp là cháu gái Vua Hùng thuở trước, hôm nay đau lòng thương dân vô tội, lấy nghĩa trừ tà. Nguyện xin các vị thần linh hội họp tại đêm này chứng giám và phù hộ cho Thiếp. Thiếp là Trưng Nữ dấy binh dẹp giặc, che chở dân lành, thu phục lại muôn vật cũ của tổ tông. Không phụ ý trời, thỏa mãn nơi đầu miếu của các bậc đế vương các đời, không phụ sự trông đợi của Tổ phụ nơi chín suối”. 

Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đã đứng lên dấy cờ khởi nghĩa, mở đầu lịch sử chống giặc phương Bắc xâm lược của dân tộc Việt Nam ta, bắt đầu bằng cuộc công phá thành Luy Lâu - Thủ phủ của chính quyền đô hộ nhà Đông Hán - Trung Quốc (Trên đất Thuận Thành, Bắc Ninh, ngày nay). 

Từ lâu, các tộc người Việt Nam ta ở các quận Giao Chỉ (tương đương một phần Quảng Tây- Trung Quốc và Bắc Bộ - Việt Nam  hiện nay), quận Cửu Chân (vùng đất Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nay), quận Nhật Nam (nay là miền đất từ dãy Hoành Sơn đến Quảng Nam) vô cùng căm giận chế độ áp bức, bóc lột tàn tệ của giặc Đông Hán. Cho nên khi nghĩa quân của Hai Bà Trưng dấy binh chống lại chính quyền đô hộ thì nhân dân trong các quận này hào hứng tham gia cầm vũ khí chống lại lũ quan lại và quân lính nhà Đông Hán. Được Nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu, chính quyền và đội quân nhà Đông Hán tan vỡ đến đấy. Các dân tộc Mán, Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố (nay thuộc Quảng Đông) đều hưởng ứng. Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, các cuộc khởi nghĩa ở khắp các địa phương được thống nhất thành một phong trào nổi dậy rộng lớn của quần chúng, từ miền xuôi đến miền ngược, bao gồm cả người Việt và các dân tộc khác trong nước Âu Lạc xưa. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã giải phóng được 65 huyện/ thành, nghĩa là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó.

 Tham gia cuộc chiến công phá thành Luy Lâu, cũng chính là thủ phủ - Châu trị và Quận trị của bọn đô hộ nhà Hán do thái thú Tô Định đứng đầu (nay thuộc thôn Lũng Khê, Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh), có các đội quân của nhị tướng quân Ả Tắc, Ả Dị là hai chị em ruột đóng quân ở Văn Lan (nay là thôn Văn Quan - Trí Quả) cùng hợp quân với quân binh của nữ tướng Lê Chân và nữ tướng Thánh Thiên từ An Dương (miền ven biển phía Đông, Hải Phòng ngày nay) tới, các vị nữ tướng này được cử làm tướng tiên phong tấn công thành Luy Lâu. Khi nghĩa quân của các nữ tướng công phá tòa thành và bắc thang vượt thành vây đánh quân của Tô Định, thấy nghĩa quân của ta nổi lên như vũ bão, quân tướng cùng bộ máy quan lại cai trị của nhà Đông Hán đều hoảng sợ  bỏ chạy, trên mình không còn một mảnh giáp. Để thoát thân, Tô Định phải cạo tóc, cạo râu, trà trộn vào đám loạn quân, vứt bỏ ấn tín mà theo nhau bỏ chạy thoát thân về Trung Quốc…     

Cuộc khởi nghĩa thành công, đất nước được hoàn toàn độc lập. Trưng Trắc được suy tôn làm Vua (Trưng Vương), đóng đô ở Mê Linh:

Đô Kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.

Hiểu rõ nỗi thống khổ của Nhân dân nên khi lên ngôi Vua, mặc dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng Trưng Vương đã có những quyết sách quan trọng như: Ra lệnh miễn thuế khóa cho Nhân dân trong hai năm, xóa bỏ chế độ lao dịch và binh pháp cũ... 

Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã lật nhào chính quyền nhà Đông Hán ở Giao Chỉ và Cửu Chân (Âu Lạc xưa), lập nên một triều đại mới, với một nền độc lập, quyền tự chủ dân tộc tuy chỉ trong gần 3 năm. Tin này được đưa về triều đình nhà Hán, vua Quang Vũ nhà Hán ngay sau đó đã chuẩn bị cho một cuộc phản công. Năm 42 (sau CN), Quang Vũ sai Phục Ba tướng quân Mã Viện đem 2 vạn quân chủ lực, cùng 2000 thuyền, xa kéo sang xâm lược nước ta bằng hai cánh quân thủy bộ Phục Ba tướng quân là Mã Viện, Lâu Thuyền tướng quân là Đoàn Chí đem quân ở các miền Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô lại sang nước Âu Lạc đánh Trưng Vương. Mã Viện trực tiếp chỉ huy cánh quân bộ, Đoàn Chí chỉ huy quân thủy. Tại Vân Đồn, Tướng Lê Chân của Hai Bà Trưng đã bố trí chặn đánh cánh quân thủy của Đoàn Chí. Đoàn Chí bị tử trận, quân thủy bị thiệt hại nặng. Mã Viện thâu tóm chỉ huy cả hai cánh quân thủy và bộ. Sau một năm cầm cự với giặc, nghĩa quân của Hai Bà đã chiến đấu vô cùng anh dũng. Nhị nữ tướng Ả Tắc, Ả Dị được giao nhiệm vụ cố thủ ở làng Văn Lan (Văn Quan, Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay) để bảo vệ thành Luy Lâu cũng anh dũng hy sinh tại trận tiền. Hai Bà vừa đánh vừa rút về Cẩm Khê (Yên Lạc, Vĩnh Phúc ngày nay). Mã Viện đón quân đuổi theo, Hai Bà đã quyết chiến đến hơi thở cuối cùng, về đến Hát Môn rồi gieo mình xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết, vào ngày mùng 8 tháng 3 năm Quý Mão (Năm 43 sau CN)… Đền Văn Quan và hàng chục di tích khác vẫn còn bên dòng sông Dâu xưa, trên đất Thuận Thành, Bắc Ninh nay, đã và mãi là nơi ghi dấu những chiến tích và cũng là nơi thờ các nữ tướng của Hai Bà Trưng, tiêu biểu như: Ả Tắc, Ả Dị, Tạ Thông, Đề Nương, Doãn Công, Đào Nương, Biểu Phật Nương…

 Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và triều đại Trưng Vương tuy chỉ giữ được độc lập tự chủ trong vòng 3 năm (40 - 43 sau CN) nhưng sự kiện lịch sử này đã mang một ý nghĩa to lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các thế hệ người Việt Nam sau này. Điều này được các sử gia đánh giá là một sự thức tỉnh của tinh thần dân tộc Việt, một sự tái nhận thức quan trọng về quyền sống theo cách riêng của người Việt. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng cũng phản ánh ý thức dân tộc đã khá rõ rệt của các Lạc tướng và Lạc dân trong các bộ lạc hợp thành nước Âu Lạc xưa do phụ nữ đứng đầu từ gần 2000 năm trước./.

                                                                                                                                                                                                                          NHO THUẬN

Ghi chú: 

* Các nhân vật này đều theo “Các bản thần tích ở nơi thờ họ, trong chính sử không thấy ghi chép.