Trang chủ HỌC TẬP LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Bác Hồ với Đền Đô
08:48 | 18/07/2018

 

 

Nguyễn Đức Thìn

     

Bác Hồ muôn vàn kính yêu, Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và đã để lại cho chúng ta “muôn vàn tình thương yêu”.

Thời đi hoạt động cách mạng, Bác đã lấy bốn bí danh họ Lý: Lý Thụy, Lý Mỗ, Lý Phát, Lý An Nam. Năm 1926, trong nhiều thiếu niên ra nước ngoài học tập, có 8 người được Bác cho mang tên họ Lý: Lý Tự Trọng, Lý Văn Minh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tự, Lý Nam Thanh, Lý Trí Thông, Lý Phương Đức, Lý Phương Thuận để tạo ra một dòng họ Lý cách mạng.

Bác đã viết “Diễn ca lịch sử Việt Nam”, khuyên rằng:

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam!”

Bác gắn bó với đồng bào, đồng chí và đã đến nhiều miền quê Tổ quốc. Đến đâu, Bác cũng am hiểu lịch sử ở nơi đó và chính Bác đã làm cho lịch sử ở nơi đó được ngời sáng, thành niềm tự hào của nhân dân.

Trong những năm tháng hoạt động và lãnh đạo cách mạng, mặc dầu bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn luôn quan tâm chăm sóc, ân cần chỉ giáo, động viên dìu dắt phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Ninh, của miền quê Kinh Bắc văn hiến - cách mạng vẻ vang. Người về thăm tỉnh Bắc Ninh tới 18 lần, trong đó có 4 lần về thăm làng Đình Bảng (một làng là một xã, nay là phường Đình Bảng thuộc thị xã Từ Sơn), nơi phát tích vương triều Lý và là một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam.

Lần đầu, ngày 13/9/1945, Bác về Đền Đô nơi thờ 8 vị vua nhà Lý. Hôm đó là một ngày thu nắng đẹp, mùng 8 tháng 8 năm Ất Dậu, giỗ vua Lý Thánh Tông, hoàng đế thứ ba của nhà Lý, người đặt quốc hiệu Đại Việt năm 1054.

Trong cảm xúc sung sướng mừng nước nhà được độc lập, từ sáng sớm các cụ và nhân dân Đình Bảng đã mang đồ lễ lên đền Đô làm lễ giỗ vua. Các cháu thiếu niên tiền phong còn được huynh trưởng cho mang theo bộ trống ếch lên đánh vang vang, làm cho không khí khắp sân đình thật rộn ràng.

Xe của Bác đến cổng đền thì dừng. Đồng chí cần vụ xuống xe, rồi mời Bác xuống. Nối tiếp là đồng chí thư ký và mấy đồng chí ở Trung ương cùng xuống xe và theo Bác đi vào đền.

Cụ Đội Phủng - người cao tuổi nhất làng khi đó, ông Hoàng Văn Tiến - chủ tịch UBND cách mạng lâm thời xã Đình Bảng, ông Nguyễn Tiến Giao - bí thư xã bộ Việt Minh, ông Hương Quỳnh, ông Hương Thân, em Thu Thuận - đội viên thiếu niên tiền phong và bao người cùng ùa tới chào Bác. Cụ Đội Phủng kính cẩn nắm chặt tay Bác, xúc động nói: “Kính chúc Cụ Hồ sống lâu muôn tuổi!”. Mọi người đồng thanh nhiều lần: “Kính chúc Cụ Hồ muôn tuổi!”.

Làng Đình Bảng nay là đất thiêng hương Cổ Pháp xưa “Lý nhân vi mỹ”, người người làm việc thiện, làng gắn liền với nước, hăng hái tham gia cách mạng. Mừng nước nhà độc lập, hạnh phúc biết bao khi được gặp Cụ Hồ. Đồng chí Hoàng Văn Tiến đã xen lời kính mời Bác vào nhà Tiền tế, thắp hương vào lư đồng trên hương án thờ Lý Bát Đế dưới bức đại tự “Cổ Pháp triệu cơ” (đất Cổ Pháp là nơi mở đầu dựng cơ nghiệp), tưởng nhớ Thái Tổ Lý Công Uẩn, người con của quê hương đã khởi lập vương triều nhà Lý, khai sáng Thăng Long vì muôn đời con cháu.

Mới tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam độc lập tại Ba Đình - Hà Nội được 10 ngày, công việc bận rộn nhưng Bác vẫn nhớ ngày giỗ vua Lý mà về Đền Đô cùng nhân dân tưởng niệm. Việc làm của Bác như nhắc nhở mọi người phải luôn ghi nhớ lịch sử dân tộc, uống nước nhớ nguồn đối với tiền nhân, với người có công với nước, với dân.

