Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

“VẦNG TRĂNG BA ĐÌNH” QUA MỘT BÀI THƠ
15:02 | 12/05/2021

Mùa hè năm 1976, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam hơn một năm, có một đoàn cán bộ chiến sỹ quân giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Địa chỉ đầu tiên mà đoàn đến viếng thăm đó chính là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm ngay cạnh quảng trường Ba Đình. Trong đoàn cán bộ này có một nhà thơ, nhà báo, một chiến sỹ giải phóng quân 10 năm lăn lộn ở chiến trường miền Nam, đó chính là nhà thơ Viễn Phương, tác giả của bài thơ nổi tiếng Viếng lăng Bác, sau này được nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc với tựa đề rất hay là Vầng trăng Ba Đình. 

VIẾNG LĂNG BÁC

 

 Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác 

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát 

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam 

 Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng. 


Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng 

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ 

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ 

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

 

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên 

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền 

Dẫu biết trời xanh là mãi mãi 

Mà sao nghe nhói ở trong tim.


Mai về miền Nam thương trào nước mắt 

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây 

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này./.

                                 

                                               VIỄN PHƯƠNG               

                                Tháng 6 năm 1976

 Nhân vật trữ tình của bài thơ này đứng ở ngôi thứ nhất: Con. Đó cũng chính là tác giả, chủ thể của bài thơ. Xuất hiện ở ngôi vị này, nó giúp cho nhà thơ có thể trực tiếp diễn tả tâm trạngvà nhận xét của mình khi viếng thăm lăng Bác. Câu thơ đầu tiên chỉ mang tính đề dẫn: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Nhưng đến câu thơ thứ hai thì không chỉ là quan sát, nhận xét mà còn là tư tưởng “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”. Mọi người chúng ta đều biết rằng quanh khu vực lăng Bác có rất nhiều các loại cây, ở khắp mọi miền của Tổ quốc đã hội tụ về đây để ru giấc ngủ cho Người. Nhưng nhà thơ Viễn Phương chỉ chọn một loại cây tiêu biểu để diễn tả trong bài thơ của mình, đó chính là cây tre. Một hàng tre bát ngát đang mơ màng trong khói sương, đang rì rào khúc ru cho giấc ngủ của Người. Vì sao như vậy? 

 Mọi người chúng ta đều biết rằng: Cây tre từ ngàn đời nay vốn gắn bó với làng quê Việt Nam. Nó chính là một biểu tượng của nhân dân, của dân tộc Việt nam: Bền bỉ, dẻo dai, cần cù, nhẫn nại và tràn đầy sức sống bất diệt. Cây tre tượng trưng cho bản lĩnh kiên cường và tâm hồn nhân ái của người Việt. Hình ảnh hàng tre bát ngát xung quanh lăng Bác nói lên một chân lý vĩ đại: “Dù đã đi xa nhưng Bác Hồ của chúng ta vẫn mãi mãi trường tồn trong lòng dân tộc mình, trong lòng Tổ quốc mình”. Hai câu thơ tiếp theo khẳng định sức sống vĩ đại và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt:

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Ở khổ thơ thứ hai với bốn câu, có hai câu thơ tuyệt hay, khẳng định tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải chỉ riêng đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với toàn nhân loại. 

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng 

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.        

Chúng ta đều biết rằng trong vũ trụ, mặt trời là một vì tinh tú cần nhất cho sự sống của muôn loài. Nếu không có mặt trời thì sự sống trên trái đất sẽ không còn tồn tại. Thái dương hệ bao la sẽ vô cùng tối tăm, lạnh giá và ảm đạm. Nhưng chính ông mặt trời tự nhiên vĩ đại này lại thừa nhận và khẳng định một mặt trời thứ hai, rất đỏ, đang nằm yên nghỉ trong lăng ở quảng trường Ba Đình. Đó chính là mặt trời Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của chúng ta. “Ngày ngày… rất đỏ” thủ pháp nghệ thuật điệp từ tuyệt vời của nhà thơ Viễn Phương, ngợi ca Bác Hồ,  nhưng vẫn  đầy sức thuyết phục.

Và, nếu như mặt trời trong vũ trụ có khá nhiều vệ tinh quay quanh mình như mặt trăng, trái đất, sao Mộc, sao Kim... thì mặt trời Hồ Chí Minh còn có muôn triệu cháu con, kết thành những vòng hoa bất tận xung quanh Người:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ 

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

Bốn câu thơ tiếp theo nhà thơ tiếp tục khẳng định sự bất tử của Bác Hồ. Người đã hóa thành vầng trăng giữa quảng trường Ba Đình. Người đã hóa thành trời xanh vĩnh cửu của dân tộc Việt Nam. Nhưng ở hai câu thơ này:

Dẫu biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Thì nỗi đau mất Bác vẫn còn quá lớn. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dẫu biết Bác đã trở về cõi tiên, cõi phật, nhưng tấm lòng của đồng bào miền Nam nói riêng và cả nước nói chung vẫn khôn nguôi nhớ Người. Khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, thì nỗi nhớ thương này càng tăng lên gấp bội. Nhà thơ như muốn khóc òa lên: Mai về miền Nam thương trào nước mắt! 

Nhưng nhà thơ của chúng ta vốn là một người lính, một chiến sỹ quân giải phóng, anh biết nén đau thương để làm một cái gì đó đền đáp công ơn của Người: 

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác 

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây 

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này. 

Muốn làm con chim, muốn làm đóa hoa, muốn làm cây tre... đứng trong hàng ngũ điệp trùng của dân tộc Việt Nam, đi theo con đường của Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn. Không phải chỉ là mong muốn của tác giả bài thơ này mà còn là mong muốn của tất cả chúng ta, những thế hệ con, cháu, chắt… của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương không chỉ khẳng định được tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn bày tỏ tình cảm nhớ thương, tấm lòng kính trọng của Nhân dân đối với Bác Hồ. Bài thơ còn bao hàm ý tưởng vô cùng to lớn: Sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ trường tồn cùng với non sông và con cháu của Người./.

                                                                                                                                                                                                                                        NGUYỄN ANH THUẤN