Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

CÁC HỒ VỰC SÂU TRÊN HỆ THỐNG SÔNG TIÊU TƯƠNG XƯA
16:06 | 28/04/2021

1. Bến mắt rồng

Dòng Tiêu Tương chảy qua vùng Tiêu (có núi và Chùa Tiêu). Ở trên thế địa hình đất cao, nước chảy xiết, khoảng 800 mét hết địa phận xã Tương Giang đổ nước vào vùng Nội Duệ, trước tiên là thôn Duệ Nam và thôn Đình Cả "Đình Cả là Nội Duệ - Nội Duệ là Đình Cả". Khi có tổng Nội Duệ - Đình Cả là một làng rất lớn đông dân, vậy thôn Đình Cả là "Lõi" của Nội Duệ.

Căn cứ vào tấm bia "Họ phúc thần hiếu điền bi ký" tại lăng Quận Công Đỗ Nguyên Thụy dựng năm (1734) ở thôn Đình Cả thì khi đó Nội Duệ là một tổng thuộc huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc - tổng có 6 xã phường: Xã Nội Duệ (có Đình Cả và Lộ Bao), Xã Nội Duệ Khánh (Có xóm Long Bình và Thanh Bình), Xã Nội Duệ Nam (có thôn Duệ Nam), Xã Lũng Giang (có thôn Lũng Giang và Lũng Sơn), Xã Xuân Ổ (Ó) có Xuân Ổ A và  Xuân Ổ B, Giáo phường Tiên Du - phường hát Tiên Du (nay là thôn Duệ Đông)

Thời Bắc thuộc vùng Nội Duệ có 3 địa danh của 3 khu vực, nơi thấp trũng và lầy lội (có cả rừng ngập nước) là: Kẻ Trũng (rừng Lớn) nay là thôn Đình Cả, Kẻ Trũng (rừng Bươu) nay là thôn Lộ Bao, Cổ Lũng sông (làng trong sông) nay là thôn Lũng Giang.

Vùng Nội Duệ là đoạn giữa của sông Tiêu Tương. Do địa thế của Đình Cả (Nội Duệ) nằm trên một vùng thấp trũng. Cuốn lịch sử xã Nội Duệ xuất bản năm 1992 (trang 9) có viết: "Chảy qua Nội Duệ là sông Tiêu Tương, sông thì nhỏ, lòng thì hẹp và có nơi vực sâu, cả bốn thôn của xã đều nằm trọn trong uốn nếp của sông xưa". Trong đó còn lưu dấu hàng loạt địa danh thấp trũng như: Kẻ Chũng (Cổ Lũng) rừng lớn, rừng Bươu, Đồng Vạc, Bờ Hải, Cố Giang Tâm, Bãi Cả...

Trong thế tự nhiên bắt buộc, nước từ địa hình cao dội xuống đã tạo cho vùng đất thấp Đình Cả - Duệ Khánh - Lộ Bao có rất nhiều các vực sâu, vực sâu cũng là các bến cảng, bến chợ rất thuận tiện cho việc buôn bán bằng thuyền bè theo đường thủy đi các nơi trong vùng.

Đình Cả theo truyền miệng, cách nay khoảng 600 - 700 năm, cư dân trụ sống (bên tả) phía Bắc dòng Tiêu Tương. Làng có tên Cổ Lũng, Kẻ Trũng, vì thế hiện nay Bắc sông còn có rất nhiều di tích (cổ) như đền, chùa, lăng tẩm, bia đá. Đặc biệt có một ngôi chùa rất cổ "Cổ Lũng Tự" có tên gọi khác là Chùa Chũng rất bề thế, cổ kính và thâm nghiêm. Khu chùa còn có ngôi đền thờ hai vợ chồng tướng Phạm Ban (1008-1053) vợ là Công chúa Lý Huệ Nương con gái Vua Lý Thái Tông (theo thần tích).

Quần cư trụ sống trên một vùng đất trũng, nên thường xuyên có tai họa úng lụt xảy ra, nhân dân rất cực khổ, rồi họ chuyển cư sang (hữu sông) như hiện nay. Khi ở nơi đất cũ, trên sông có một cái hồ vực rất sâu, đồng thời cũng là bến của một thương cảng, thuyền bè buôn bán tấp nập ngày đêm, người ra gọi là Bến Mắt Rồng.

