Trang chủ Tin tức & Sự kiện

Bão số 4 gây mưa to ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
07:24 | 15/08/2018

 * Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các địa phương

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 5 đến 10km và có khả năng mạnh thêm. Ðến 22 giờ hôm nay (15-8), vị trí tâm bão ở khoảng 21,1 độ vĩ bắc; 111,3 độ kinh đông, trên bờ biển phía nam tỉnh Quảng Ðông (Trung Quốc), cách Hải Phòng khoảng 480km về phía đông.

 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 11. Ðến 22 giờ ngày 16-8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,5 độ vĩ bắc; 107,5 độ kinh đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh-Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Sau đó bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 15 đến 20km, vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão là cấp 3.

★ Hôm nay (15-8) ở phía Ðông Bắc Bộ có mưa rải rác; từ đêm nay đến ngày 17-8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa từ 250 đến 350mm/đợt). Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp gió mùa tây nam hoạt động mạnh, cho nên, ở khu vực giữa và Nam Biển Ðông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió tây nam mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2 đến 4m, biển động mạnh.

★ Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều. Ðến ngày 20-8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 3,85m, dưới BÐ2 0,15m; trên sông Hậu tại Châu Ðốc ở mức 3,25m, dưới BÐ2 0,25m. Nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng, ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Long An. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

★ Một số nơi thuộc tỉnh Kon Tum có mưa to đến rất to. Lượng mưa tại trạm Ðắk Ang là: 70mm, Ðắk Trăm 30mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ vùng núi và ngập úng cục bộ tại vùng trũng, đặc biệt là huyện Ðác Glei, Ngọc Hồi, Ðác Tô, Tu Mơ Rông.

★ Ðoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức đi kiểm tra tại tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Ðiện Biên và Lai Châu. Tại các tỉnh, đoàn sẽ kiểm tra phương án phòng chống thiên tai, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, tổ chức sơ tán dân, bảo đảm an toàn khu dân cư; bảo vệ đê điều hồ đập... Thời gian kiểm tra từ ngày 14 đến 17-8.

★ Chiều 14-8, Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đi kiểm tra điểm sạt lở tại xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La). Ðoạn sạt lở có chiều dài 500m, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tám hộ dân. Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn.

★ Tỉnh Quảng Ninh đã thông báo cho các chủ tàu, thuyền chủ động phòng tránh, neo đậu, gia cố lồng bè thủy sản, không để người dân ở lại tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ. Các lực lượng chủ động người và phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

★ Tỉnh Hà Nam yêu cầu các sở, ngành, cùng địa phương trong tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão và xả lũ hồ chứa, thực hiện nghiêm chế độ trực ban, tuần tra canh gác; rà soát các phương án phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và các khu dân cư ngoài bãi sông...

★ Tỉnh Thái Bình có Công điện số 18 yêu cầu các địa phương triển khai biện pháp bảo đảm an toàn đê điều; quản lý chặt các tàu, thuyền trên biển; chằng chống lồng, bè nuôi trồng thủy, hải sản; chuẩn bị vật tư, nhân lực, xử lý các sự cố theo phương châm "bốn tại chỗ"...

★ Tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức diễn tập PCLB và TKCN năm 2018. Theo đó, có ba tình huống giả định đưa ra được lực lượng của Quân khu 4 phối hợp chính quyền địa phương xử lý hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người, giảm thiệt hại về tài sản khi có thiên tai, lũ lụt xảy ra.

★ Tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các đơn vị triển khai phương án bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, đê điều, hạ du hồ chứa... sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở... Ðặc biệt, cần hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, cầu tràn, đường giao thông bị ngập.

★ Ngày 14-8, Ðoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đến kiểm tra công tác an toàn hồ chứa tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, sáu hồ thủy điện đã vận hành với tổng dung tích khoảng hai tỷ m3 nước, công suất lắp máy trên 330 MW. Ðoàn đã yêu cầu tỉnh cần xây dựng kịch bản điều tiết nước "3 trong 1"; lập phương án ứng phó thiên tai nhằm bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa…

★ Chiều 14-8, do ảnh hưởng của mưa lớn và gió giật mạnh trong thời gian dài, không đủ điều kiện cất, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) đã khiến nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng. Ðể bảo đảm an toàn, chuyến bay VJ279 từ Hải Phòng đi TP Hồ Chí Minh của hãng hàng không VietJet Air đã phải chuyển hướng, hạ cánh tại Ðà Lạt và chuyến bay VJ885 từ Cao Hùng (Ðài Loan, Trung Quốc) đi TP Hồ Chí Minh đã phải chuyển hướng, hạ cánh tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Ngay khi thời tiết tốt hơn, hai chuyến bay đã tiếp tục hành trình và về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, nhiều chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.

Sáng 14-8, tại xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý (Bình Thuận), mưa lớn kèm lốc xoáy làm 63 nhà ở thôn Thương Châu và Phú An bị tốc mái; nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái bị thiệt hại... Ước thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngành chức năng đang giúp dân sửa nhà, ổn định cuộc sống.

Trước đó, vào sáng 13-8, một cơn lốc xoáy ngoài bờ biển thuộc khu vực âu thuyền nhỏ ở thôn Phú An, xã Ngũ Phụng đã làm lật chìm sáu thuyền nhỏ của bà con neo đậu tại đây, trong đó có một thuyền bị hỏng hoàn toàn. Ước tổng thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

 

 

 

PV và CTV