Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

BIA LƯU NIỆM
09:39 | 21/12/2021

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, biết bao cán bộ, chiến sỹ đã ra đi mãi mãi. Các Cựu chiến binh (CCB) của Đại đội 18 - Thông tin, Trung đoàn 14, Hoài Ân, Sư đoàn 3 - Sao Vàng như những “hạt gạo trên sàng” còn may mắn trở về từ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, luôn trân trọng và tưởng nhớ các anh, những người đồng đội trung kiên, dũng cảm. Công trình “Bia lưu niệm một thời đơn vị đóng quân chiến đấu trong chiến dịch ngàn ngày giữ đất” đã được dựng lên tại thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

 Năm 2012 lần đầu tiên đoàn Hội CCB Đại đội 18 - Thông tin, sống trên 19 tỉnh, thành trong cả nước đã nhớ và tìm đến nhau, trong đó có nhiều CCB quê hương tỉnh Bắc Ninh. Về thăm thôn Vạn Hội, xã Ân Tín nơi đơn vị đóng quân từ năm 1973 đến hết chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày ấy, dưới gốc cây thị trong khu vườn của một bà cụ ở một mình, là nơi đặt trụ sở Ban chỉ huy đại đội và các tổ phục vụ. Hôm về thăm bà cụ đã mất, toàn bộ khu vườn vẫn nguyên, dân làng rất mong đơn vị phối hợp làm một cái gì đó để giữ lại một thời chiến tranh.

Từ thực tế trên và trăn trở của những người lính đã từng chiến đấu, được nhân dân đùm bọc, che chở. Năm 2015 đơn vị vào thăm lần thứ hai, được lãnh đạo huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định và nhân dân ủng hộ. Năm 2016 Ban liên lạc CCB đại đội 18 Thông tin đã phát tâm đóng góp kinh phí xây dựng Bia lưu niệm. Việc làm nhận được sự đồng thuận cao, sự nhiệt tình đóng góp kinh phí của các cá nhân trong toàn hội, đã nhanh chóng lan tỏa đến các hội viên khác, trong đó một số hội viên Hội bạn chiến đấu Trung đoàn 141 khu vực Hà Nội; khu vực huyện Tiên Du, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; khu vực huyện Cẩm Giàng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tại lễ phát động đã thành lập Ban quản lý xây dựng cụ thể, để thay mặt Hội tổ chức thực hiện giám sát thi công.

Ban liên lạc CCB Đại đội 18- Thông tin, Trung đoàn 141, Sư Đoàn 3 - Sao Vàng, cùng lãnh đạo huyện Hoài Ân

cắt băng Khánh thành Bia lưu niệm,  tại thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Được địa phương giúp đỡ tạo điều kiện khởi công xây dựng, đến nay công trình hoàn thành. Một tấm bia đá chiều ngang 2,56m; cao 1,52m; dày 0,15m đặt trong khuôn viên có dòng chữ “Bia lưu niệm: Nơi đây, xóm 3 thôn Vạn Hội 2, Đại đội 18 Thông tin, Trung đoàn 141 (Đoàn Hoài Ân), Sư đoàn 3 đóng quân chiến đấu trong chiến dịch “Ngàn ngày giữ đất” từ tháng 6 năm 1973 đến tháng 3 năm 1975”. Phía ngoài tấm bia là tường xây bao quanh có diện tích 63m2, trong diện tích khuôn viên 250m2. Tổng kinh phí 180 triệu đồng. Quá trình thi công đã khắc phục khó khăn, thực hiện đúng tiến độ.  

Trong buổi Lễ cắt băng khánh thành có đông đủ lãnh đạo huyện Hoài Ân, lãnh đạo các xã Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Phong. Điều ý nghĩa hơn là công trình nằm ngay dưới gốc cây thị nhiều trăm năm tuổi. Khi cây thị được tôn vinh là cây di sản, thì đó là một điều tuyệt vời cho công trình trong khuôn viên trung tâm của làng Vạn Hội.

Ông Huỳnh Kiệm (Diệp) năm nay gần 90 tuổi cho biết: Trong thời gian đơn vị ở đây tôi là cán bộ địa phương, trực tiếp huy động dân làng, ai có cái gì giúp bộ đội cái đó, từ cánh cửa, thành giường, bàn, ghế, cây que… cùng bộ đội giữ chốt, tình cảm giữa nhân dân và bộ đội quý nhau lắm, không tiếc cái gì. Hôm nay, được dự lễ khánh thành bia tưởng niệm bản thân tôi và cả dân làng rất vui mừng, từ đây làng có một mốc son ghi dấu ấn một thời, đó là ý nguyện của cả làng. Chúng tôi sẽ nhắc nhở con cháu giữ gìn công trình thật cẩn thận để cho thế hệ sau có tài liệu nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử quê hương.