Sau khi dâng hương lên Lý Bát Đế, các cụ và lãnh đạo xã Đình Bảng mời Cụ Hồ nói chuyện với dân làng. Đứng giữa sân rồng Đền Đô - trung minh đường “Đài sen ngát hương thơm đưa về” - Bác Hồ ân cần nói chuyện với đồng bào, đồng chí. Từng lời của Bác, người người lắng nghe, khắc ghi trong lòng:

“Hôm nay, thay mặt Chính phủ!

Tôi về Đình Bảng thăm đồng bào và cùng đồng bào tưởng nhớ công ơn của Lý Bát Đế. Hơn 80 năm qua, nước nhà bị thực dân Pháp thống trị, dân ta bị bóc lột đến tận xương tủy. Nhờ có cách mạng thành công mà nước nhà được độc lập, nhân dân ta được tự do. Nhưng hiện giờ nước nhà còn khó khăn về kinh tế. Vì vậy đồng bào phải hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, sẵn sàng diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Lễ quí hồ tinh không quí hồ đa. Trâu đang rất cần cho sản xuất chống đói, các cụ và bà con không nên thịt trâu để làm lễ giỗ Vua. Lễ vân, lễ vân, bạch ngọc vân hồ tai. Nhạc vân, nhạc vân, chung cổ vân hồ tai. Lễ cốt ở lòng thành, cứ gì có mâm bạch ngọc mới là quý. Khi lễ lòng ta tưởng như có nhạc, đâu cần bên chuông, bên trống mới là nhạc. Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Đình Bảng đã góp công đối với lịch sử và cách mạng, là quê hương phát tích nhà Lý và là một cơ sở quan trọng của Đảng từ những ngày Tiền khởi nghĩa. Đình Bảng vốn có truyền thống cách mạng, cần phát huy để xứng đáng là một làng cách mạng kiểu mẫu...”

Đồng chí Hoàng Văn Tiến thay mặt dân làng Đình Bảng đã hứa với Bác: “Xin vâng lời Cụ Hồ dạy!”. Mọi người cùng đồng thanh hứa với Bác Hồ: “Xin vâng lời Cụ Hồ dạy!”.

Thật là lạ, người định như thiên định, sau đó Bác Hồ đã cùng với Quốc hội và Chính phủ quyết định lấy Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để mãi mãi Thăng Long do Thái Tổ Lý Công Uẩn khai sáng năm 1010 vẫn là trái tim của Tổ quốc thân yêu. Đất thiêng rồng bay lên trung tâm của đất trời như khi Thái Tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra định đô Thăng Long vì muôn đời con cháu.

Lần thứ tư Bác về Đình Bảng là ngày 17/12/1955 dự “Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất của Đoàn Bắc - Bắc”. Bác lại đến thăm Đền Đô. Ngôi đền lịch sử không còn nữa do đã bị thực dân Pháp phá hủy khi chiếm đóng Đình Bảng năm 1952. Giữa khu phế tích Đền Đô, Bác Hồ đã biểu dương tinh thần hi sinh chiến đấu giữ làng, giữ nước của nhân dân ta. Thấy trên nền đền còn tấm bia “Cổ Pháp điện tạo bi” ghi lịch sử triều Lý do cụ Trạng Bùng (Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan) soạn dựng năm 1604, Bác xem, dịch nghĩa những chữ còn lại cho mọi người nghe và nhắc nhở mọi người phải bảo tồn những di sản văn hóa của ông cha để lại. Khi có điều kiện Chính phủ và nhân dân ta sẽ xây dựng lại Đền Đô thờ Lý Bát Đế.

Rồi Bác Hồ vào hội trường là ngôi nhà lớn lợp gianh mới dựng trên nền đền, nói chuyện với cán bộ dự “Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất của Đoàn Bắc - Bắc”. Bác nêu bật những thắng lợi đã đạt được trong mấy đợt cải cách ruộng đất vừa qua là lãnh đạo được nông dân đánh đổ thế lực phong kiến, đưa lại ruộng đất và chính quyền xã về cho nông dân lao động, chấn chỉnh được tổ chức của xã, củng cố chính quyền dân chủ ở nông thôn. Bác cũng chỉ rõ những khuyết điểm để mỗi người cùng ra sức sửa chữa.

Chuyện Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Ninh 18 lần, trong đó bốn lần về thăm làng Đình Bảng, lần đầu về Đền Đô ngày 13/9/1945 đã được in trong nhiều sách báo của Trung ương và địa phương. Các cụ già ngày nay thường nói với con cháu: “Những kỷ niệm về Bác Hồ với quê hương, đất nước là những chuyện truyền đời cho mọi người đều biết, đều nhớ công ơn Bác Hồ”.