Tương truyền: Trên bờ bên cạnh mép sông, có thế đất hình mắt của một con "rồng lửa". Gặp những năm vào thời kỳ lụt úng, nước dâng cao đến mắt con rồng. Lập tức rồng lửa vì tức quá ngậm răng "phun lửa" về phía Đông - Bắc, làm cháy các khu dân cư phía Nam thôn Tam Tảo. Đã nhiều lần như vậy, dân nơi bị nạn ra sức kêu cứu. Đình Cả cho mời thầy "cao tay" về điểm trấn mạch, "yểm bùa" bằng một con rùa đá, rồi quay đầu rùa đá vào một miếu thiêng của xóm Thanh Bình, thôn Duệ Khánh. Miếu đó có tên là miếu "thắt cổ". Miếu linh thiêng bởi vì có một người con gái xinh đẹp bạc mệnh đã thắt cổ chết treo. Từ đó mọi việc được bình yên trong vùng.

Hiện ở phía Nam chùa Cổ Lũng tức là nơi xưa có mắt con rồng lửa, nay vẫn còn một con rùa bằng đá xanh, trên lưng là bia đá, chữ đã mờ. Con rùa quay đầu vào miếu thắt cổ của thôn Duệ Khánh. Cách con rùa về phía Bắc khoảng 4 mét có một mộ tháp, gọi là Bảo Nghiêm Tháp, nội dung đó có ghi: Phật danh - Thích Thiên Thọ, tên thật là Nguyễn Văn Húy Khiêm. Năm 20 tuổi thi đỗ làm quan trong triều Lê Cảnh Hưng tới chức Nội Giám; năm 26 tuổi do biến cố Tây Sơn, ông từ quan đi tu. Năm 58 tuổi ông về chùa làng trụ trì và tịnh diệt tại bản tự "Cổ Lũng Tự". Mộ tháp vị sư trên, các cụ cao niên trong làng và dân trong vùng đều cho là "Ngôi mộ trông coi việc trấn huyệt ở mắt Rồng Lửa".

Sông Tiêu Tương (xưa) nơi đây rất rộng, sau này đường xe lửa tuyến Hà Nội - Lạng Sơn đã đè toàn bộ lên lòng sông xưa.

2. Vực Duệ Khánh

Theo hạ nguồn thì dưới Đình Cả là thôn Duệ Khánh, đoạn này sông chảy uốn khúc, cư dân hai thôn sống sát nhau, nhưng theo dòng chảy thì Bến Mắt Rồng của Đình Cả và vực của Duệ Khánh cách xa nhau khoảng 400 - 500m.

Khi hình thành Tổng Nội Duệ thì xã Nội Duệ Khánh chỉ có hai xóm nhỏ là Long Bình và Thanh Bình đều ở phía Bắc (tả) sông Tiêu Tương - Đình Duệ Khánh ở xóm Thanh Bình (Bắc làng) đình thờ 3 vị thần là thành hoàng làng: Đống Lệnh Đại Vương (Thần đất), Thủy Hải Long Vương (Vua Long Vương), Lỗ Vực Quảng Uyên (Thần quản vực sâu)

Cứ xem việc thờ cúng thành hoàng Làng ở đình thôn Duệ Khánh, người ta đã hiểu rằng: Ở đây cả một vùng đất trũng thường xuyên bị lụt lội và ở đây có "Vực" rất sâu. Thể hiện có một câu chuyện theo truyền thuyết dân gian ở Duệ Khánh.

Ngày xưa trên thượng giới, có một nàng tên gọi Thụ Tiên Ngọc Nữ hóa thân từ một gốc cây mận già. Một hôm có cuộc gặp mặt các chủ tiên, Ngọc Nữ vô tình phạm lỗi với Thánh Tiên Vương Mẫu. Ngọc Hoàng Thượng Đế tức giận đày Ngọc Nữ xuống hạ giới. Đau buồn trước cơ duyên, nàng đi lang thang, đi mãi rồi dừng chân ở một vùng có sông dài, vực sâu, đầm rộng, có nhiều cây xanh hoa trái, chim bay bướm lượn. Nàng quyết định ở nơi này, kiếm cỏ tranh dựng một am nhỏ, đèn hương thờ phật để sám hối lỗi lầm.