Ngày diễn ra buổi lễ, do được thông báo từ trước, đoàn đến nơi bà con đã có mặt khá đông khu vực gốc cây thị của làng để đón khách. Nhận ra người quen sau hơn 40 năm xa cách, ai nấy mừng mừng, tủi tủi, cảm động nhất phải nhắc đến hai chị em Đặng Thị Lự khi đó 12 tuổi, em trai là Đặng Văn Thông 4 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, mẹ mất sớm, bố xa nhà, tuổi thơ sống giữa thời loạn lạc chiến tranh, bà con trong làng kinh tế cũng chẳng khấm khá gì. Đại đội 18 - Thông tin đã nhận hai cháu làm con nuôi, hàng ngày đến bữa hai chị em cầm bát đến bếp ăn tập thể, được nhận phần cơm, cứ như vậy trong suốt thời gian đơn vị đóng quân trên địa bàn. Kết thúc chiến tranh, một bộ phận phối hợp với tiểu đoàn Công binh trở lại vùng đất này để thực hiện nhiệm vụ dò gỡ bom mìn. Hết đợt, đơn vị được lệnh chuyển ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Thủ trưởng đã đặt vấn đề với địa phương là cho hai cháu theo ra ngoài Bắc, gửi vào trung tâm để tiện chăm sóc và tạo điều kiện cho hai cháu ăn học. Tuy nhiên hai chị em không muốn xa nhau và xa quê. Lãnh đạo địa phương đã hứa là hòa bình rồi, sẽ thực hiện tốt những gì có thể giúp cho các cháu.

Hôm nay sau  hơn 40 năm gặp lại, em bé Đặng Thị Lự năm xưa, nay đã lên chức bà, còn em Đặng Văn Thông cũng xây dựng gia đình có hai cháu nhỏ. Khi biết tin đoàn về lại thăm chiến trường xưa, hai chị em cùng các cháu ra tận đầu xóm để đón đoàn. Coi các bác, các chú là những người thân lâu ngày mới được gặp lại. Trong buổi cắt băng khánh thành Bia lưu niệm, chị và các cháu cứ tíu tít giúp các chú hoàn thành công việc hậu cần. Điều rất mừng là ngoài khách mời, dân làng đến rất đông, vượt kế hoạch của Ban Tổ chức. Họ đến không phải tò mò, mà mong tìm gặp người quen cũ, ai ở nhà mình, ai còn ai mất. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, ôn lại chuyện xưa cùng nhau đánh giặc, những đêm cùng bộ đội đào hầm, sửa sang công sự, làm việc khẩn trương không tính toán thiệt hơn, hôm nay nhắc lại cứ như trong mơ. Đó mới là tình cảm, đó mới là hạnh phúc. 

Buổi tối, đơn vị và địa phương tổ chức đêm giao lưu văn nghệ. Nội dung chủ đề đem lời ca, tiếng hát ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Đặc biệt tiết mục “Chú gà rừng” của Kim Ngọc Thước, quê Vĩnh Phúc. Ngày xưa, trong các buổi sinh hoạt đơn vị cũng như giao lưu văn hóa văn nghệ với dân làng, Kim Ngọc Thước thường hát bài “tủ” này. Hôm nay cũng vậy, khi ông cất tiếng hát, nhiều người được nghe lại bùi ngùi xúc động, các cháu thiếu nhi ùa lên tặng hoa, chúc mừng một thời chiến binh của người lính già.

Trong đời chiến đấu của các chiến sỹ Đại đội 18 Thông tin nói riêng, của Trung đoàn 141, Hoài Ân, Sư đoàn 3 - Sao Vàng, nơi đây người lính được ở một chỗ lâu nhất; cùng bộ đội lên chốt làm hầm, sửa sang công sự giữ chốt Núi Chéo, Chốt 82 và Chốt 174… để bảo vệ thành quả trong chiến dịch “Ngàn ngày giữ đất” vùng giải phóng, từ năm 1972 đến ngày toàn thắng. Tình cảm đó không vui sao được, không xúc động sao được. Bởi kết thúc chiến tranh, đơn vị hành quân ra Bắc chiến đấu tiếp, sau hơn 40 năm mới gặp lại biết bao nhiêu kỷ niệm ùa về. 

Công trình hoàn thành là sự thống nhất cao của nghĩa tình đồng đội, tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm trong các hoạt động của CCB Đại đội 18 Thông tin. Đây là nơi lưu giữ những kỷ niệm của đơn vị thời kỳ gian khổ, ác liệt của chiến tranh. Nơi gửi gắm một chút công sức của các anh đã âm thầm xây dựng cuộc sống cho đất nước hòa bình hôm nay. Nơi gắn kết nghĩa tình một thời để hồi sinh mãi mãi. Đó là tấm lòng tri ân đối với những đồng đội đã ngã xuống vì màu xanh của miền đất ấy, và cũng là lời hứa nhân dân Hoài Ân khi lập hồ sơ xin phép xây dựng Bia lưu niệm. Việc làm có ý nghĩa sẽ để lại cho địa phương một địa đỏ ghi dấu tích một thời đấu tranh oanh liệt của quân và dân huyện nhà. Góp phần đưa công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Để xây dựng một nhà truyền thống, một bia tưởng niệm, một tượng đài ở cấp đại đội, cả nước không có nhiều. Thời gian trôi đi không trở lại, các CCB Đại Đội 18 Thông tin, Trung đoàn 141, Hoài Ân, Sư đoàn 3 -  Sao Vàng đã làm một việc rất ý nghĩa cho cuộc đời, đóng góp một chút lửa hồng để thổi hồn vào khát vọng và ý chí dựng xây cuộc sống phồn vinh cho thế hệ con cháu mai sau./.

                                                                                                                                                                                                          LÊ KHAM