Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

BỨC TƯỢNG ĐÀI VỀ NGƯỜI CHIẾN SỸ
08:34 | 14/07/2021

NGUYỄN HỮU QUÝ

 

Khát vọng Trường Sơn

 

Nằm kề nhau 

Những nấm mộ giống nhau 

Mười nghìn bát hương 

Mười nghìn ngôi sao cháy

Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng 

Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn 

Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn 

Mười nghìn đôi tay mở rừng xẻ núi 

Mười nghìn đôi chân bám trên trọng điểm  

Mười nghìn đôi mắt ngước hỏi mây chiều 

Mười nghìn ngọn đèn thắp miền giông bão 

Mười nghìn bếp ấm giữa lòng rừng xanh 

Mười nghìn cơn mưa , mười nghìn cơn nắng 

Mười nghìn trận sốt bạc rừng nguyên sinh 

Mười nghìn chiếc gậy của thời đôi mươi 

Mười nghìn nếp nhăn hằn lên trước tuổi 

Mười nghìn vết đau , mười nghìn vòng trắng 

Mười nghìn mái tóc bị phát quang dần 

Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn 

Mười nghìn bài ca trong bài ca lớn

Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc 

Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta 

Mười nghìn con đò thương về bến đợi 

Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa ...


Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa 

Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn 

Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương 

Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng 

Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng...

Mười nghìn khát vọng được về bên nhau!

 

(Rút trong tập “Mười nghìn khát vọng”)

 

Thơ Việt Nam hiện đại viết về đề tài thương binh liệt sỹ có tới hàng nghìn bài đã được đăng tải trên các sách báo. Trong đó nhiều bài thơ đã nổi tiếng như: Núi đôi của Vũ Cao , Quê hương của Giang Nam, Đôi mắt, Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu,  Khoảng trời và hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thiết có anh tôi của Hữu Thỉnh… Khát vọng Trường Sơn của Nguyễn Hữu Quý là một bài thơ khác, một bức tượng đài bằng thơ, tạc bằng hình tượng và ngôn ngữ, thực và ảo, kỳ vĩ và thiêng liêng giữa núi rừng Trường Sơn trùng điệp.

Bài thơ được sáng tác sau chuyến viếng thăm nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Ở đấy đúng là “Mười nghìn bát hương/ Mười nghìn ngôi sao cháy”. Cảm xúc thơ được bắt đầu từ một nghĩa trang cụ thể trước muôn ngàn những nấm mộ nằm kề nhau. Nhà thơ với sức liên tưởng xa rộng và sâu sắc đã phác họa lại hầu như toàn cảnh hình ảnh người chiến sỹ Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ. Một bức tượng đài hoành tráng sinh động và kỳ vĩ. Ở đó là điệp trùng đội ngũ, là gian khổ hết mức và hy sinh vô cùng lớn lao. Người chiến sỹ của chúng ta đã phải: Vai gánh Trường Sơn mở rừng xẻ núi, với những mái tóc bị phát quang dần, với những cơn sốt bạc rừng nguyên sinh... để đổi lấy chiến thắng 30 tháng Tư và sự toàn vẹn của Tổ quốc. Trong bức tượng đài kỳ vĩ này còn có hình ảnh của hậu phương, của những người mẹ quá đỗi thân thương:

Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc 

Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta 

Mười nghìn con đò thương về bến đợi 

Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa …

Nêu bật những hy sinh, mất mát to lớn của chiến tranh, khẳng định công lao vĩ đại của những người lính, Nguyễn Hữu Quý còn dành 6 câu thơ kết của bài để nhắc nhở và cảnh báo những người đang sống: Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/ Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/ Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng…

Bài thơ này chỉ có 30 câu mà có tới 28 câu điệp từ Mười nghìn. Thủ pháp nghệ thuật này đã gây được ấn tượng rất mạnh. Đó chính là 30 đợt sóng liên tiếp vỗ vào tâm thức của người đọc, vừa hào sảng vừa xót xa. Nó khiến tâm hồn ta vừa rộng mở vừa nhói đau. Tứ thơ lạ với rất nhiều liên tưởng tài hoa, xa rộng và vô cùng sâu sắc. Bức tượng đài bằng thơ kỳ lạ và hoành tráng này, đã đem về cho Nguyễn Hữu Quý giải thưởng cao nhất trong cuộc thi thơ 1995 - 1996 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Một tác phẩm thơ lớn viết về đề tài thương binh liệt sĩ trong nền văn học cách mạng của nước ta./.

                                                                                                                                                                                                        NGUYỄN ANH THUẤN