Một lần, sau những giờ ngồi thiền định mệt mỏi, nàng bước ra khỏi am thư giãn. Do động tác vung tay chân quá mạnh, vô tình trong ống tay áo của nàng vung ra một viên ngọc đỏ đem theo xuống hạ giới. Viên ngọc đỏ văng xuống đất, biến thành một cái giếng sâu gọi là Giếng Ngọc. Viên ngọc rơi xuống làm thức tỉnh Long Vương Tĩnh Hải là vị thần vốn trú ngụ lâu ngày ở dưới vực sâu. Nay có tiếng động mạnh của viên ngọc, ngài mới nhớ công việc của trời giao cho. Khi tỉnh giấc, đầu tiên Long Vương Tĩnh Hải giúp dân đắp đê ngăn nạn nước gây hại cho dân. Với công lao đó Long Vương đã được thượng đế ban thưởng. Triều đình Vua Lý Thái Tông phong "Thủy Tĩnh Hải Vương" là thành hoàng Thượng Đẳng Thần, chiếu cho dân bản xã xây dựng lại ngôi chùa thờ phật và nàng Ngọc Nữ, lưu giữ Giếng Ngọc cho muôn đời.

Đời các Vua Lý, sông Tiêu Tương còn rộng nhiều nước, đây là tuyến đường thủy quan trọng trong việc thuyền bè đi lại buôn bán, cũng là tuyến giao thông thủy quan trọng của triều đình.

Một hôm Vua Lý trên đường vi hành qua Trang Duệ Khánh, thấy nơi thờ Phật tồi tàn quá, Vua đã cấp tiền trong ngân khố cho dân làm chùa lại, chùa được lưu giữ thời gian khá dài. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện "Tiêu thổ kháng chiến", tất cả bia đá, chuông khánh, tượng Phật đều vứt xuống Giếng Ngọc. Năm 1998 chùa Duệ Khánh có sư về trụ trì, nhà chùa đã huy động sức dân, nâng cấp và làm mới một số công trình. Năm 1999 - 2000, nhà chùa sửa lại Giếng Ngọc, trong khi nạo vét từ đáy giếng đã vớt được một số cổ vật, trong đó đặc biệt quan trọng có cây hương "Thiên Đài Thạch Trụ" do Lý trưởng xã Duệ Nam công đức. Từ cây hương có chữ Hán - dịch quốc ngữ, người ta càng hiểu rõ lai lịch của ngôi chùa này.

Cây hương "Thiên Đài Thạch Trụ" (báu vật). Hình vuông cao 1,5m, bề rộng của 4 mặt (bằng nhau) rộng 0,25m. Khi khai quật lên, trụ đá đã bị gãy đôi, nhưng các chữ trên đó hầu như nguyên vẹn, vẫn đọc được. Qua bản dịch sang quốc ngữ được biết: Bia đá được dựng vào đời Vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh 2, mùa xuân năm Bính Tuất (1706). Bia đá có tên "Cổ Châu Tự Thiên Đài Thạch Trụ". Trên bia có khắc 500 chữ Hán, cho biết chùa Duệ Khánh được xây dựng vào thời Vua Lý Thái Tông (1024 - 1044) và có gốc tích của ngôi chùa như tích truyện Ngọc Nữ ở trên.

Trong một khoảng ngắn đoạn giữa của sông Tiêu Tương, đó là vùng Nội Duệ gồm Duệ Nam, Đình Cả, Duệ Khánh, Lộ Bao là vùng thấp trũng nhất, gồm hồ vực sâu không những được thể hiện trong những truyện kể dân gian mà nó còn được lưu ghi trong chuông đồng, bia đá và sắc phong thành hoàng cho các nhân vật Thiên thần  cũng như Nhân thần còn được giữ đến đời nay và mãi mãi về sau trên dòng Tiêu Tương./.

                                                                                                                                                                                                         DƯƠNG MẠNH NGHĨA