Lời Bác Hồ nói tại Đền Đô lần đầu khi Người về thăm được chép ghi trang trọng tại Đền Đô, đình làng Đình Bảng, trụ sở Ủy ban nhân dân phường Đình Bảng. Các cụ và bà con ai cũng ghi nhớ để từng ngày làm theo lời Bác.

Giờ đây, làng Đình Bảng từ một xã đã lên phường, được Nhà nước tặng bằng khen “Có công với Nước” và danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Đội thiếu niên du kích Đình Bảng cũng là “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Đảng bộ và nhân dân Đình Bảng luôn đoàn kết, vâng lời Bác Hồ dạy, phấn đấu xây dựng Đình Bảng đã anh hùng trong chiến đấu càng anh hùng trong lao động xây dựng cuộc sống mới góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đền Đô đã được Đảng bộ, Chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Người cao tuổi Đình Bảng chủ động vận động nhân dân tự nguyện góp công, góp của, chọn ngày mùng 8 tháng 8 năm Kỷ Tỵ - 1989, đúng dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm Đền Đô lần đầu (mùng 8 tháng 8 năm Ất Dậu, 1945) động thổ khởi công xây dựng lại. Đồng chí Lê Quang Đạo, người con của Đình Bảng, khi đó là Chủ tịch Quốc hội đã tham gia cùng dân làng trong việc làm đại nghĩa này.

Việc phục dựng Đền Đô nhận được sự quan tâm lớn của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các hậu duệ nhà Lý, khách thập phương và cả bạn bè quốc tế công đức đầu tư xây dựng.

Đền Đô là công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đền Đô giờ đây khang trang, đàng hoàng, to đẹp như Bác Hồ mong muốn, như lòng dân mong muốn. Đây là nơi đầy cảm xúc thiêng liêng, gắn bó tất cả mọi người thiện tâm mong muốn hòa bình và hạnh phúc.

Đền Đô ngày nay là biểu tượng hào khí Thăng Long, biểu tượng của chiến thắng, bằng chứng về sức sống mãnh liệt, lòng nhân ái uống nước nhớ nguồn của nhân dân Việt Nam anh hùng, là hạ tầng đặc biệt để phát huy nội lực của quê hương. Đền Đô đã và đang xứng đáng là nơi tôn nghiêm để nhân dân cả nước hành hương theo chân Bác tới phụng thờ các vị vua nhà Lý và bạn bè quốc tế giao lưu tìm hiểu lịch sử cũng như càng thêm yêu quý đất nước và con người Việt Nam. Đền Đô, nơi Bác Hồ về lần đầu trong 18 lần về thăm tỉnh Bắc Ninh là điểm sáng hành hương về nguồn huyền diệu tâm linh, khí thiêng hội tụ, lấp lánh hồn nước, tình quê, tình người, là sự lôi cuốn tiềm ẩn, điểm hẹn của mọi du khách.

Người về Đền Đô dù vào mùa nào, ngày nào cảm giác đều như có làn gió lành thổi vào mình hồn dân tộc, dạt dào tình quê, tình người mà thêm yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống, nhân lên niềm tự hào và trách nhiệm, đoàn kết hứng khởi lao động xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ mong muốn, như lòng mình mong muốn. Đã có trên 80 cụ được dân làng tiến cử vào Ban Quản lý di tích Đền Đô luôn gương mẫu “cơm nhà việc đền” ngày ngày tiếp đón khách thập phương về vui như trẩy hội, 4 hướng dẫn viên vui vẻ tiếp và giới thiệu rõ từng hạng mục công trình.

Đền Đô thiêng liêng trong tình cảm của Bác Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 1991, Trung tâm sách “Kỷ lục Việt Nam” tôn vinh “Đền Đô thờ tám vị vua triều Lý được nhiều người biết đến nhất” ngày 17/4/2011. Ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận “Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý là Di tích Quốc gia đặc biệt”.

Vinh danh hào khí Thăng Long, vinh danh thời đại Hồ Chí Minh, Người về Đền Đô nhân lên niềm tin chiến thắng, nối nghìn xưa với nghìn sau:

“Nghìn xưa Đại Việt - Thăng Long,

Nghìn sau sáng đẹp con rồng Việt Nam!”

Về Đền Đô, du khách không là nhà thơ vẫn muốn làm thơ, không là ca sĩ vẫn muốn hát, lắng lòng nghe liền anh liền chị mảnh đất quê hương vua Lý hát theo các làn điệu dân ca:

“Đền Đô một sớm Bác về,

Mà như thấy cả trời quê rực hồng

 Làm theo lời Bác đồng lòng,

Dựng xây bảo vệ non sông huy hoàng”./.